Bloomberg: Facebook là "mỏ vàng" đối với giới buôn bán Việt Nam

    Kuroe,  

    Quả thật, với việc số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam ngày một tăng cao, đặc biệt là người trẻ, đã biến mạng xã hội này trở thành nền tảng vô cùng thuận lợi để phát triển các hoạt động kinh doanh.

    Đ.Q hiện đang nắm trong tay một hệ thống cửa hàng mỹ phẩm và nước hoa với hơn 200 nhân viên. Bí quyết thành công của chàng trai 25 tuổi này? Chính là mạng xã hội Facebook.

    Đối với rất nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, thì Facebook là một kênh bán hàng hết sức hiệu quả để thay thế cho việc đứng ra mở một cửa hàng riêng. Đ.Q cũng không phải là ngoại lệ, khi cậu đi lên từ việc tạo một trang Facebook page để bán mỹ phẩm cho những người bạn ở trên mạng xã hội, với số vốn ban đầu chỉ chưa đầy 10 triệu đồng.

    Facebook có thể coi là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, dù cho nó đã từng một lần bị chặn trong quá khứ. Hiện tại Việt Nam có khoảng 95 triệu dân, phần đông trong số họ sử dụng Facebook làm nơi chia sẻ các thông tin liên quan tới cá nhân cũng như để gây dựng các mối quan hệ trong công việc. Nhiều người khác thì coi mạng xã hội này như một kênh bán hàng online vô cùng hiệu quả.

    Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam hiện tại
    Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam hiện tại

    "Bản thân bên trong chính phủ Việt Nam cũng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh mạng xã hội này," ông Vũ Tú Thành, đại diện của hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean tại Việt Nam cho biết. "Các bộ ngành chịu trách nhiệm phát triển kinh tế thì có ý muốn thúc đẩy các hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội. Trong khi đó, với các bộ ngành chịu trách nhiệm kiểm soát các luồng thông tin, thì Facebook lại là một rào cản lớn."

    Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa đón nhận những tập đoàn lớn thuộc thung lũng Silicon, trong đó có cả tập đoàn Alphabet. Chính sách của Việt Nam trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc, khi mà quốc gia này đã chặn Facebook, Google và Twitter để mở đường phát triển cho các dịch vụ trong nước như WeChat, QQ, Baidu và Weibo. Trước đây Việt Nam cũng đã từng xây dựng mạng xã hội của riêng mình, nhưng không thành công.

    Giờ đây Đ.Q đang quản lý 4 cửa hàng mỹ phẩm và một Spa tại thành phố Hồ Chí Minh. Cậu sử dụng tài khoản Facebook với hơn 200.000 người follow để quảng bá cho các hoạt động kinh doanh của mình.

    "Mạng xã hội là thứ đã giúp tôi thành công. Chỉ cần Facebook còn tồn tại, thì các hoạt động kinh doanh của tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển." - Đ.Q chia sẻ.

    Facebook không triển khai dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, vậy nên các hoạt động kinh doanh thông qua Facebook chủ yếu sẽ dưới dạng khách liên hệ với Page để đặt hàng, và thanh toán tiền cho người vận chuyển.

    Một ví dụ khác là H.S, 29 tuổi, đã nghỉ việc tại một công ty vật liệu xây dựng vào năm 2011 để mở một trang Facebook chuyên bán các phụ kiện thời trang, và ở thời điểm hiện tại anh đang có trên dưới 100.000 follower.

    Theo nhận định của ông Joe Nguyễn, phó chủ tịch chi nhánh của ComScore tại Châu Á Thái Bình Dương, người Việt dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn bất kỳ một quốc gia Đông Nam Á nào, và họ luôn sẵn sàng sử dụng nó làm nền tảng kinh doanh.

     Theo dự báo, tới năm 2021 sẽ có gần 60 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook

    Theo dự báo, tới năm 2021 sẽ có gần 60 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook

    "Chúng tôi chưa từng thấy quy mô lớn như vậy ở bất kỳ quốc gia nào khác. Có vẻ như người Việt Nam luôn có nhu cầu muốn kinh doanh một thứ gì đó để tăng thêm thu nhập."

    Về phía Facebook, đã có nhiều buổi Workshop được tổ chức để hỗ trợ các mô hình kinh doanh nhỏ tại Việt Nam. Đồng thời theo lời của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Facebook cũng hỗ trợ chính phủ Việt Nam thông qua việc đồng ý xóa hàng trăm tài khoản chuyên đăng tải các nội dung phản động, chống phá, cũng như các loại tin tức giả mạo.

    Trường hợp của Facebook cũng giống như những gì mà Apple gặp phải tại Trung Quốc, khi mà họ tiến hành xóa các ứng dụng theo yêu cầu của chính phủ, để phù hợp hơn với văn hóa tại quốc gia này.

    "Nếu như họ không tìm ra cách để hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia sở tại, thì nguy cơ các dịch vụ của họ bị cấm là rất cao."

    Theo thống kê của nhà kinh tế học Nguyễn Trí Hiếu, thương mại điện tử hiện đang đóng góp 10% cho nền kinh tế của Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, các hoạt động kinh doanh bắt nguồn từ Facebook đã giúp có thêm 2,3% dân số ở độ tuổi lao động có được việc làm.

    "Số lượng người sử dụng Facebook bùng nổ tạo thành điều kiện thuận lợi để người trẻ ở Việt Nam khởi nghiệp qua mạng xã hội" - nhà kinh tế này nhận định.

    Với việc Facebook càng ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt, thì việc kiểm soát, hay thậm chí là cấm Facebook sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới rất nhiều người coi đây là nền tảng kinh doanh chính - từ đó gián tiếp làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

    "Facebook nay đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam, cũng đồng thời là một mỏ vàng lớn," - V.C, 25 tuổi, hiện đang là chủ của một chuỗi dịch vụ Spa tại Việt Nam và đang trên đà mở rộng ra nhiều quốc gia Đông Nam Á khác chia sẻ.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày