Bị cô lập và bắt nạt khi ngồi trên ghế nhà trường, cô bé này đã nghĩ ra ứng dụng cứu giúp bao bạn trẻ đồng cảnh ngộ
Tài năng không đợi tuổi - Bấy nhiêu đó có lẽ vẫn chưa đủ để nói hết về những đức tính đáng quý của cô gái tài năng này.
Natalie Hampton là cô gái đã luôn phải chịu đựng cảnh cô đơn một mình không có ai nói chuyện vào giờ nghỉ ăn trưa trong suốt 2 năm lớp 7 và 8 của mình. Là học sinh nhập học sau tại một trường tư dành riêng cho nữ ở Los Angeles, Hampton trở thành đối tượng bị trêu chọc, đùa cợt của nhóm bạn nữ khác, khiến cho cô bé tách biệt khỏi bạn bè trong lớp, bị gọi bằng những biệt danh khó nghe và thậm chí còn hứng chịu những hành động uy hiếp, bắt nạt. Chúng dành những lời lẽ thô tục cho Hampton, bình phẩm ngoại hình của cô bé và nói rằng cô sẽ không bao giờ có ai chơi cùng cả. Được biết, đã có lần Hampton bị nhốt vào tủ đồ riêng, cào cấu và đe dọa bị giết chết.
Hampton sợ hãi không dám tố cáo nhóm bạn kia, lo rằng mình sẽ bị trả thù. Điều đó khiến cho trường học khi ấy chỉ là cơn ác mộng. Hampton sợ hãi đến không ăn không ngủ, tình trạng đó kéo dài trầm trọng đến nỗi cô bé phải nhập viện. Chính mẹ của Hampton cũng phải chia sẻ rằng đó là “khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời họ”.
Sau đó, Hampton chuyển sang học ở một trường công khác mà cô bé tự tay chọn cho mình, cảm thấy rằng đây là một môi trường mang tính cộng đồng cao. Giờ cô đã trở thành một thiếu nữ 16 tuổi và cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc, vui vẻ khi đã có một quyết định vô cùng đúng đắn vào thời điểm trước đó. Ở đây, Hampton kết thân với một nhóm bạn và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Nhưng những ký ức đau buồn về khoảng thời gian 2 năm trung học vẫn luôn là nỗi ám ảnh không thể nào quên khi cô bị cô lập và đối xử tàn nhẫn bởi chính những người bạn học của mình.
Từ đó, Hampton luôn có một mong muốn rằng tất cả những đứa trẻ đồng trang lứa đều sẽ không phải trải qua cảm giác lo sợ bị cô lập giống như mình. Vì vậy, cô bé đã nghĩ ra một ý tưởng có thể giúp cho mọi người tìm thấy cho bản thân một người để nói chuyện trong giờ nghỉ trưa cùng mà không lo bị phán xét, đánh giá hay bình phẩm ác ý như những gì cô từng trải qua.
Cụ thể, Hampton đã tự tay phát triển một ứng dụng có tên “Sit With Us” (Hãy ngồi cùng chúng tôi), một nền tảng để các thành viên tham gia có thể đăng ký và cho biết “trạng thái” của riêng mình nếu như bạn đang có một chỗ trống bên cạnh và muốn tìm ai đó để nói chuyện cùng. Ngược lại, những ai còn đang phân vân không biết tìm chỗ ở đâu có thể dựa vào đó để gặp những người bạn mới, hoặc ít nhất là có một buổi trưa hứng khởi, nhiều niềm vui.
Đặc biệt, một khi đã đặt trạng thái để mời những thành viên khác tham gia, mỗi người đều phải trải qua một bước xác nhận, cam kết sẽ đối xử hòa nhã và tôn trọng đối với bất kỳ ai tìm đến mình.
“Khoảng thời gian dành cho bữa trưa, dù nhỉ thôi nhưng thực ra lại vô cùng quan trọng trong trải nghiệm của mỗi người về môi trường học tập mà mình sẽ gắn bó trong suốt những năm ở đây,” Hampton chia sẻ. “Không yêu cầu nhiều nhặn và đáng kể gì đâu, nhưng nếu tất cả mọi người đều có một tư tưởng chung như mục tiêu ứng dụng này được lập ra để hướng đến, thì cách nghĩ của mỗi người sẽ được thay đổi theo tính chất hoàn toàn tích cực, mang đến một điểm khác biệt rất lớn về suy nghĩ và thói quen trước đó.”
Cũng phải nói thêm rằng đã có những nghiên cứu khoa học thật sự ủng hộ quan điểm trên của Hampton. Tháng 1 vừa qua, các chuyên gia đến từ những trường Đại học Rutgers, Princeton và Yale kết luận rằng khi học sinh chủ động đứng lên chống lại những tác động tiêu cực của bạo lực học đường, đặc biệt là khi nó không thực sự xuất phát từ giáo viên hay các cơ quan có thẩm quyền, thì hiệu quả của nó càng lan tỏa hơn bao giờ hết.
Chính tay họ đã điều tra và thu thập thông tin về trường hợp xảy ra đối với một nhóm bạn cố gắng lên tiếng tuyên truyền và khởi động chiến dịch nói không với bạo lực học đường ở ngay chính ngôi trường của mình. Kết quả thật bất ngờ: Xác suất thông báo về những vụ việc không đáng có đã giảm đến 30%.
Bạo lực học đường thật sự đã, đang và vẫn sẽ luôn là một vấn đề của thế hệ trẻ cần được để tâm đến và giải quyết triệt để. Bất cứ ai cũng có trách nhiệm làm vậy, kể cả Nhà Trắng cũng đã tạo ra một điều luật mới liên quan đến khía cạnh này. Được biết, thống kê trước đó cho thấy 25% số học sinh được hỏi thừa nhận mình từng bị bắt nạt trong những năm học phổ thông của mình. Và đáng chú ý hơn, 64% trong số đó không có ý định báo lại với người phụ trách.
“Vẫn còn đó một mục tiêu duy nhất cần được hiện thực hóa qua hội nghị này, đó là xóa bỏ định kiến rằng bạo lực học đường chỉ là một vấn đề không đáng kể. Hãy gạt bỏ suy nghĩ đó ngay lập tức,” Tổng thống Obama phát biểu vào năm 2010.
Vừa qua, ứng dụng của Hampton – cô bé nay đã hoàn toàn lột xác, trở thành một nhân tố tích cực trong mọi hoạt động xã hội ngoại khóa trong và ngoài trường lớp – đã được giới thiệu chính thức trước toàn thể sự tham gia và có mặt của ngôi trường mình đang theo học. Được biết, cô bé đã vinh dự được mời đến hội thảo “Girls Can Do” tại Washington vào tháng 11 tới đây để thuyết trình về trải nghiệm cũng như quan điểm riêng của mình.
Những nỗ lực trên quả thật đã không khiến Hampton phải thất vọng. Hàng loạt các trung tâm giáo dục và học thuật trong nước đã liên hệ với hai mẹ con để có thể được khuyến nghị và nhận lời tư vấn hoàn hảo nhất cho quá trình áp dụng nền tảng trên vào môi trường dạy và học của họ.
“Thật hạnh phúc khi được chứng kiến con gái tôi trưởng thành như vậy,” Carolyn Hampton, mẹ Natalie chia sẻ. “Con bé luôn cố gắng chống chọi, vượt qua những khó khăn trước mắt và quả thực đã thành công trên cả mong đợi.”
Khi Natalie chuyển sang học ở trường mới, cô bé đã nhanh chóng có rất nhiều người bạn thân thiết xung quanh mình. Và mặc dù chỉ là một người mới đến, Natalie cũng dễ dàng nhận thấy nhiều người khác không may mắn có nhiều bạn chơi cùng, vì vậy chính em đã chủ động đến rủ họ cùng hòa nhập và chơi đùa vui vẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người trong số đó đã thay đổi 180 độ, trở thành một cá nhân hoạt bát, năng nổ trong nhóm bạn của em.
“Thật may mắn làm sao khi em có cơ hội được bày tỏ và chia sẻ cảm xúc của mình với những người bạn tuyệt vời khác,” Natalie vui mừng bộc lộ.
Tham khảo: WashingtonPost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android