Bí quá hóa liều: Trung Quốc nhọc nhằn phát triển AI bằng đồ cũ, phải chấp nhận thiếu linh kiện, dùng hàng cấp thấp chắp vá thay thế
“Tuy nhiên nếu họ thực sự thành công thì những lệnh cấm vận của Mỹ sẽ hoàn toàn vô tác dụng”, giám đốc phân tích Dylan Patel của hãng tư vấn SemiAnalysis nhận định.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết Trung Quốc đang phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo bằng những linh kiện thay thế cấp thấp do chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận Mỹ. Tình trạng này đã tạo ra những phát minh “dở khóc dở cười” tại Trung Quốc.
Cụ thể, bài phỏng vấn điều tra của WSJ cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách hạn chế phụ thuộc vào chip điện tử Phương Tây, đồng thời tích hợp nhiều dòng chip cũ để hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một nhà cung ứng khi phát triển trí thông minh nhân tạo (AI).
Đi tiên phong cho xu thế này là hàng loạt những ông lớn như Huawei, Baidu hay Alibaba và điều đáng ngạc nhiên hơn là đã có những thành công nhất định cho con đường này.
Dùng hàng tích trữ
Cuộc đua phát triển các sản phẩm AI tương tự như ChatGPT yêu cầu doanh nghiệp cần những dòng chip càng khỏe càng tốt nhằm giảm chi phí phát triển công nghệ này. Một bộ chip khỏe sẽ giảm lượng điện cũng như số lượng chip tích hợp để AI có thể hoạt động.
Thế nhưng Trung Quốc lại đang bị Mỹ cấm vận công nghệ, nhất là những dòng chip điện tử hiện đại của Nvidia, hãng thống trị mảng chip cho AI hiện nay.
Hậu quả là các doanh nghiệp Trung Quốc bị cắt cung ứng khỏi dòng chip Nvidia A100 hiện đại nhất ngày nay dùng cho phát triển AI. Họ cũng bị ngăn cách với dòng H100 mới được hãng này cho ra mắt vào tháng 3/2023.
Để đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ mà không bỏ qua thị trường béo bở Trung Quốc, Nvidia đã tạo ra dòng chip thấp cấp hơn là A800 và H800. Tính năng của 2 sản phẩm này yếu hơn nên chỉ đủ dùng phát triển các mẫu AI quy mô nhỏ như hệ thống thuật toán cho ứng dụng video Tiktok.
Với những mô hình AI cỡ lớn cần đến hàng trăm nghìn chip điện tử thì 2 dòng chip này chỉ là hàng thứ cấp.
Theo dự báo của UBS, các doanh nghiệp sẽ cần phải dùng đến 5.000-10.000 chip A100 để đào tạo những hệ thống AI cỡ lớn như ChatGPT.
Chính vì yếu tố này mà hiện Trung Quốc đã tích trữ khoảng 40.000-50.000 chip A100 trước khi lệnh cấm vận Mỹ có hiệu lực. Riêng những tập đoàn như Alibaba và Baidu thì đã ban hành lệnh cấm chặt chẽ rằng dòng chip hiện đại này chỉ có thể dùng cho những dự án nghiên cứu trọng điểm.
Thậm chí Baidu đã cấm việc dùng A100 ở hầu hết các dự án nghiên cứu, bao gồm cả mảng xe tự lái của mình. Thay vào đó họ dồn số chip này sang cho mảng Ernie Bot, một chatbot tương tự như ChatGPT.
Mặc dù Baidu đã thử dùng những dòng chip nội địa như DCU của Hygon, Ascend của Huawei hay Kunlun do chính họ phát triển nhưng không một sản phẩm nào thực sự ổn định và hiệu quả cho hệ thống AI cỡ lớn.
Chắp vá
Giáo sư Yang You của trường đại học quốc gia Singsapore cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang phải chắp vá, dùng những chip cấp thấp bao gồm A800 để tổ hợp lại cho ra cụm xử lý dữ liệu có hiệu quả tương đương A100.
Vào tháng 4/2023, Tencent đã cho ra mắt cụm tổ hợp sử dụng hàng loạt chip Nvidia H800 để phát triển hệ thống AI cỡ lớn.
Phương án “bí quá hóa liều” này của Tencent được đánh giá là khá tốn kém bởi trong khi một doanh nghiệp Mỹ chỉ cần 1.000 chip H100 thì Trung Quốc sẽ phải dùng hơn 3.000 chip H800 để đạt cùng kết quả.
Tình trạng khan hiếm chip tiên tiến đã buộc những hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc phải thử dùng kết hợp chắp vá nhiều loại chip khác nhau để cho ra hiệu quả tương ứng.
Ví dụ Alibaba, Bidu và Huawei đã thí nghiệm kết hợp V100, P100, những dòng chip cũ của Nvidia A100, kết hợp cùng Ascend của Huawei để phát triển hệ thống AI.
Ngoài chắp vá chip, các doanh nghiệp Trung Quốc còn kết hợp hàng loạt phần mềm khác nhau cho phát triển AI nhằm đạt hiệu quả tối ưu nhất trong bối cảnh bị cấm vận công nghệ.
Vào tháng 3/2023, Huawei đã tuyên bố thành công xây dựng được mô hình đào tạo ngôn ngữ lớn LLM mang tên Pangu mà chỉ dùng chip Ascend do họ phát triển thay vì chip Nvidia.
“Nếu họ thực sự thành công thì những lệnh cấm vận của Mỹ sẽ hoàn toàn vô tác dụng”, giám đốc phân tích Dylan Patel của hãng tư vấn SemiAnalysis nhận định.
*Nguồn: WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming