Cần 40 tỷ USD để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, nhưng chúng ta sẽ tiết kiệm được 100 nghìn tỷ và cứu 10 triệu người mỗi năm

    zknight,  

    40 tỷ USD vẫn là một con số khá khiêm tốn.

    Mới đây, một báo cáo độc lập về kháng kháng sinh đã được công bố dưới sự ủy quyền của chính phủ Anh và tổ chức phi lợi nhuận Wellcome Trust. Trong đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi Liên hợp quốc và nhóm các quốc gia G20 cần thành lập ngay một liên minh toàn cầu để điều phối chương trình quản lý kháng sinh, chống lại vi khuẩn kháng thuốc.

    Có tất cả 10 biện pháp can thiệp cần thiết được đưa ra để giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh, đồng thời, khuyến khích nghiên cứu các phương pháp điều trị, chẩn đoán mới thay thế.

    Ước tính tất cả các chương trình cần một nguồn tài chính lên đến 40 tỷ USD trong vòng 10 năm. Tuy vậy, so sánh với ước tính thiệt hại lên đến 100 nghìn tỷ USD được dự đoán vào năm 2050 gây ra bởi kháng kháng sinh, cộng thêm khoảng 10 triệu người sẽ chết vì ảnh hưởng của nó mỗi năm, 40 tỷ USD vẫn là một con số khá khiêm tốn.

     40 tỷ USD ngày hôm nay có thể tiết kiệm được 100 ngàn tỷ USD trong tương lai và hơn thế là 10 triệu mạng sống mỗi năm gây ra bởi kháng kháng sinh

    40 tỷ USD ngày hôm nay có thể tiết kiệm được 100 ngàn tỷ USD trong tương lai và hơn thế là 10 triệu mạng sống mỗi năm gây ra bởi kháng kháng sinh

    Trong bản báo có nêu ra bảy kiến nghị nhằm giảm sử dụng kháng sinh không cần thiết bao gồm:

    - Phát triển một chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu

    - Cải thiện vệ sinh môi trường và chất lượng nước

    - Điều chỉnh lại việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp

    - Nâng cao việc giám sát sử dụng kháng sinh và tình trạng nhiễm trùng kháng thuốc

    - Đầu tư vào các phương pháp chẩn đoán nhanh

    - Tăng hiệu quả của các loại vắc-xin có sẵn và các liệu pháp thay thế

    - Thu hút nhiều chuyên gia hơn tập trung vào các lĩnh vực vi sinh học và bệnh truyền nhiễm

    Các biện pháp được tóm lược như sau:

    Phòng chống và nâng cao nhận thức cộng đồng

    Những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh đòi hỏi công chúng phải được giáo dục. Họ cần phải hiểu và biết cách sử dụng kháng sinh một cách thích hợp. Bên cạnh đó là công tác phòng ngừa bệnh truyền nhiễm liên quan đến vi khuẩn, những căn bệnh bắt buộc phải điều trị bằng kháng sinh. Các xét nghiệm, chẩn đoán cũng phải được phát triển tới mức đủ khả năng cho bác sĩ sử dụng để kê những đơn thuốc tối ưu cho người bệnh.

    Một chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu có thể đạt được sự cam kết của công chúng, trong việc hạn chế sử dụng kháng sinh. Ở các quốc gia phát triển, nó có thể được thực hiện thông qua những chương trình lớn, với sự tài trợ đến từ các công ty và nguồn ngân sách y tế công cộng. Trong khi đó, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, các chương trình có thể thực theo hướng tích hợp và ở quy mô nhỏ.

    Nhận thức của công chúng và nhân viên y tế cần phải được nâng cao thêm và hỗ trợ bởi những tiêu chuẩn áp dụng cho nhãn thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó là việc hạn chế những sản phẩm kháng khuẩn được bán không cần kê đơn hoặc qua internet.

     Cảm lạnh? Cảm cúm? Chăm sóc bản thân chứ đừng dùng kháng sinh, một hình ảnh tuyên truyền cộng đồng của Châu Âu

    "Cảm lạnh? Cảm cúm? Chăm sóc bản thân chứ đừng dùng kháng sinh", một hình ảnh tuyên truyền cộng đồng của Châu Âu

    Bản báo cáo chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển ngày nay đang phải gánh những gánh nặng ngày càng tăng của tình trạng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn và nấm, cả việc sử dụng kháng sinh không hợp lý và bất khả kháng đều có thể tránh được.

    Các vấn đề cơ bản về sức khỏe cộng đồng- nước sạch, vệ sinh và vệ sinh môi trường, phòng chống giám sát và kiểm soát nhiễm khuẩn- là quan trọng tương đương những gì chúng ta làm để kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong việc giảm thiểu tác động của kháng kháng sinh”, ông Keiji Fukuda, đặc phái viên chương trình kháng kháng sinh tại Tổ chức Y tế thế giới cho biết.

    Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại các quốc gia đang phát triển phải chặn đứng những điều kiện khởi nguồn cho vi khuẩn kháng thuốc. Ví dụ riêng dịch tiêu chảy hàng năm tại 4 quốc gia Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Brazil đã yêu cầu sử dụng gần 500 triệu đợt điều trị kháng sinh. Nhưng báo cáo cho rằng chỉ cần cải thiện chất lượng nước và vệ sinh môi trường, 60% con số này có thể được giảm thiểu.

    Nhiễm trùng chéo trong các cơ sở y tế cũng là một trong những vấn đề cần kiểm soát đối với các quốc gia đang phát triển. Có trên 10% bệnh nhân trong bệnh viện bị nhiễm trùng, một tỉ lệ tăng lên đến 33% bệnh nhân trong khu vực chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, chỉ với một hành động đơn giản là rửa tay thường xuyên cũng có thể giúp ngăn chặn vấn đề.

    Kháng sinh trong nông nghiệp và nước thải

    Tại Hoa Kỳ, hơn 70% thuốc kháng sinh sử dụng trên người được bán cho nhu cầu sử dụng ở động vật. Trách nhiệm cho tình trạng này nên được giao cho nhóm các quốc gia G20, những nước đang sản xuất tới 80% sản lượng thịt trên toàn cầu.

    Các tác giả báo cáo đề nghị chúng ta nên bắt đầu một mục tiêu 10 năm từ năm 2018 nhằm giảm sử dụng kháng sinh trên động vật nuôi. Trong đó cần tăng giám sát tập quán chăn nuôi và việc sử dụng kháng sinh cho động vật.

     Hơn 70% thuốc kháng sinh sử dụng trên người tại Mỹ được bán cho nhu cầu sử dụng ở động vật

    Hơn 70% thuốc kháng sinh sử dụng trên người tại Mỹ được bán cho nhu cầu sử dụng ở động vật

    Một việc cần làm ngay là ngừng sử dụng các loại kháng sinh dự phòng cuối cùng cho con người vào mục đích nông nghiệp. Các nhà sản xuất thực phẩm phải cung cấp đầy đủ thông tin về việc sử dụng kháng sinh đến người tiêu dùng. Về phía chính phủ, họ cần xây dựng một hệ thống giám sát quốc gia để theo dõi tình trạng sử dụng và kháng kháng sinh trên cả người và động vật.

    Kháng kháng sinh cũng liên quan đến một vấn đề khác là khí thải và ô nhiễm nguồn nước gây ra bởi các công ty sản xuất hóa chất, dược phẩm. Các tác giả báo cáo cho rằng mỗi quốc gia phải thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc xử lý và thải các chất hóa học có khả năng kháng khuẩn ra môi trường. Tiêu chuẩn thậm chí phải cao hơn đối với ngành dược phẩm. Ước tính hiện nay, chúng ta đang phải dành 180 triệu USD mỗi năm để xử lý 30.000 đến 70.000 tấn chất thải kháng khuẩn có trong môi trường nước.

    Phát triển và tài trợ các nghiên cứu mới

    Có một vấn đề ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng kháng sinh cả trong trường hợp cần thiết và được tính là làm dụng. Đó là hiện nay chúng ta thiếu những phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhanh. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, 27 triệu trong số 40 triệu người phải điều trị bệnh đường hô hấp của họ mỗi năm, với đơn thuốc chứa kháng sinh mà lẽ ra không cần đến.

    Vì vậy, phát triển những công nghệ chẩn đoán và xét nghiệm nhanh là điều thực sự cần thiết. Mặc dù điều này có thể tiêu tốn từ 500 triệu cho đến 1 tỷ USD mỗi năm, các nhà nghiên cứu nói rằng đó là số tiền đáng để đầu tư.

     Các nghiên cứu mới cần phải được phát triển

    Các nghiên cứu mới cần phải được phát triển

    Một hướng đi khác là phát triển việc sử dụng vắc-xin và các phương pháp điều trị thay thế dành cho bệnh nhiễm khuẩn. Trong báo cáo, các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu vắc-xin phế cầu khuẩn liên hợp được phổ cập toàn cầu, nó có thể giảm 47% lượng thuốc kháng sinh sử dụng với bệnh viêm phổi gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên "Streptococcus pneumoniae".

    Các cơ quan khoa học trực thuộc nhà nước nên khuyến khích những nghiên cứu giai đoạn đầu, nhắm đến một phương pháp điều trị vi khuẩn gây bệnh mà không cần đến kháng sinh. Các hướng đi hứa hẹn hiện nay bao gồm: liệu pháp thể thực khuẩn, liệu pháp enzyme lysin, kháng thể hạn chế khả năng gây bệnh của vi khuẩn, kích thích miễn dịch và điều trị bằng chế phẩm peptide.

    Vấn đề tiếp theo liên quan đến nguồn nhân lực. Báo cáo chỉ ra một hiện trạng thiếu hụt chuyên gia, bác sĩ chuyên về vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu. Ở Mỹ, các bác sĩ chuyên môn trong bệnh truyền nhiễm nhận một mức lương thấp hơn 24 nhóm y sĩ khác.

    Nếu các bệnh viện, phòng thí nghiệm, chính phủ và doanh nghiệp tư nhân muốn giải quyết cơn ác mộng kháng kháng sinh, họ phải đãi ngộ tốt hơn đối với những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này.

    Chúng ta phải có nhiều kháng sinh hơn

    Việc lạm dụng kháng sinh trong nhiều thập kỷ qua đã dẫn đến kết quả rất nhiều loại thuốc trở nên mất tác dụng. Chỉ một số ít kháng sinh vẫn giữ được khả năng của mình. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu không thể phát triển những loại kháng sinh mới cho đến năm 2050, nhân loại sẽ phải đối mặt thực sự với thời kỳ hậu kháng sinh. Khi đó, ngay cả một nhiễm trùng bình thường cũng có thể gây tử vong.

     Năm 2050, sẽ có khoảng 10 triệu người chết vì kháng kháng sinh nếu chúng ta không hành động từ bây giờ

    Năm 2050, sẽ có khoảng 10 triệu người chết vì kháng kháng sinh nếu chúng ta không hành động từ bây giờ

    Vì vậy, những nỗ lực ít nhiều đã được thực hiện. Năm ngoái, Quỹ Fleming của Vương Quốc Anh đã dành ra 375 triệu USD cho chương trình giám sát bệnh nhiễm trùng kháng thuốc ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, số tiền 144 triệu USD đóng góp bởi Anh và Trung Quốc được đầu tư cho các nghiên cứu nhắm đến những loại thuốc và phương pháp chẩn đoán mới.

    Mặc dù vậy, việc phát triển các loại kháng sinh mới hay tối ưu hóa các loại kháng sinh cũ vẫn khát vốn. Nguồn tiền sẽ không bao giờ đến từ các công ty thương mại, bởi lợi nhuận không tồn tại ở thị trường này. Hàng năm, doanh thu từ các loại thuốc kháng sinh trên toàn cầu lên đến 40 tỷ USD, nhưng chỉ vỏn vẹn 4.7 tỷ USD trong đó đến từ thuốc có bằng sáng chế.

    Để giải quyết vấn đề này, báo cáo đề xuất trong vòng 5 năm tiếp theo, chúng ta phải xây dựng được một nguồn ít nhất 2 tỷ USD đổ vào các nghiên cứu kháng sinh mới. Các chính phủ cũng được khuyến nghị tạo động lực cho các nghiên cứu bằng các ưu đãi nhất định.

    Mục tiêu lý tưởng nhất được đặt ra cho các hoạt động này là làm sao mỗi thập kỷ, nhân loại phải có được 15 loại kháng sinh mới. Trong đó, ít nhất 4 loại có thể sử dụng cho những vi khuẩn nguy hiểm nhất.

    Hoạt động phối hợp toàn cầu

     Kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu, nó cũng đòi hỏi một giải pháp toàn cầu

    Kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu, nó cũng đòi hỏi một giải pháp toàn cầu

    Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết vấn đề kháng kháng sinh và một số giải pháp đề xuất đòi hỏi sự tham gia của nhiều nước mới có thể tạo ra sự khác biệt, các tác giả cho biết trong báo cáo của họ.

    Trong đó, có một lời đề nghị Liên Hợp Quốc và các nước G20 xây dựng một liên minh toàn cầu để quan tâm, quản lý và tài trợ cho các sáng kiến. Bước quan trọng nhất là phát triển được một chiến dịch nâng cao nhận thức trên quy mô toàn cầu về kháng kháng sinh. Bên cạnh đó là sự cam kết tạo thị trường cho loại thuốc mới được phát triển, khuyến khích nghiên cứu nhắm đến chẩn đoán nhanh, giảm sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp.

    Thậm chí, các biện pháp có phần “cực đoan” hơn được đưa ra bao gồm áp đặt một khoản “tiền phạt” cho các công ty dược phẩm không đầu tư cho hoạt động phát triển kháng sinh, đánh thuế thuốc kháng sinh. Ở chiều ngược lại, các nỗ lực nghiên cứu sáng tạo sẽ được khen thưởng.

    Có thể thấy rằng mặc dù sẽ tốn một khoản tiền lớn để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh trên quy mô toàn cầu hiện nay, chúng ta phải hành động ngay lập tức. Hiện nay có khoảng 700.000 người chết mỗi năm do ảnh hưởng của kháng kháng sinh. Cho đến khi các giải pháp bắt đầu được triển khai, con số có thể lên đến 1 triệu.

    Đến năm 2050, số người chế có thể đạt ngưỡng đáng kinh ngạc. Mỗi 3 giây sẽ có một người chết nếu kháng kháng sinh không được giải quyết ngay từ bây giờ”, các tác giả báo cáo cho biết. “Giải quyết vấn đề kháng kháng sinh là cốt lõi cho sự phát triển kinh tế dài hạn của mỗi quốc gia và sức khỏe của tất cả chúng ta”.

    Tham khảo Cidrap

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ