Các nhà khoa học tìm thấy một nút "Pause" trong não bộ, khi nhấn vào, toàn bộ cơ thể bạn sẽ bất động
Năm 2011, khi sóng thần đổ bộ vào Nhật Bản, nhiều người đã đứng chôn chân tại chỗ thay vì bỏ chạy trong hoảng loạn. Điều gì đã diễn ra trong bộ não của họ?
- Công ty Trung Quốc phóng vệ tinh trang bị ‘não bộ’ AI
- Giao diện não bộ - cột sống kết hợp machine learning giúp chàng trai liệt 12 năm lấy lại khả năng đi bộ
- Tăng hiệu suất học và làm việc của não bộ lên gấp 3 lần, nhờ phương pháp này của kỷ lục gia Guinness
- TikTok không chỉ mang đến sự giải trí, nó còn ảnh hưởng đến não bộ chúng ta theo cách bạn chưa nghĩ tới
- Đi tìm suối nguồn sáng tạo trong não bộ: Tại sao những ý tưởng đột phá luôn xuất hiện khi chúng ta đang tắm?
Khi Maggie Karlin nói với cha mình rằng cô sẽ nghỉ công việc 8 USD/h để lên phố đi bộ và biến mình thành một bức tượng sống, cha cô nghĩ rồi cô sẽ chẳng kiếm nổi 200 USD trong cả mùa hè.
Kết quả, Karlin đã làm được điều đó trong vòng 2 ngày.
Thoải mái chia sẻ, Karlin cho biết một nghệ sĩ đường phố như cô có thể kiếm tới 270 USD (khoảng 6,5 triệu VNĐ) mỗi ngày ở Chicago. Công việc tương đương với mức lương 60 USD/h, gấp hơn 8 lần mức lương cơ bản ở Mỹ, và Karlin thì chỉ cần làm việc 4,5 tiếng mỗi ngày.
Thật nghịch lý khi biết rằng tất cả những gì cô ấy cần làm để trang trải cuộc sống của một người phụ nữ 28 tuổi, độc thân và vẫn đang thuê nhà ở Mỹ chỉ là bất động và không làm gì cả.
Nó giống như Karlin nhấn vào một nút "Pause" trong não bộ và mọi cử động trên cơ thể cô sẽ ngừng lại. Từ những đồng penny cho tới tờ 5 USD sau đó cứ đầy dần lên trong chiếc mũ của cô ấy, cho tới cuối ngày.
Sự bất động hái ra tiền của những nghệ sĩ đường phố như Karlin chắc chắn sẽ làm nóng mắt những nhà kinh tế học theo trường phái Physiocracy – những người cho rằng chỉ có lao động và sản xuất mới đem lại giá trị thặng dư cho xã hội.
Thế nhưng, nó lại thu hút được sự chú ý đặc biệt của một nhóm nhà nghiên cứu khác. Họ là những nhà thần kinh học đang cố gắng đào sâu vào trạng thái bất động của cơ thể, nhằm tìm hiểu những bí ẩn của bệnh Parkinson, hiện tượng bóng đè khi ngủ hay các tình trạng tê liệt tạm thời của con người.
Câu hỏi mà họ đặt ra là: Liệu trong não bộ có tồn tại một nút "Pause" để dừng toàn bộ mọi chuyển động của cơ thể hay không? Nếu có thì nó đang nằm ở đâu? Chúng ta có thể làm gì để thao tác vào nút "Pause" đó theo ý muốn?
Những nghệ sĩ đường phố tự biến mình thành một bức tượng sống đã xuất hiện lần đầu tiên trong những lễ hội Trung Cổ ở Châu Âu. Thế nhưng, họ không phải những người đầu tiên biết lợi dụng trạng thái bất động của cơ thể để tồn tại.
Từ lâu, khi nhìn vào vương quốc của các loài động vật, các nhà khoa học đã quan sát thấy một hiện tượng kỳ lạ. Khi những con vật rơi vào một tình huống khiến chúng thấy sợ hãi, đa số thường kích hoạt một trong hai phản ứng là chiến đấu hoặc chạy trốn.
Bản năng này phổ biến trong thế giới động vật đến nỗi nó được đặt cho một cái tên riêng là "Fight of flight".
Nhưng trong một số trường hợp, khi sự sợ hãi trở nên tột độ, những con vật lại chẳng có phản ứng nào cả. Chúng không chiến đấu, cũng không chạy trốn. Tất cả những gì chúng làm chỉ là biến thành một bức tượng bất động tại chỗ.
Một con chồn opssum đứng im như tượng
Hãy nhìn con chồn opossum này, khi bị một người phụ nữ phát hiện, điều nó làm đầu tiên nó làm là đứng im bất động. Con chồn há miệng, trừng mắt và xòe những ngón chân của nó như thể muốn lừa rằng nó chỉ là một tảng đá.
Một lúc sau, khi màn trình diễn thất bại, con chồn chuyển sang một chiến thuật mới. Nó lăn ra giả chết. Bên trong cơ thể, nhịp tim con chồn giảm xuống. Phổi của nó hít thở nhẹ nhàng và chậm lại. Lưỡi của con chồn bình thường có màu hồng nhạt thì giờ tái xanh.
Các cơ vòng ở đường tiết niệu và hậu môn của nó giãn ra, đùn nước tiểu và phân thừa ra ngoài để khuyếch đại một mùi hôi thối nồng nặc.
Bằng cách này, con chồn sẽ đánh lừa được nhiều kẻ thù trong tự nhiên. Với bản năng chỉ ăn thịt tươi chứ không ăn xác thối, nhiều loài thú ăn thịt sẽ bỏ qua cho con chồn opossum. Chỉ đợi có vậy, một vài phút sau khi chúng đi khỏi, con chồn sẽ lại "sống dậy". Nó cựa mình, chỉnh trang và tiếp tục những gì mà nó phải làm trong ngày.
Phản ứng bất động giả chết ở chồn opossum cũng được quan sát thấy ở nhiều loài côn trùng, ếch, rắn và chim. Nếu bạn không có cơ hội quan sát thấy chúng một cách trực tiếp ngoài thiên nhiên, hàng loạt tài khoản trên Youtube và TikTok sẽ dạy bạn cách tái tạo chúng trên những con gà.
Chỉ cần search từ khóa "chicken hypnotism" và sẽ có hàng trăm video "triệu view" cho thấy những con gà bị thôi miên vào trạng thái bất động. Bằng cách úp đầu con gà xuống đất, dùng que hoặc ngón tay vạch một đường dọc từ mắt con gà kéo thẳng ra phía trước, con gà sau đó sẽ nằm im trong khoảng 15-30 phút, trừ khi bạn xóa vạch kẻ của nó:
Làm thế nào để thôi miên một con gà?
Các nhà khoa học cho biết hành vi bất động ở động vật nói chung được gọi là "bất động cứng cơ" (tonic immobility). Nó được điều khiển bằng những tín hiệu xuất phát từ hạch hạnh nhân trong não bộ.
Đây là một cụm hạt nhân nhỏ hình quả hạnh nằm sâu trong não ở thùy thái dương. Hạch hạnh nhân đóng vai trò quan trọng trong khả năng xử lý cảm xúc, đặc biệt là sự sợ hãi và các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.
Khi một con vật rơi vào trạng thái sợ hãi tột độ, hạch hạnh nhân của nó có thể bắn ra những tín hiệu truyền tới một khu vực gọi là chất xám quanh ống cống (PAG). PAG điều khiển hệ thần kinh vận động gây ra hiện tượng trương lực và căng cứng đối với toàn bộ cơ bắp trên cơ thể.
Đồng thời trong khoảng thời gian đó, vùng dưới đồi, khu vực não chịu trách nhiệm điều khiển hệ thống thần kinh tự trị đang kiểm soát nhịp tim, huyết áp và hơi thở cũng nhận được lệnh hạ tất cả các chỉ số này xuống để giả chết.
Trong nhiều trường hợp, phản ứng bất động của động vật là có lợi. Nhiều loài phát triển bản năng đó để ngụy trang hoặc trốn tránh thú săn mồi. Thế nhưng, trong một số trường hợp, chúng lại gây hại.
Chẳng hạn như những con hươu thường nhảy qua đường cao tốc vào chiều tối và đứng bất động khi nhìn thấy đèn pha ô tô. Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 1,5 triệu vụ tai nạn như vậy xảy ra mỗi năm. Con số tương đương với hàng triệu con hươu bị xe cán chết, khoảng 200 người tử vong và 10.000 người bị thương mỗi năm.
Trong tiếng Anh, nó được gọi là "stand rooted to the ground" - đứng cắm rễ xuống đất. Trong tiếng Trung, nó là "重足而立" – đứng chôn chân tại chỗ. Trong tiếng Việt, nó có nghĩa là đứng chết trân, đứng như trời trồng.
Sự phổ biến của những thành ngữ này, trong nhiều nền văn hóa khẳng định trạng thái bất động của con người khi đối mặt với một tình huống bất ngờ hoặc sợ hãi là phổ quát. Không chỉ có các loài động vật, con người cũng thừa hưởng bản năng bất động.
Trong một thí nghiệm đăng trên tạp chí Psychophysiology, các nhà khoa học đã chứng minh điều đó với 48 tình nguyện viên, những người đã đứng trên một chiếc bập bênh cân bằng để đo độ rung lắc của cơ thể.
Những tình nguyện viên này sau đó được nối vào máy đo điện tâm đồ để theo dõi nhịp tim cũng như hơi thở. Cùng lúc đó, các nhà nghiên cứu chiếu cho họ xem 24 bức ảnh thuộc ba thể loại khác nhau.
Loại thứ nhất là những tấm ảnh tạo ra cảm giác dễ chịu (ví dụ như ảnh thể thao). Loại thứ hai là ảnh có cảm giác trung lập (ví dụ như tĩnh vật). Và cuối cùng là những tấm ảnh gây ra cảm giác khó chịu, sợ hãi (người bị thương hoặc bị cắt xẻo).
Các bản ghi tư thế và điện tâm đồ đã xác nhận tình nguyện viên trở nên bất động, cơ bắp của họ căng cứng, nhịp tim và nhịp thở giảm trong khi xem những bức ảnh đáng sợ so với ảnh trung tính hoặc ảnh dễ chịu.
"Mô hình này giống với trạng thái đóng băng và giảm nhịp tim vì sợ hãi, đã từng được thấy ở nhiều loài động vật khi đối mặt với các kích thích đe dọa. Nó xảy ra qua trung gian là các mạch thần kinh thúc đẩy tỷ lệ sống sót liên quan đến phản ứng phòng thủ", các nhà nghiên cứu giải thích.
Ngoài đời thực, hiệu ứng bất động vì sợ hãi cũng đã được ghi nhận trong nhiều sự kiện thảm họa. Chẳng hạn, các camera bên bờ biển trong đợt sóng thần đổ bộ Nhật Bản năm 2011 đã ghi lại cảnh nhiều người đứng chôn chân tại chỗ khi nhìn thấy sóng thần thay vì phải bỏ chạy hoảng loạn.
Năm 2017, khi có 3 tên khủng bố lao xe điên và dùng dao đâm chém khách bộ hành trên cầu London, một cảnh sát có mặt tại hiện trường để ngăn chặn bọn khủng bố đã kể lại cảnh tượng nhiều người cứ đứng ngây người ra "như con nai băng qua xa lộ gặp đèn pha ô tô". Họ không hề có phản ứng chống đỡ cũng như không hề bỏ chạy.
Hiện tượng đóng băng cũng đặc biệt hay xảy ra trong các vụ tấn công tình dục. Trong đó, các nạn nhân vì đang cảm thấy sợ hãi và bất lực đã rơi vào trạng thái bất động cứng cơ. Họ thấy mình không thể di chuyển hoặc chống trả dù rất muốn.
Sau sự kiện đó, những nạn nhân bị tấn công tình dục thường đối diện với cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ vì đã không thể chống trả hoặc trốn thoát. Họ không thể hiểu tại sao mình lại phó mặc kệ kẻ thủ ác muốn làm gì thì làm.
Các nhà trị liệu phải giải thích cho nhiều nạn nhân bị tấn công tình dục biết rằng phản ứng này chỉ là hiệu ứng sinh lý chứ không phải lựa chọn có ý thức của bản thân họ.
Nghiên cứu về tình trạng bất động của cơ thể tỏ ra hữu ích trong nhiều trường hợp. Do đó, các nhà khoa học đang điều tra các yếu tố góp phần vào sự xuất hiện của nó, sự khác biệt trong phản ứng của từng cá nhân và các biện pháp can thiệp hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng bất động một khi nó xảy ra.
Trong một nỗ lực để hiểu về những gì xảy ra trong trạng thái bất động, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã có một bước tiến lớn. Cụ thể, họ cho biết mình đã tìm thấy một vị trí trong não bộ đóng vai trò như một nút "Pause" khiến chúng ta rơi vào trạng thái bất động.
Bằng cách kích thích vị trí nút "Tạm dừng" này, họ có thể khiến những con chuột đang vận động dừng lại. Sau khi ngừng kích hoạt, những con chuột lại tiếp tục chuyển động của chúng chính xác ở nơi chúng đã dừng. Mọi thứ giống như khi bạn nhấn nút "Play" một lần nữa.
Dịch: Spinal Cord = Tủy sống
Frontal = Vỏ não trước
Limbic system = Hệ vận động
Để xác định vị trí các tế bào não chịu trách nhiệm cho hình thức ngừng vận động cụ thể ấy, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những con chuột được biến đổi gen để có các tế bào thần kinh nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt là trong nhân pedunculopontine (PPN), một khu vực gần cầu não đã được biết là có tác dụng ức chế trương lực cơ khi bị kích thích.
PPN bao gồm ba loại tế bào thần kinh riêng biệt, được gọi là tế bào thần kinh glutamatergic, cholinergic và GABAergic, tất cả đều được xếp lớp riêng biệt và chồng lên nhau. Trước đây, các nhà khoa học đã biết nhân pedunculopontine nhúng bàn tay vào hiện tượng bóng đè. Nó khiến một số người hoảng loạn khi đột ngột thức dậy giữa đêm và thấy mình không thể di chuyển hay cử động.
Thăm dò kỹ hơn vào hiệu ứng ấy, các nhà khoa học Đan Mạch trong nghiên cứu mới đã thử tạo ra những kích thích nhân tạo vào tế bào thần kinh glutamatergic trong vùng PNN của chuột.
Các kích thích được thực hiện đơn giản bằng cách chiếu ánh sáng vào đó, một kỹ thuật được gọi là Optogenetics – chiếu ánh sáng vào các tế bào thần kinh nhạy sáng để bật/tắt chúng như một công tắc cảm ứng.
Kết quả, thật kỳ lạ bởi không phải tất cả các con chuột đều trở nên bất động như các nhà khoa học tưởng tượng. Trong khi một số ngừng di chuyển và đứng lại, số khác lại chạy nhảy và khám phá môi trường sống của chúng nhiều hơn.
Điều này cho thấy trong khi PPN tham gia vào hiện tượng bất động ở chuột, bên trong nó vẫn còn có một nút "Play/Pause" nhỏ hơn chưa được tìm thấy.
Tiếp tục thăm dò từng khu vực glutamatergic ở PPN bằng ánh sáng laser, các nhà khoa học cuối cùng đã xác định được chính xác một cụm tế bào thần kinh nhỏ khiến lũ chuột tạm dừng.
"Chúng tôi đã tìm thấy một nhóm tế bào thần kinh ở não giữa, khi được kích thích sẽ dừng mọi chuyển động. Không chỉ đi bộ mà mọi hình thức hoạt động vận động. Chúng thậm chí còn khiến chuột ngừng thở hoặc thở chậm hơn, và nhịp tim chậm lại", giáo sư Ole Kiehn, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu giải thích.
"Có nhiều cách khác nhau để dừng chuyển động. Điều đặc biệt ở những tế bào thần kinh này là một khi được kích hoạt, chúng sẽ khiến chuyển động bị tạm dừng hoặc đóng băng. Giống như đang tạm dừng một bộ phim. Chuyển động của diễn viên đột ngột dừng lại ngay tại chỗ".
Tiến sĩ Haizea Goñi-Erro, tác giả chính nghiên cứu giải thích thêm: 'Mô hình "Play/Pause" này rất độc đáo. Nó không giống với bất kỳ thứ gì chúng ta từng thấy trước đây. Nó không giống với các hình thức chuyển động hoặc ngừng vận động khác mà chúng tôi hoặc các nhà nghiên cứu khác đã nghiên cứu. Ở đó, chuyển động không nhất thiết bắt đầu từ nơi nó đã dừng lại, mà có thể bắt đầu lại với một mô hình mới".
Bây giờ, bởi con người chúng ta cũng có một khu vực PPN của riêng mình trong não bộ, không quá khó để cho rằng nó cũng chứa một nhóm nhỏ các tế bào thần kinh điều phối cơ bắp trên cơ thể chúng ta.
Nhưng sau khi nút "Play/Pause" trong não bộ con người được tìm thấy, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để chế ngự được nó? Bởi trong một số trường hợp, bản năng bất động không đồng nghĩa với sự gia tăng cơ hội sinh tồn.
Chúng ta cần phải thoái khỏi nó để trốn chạy trong những tình huống nguy hiểm, trong khi lại cần bất động trong nhiều tình huống khác, khi thiền định, khi tập trung làm việc hoặc khi vặn mình cho một cú đánh golf hoàn hảo.
Mặc dù là một bức tượng sống, Maggie Karlin cho biết bản thân cô không thể đứng yên trong suốt ca làm việc kéo dài 4 tiếng rưỡi của mình. Thỉnh thoảng, cô sẽ bị ngứa, thỉnh thoảng, chân cô trở nên tê dại. Đó cũng là lý do khiến Karlin không ở trên phố cả ngày - cho dù khi thoạt nhìn vào, việc kiếm tiền trong vai một bức tượng sống có vẻ đơn giản.
"Trên thực tế, những bức tượng sống cử động nhiều hơn bạn nghĩ", Karlin nói. "Tôi vẫn bị ngứa như mọi người thôi, khi chân tôi bị tê cứng, tôi vẫn sẽ phải đứng dậy để đi lại. Chỉ có điều, tôi sẽ biến những cử động của tôi thành một màn trình diễn khiến mọi người vui vẻ khi nhìn vào".
Người ta trả tiền cho một bức tượng sống trên phố đi bộ vì phần "sống" chứ không phải vì phần "tượng".
Hai năm đứng trên những con phố ở Chicago đã cho Karlin những kinh nghiệm hay thủ thuật hành nghề mà cô không ngại chia sẻ. "Một số người có thể sẽ cho bạn nhiều tiền hơn những người khác. Sai lầm lớn nhất đó là những người đàn ông mặc vest. Chính những gia đình có trẻ em mới là miếng bánh của tôi vì họ đang ra ngoài để làm gì đó vui vẻ. Còn tôi là người đem đến sự vui vẻ cho họ".
"Từ kinh nghiệm của bản thân, mỗi khi có một nhóm đông người đi qua, tôi sẽ nháy mắt với người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm đó. Cô ấy sẽ dừng lại và cười khúc khích. Sau đó, cả nhóm sẽ quay lại, tự hỏi tại sao người phụ nữ ấy lại cười. Và thế là đột nhiên, bạn có một nhóm lớn khán giả đứng xem màn trình diễn của bạn".
Đối với Karlin, có càng nhiều khán giả đồng nghĩa với có càng nhiều cơ hội thu nhập. Công việc của cô ấy là làm chủ sự tĩnh tại chứ không chỉ là nhấn một nút "Pause" trong não bộ. Đây cũng chính xác là mục đích mà nhóm nghiên cứu Copenhagen đang nhắm tới.
"Công trình của chúng tôi chủ yếu tập trung vào các cơ chế cơ bản kiểm soát chuyển động trong hệ thần kinh. Đến cuối cùng, nó có thể giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân của một số triệu chứng vận động ví dụ như đối với bệnh nhân Parkinson", giáo sư Ole Kiehn cho biết.
Bệnh nhân Parkinson có thể là một ví dụ điển hình cho những người gặp vấn đề với nút "Play/Pause" trong não bộ. Những triệu chứng đầu tiên xuất hiện với họ là chứng cứng cơ, đi bộ chậm lại và cử động khó khăn.
"Ngưng vận động hoặc cử động chậm là một trong những triệu chứng chính của bệnh Parkinson", giáo sư Ole Kiehn giải thích. "Chúng tôi suy đoán rằng các tế bào thần kinh đặc biệt trong nhân pedunculopontine của bệnh nhân Parkinson đã bị kích thích quá mức".
Nói cách khác, nút "Play/Pause" của họ đã bị nhả và nhấn liên tục. Những bệnh nhân này sau đó phát triển các triệu chứng run, khiến họ không thể ngồi yên, nằm yên, thậm chí mất khả năng ăn uống vì không sử dụng được đũa, thìa hoặc dĩa.
Can thiệp vào vùng nhân pedunculopontine của não bộ con người có tiềm năng sẽ giúp bệnh nhân Parkinson kiểm soát lại sự vận động của cơ thể mình. Bây giờ, nhóm nghiên cứu của giáo sư Ole Kiehn gợi ý các bác sĩ có thể làm điều đó bằng kích thích não sâu – sử dụng một bộ tạo xung điện cấy ghép vào não bộ để làm dịu vùng não PPN chứa nút "Play/Pause".
"Điều này đã được chứng minh giúp cải thiện khả năng vận động cho động vật thí nghiệm mắc hội chứng Parkinson", nghiên cứu viết.
Cũng như những nghiên cứu khác về não bộ, người khỏe mạnh có thể là những người phải chờ đợi đến cuối cùng để được hưởng lợi ích từ những nghiên cứu thế này.
Nhưng hãy thử tưởng tượng trong tương lai, khi bạn đã có thể cấy những con chip như Neuralink của Elon Musk vào não bộ mình, ít nhất bạn cũng đã biết nối những điện cực của nó tới đâu, nơi có một công tắc "Play/Pause" cho cơ thể.
Ở đó có một loạt những mạch thần kinh cho phép bạn tùy ý kiểm soát cử động của mình, để ngồi yên khi thiền định, tập trung làm việc hay thậm chí là tắt cả cơ thể đi vào cuối ngày, khi tất cả những gì bạn cần ban đêm chỉ là một giấc ngủ không trở mình.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời