May mắn cho tới nay, các phi hành gia vẫn an toàn.
Ở đâu có con người, ở đó có các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Vừa tháng trước, các nhà khoa học Australia đã tìm thấy chúng lây nhiễm cho chim cánh cụt, sống xung quanh hai căn cứ của con người ở Nam Cực.
Bây giờ, một báo cáo mới của các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện một chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).
Các nhà khoa học phát hiện chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm trên Trạm vũ trụ Quốc tế
Vị khách không mời trên Trạm vũ trụ quốc tế là Enterobacter, chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm thuộc top 3 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo. Các nhà khoa học tại NASA đã phát hiện ra nó trong nhà vệ sinh và khu vực tập thể dục của ISS.
Nếu bạn đã từng nghe nói về Enterobacter trước đây, nó chính là một trong những thủ phạm chính gây ra nhiễm trùng bệnh viện. Một số chủng Enterobacter có thể lây nhiễm cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch ở các khu chăm sóc đặc biệt.
Bởi có sức đề kháng cao với kháng sinh, Enterobacter thường xuyên khiến bệnh nhân nhiễm phải nó tử vong vì không có thuốc chữa.
Enterobacter, một chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm
Như bạn đã biết, cơ thể con người có một hệ vi sinh vật gọi là microbe - tập hợp của tất cả các vi khuẩn, cổ khuẩn, virus và nấm sống trên và bên trong chúng ta. Số lượng vi khuẩn sống trên người chúng ta có thể lên tới 39 nghìn tỷ cá thể, trong khi virus là 380 nghìn tỷ.
Tất cả các vi sinh vật này đều theo sát chúng ta, sau mỗi bước chân mà chúng ta đi. Ngay cả khi sử dụng các biện pháp khử trùng tốt nhất, chúng ta cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn các vi sinh vật theo gót mình vào bên trong các căn phòng thí nghiệm sạch nhất dưới mặt đất.
Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta phát hiện ra vi khuẩn trên Trạm vũ trụ quốc tế, mà không phát hiện ra chúng mới là điều đáng kinh ngạc.
Các nhà vi sinh vật tại Phòng thí nghiệm Động lực đẩy của NASA vẫn thường xuyên phân tích các mẫu vi khuẩn thu thập từ ISS. Mục đích của họ là xem môi trường không gian có ảnh hưởng đến quần thể của chúng hay không, và liệu các vi khuẩn có gây nguy hiểm cho sức khỏe của các phi hành gia?
Đây là lần đầu tiên họ xác định được chủng Enterobacter kháng kháng sinh trên Trạm vũ trụ quốc tế.
"Để tìm ra loài vi khuẩn nào có mặt trên ISS, chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm mô tả chi tiết bộ gen của chúng. Chúng tôi đã tìm thấy bộ gen của 5 chủng Enterobacter trên ISS giống với 3 chủng mới được tìm thấy trên Trái Đất", nhà vi sinh vật học Kasthuri Venkateswaran giải thích.
"Ba chủng này thuộc về một loài vi khuẩn, được gọi là Enterobacter bugandensis, đã gây bệnh cho trẻ sơ sinh và những bệnh nhân bị thương nhập viện ba bệnh viện khác nhau (ở đông Phi, tiểu bang Washington và Colorado)".
Môi trường không trọng lực, nhiều bức xạ và nồng độ CO2 cao trên ISS sẽ tác động đến cách vi khuẩn phát triển và gây bệnh
Các mẫu Enterobacter trên ISS thực ra đã được thu thập từ năm 2015, từ đó tới nay chưa có phi hành gia nào bị tấn công. Cho nên, các vi khuẩn này dường như không phải là mối nguy hiểm khẩn cấp.
Nhưng có bằng chứng cho thấy chúng có thể gây ra những mối lo ngại trong tương lai. Các nhà nghiên cứu đã so sánh tính kháng kháng sinh của các mẫu Enterobacter trên ISS với 3 chủng lâm sàng, và thấy rằng chúng cũng kháng với nhiều loại kháng sinh bao gồm cefazolin, cefoxitin, oxacillin, penicillin và rifampin.
Mặc dù Enterobacter trên ISS chưa gây bệnh cho người, chúng có tới 112 gen chung với các chủng lâm sàng, thể hiện các độc lực, cơ chế gây bệnh và kháng thuốc giống với Enterobacter gây bệnh dưới mặt đất.
Theo tính toán từ mô phỏng máy tính, các nhà khoa học dự đoán được tỷ lệ mà Enterobacter trên ISS sẽ phát triển thành một tác nhân gây bệnh là 79%. Nhưng để xác minh con số này, họ sẽ phải chờ kết quả thử nghiệm mẫu vi khuẩn trên sinh vật sống.
"Có hay không một mầm bệnh cơ hội như E. bugandensis sẽ gây bệnh và mối đe dọa lớn đến mức nào sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm cả các yếu tố môi trường", Venkateswaran nói.
Trên Trạm vũ trụ quốc tế, chúng ta có một môi trường không giống bất cứ đâu trên Trái đất. Ở đó, trọng lực vô cùng nhỏ, có bức xạ không gian, có nồng độ carbon dioxide cao, và có sự hiện diện liên tục của con người. Tất cả các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến cách thức vi khuẩn sống và lây truyền.
"Sẽ cần thêm các nghiên cứu ‘in vivo’ để xác định tác động của các điều kiện trên ISS, chẳng hạn như lực hấp dẫn, không gian và các yếu tố liên quan đến tàu vũ trụ, có thể ảnh hưởng tới độc lực và cách vi khuẩn gây bệnh", Venkateswaran cho biết.
Để an tâm hơn một chút, cần phải nhắc lại rằng các phi hành gia của chúng ta vẫn an toàn từ năm 2015 tới nay. Nghiên cứu của Venkateswaran được thực hiện từ 3 năm trước, nhưng tới năm nay mới hoàn thành và công bố trên tạp chí BMC Microbiology.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín