Bơi đến kiệt sức trong ống nghiệm: Những con chuột đang hi sinh giúp con người nghiên cứu bệnh trầm cảm

    zknight,  

    Liệu chúng ta có nên dừng loại hình thử nghiệm này lại?

    Mỗi năm, chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 100 triệu con chuột thí nghiệm phải hi sinh cho các nỗ lực khoa học của con người. Cứ 100 động vật được sử dụng cho các thí nghiệm thì có tới 95 trong số chúng là chuột.

    Chuột có mặt ở mọi phòng thí nghiệm, chúng phải ăn cocain để giúp chúng ta nghiên cứu tác động của chất gây nghiện, chịu những cú giật điện để xem hệ thần kinh sẽ phản ứng tiêu cực thế nào.

    Một số thí nghiệm yêu cầu mổ não những con chuột và cấy vào bên trong đó những tế bào người hoặc đơn giản chỉ là gắn vào một điện cực. Ngoài ra, chúng ta còn gửi lũ chuột đi khắp nơi để hoàn thành sứ mệnh phục vụ nhân loại, lên hẳn trạm vũ trụ quốc tế ISS để biến chúng thành những con chuột bay.

    Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao chúng ta lại dùng chuột thí nghiệm nhiều đến vậy?

    Bơi đến kiệt sức trong ống nghiệm: Những con chuột đang hi sinh giúp con người nghiên cứu bệnh trầm cảm - Ảnh 1.

    Bơi đến kiệt sức trong ống nghiệm: Những con chuột đang hi sinh giúp con người nghiên cứu bệnh trầm cảm

    Ngày nay, những loài gặm nhấm nhỏ bé đã trở thành một phần không thể thiếu của các nghiên cứu y học, đến nỗi một số người đã đặt biệt danh cho chúng là "ống nghiệm có đuôi".

    Đó là bởi chuột có rất nhiều điểm tương đồng sinh học cũng như hành vi giống với con người. Hơn 100 năm qua, chúng đã trở thành một mô hình lý tưởng giúp các nhà khoa học nghiên cứu nhiều căn bệnh và rối loạn, từ ung thư, HIV cho đến cúm và trầm cảm.

    Tuy nhiên, sử dụng chuột để nghiên cứu trầm cảm là một việc vô cùng khó khăn. Bởi những con chuột không biết nói, các nhà khoa học không có cách hiệu quả nào để biết nó có bị trầm cảm hay không.

    Họ buộc phải sử dụng đến một thí nghiệm gây tranh cãi được gọi là: bài kiểm tra bơi cưỡng bức. Trong bài thử nghiệm này, những con chuột đơn giản sẽ bị ném vào một ống nước sâu không thể thoát ra được. Các nhà khoa học sẽ bấm giờ xem con chuột cố gắng bơi được bao lâu.

    Về mặt lý thuyết, họ cho rằng con chuột càng dễ buông bỏ và ngừng bơi sớm, đó là những con chuột trầm cảm hơn những con chuột cố gắng bơi lâu hơn, để níu giữ lại cuộc sống hạnh phúc.

    Thử nghiệm bơi cưỡng bức bắt đầu được sử dụng từ những năm 1970 trong các nghiên cứu thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm SSRI. Trong đó, những con chuột được cho uống thuốc đã thực sự bơi lâu hơn những con chuột khác.

    Đến năm 2000, khi các nhà khoa học có thể sửa đổi được gen những con chuột để bắt chước những đột biến được cho là gây ra bệnh trầm cảm ở người, thử nghiệm bơi bắt buộc càng trở nên phổ biến.

    Đến năm 2015, trung bình mỗi ngày sẽ có một công trình khoa học liên quan đến sức khỏe tâm thần được công bố, trong đó sử dụng đến những con chuột bơi đến kiệt sức.

    Bơi đến kiệt sức trong ống nghiệm: Những con chuột đang hi sinh giúp con người nghiên cứu bệnh trầm cảm - Ảnh 2.

    Những con chuột bị ném vào một ống nước sâu không thể thoát ra được. Các nhà khoa học sẽ bấm giờ xem con chuột cố gắng bơi được bao lâu.

    Mặc dù đã được sử dụng rất phổ biến trong nhiều thập kỷ, tính tin cậy của bài kiểm tra bơi cưỡng bức vẫn bị một số nhà khoa học nghi ngờ và đặt câu hỏi.

    Có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến một con chuột trong thí nghiệm bơi cưỡng bức, từ nhiệt độ của nước cho đến việc nó biết nhà khoa học sẽ cứu nó ra ngay khi nó ngừng cử động.

    Không chắc chứng trầm cảm là nguyên nhân duy nhất khiến những con chuột buông xuôi. "Chúng ta không biết một con chuột trầm cảm là như thế nào", nhà thần kinh học Eric Nestler đến từ Trường Y khoa Icahn, New York cho biết.

    Hồi đầu tháng 7, PETA, một nhóm những nhà bảo vệ động vật, đã viết một lá thư gửi Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), kêu gọi cơ quan này loại bỏ thử nghiệm bơi cưỡng bức đối với chuột.

    "Các nhà khoa học không nên dùng thử nghiệm này nữa", nhà sinh vật học hành vi Hanno Wurbel đến từ Đại học Bern nói với Nature. "Theo ý kiến của tôi, thử nghiệm này có tính khoa học rất yếu".

    Đáp lại lá thư của PETA, Joshua Gordon, giám đốc NIMH cho biết Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ từ lâu đã không khuyến khích sử dụng một số thí nghiệm hành vi với chuột, bao gồm cả thử nghiệm bơi cưỡng bức, như một cách xác nhận bệnh trầm cảm.

    Tuy nhiên, Gordon cho biết trong khi chưa có một thử nghiệm đơn lẻ nào trên động vật có thể phản ánh rõ ràng các mô hình rối loạn trên người, thử nghiệm bơi cưỡng bức vẫn là công cụ quan trọng giúp các nhà khoa học trong một số nghiên cứu.

    Bơi đến kiệt sức trong ống nghiệm: Những con chuột đang hi sinh giúp con người nghiên cứu bệnh trầm cảm - Ảnh 3.

    Trong tương lai gần, những con chuột sẽ vẫn tiếp tục phải bơi, để phục vụ mục đích nghiên cứu bệnh trầm cảm cho con người.

    Nhiều nhà khoa học đồng ý với quan điểm này. Ron de Kloet, một nhà thần kinh học đến từ Trung tâm Y tế Đại học Leiden cho biết khoa học hiện tại bắt buộc phải sử dụng đến thử nghiệm bơi cưỡng bức, bởi không có cách nào tốt hơn thay thế.

    Todd Gould, một nhà sinh học thần kinh tại Đại học Y khoa Maryland thừa nhận có những lỗ hổng trong bài kiểm tra bơi cưỡng bức. Tuy nhiên, ông cho biết nó có hiệu quả trong nghiên cứu thuốc chống trầm cảm, bản thân ông cũng đang sử dụng bài kiểm tra này trong một nghiên cứu như vậy.

    Trong khi những tranh cãi còn chưa đi đến hồi kết, Gordon cho biết Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tài trợ cho các công trình sử dụng thử nghiệm bơi cưỡng bức. Điều đó có nghĩa là trong tương lai gần, những con chuột sẽ vẫn tiếp tục phải bơi, để phục vụ mục đích nghiên cứu bệnh trầm cảm cho con người.

    Tham khảo Nature, Futurism, Smithsonianmag

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày