Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản

    PHƯƠNG GIẤY SPIDERUM, Theo Helino 

    Mèo là thú cưng được người Nhật cực kì ưa chuộng, nhưng với bản tính hiếu động, chúng “bỏ nhà ra đi” như cơm bữa. Nhiều gia đình sẵn sàng chi một số tiền lớn để tìm lại người bạn nhỏ của mình, thông qua Đội cứu hộ động vật đi lạc.

    Mèo trong đời sống văn hóa Nhật

    Mèo từng được tôn sùng như những vị thần ở Ai Cập cổ đại. Chúng trở thành vật nuôi ở Nhật Bản từ thế kỉ thứ 9, trong đó con mèo đầu tiên là của Hoàng đế Uda (867-971). Không chỉ giới quý tộc mà cả các gia đình thường dân cũng ưa chuộng loài vật này. Mèo là loài lành tính, và trong xã hội hiện đại, chúng là niềm an ủi với những người già cô đơn.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 1.

    Người lớn tuổi thích bầu bạn với mèo vì chúng hiền lành và nũng nịu

    Nhật Bản hiện có khoảng 9,53 triệu con mèo được nuôi trong gia đình. Mèo cũng trở thành hình ảnh đại diện cho nhiều thương hiệu. Trong một báo cáo năm 2016 của trường Đại học Kansai, ngành công nghiệp kinh doanh các sản phẩm liên quan đến mèo đóng góp vào nền kinh tế cả nước khoảng 2,32 nghìn tỷ yên. Mayumi Asano, chủ một cửa hàng lưu niệm cho biết, mỗi ngày cô nhận được rất nhiều những đơn hàng đặt mua Mèo may mắn manekineko. Các đơn hàng đến từ trong nước và khắp nơi trên thế giới.

    Tuy vậy, người nuôi mèo cũng không ít lần hoảng loạn khi chú mèo của họ cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Mèo chiếm đến 70 – 80% các trường hợp vật nuôi đi lạc tại Nhật Bản. Nguyên nhân là do bản tính hiếu động, ưa di chuyển của chúng. Đặc biệt là vào mùa xuân - mùa giao phối - chủ nhân hầu như không thể kiểm soát thú cưng của mình đi đâu về đâu.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 2.

    Mèo được xem là linh vật mang lại may mắn

    Đi tìm thú nuôi bị lạc – nghề mới nổi trong xã hội Nhật Bản

    Masataka Endo đã sáng lập Đội cứu hộ vật nuôi đi lạc Nhật Bản vào năm 2011, hiện có khoảng 10 thành viên. Sự ra đời của tổ chức này là để đáp ứng nhu cầu của những gia đình bị lạc mất người bạn nhỏ bốn chân của mình.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 3.

    Sẽ không hiếm những ngày chú mèo của bạn biến mất không nguyên do

    Đôi khi, sau vài ngày "bỏ nhà đi bụi" gây cho chủ nhân một phen lo lắng, những chú mèo bỗng dưng xuất hiện ngay tại nhà như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu mọi chuyện không suôn sẻ như vậy, người chủ sẽ thông báo cho các cơ quan địa phương, các phòng ban của chính quyền thành phố hoặc tỉnh, các văn phòng phường, văn phòng kiểm soát động vật. Sau vài ngày đến một tuần mà "người bạn nhỏ" vẫn bặt vô âm tín, họ mới nhờ đến sự trợ giúp của Đội cứu hộ vật nuôi đi lạc.

    Đội cứu hộ vật nuôi đi lạc Nhật Bản công bố tỉ lệ thành công trong các cuộc tìm kiếm của họ là 85%. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định mèo dễ được tìm thấy hơn các loài khác. Các loài như chó hay chim thường di chuyển nhanh hơn và khó lường hơn.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 4.

    Ông Endo đang lần theo dấu vết "nạn nhân"

    Chi phí mà Đội cứu hộ của Endo nhận được cho một cuộc tìm kiếm là khoảng 79.000 yên (gần 17 triệu VND) bất kể con vật có được tìm thấy hay không. Nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn như vậy để tìm lại con vật mà họ xem như một thành viên trong gia đình.

    Những cuộc tìm kiếm như phim Hollywood

    Sau khi nắm bắt thông tin từ chủ nhân, đội bắt đầu chia ra tìm kiếm, hỏi thăm những người trong khu dân cư và đặt "bẫy" trong vòng 3 ngày. Cứ 1 con mèo mất tích, sẽ có khoảng 100 tấm áp phích được dán khắp nơi và 1000 tờ rơi được phân phát.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 5.

    Những tờ rơi thế này được dán khắp nơi trong khu vực mèo mất tích

    Đội tìm kiếm nắm rõ tập tính loài vật, phân tích các yếu tố như giới tính, độ tuổi, tính tính… để đoán được hướng đi của chúng. Mèo đực thường đi lang thang trong khu vực rộng hơn mèo cái, mèo nuôi nhốt trong nhà thường không có khả năng di chuyển xa như mèo nuôi ngoài trời. Ngoài ra, bản tính nhút nhát, thận trọng khiến chúng ít khi xuất hiện vào ban ngày. Vì vậy, các cuộc tìm kiếm thường diễn ra vào ban đêm, khi có ít người đi lại ngoài đường.

    Công nghệ cao cũng đã được áp dụng vào việc săn lùng mèo mất tích. Nhiều người đăng hình và thông tin thú cưng đi lạc của mình lên mạng xã hội như Facebook hoặc Instagram, và với sự chia sẻ rộng rãi của cư dân mạng, may mắn thì họ có thể đoàn tụ với người bạn bốn chân của mình.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 6.

    Mạng xã hội ngày nay trở thành một công cụ "tìm người thân" khá hữu ích

    Công ty Open Stream Inc ở Tokyo còn phát triển máy phát Nekomoni bằng cách sử dụng bluetooth năng lượng thấp. Nekomoni có thể được dò tìm bởi iPhone của người chủ trong khoảng cách 75 mét. Chiếc máy nhỏ gọn, nặng 10 gram và tuổi thọ pin kéo dài trong 1 năm. Ông Takanori Saito, giám đốc Open Stream đã sáng tạo ra loại máy này sau khi chú mèo của ông mất tích.

    Theo Đội cứu hộ, công việc đi tìm thú lạc này có thể được miêu tả trong 3 từ: khó khăn, bẩn và nguy hiểm. Các thành viên đội phải đi bộ 9 giờ mỗi ngày, mò mẫm khắp các ngóc ngách, rình mò vào ban đêm và thường bị hiểu lầm là ăn trộm. Nhưng đối với họ, nỗi vất vả ấy không là gì so với niềm vui sướng mỗi khi một chú mèo được tìm thấy. Chứng kiến giọt nước mắt hạnh phúc khi người chủ được đoàn tụ cùng con vật nuôi bé bỏng của mình, sự mệt mỏi bỗng chốc hóa thành niềm vui.

    Bỏ cả nghìn đô để tìm mèo đi lạc và câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản - Ảnh 7.

    Chiếc máy này giúp định vị thú cưng bằng iPhone của chủ

    Nguồn: Japan Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ