Bi kịch của Yahoo lặp lại với Intel: Tiếc 1 tỷ USD đầu tư vào OpenAI, giờ hối hận nhìn thị trường trăm tỷ USD rơi vào tay kẻ khác

    Nguyễn Hải,  

    Hóa ra nhiều năm trước khi trở nên nổi danh, OpenAI từng chào mời Intel đầu tư cổ phần vào công ty nhưng bị từ chối vì cảm thấy AI tạo sinh không có tương lai.

    Chứng kiến cuộc đua trí tuệ nhân tạo đang diễn ra sôi động như hiện nay, hơn ai hết có lẽ Intel đang là công ty ước có thể quay ngược thời gian để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào OpenAI, công ty đang dẫn đầu làn sóng AI tạo sinh hiện nay. Thông tin này được tiết lộ bởi các nguồn thân cận với vấn đề.

    Theo Reuters, vào khoảng 7 năm trước, vào năm 2017 Intel đã có cơ hội mua cổ phần trong OpenAI, khi đó còn là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận non trẻ trong lĩnh vực AI tạo sinh. Trong suốt nhiều tháng của năm 2017 và 2018, các lãnh đạo của hai công ty đã thảo luận về nhiều phương án, bao gồm việc Intel mua 15% cổ phần với giá 1 tỷ USD tiền mặt. Họ cũng xem xét khả năng Intel nắm giữ thêm 15% cổ phần nếu sản xuất và bán phần cứng AI cho OpenAI theo giá vốn.

    Bi kịch của Yahoo lặp lại với Intel: Tiếc 1 tỷ USD đầu tư vào OpenAI, giờ hối hận nhìn thị trường trăm tỷ USD rơi vào tay kẻ khác- Ảnh 1.

    Tuy nhiên, Intel cuối cùng đã quyết định không theo đuổi thương vụ này. Một phần nguyên nhân là do CEO lúc bấy giờ, Bob Swan, không tin rằng các mô hình AI tạo sinh sẽ sớm ra thị trường và mang lại lợi nhuận cho khoản đầu tư của Intel. Ngoài ra, bộ phận trung tâm dữ liệu của Intel cũng không muốn sản xuất và bán sản phẩm theo giá vốn.

    Đối với OpenAI, việc hợp tác với Intel có thể giúp họ giảm sự phụ thuộc vào chip của NVIDIA và xây dựng cơ sở hạ tầng riêng. Tuy nhiên, khi thương vụ không thành, Microsoft đã nắm bắt cơ hội và đầu tư hàng tỷ đô la vào OpenAI trong các năm 2019, 2021 và 2023, đưa công ty này trở thành một "ông lớn" trong lĩnh vực AI.

    Quyết định không đầu tư vào OpenAI của Intel đã góp phần vào sự tụt hậu của công ty trong kỷ nguyên AI. Từ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chip máy tính vào những năm 1990 và 2000, Intel hiện đang vật lộn để tung ra sản phẩm chip AI đột phá ra thị trường.

    Trên thực tế Intel không phải không quan tâm đến AI. Từ năm 2010, công ty đã thực hiện ít nhất 4 nỗ lực để sản xuất chip AI, bao gồm việc mua lại hai công ty khởi nghiệp về chip AI như Nervana Systems và Habana Labs. Tuy nhiên, không nỗ lực nào trong số đó có thể cạnh tranh được với NVIDIA hoặc AMD trên thị trường AI đang phát triển nhanh chóng và sinh lợi.

    Hiện tại, Intel đang bị NVIDIA và AMD vượt xa trong cuộc đua AI. Giá trị thị trường của Intel đã giảm xuống dưới 100 tỷ USD lần đầu tiên trong 30 năm, trong khi NVIDIA đạt giá trị 2,6 nghìn tỷ USD và AMD đạt 218 tỷ USD.

    Để cải thiện tình hình, Intel đang đặt kỳ vọng vào chip AI Gaudi thế hệ thứ ba, dự kiến ra mắt trong quý 3 năm nay. CEO Pat Gelsinger tuyên bố chip này sẽ vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh và công ty đã có "hơn 20" khách hàng cho Gaudi thế hệ thứ hai và thứ ba. Intel cũng lên kế hoạch ra mắt chip AI Falcon Shores vào cuối năm 2025.

    Câu chuyện Intel bỏ qua cơ hội thâu tóm OpenAI để trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua AI tạo sinh làm gợi nhớ đến câu chuyện về việc Yahoo từng bỏ qua cơ hội thâu tóm công cụ tìm kiếm Google và cuối cùng sụp đổ khi thất bại trong cuộc đua công cụ tìm kiếm và mạng xã hội trên môi trường internet. Liệu điều này có lặp lại với Intel, hãy để tương lai trả lời. 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ