Bí mật đằng sau chiêu trò kiếm hàng chục triệu USD từ buôn giày Nike: Rửa tiền và đa cấp

    Băng Băng , Nhịp sống thị trường 

    Từ sản phẩm để đi dưới chân, những đôi giày Nike đã trở thành công cụ đầu cơ, đa cấp và rửa tiền trong kinh doanh online như thế nào?

    Bí mật đằng sau chiêu trò kiếm hàng chục triệu USD từ buôn giày Nike: Rửa tiền và đa cấp - Ảnh 1.

    Vào một ngày tháng 5/2022, một máy bay tư nhân đáp xuống Eugene-Mỹ với 2 người đàn ông. Đây là hai trong số những thành viên mạng lưới buôn giày đa cấp của Michael Malekzadeh (Zadeh), ông chủ của hãng Zadeh Kicks, một trong những hệ thống bán giày lớn nhất trên thị trường thứ cấp của Mỹ.

    Thế nhưng với 2 người đàn ông đến Eugene và nhiều thành viên khác, họ tập trung lại ở kho chứa gần 60.000 đôi giày của Zadeh chỉ để đòi lại tiền, hoặc ít nhất là những đôi giày chưa được nhận của mình sau quãng thời gian dài chờ hàng. Cảnh sát được gọi đến để giải quyết và mọi người phải ra về trong nỗi bực tức bị lừa đảo.

    Tất cả những đôi giày trong kho ở Eugene đã bị sang tên đổi chủ và đang bị thanh lý nhằm trả các khoản nợ của hãng, và chẳng ai làm gì nổi Zadeh nữa ngoài việc kiện ra tòa.

    Bí mật đằng sau chiêu trò kiếm hàng chục triệu USD từ buôn giày Nike: Rửa tiền và đa cấp - Ảnh 2.

    Michael Malekzadeh

    Rửa tiền và đa cấp

    Hãng tin Bloomberg cho hay trong vòng 4 năm, Zadeh đã nhận đặt hàng trước những đôi giày Nike còn chưa được ra mắt với mức giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Câu chuyện này khiến nhiều người tò mò vì chẳng hiểu tại sao Zadeh làm được điều đó với số lượng lớn đến như vậy.

    Chiến lược của Zadeh là làm mọi cách để đẩy giá giày lên cao, thu mua số lượng lớn để tạo nên sự khan hiếm và kích cầu trên thị trường thứ cấp. Thế nhưng nguồn giày từ đâu lại thành câu đố.

    Trong khi đó giới chơi giày lại tò mò, đồn đoán rằng Zadeh hưởng lợi từ việc mua hàng số lượng lớn được giảm giá, hoặc nhờ mối quan hệ từ người vợ cũ đang làm giám đốc chuỗi bán giày Foot Locker Inc.

    Tuy nhiên sự thật có là gì thì Zadeh cũng nhanh chóng trở thành ông lớn trên thị trường bán giày thứ cấp khi vô số người mua đổ tiền vào đây để bán lại tiếp cho người đến sau, tạo nên một mạng lưới đa cấp. Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến nhỏ đã trở thành quân bài của Zadeh trong việc tiêu thụ hàng hóa.

    Mặc dù vậy, nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho hay chẳng có bí mật gì ở đây cả, Zadeh chỉ đơn giản là chờ cho đến khi mẫu giày ra mắt và mua lại trên thị trường, sau đó bán lại cho các nhà phân phối thứ cấp trong mạng lưới. Chính điều này khiến thời gian đợi hàng của người mua giày Zadeh lâu hơn, thậm chí đến cả năm trời.

    Trong bản cáo trạng tháng 7/2022, các công tố viên liên bang đã cáo buộc Zadeh rửa tiền, lừa đảo khi thường xuyên bán giày với mức giá lỗ. Nếu không có đủ hàng thì đôi khi Zadeh sẽ chi tiền bồi thường khoản đặt trước của khách hàng nhưng nguồn tiền từ đâu thì lại không rõ ràng.

    Bởi vậy, các công tố viên đã nhận định mô hình kinh doanh bán giày kiểu đa cấp trị giá 85 triệu USD của Zadeh không chỉ mang tính chất lừa đảo người tham gia, mà còn có dấu hiệu rõ ràng của việc rửa tiền, biến những đồng tiền phạm pháp thành hợp pháp thông qua kinh doanh bán giày.

    Bí mật đằng sau chiêu trò kiếm hàng chục triệu USD từ buôn giày Nike: Rửa tiền và đa cấp - Ảnh 3.

    Biên bản tòa án ghi rõ rằng Zadeh đã quảng cáo, nhận đơn hàng và thu tiền từ khách hàng đặt mua giày dù biết rõ bản thân chẳng thể đáp ứng được hết những thỏa thuận này. Thậm chí người vợ Bethany Mockerman làm quản lý tài chính cho mạng lưới này cũng bị cáo buộc thông đồng với chồng. Nếu bị buộc tội, cặp đôi này sẽ phải lãnh án 30 năm tù.

    Đáp trả, phía luật sư của Zadeh cho rằng họ chỉ đơn giản là không đáp ứng kịp nhu cầu quá lớn của khách hàng khi thị trường bùng nổ trong và hậu đại dịch.

    Hãng tin Bloomberg cho hay thị trường giàu thứ cấp trên thế giới đã bùng nổ mạnh những năm gần đây. Số liệu của hãng TD Cowen cho thấy tổng giá trị thị trường giày mua đi bán lại này tại Bắc Mỹ đã vượt 2 tỷ USD với vô số nhà đầu cơ và những chân rết bán hàng.

    Dù người sưu tập giày hay cá nhân mua sử dụng khá nhiều nhưng chính những kẻ đầu cơ, bán hàng trong các mạng lưới đa cấp mới là tay chơi chính khi bỏ hàng trăm nghìn USD mua những lô giày lớn và thao túng giá trị thị trường.

    Phần lớn các đôi giày như của Nike trên thị trường này thuộc những bộ sưu tập hiếm hoặc mới ra mắt, chưa có nhiều trên các cửa hàng phân phối chính thức, tạo cơ hội cho những kẻ như Zadeh trục lợi.

    Theo Bloomberg, mô hình của Zadeh khiến vô số những nhà đầu cơ chỉ với 1.000 USD cũng có thể kiếm lời từ buôn giày độc. Thế nhưng khi mạng lưới đổ bể thì hàng nghìn người khác trong hệ thống phải lao đao với hàng triệu USD tiền nợ bốc hơi. Sự tức giận của mọi người khiến Zadeh thậm chí phải đi trốn dù đã cố gắng bán tháo hàng tồn kho để trả nợ.

    Làm giàu không khó?

    Những người quen của Zadeh cho biết tên này tốt nghiệp đại học Oregon và đã bắt đầu bán giày trực tuyến trên eBay từ năm 2010. Ban đầu Zadeh bán những thương hiệu giày nổi tiếng như của Nike nhưng gặp khó vì cạnh tranh gay gắt.

    Thế rồi kể từ khi sáng lập nên Zadeh Kicks năm 2013, mô hình kinh doanh của Zadeh thay đổi với việc thu hút khách hàng đặt cọc mức giá họ cảm thấy có lời, mua với số lượng lớn và chờ đợi lúc các hãng giày ra mắt sản phẩm với giá cao hơn.

    Trò chơi này đem lại lợi nhuận cho vô số người tham gia bán giày trực tuyến và thu hút thêm nhiều người ham làm giàu nữa tham gia với lời quảng cáo: “Ngồi nhà bán giày cũng giàu”.

    Bí mật đằng sau chiêu trò kiếm hàng chục triệu USD từ buôn giày Nike: Rửa tiền và đa cấp - Ảnh 4.

    Khi đại dịch diễn ra năm 2020, lượng khách hàng mua giày trực tuyến và trên thị trường thứ cấp bùng nổ, Zadeh được cho là đã kiếm hàng triệu USD mỗi tháng. Kẻ buôn giày đa cấp này bắt đầu sống cuộc đời xa hoa với xe sang và biệt thự.

    Thế nhưng cuộc chơi của Zadeh lại chấm dứt khi Nike tung ra sản phẩm “Air Jordan 11 Cool Grey” vào Giáng sinh năm 2021 với giá 225 USD ngoài cửa hàng. Trong khi đó Zadeh bán đôi giày này chỉ với 115 USD.

    Thông thường Zadeh sẽ bán giày lại cho mạng lưới và bù lỗ bằng nguồn tiền không rõ ràng cho những trường hợp không có đủ hàng. Thế nhưng trong ngày ra mắt, Zadeh nợ tới hơn 600.000 đôi giày trên tổng số 1,2 triệu đôi được tung ra thị trường. Hậu quả là Zadeh không kiếm được hàng cho quá nhiều hợp đồng đã thanh toán, đẩy mức bồi thường vượt quá giới hạn chịu đựng.

    Tệ hơn, Zadeh vẫn còn nợ hàng chục nghìn đôi “Air Jordan 4 Retro Military Black” đã nhận tiền, được Nike ra mắt trong tháng 5/2022. Hậu quả là Zadeh quyết định chấm dứt mạng lưới đa cấp này vào đầu năm 2022 bằng cách sang tên đổi chủ cho người khác.

    Đến khi phiên tòa diễn ra vào tháng 7/2022, vô số người đã mất tiền khi tham gia mạng lưới của Zadeh, từ những cá nhân chỉ mua nhỏ với 200 USD cho đến những nhà đầu cơ chi hẳn 1 triệu USD mua hàng.

    *Nguồn: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ