Cái chết của CyanogenMod đã khiến xiềng xích buộc vào Android trong tay Google siết chặt hơn bao giờ hết

    Ngocmiz,  

    Cái chết của CyanogenMod đã khiến Google có thể ung dung đảm bảo rằng Android sẽ mãi mãi được bện chặt vào ADN của mình, rằng không một thế lực cân sức nào có thể tiếp tục nổi lên đòi dứt nó ra được nữa.

    Mối đe dọa lớn

    Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây không lâu, Cyanogen, công ty đứng sau bản ROM tùy biến CyanogenMod, từng hùng hồn tuyên bố sẽ nghiền nát Android. Năm 2015, CEO đương nhiệm Kirt McMaster đã khẳng định chắc nịch rằng Google chính là kẻ thù của họ. McMaster nói với Forbes rằng mục tiêu của Cyanogen là “găm một viên đạn vào đầu Google”.

    Thế nhưng vị CEO này có lẽ đã nhanh chóng phải nhận ra rằng giết chết một tập đoàn khổng lồ như Google hoàn toàn không phải chuyện đơn giản. Sau hàng loạt sai lầm và những đợt sa thải nhân viên, Cyanogen tuần qua đã đột ngột thông báo khai tử CyanogenMod, chính thức kết thức cuộc chiến chưa một ai nghi ngờ trong suốt những năm qua.

    Trong một thông báo ngắn gọn trên blog vào buổi chiều ngay trước thềm Noel vừa qua, Cyanogen đã cố ít gây xôn xao hết mức có thể bằng những lời lẽ như “Cyanogen đang gỡ bỏ tất cả các dịch vụ và bản cập nhật hỗ trợ Cyanogen trước ngày 31/12/2016". Công ty cũng không quên xoa dịu người dùng bằng tuyên bố mã nguồn của Cyanogen “vẫn sẽ còn nguyên cho những ai muốn tự mình tùy biến CyanogenMod.”

    Mặc dù Cyanogen chưa khi nào thực sự đe dọa quyền kiểm soát của Google đối với Android nhưng thông báo khai tử vừa qua có vẻ như vẫn là một thắng lợi lớn cho Google. Ý đồ của gã khổng lồ khi cho ra mắt chiếc smartphone Pixel cũng chính là để đảm bảo rằng không ai còn có thể “đánh cắp” linh hồn của Android một lần nữa.

    Tùy biến, tùy biến nữa

    Cái chết của CyanogenMod có lẽ sẽ không quá bất ngờ với những ai theo sát tin tức về sản phẩm tùy biến này. Công ty chủ quản Cyanogen Inc. thậm chí còn không giấu giếm chuyện cắt giảm nhân sự của dự án CyanogenMod và chuyển dịch hoạt động sang hướng làm ứng dụng cho Android.

    Hệ điều hành CyanogenMod vốn là một trong những phiên bản ổn định nhất của Android – một sản phẩm crowd-source chưa bao giờ chịu bay dưới đôi cánh của Google. Từng có thời điểm những tuyên bố hùng hồn muốn “cướp Android khỏi tay Google” của McMaster nghe cũng rất có cơ sở. Với thực tế rằng Android thực chất vẫn bành trướng thị trường nhờ những chiếc smartphone ít tên tuổi với các bản ROM tùy biến còn nhiều lỗi, một phiên bản Android thay thế ổn định hơn hoàn toàn có thể “đấu tay đôi” với Google. Sau khi hợp tác với startup phần cứng OnePlus và thậm chí là Microsoft, Cyanogen cho thấy tiềm năng bứt phá khỏi ngách hẹp của mình để trở thành tay chơi tầm cỡ trên thị trường.

     Chiếc OnePlus One chính là nỗ lực thành công đầu tiên của Cyanogen trong việc đưa CyanogenMod ra thị trường phổ thông

    Chiếc OnePlus One chính là nỗ lực thành công đầu tiên của Cyanogen trong việc đưa CyanogenMod ra thị trường phổ thông

    Xét về nhiều mặt thì CyanogenMod thậm chí còn được đúc kết nhiều tinh hoa của một hệ điều hành di động hơn cả chính bản thân Android. Thế nhưng ngay khi Android nhanh chóng bị tùy biến rộng khắp thì Google lại bắt đầu mở rộng vòng tay siết chặt của mình bằng nhiều cách. Một vài trong số đó có thể kể đến việc đặt ra những quy định chặt chẽ hơn cho các nhà sản xuất điện thoại chạy Android để giảm thiểu tình trạng phân mảnh, bao gồm cả việc đăng ký sử dụng ứng dụng của Google và bắt buộc phải đính kèm thanh search Google trên tất cả các bản ROM. Google cũng rất chủ động trói buộc lại những phiên bản Android được tùy biến quá nhiều. Kể cả có vậy thì thời điểm đó, CyanogenMod vẫn ngang nhiên tồn tại, vượt qua những lời đồn đại và cả nỗi khiếp sợ mang tên Google.

    Dẫu sao thì nay mọi thứ đã qua rồi. Google cuối cùng cũng thắng, không phải bằng những màn đánh trực diện Cyanogen mà bằng việc củng cố tầm nhìn của mình qua quan hệ đối tác với nhiều nhà sản xuất để đảm bảo rằng bản Android của Google mới chính là hệ điều hành Android chung cho toàn thế giới. Và nay, với launcher có thể dàng tùy chọn và trợ lý ảo Google Assistant đi kèm, Google đã cho ra lò "ngôi nhà" lý tưởng mang tên Pixel mà hãng luôn mường tượng ra cho Android. Hồi kết của CyanogenMod cũng có thể được hiểu như một sự mở màn cho thời kỳ các phiên bản tùy biến Android trong tương lai từ đối tác của Google sẽ không còn khác xa bản gốc là mấy nữa.

    Tương lai

    Các tín đồ tùy biến vẫn có thể tiếp tục vọc vạch Android nếu muốn. Tiếp nối thông báo khai tử CyanogenMod, công ty chủ quản hệ điều hành này có gửi tới các fan lời hứa sẽ tiếp tục phát triển một dự án mới là Lineage OS. Cái tên mới này sẽ phù hợp hơn với hướng đi trong tương lai: Một phiên bản khác xa với đàn anh CyanogenMod.

    Nhìn lại thì dù có vấp ngã trên cuộc hành trình “cướp” Android khỏi tay Google, câu chuyện của Cyanogen vẫn soi rọi một cạm bẫy trong thế giới tùy biến hệ điều hành di động: Ai ai cũng có thể tự thiết kế ra một phiên bản tùy biến với những ứng dụng, widget và giao diện riêng họ muốn, nhưng việc giành được thắng lợi và khiến hệ điều hành của mình trở nên thịnh hành trên thế giới thì lại là một chặng đường mịt mùng đến vô cùng.

    Đây cũng chính là thứ Google luôn mong đợi. Tương lai con bài Android có vẻ như vẫn sẽ nằm chắc trong tay gã khổng lồ. Sau Pixel, Google cũng lần đầu tiên cho công chúng thấy quyết tâm bành trướng phiên bản Android của chính mình. Dù thực tế phiên bản Android trên Pixel có chẳng phải bản thuần chính gốc mà cũng lại là một bản tùy biến khác thì cái chết của CyanogenMod cũng khiến Google có thể ung dung đảm bảo rằng Android sẽ mãi mãi được bện chặt vào ADN của mình, rằng không một thế lực cân sức nào có thể tiếp tục nổi lên đòi rứt nó ra được nữa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ