Bước tiến tiếp theo của Google là dạy cho AI của mình biết... ngủ

    Kuroe,  

    Biết tư duy lại còn biết ngủ, giờ chỉ thiếu điều biết ăn nữa là AI chẳng khác gì con người.

    Google đã có những bước tiến khá xa so với các đối thủ khác trong việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Với việc tạo ra AI có thể chiến thắng một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới ở bộ môn cờ vây, Google đã khiến cho cả thế giới phải sững sờ. Mới đây, tập đoàn này đã dạy cho AI của mình biết cách tưởng tượng và đưa ra dự đoán. Vậy bước tiến mới nhất của Google trong ngành trí tuệ nhân tạo là gì? Đó là dạy AI của mình biết... ngủ.

    Google đang cố gắng khiến cho AI của mình trở nên giống con người hơn. Trong một bài viết gần đây trên blog, công ty này cho biết:

    Thoạt nhìn thì có vẻ việc dạy cho trí tuệ nhân tạo biết 'ngủ' là một bước lùi - bởi dẫu sao, chúng ta vẫn quan niệm rằng nhiệm vụ của AI là cày bừa những vấn đề về tính toán trong khi các lập trình viên đi ngủ. Thế nhưng, điều này lại là một trong những điểm cốt lõi trong thuật toán deep-Q network (DQN) của chúng tôi. Thuật toán này đã học được cách trở nên thành thạo các tựa game của hệ máy Atari 2600, tới trình độ của 'siêu nhân' chỉ với dữ liệu input là vài pixel và điểm số. Thuật toán DQN bắt chước 'kinh nghiệm chơi đi chơi lại', bằng cách lưu trữ một bộ dữ liệu luyện tập phu bao gồm những lần thất bại trong quá khứ.

    Mục tiêu của những nhà nghiên cứu trong dự án DeepMind là dạy máy tính cách học tập. Mạng lưới thần kinh, AI, thuật toán Machine learning - tất cả những thứ đó đều nhằm một mục đích cuối cùng: dạy cho máy tính cách tự học một thứ gì mới.

    Những chiếc xe tự lái cần phải tự đưa ra quyết định khi tham gia giao thông, các thuật toán phân tích dữ liệu cần biết cách quyết định khi gộp các nhóm thông tin, còn AI thì cần phải biết cách tư duy như con người. Nếu không làm được như vậy thì còn nghiên cứu để làm gì nữa?

    Phương pháp mới này của Google đồng nghĩa với việc kể cả khi máy tính sử dụng hết tài nguyên để nghiên cứu một vấn đề nào đó, thì nó vẫn có thể lưu trữ một bộ dữ liệu phụ để 'nghiền ngẫm' lại trong giấc mơ, khi chúng ta tắt máy.

    Nói chung, nếu thành công, AI không cần phải làm việc 24/24 để giải quyết một vấn đề nào đó. Có thể ban đầu nó sẽ thất bại, nhưng sau khi offline, AI sẽ có thời gian nghiên cứu, để rồi giải quyết thành công vấn đề đó vào lần tiếp theo nó online.

    Trong tương lai, khi máy tính của bạn chuyển sang chế độ 'sleep', rất có thể nó đang toan tính đến những thành công tiếp theo.

    Tham khảo The next web

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ