Các hãng phim đã lừa chúng ta đi xem phim dở như thế nào?

    Long.J,  

    Nếu là chủ một hãng phim, làm thế nào để ngăn khán giả biết được phim của bạn xem như dở hơi? Chà, không đơn giản là ngăn người ta xem điểm Rotten Tomatoes của phim đâu.

    Hè 2017 là một mùa phim cực kỳ tệ, các loại phim dở cứ thế kéo nhau ra rạp như trảy hội. Còn ông chủ các hãng phim lớn thời gian qua đã liên tục phàn nàn về sự "trù úm" của các website phê bình phim, đại loại như Rotten Tomatoes - cái gai trong mắt của rất nhiều phim bom xịt.

    Có thể lấy ví dụ về một vài phim dở năm nay: Baywatch (19% đánh giá tích cực), The Mummy (16%), và Transformers: The Last Knight (15%) đều đạt doanh thu thấp hơn rất nhiều so với dự đoán của giới phê bình. Trong đó, những phim có điểm Rotten Tomatoes cao như Wonder Woman (92%), Spider-Man: Homecoming (92%) và Baby Driver (95%) đều đạt doanh thu cao hơn mong đợi.

     Transformers: The Last Knight - hiệu ứng đã mắt, khói lửa hoành tráng nhưng vẫn bị chê là sắt vụn đánh nhau

    Transformers: The Last Knight - hiệu ứng đã mắt, khói lửa hoành tráng nhưng vẫn bị chê là "sắt vụn đánh nhau"

    Dù cách đánh giá của Rotten Tomatoes chưa thể hoàn hảo 100% nhưng trên lý thuyết thì website phê bình này đã làm đúng chức năng và nghĩa vụ: cho khán giả biết những đánh giá sơ bộ và cơ bản, hay hoặc dở. Dễ hiểu rằng các ông lớn điện ảnh rất ghét Rotten Tomatoes, nhưng rõ ràng thì khán giả chính là người được lợi, có thể tránh lãng phí tiền bạc và thời gian đi xem mấy bộ phim như dở hơi.

    Tới khi The Emoji Movie - bộ phim nhận được những đánh giá như "tát vào mặt" - 8% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Không chỉ giới phê bình mà cả khán giả xem rạp cũng không hào hứng mấy với phim, khi họ chỉ cho nó điểm B trên trang Cinemascore. Tuy vậy nhưng trong những ngày công chiếu vào dịp cuối tuần thì The Emoji Movie thu về đến tận 24 triệu USD dù bị cả thế giới chê bai thậm tệ, tại sao lại như vậy?

     The Emoji Movie, không nên cho trẻ em tới rạp xem phim này, khuyên chân thành

    The Emoji Movie, không nên cho trẻ em tới rạp xem phim này, khuyên chân thành

    Một trong những lý do chính: phim hoạt hình cho trẻ em thường "miễn nhiễm sát thương" với những đánh giá tiêu cực, đặc biệt là vào mùa hè, khi các ông bố bà mẹ hay cô bảo mẫu chỉ muốn chui tót vào rạp tránh nóng, tránh luôn việc phải trông lũ trẻ trong vài giờ.

    Ngoài ra, lịch công chiếu phim hoạt hình cho trẻ em được tính toán rất kỹ và ăn khớp với nhau. The Emoji Movie chỉ được ra rạp sau khi Despicable Me 3 ra mắt gần một tháng, nếu lũ trẻ nhà bạn đã lỡ xem phim về băng nhóm Minion và tên độc tài Gru rồi, thì làm gì còn lựa chọn nào khác ngoài The Emoji Movie?

     Despicable Me 3: bè lũ Minion đã trở nên kém duyên và gượng gạo

    Despicable Me 3: bè lũ Minion đã trở nên kém duyên và gượng gạo

    Tuy nhiên đó mới là một phần của câu chuyện. Cách xếp lịch đầy "mưu mô" của hãng Sony không chỉ ảnh hưởng đến ngày công chiếu của The Emoji Movie; nó còn ảnh hưởng đến cách mà phim được xuất hiện trước công chúng.

    Những buổi công chiếu dành cho báo giới thường được tiến hành khoảng một tuần trước khi phim khởi chiếu tại rạp, để các nhà phê bình có thời gian cho ra những bài đánh giá cho phim. Trong trường hợp phim thật sự hay, những bài đánh giá ấy sẽ rất có lợi cho phim. Những buổi công chiếu sớm thường đi kèm với điều kiện rằng các bài đánh giá phải được tung ra đúng thời điểm đã cho phép.

    Theo The Hollywood Reporter, những bài đánh giá đầu tiên cho The Emoji Movie xuất hiện vào khoảng 3 giờ chiều ngày 27/6, chỉ 1 ngày trước khi phim khởi chiếu tại rạp. Đây là một chiến thuật thông minh để tăng doanh số phim cũng như dụ dỗ những ai mong muốn xem phim mới càng sớm càng tốt. Đồng thời điều này cũng khiến quỹ thời gian viết đánh giá bị rút ngắn lại, các chuyên gia chỉ có thể đánh giá một cách chung chung.

    Các hãng phim quảng bá cho tác phẩm của mình chủ yếu dựa vào truyền miệng. Đôi khi là cả việc tự tạo ra tin đồn gì đó nóng sốt xunh quanh bộ phim, chính xác giờ chẳng có gì ngăn nổi thế giới mạng chia sẻ thông tin - đó là điều bất khả thi.

    Cái chính là "làn sóng" truyền miệng sinh ra sau nhiều trailer, poster, bài viết... hay thậm chí là hãng phim "lỡ" leak một vài chi tiết ra ngoài. Nếu nhận được nhiều đánh giá tích cực, những lời nói có cánh đó sẽ được trích dẫn lên poster và trailer. Năm ngoái, họ bắt đầu dừng đưa các đánh giá vào trailer và thay thế chúng bằng điểm số Rotten Tomatoes. Nếu hãng Sony cố tình làm ngược lại, đưa mấy lời chê bai lên trailer của The Emoji Movie, thì có ma mới ra rạp xem bộ phim này.

    Chẳng đâu xa, Sony đã áp dụng chiêu bài này một lần nữa cho bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Stephen King, The Dark Tower.

    The Dark Tower là một dự án điện ảnh vấp phải vô số vấn đề trong quá trình sản xuất. Tại thời điểm bài viết này được đăng tải trên GQ, tờ Variety đã đăng tin rằng buổi chiếu thử của The Dark Tower khoảng một năm trước đã nhận được những phản hồi cực kỳ tệ - tệ đến nỗi nhà đầu tư đã xem xét, liệu có nên chuyển một đạo diễn mới để quay lại toàn bộ phim hay không.

    Tương tự như The Emoji Movie, đối với The Dark Tower, Sony cũng gây khó khăn cho việc xem và đánh giá phim của các nhà phê bình. Khi những bài đánh giá đó được đăng, tất nhiên, Rotten Tomatoes sẽ tổng hợp chúng lại để tính điểm một cách khách quan. Tuy nhiên, điểm số đó chỉ xuất hiện sau những giờ công chiếu đầu tiên của phim. Và những khán giả vội vàng sẽ là nhóm người bị lừa...

     The Dark Tower: Nếu bạn là người hâm mộ của Stephen King, đừng đi xem phim này nếu không muốn hình tượng sụp đổ

    The Dark Tower: Nếu bạn là người hâm mộ của Stephen King, đừng đi xem phim này nếu không muốn hình tượng sụp đổ

    Vào tuần công chiếu của The Dark Tower, những phim được công chiếu tuần sau đó như Annabelle: Creation, Ingrid Goes WestGood Time đều đã có điểm Rotten Tomatoes. Logan Lucky, phim được chiếu vào ngày 18/8, đã có tới 18 đánh giá tích cực 100% (đến nay chỉ còn 93%, bạn hiểu rồi đấy). Nhưng tới giữa tuần đó, The Dark Tower ra rạp vào ngày thứ 6, vẫn chưa có bài đánh giá nào vì hãng Sony vẫn chưa... tổ chức công chiếu sớm (không có chuyện đó đâu, để giới phê bình khiến khán giả của tôi chạy mất dép à?).

    Những nhà phê bình không thích "cưỡi ngựa xem hoa". Họ muốn xem một bộ phim và viết đánh giá về nó. Nếu hãng phim nào cứ giấu nhẹm phim đi, thì bạn không nên hy vọng nhiều vì khả năng lớn đó sẽ là bom xịt.

    Theo GQ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ