Cảnh giác với chất này trong sản phẩm ăn kiêng, nó vốn được bác sĩ khuyên dùng, nhưng bây giờ không còn như thế nữa
Hợp chất này có thể khiến máu bạn trở nên "dính hơn", từ đó làm tăng gấp đôi nguy cơ đau tim, đột quỵ, tử vong sớm.
- Giảm cân thành công: Đừng vội mừng, vũ trụ sẽ trả lại bạn đúng số cân đã giảm
- WHO khuyến cáo: 3 thứ “đồ chay” tưởng vô hại nhưng dễ khiến đường huyết tăng vọt, người tiểu đường nên ít ăn
- Cần đi bao nhiêu bước mỗi ngày để giảm nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì?
- Sử dụng liệu pháp tế bào gốc, các nhà khoa học chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường trên chuột
- Đừng nghĩ nước ngọt ăn kiêng hay nước ép hoa quả lành mạnh, chúng vẫn làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường
Lần tới, khi có ý định chọn một loại thực phẩm ăn kiêng, hãy chắc chắn rằng bạn đã đọc kỹ bảng thành phần dinh dưỡng.
Các nhà khoa học cho biết họ vừa phát hiện bằng chứng đầu tiên cho thấy: Một chất ngọt nhân tạo, ít calo, dùng để thay thế đường có thể khiến máu bạn trở nên "dính hơn", từ đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Đó là Erythritol có trong đường ăn kiêng, các loại bánh kẹo, kem, sữa không đường, sản phẩm giảm cân keto được quảng cáo là ít carb, low-carb hoặc eat clean … Dạo qua một vòng các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, các sản phẩm này đang được bán khá chạy, với doanh số hàng nghìn đơn trên một gian hàng.
Thậm chí, Erythritol còn có trong cả sản phẩm ăn kiêng dành cho người tiểu đường.
Lý do mà Erythritol được ưa chuộng, đó là vì nó từng được cho là trơ với hệ thống tiêu hóa, nghĩa là Erythritol không tạo ra tác động chuyển hóa có hại. Dựa trên các kiến thức về dinh dưỡng cũ, ngay cả các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân sử dụng chất làm ngọt nhân tạo này.
Nhưng bây giờ, nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Medicine sẽ khiến họ phải nghĩ lại. Phát hiện mới về Erythritol đã thêm vào kho bằng chứng ngày càng gia tăng, khẳng định các loại chất ngọt nhân tạo (Artificial Sweetener) không hề vô hại như cách chúng từng được quảng cáo.
Tiến sĩ, Bác sĩ Mandeep Kainth, Phó Giám đốc Khoa Tim mạch Dự phòng tại Viện Tim mạch Stony Brook, Stony Brook, New York cho biết:
"Đây là một nghiên cứu cực kỳ quan trọng, nó cung cấp bằng chứng rất ý nghĩa cho thấy việc sử dụng các chất ngọt nhân tạo, cụ thể ở đây là chất thay thế đường Erythritol, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ và tử vong".
Loại "đường ăn kiêng" vốn được cho là an toàn…
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Stanley Hazen, chủ tịch Khoa Khoa học Tim mạch và Chuyển hóa, Viện Nghiên cứu Lerner, Hoa Kỳ.
Ông cho biết theo định hướng ban đầu, toàn bộ nhóm nghiên cứu không ai có ý muốn tìm hiểu gì về Erythritol. Lý do vì từ trước đến nay, hợp chất thay thế đường này vốn được coi là an toàn.
Giống như Sorbitol và Xylitol, Erythritol là rượu đường, một loại carbohydrate được tìm thấy ở dạng tự nhiên trong nhiều loại trái cây, rau quả và cỏ ngọt. Theo các chuyên gia, độ ngọt của Erythritol tương đương khoảng 70% so với độ ngọt của đường.
Một gam hợp chất này chỉ chứa 0,24 kcal, thấp hơn 10 lần so với 2,4 kcal của Xyliton và 16 lần so với 4 kcal của đường cát.
Chính vì đặc tính ít calo, không làm tăng đường huyết, ít dư vị mà Erythritol được ưa chuộng như một chất thay thế đường. So với các loại chất ngọt nhân tạo khác, Erythritol còn tỏ ra nổi trội với khả năng nướng được và không gây ra tác dụng phụ nhuận tràng.
"Đó là lý do nó [Erythritol] trở thành lựa chọn yêu thích của ngành công nghiệp thực phẩm, một chất phụ gia cực kỳ phổ biến cho chế độ ăn kiêng keto cũng như các sản phẩm và thực phẩm ít carb khác bán trên thị trường cho những người mắc bệnh tiểu đường", tiến sĩ Hazen nói.
"Một số loại thực phẩm được dán nhãn dành cho bệnh tiểu đường mà chúng tôi đã xem xét có nhiều erythritol hơn bất kỳ mặt hàng nào khác tính theo trọng lượng".
Erythritol cũng là thành phần chủ yếu trong sản phẩm stevia và la hán quả. Mặc dù được dán mác "tự nhiên", stevia và la hán quả đều có vị ngọt hơn đường khoảng 200 đến 400 lần. Chỉ cần một lượng nhỏ của chúng đã có thể tái tạo vị siêu ngọt mà đường không thể.
Tuy nhiên, phổ biến nhất, Erythritol thường được bán dưới dạng gói "đường ăn kiêng", bởi chúng có thể được sản xuất công nghiệp dưới dạng tinh thể trắng, giống với đường cát, tạo ra cảm giác quen thuộc cho người tiêu dùng.
"Erythritol trông giống như đường, nó có vị như đường và bạn có thể dùng nó để làm món nướng", tiến sĩ Hazen nói. Đây là cơ sở để các bác sĩ trước đây khuyên dùng Erythritol như một chất thay thế đường.
Hợp chất này vẫn đang được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA ) "Công nhận là An toàn trong trường hợp thông thường (GRAS)", có nghĩa là không có yêu cầu đối với các nghiên cứu an toàn dài hạn.
…nhưng bây giờ không hẳn an toàn nữa
Đó là điều mà tiến sĩ Hazen và các đồng nghiệp vô tình phát hiện khi đang thực hiện một cuộc điều tra, sàng lọc các hợp chất tự nhiên xuất hiện trong máu. Mục tiêu của họ là xem hợp chất nào có khả năng dự đoán nguy cơ bệnh tim mạch.
Erythritol lúc này đột nhiên nhảy ra trên những cột số liệu như một chỉ dấu nổi bật. Ở dạng tự nhiên, hợp chất này được cơ thể sinh ra như một phụ phẩm của quá trình trao đổi chất. Nhưng bệnh nhân nào có nồng độ Erythritol trong máu càng cao thì càng có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao.
"Công bằng mà nói, không ai có thể đoán trước được điều này. Chúng tôi chắc chắn cũng không đoán được. Chúng tôi chỉ vô tình vấp phải nó. Nhưng bây giờ, bởi chúng tôi đã biết… chúng tôi cần nghiên cứu để đánh giá mức độ an toàn của Erythritol", ông nói.
Để thực hiện điều đó, tiến sĩ Hazen đã làm một khảo sát kỹ hơn bằng cách đo nồng độ Erythritol trong máu của gần 3.000 tình nguyện viên đang sống tại Mỹ và Châu Âu. Kết quả một lần nữa cho thấy 25% nhóm những người có nồng độ Erythritol cao nhất cũng sẽ có nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong cao nhất, gấp đôi nhóm có nồng độ Erythritol thấp hơn.
"Những kết quả này thật sự khiến chúng tôi điếng người. Chúng đặt nồng độ Erythritol ngang bằng với các yếu tố nguy cơ mạnh nhất kích hoạt các biến cố tim mạch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường", tiến sĩ Hazen nói. Nồng độ Erythritol trong máu cao thậm chí còn nguy hiểm hơn cả nồng độ cholesterol hoặc huyết áp cao.
Để tìm hiểu lý do tại sao lại vậy, tiến sĩ Hazen đã tiến hành một thí nghiệm nhỏ. Ông hòa từng lượng Erythritol với nồng độ tăng dần vào các mẫu máu toàn phần hoặc tiểu cầu phân lập.
Kết quả quan sát cho thấy, Erythritol khiến những mảnh tế bào kết tụ lại với nhau và hình thành cục máu đông. Nguyên nhân có thể đến từ việc hợp chất này kích thích tiểu cầu dính lại, trong một phản ứng giống như cầm máu.
Hiện tượng khiến cục máu đông hình thành trong thành mạch. Sau đó, nếu chúng bong ra và di chuyển đến tim hoặc lên não, làm tắc nghẽn các mạch máu quan trọng, bệnh nhân sẽ ngay lập tức rơi vào cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Ăn kiêng tưởng là lợi sức khỏe, nhưng lại gây bệnh
Trong công nghiệp, Erythritol được tạo ra bằng cách lên men ngô. Sau khi được tiêu thụ, cơ thể con người chuyển hóa Erythritol rất kém. Thay vào đó, hợp chất này đi thẳng vào máu và được đào thải ra khỏi cơ thể chủ yếu qua đường nước tiểu.
Sau khi phát hiện ra nguy cơ về mức độ cao của Erythritol và tác động của nó đối với quá trình đông máu, tiến sĩ Hazen và các đồng nghiệp đã quyết định điều tra thêm. Họ muốn xem Erythritol có thể tích tụ như thế nào trong cơ thể những người tiêu thụ nó từ thực phẩm?
Một nhóm nhỏ tình nguyện viên khỏe mạnh đã được tuyển dụng cho mục đích này. Họ được cho ăn từ một khẩu phần Erythritol 30 gam trong các sản phẩm như kem hoặc nước chanh.
Kết quả: "Nồng độ Erythritol trong huyết tương của họ tăng cao hơn khoảng 1.000 lần, và sau đó duy trì suốt 2-3 ngày, ở trên mức đã được quan sát thấy trong thí nghiệm làm tăng nguy cơ đông máu trước đó", tiến sĩ Hazen nói.
Và đó mới là một khẩu phần 30 gam. Nhiều loại kem dành cho người ăn kiêng có thể chứa tới 45 gam Erythritol mỗi suất. Một đồng nghiệp của tiến sĩ Hazen đã tìm thấy một loại bánh cho người tiểu đường chứa 75 gam Erythritol mỗi cái.
Phát hiện này củng cố lo ngại về việc các loại "đường ăn kiêng", chất ngọt nhân tạo có thể gây hại chứ không tốt cho sức khỏe.
Tiến sĩ Kainth cho biết vào năm 2018, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã khuyến cáo những người muốn giảm cân nên chuyển từ đồ uống có đường sang đồ uống không đường chứa chất ngọt nhân tạo.
Sau đó, rất nhiều người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tiềm ẩn đã làm theo khuyến cáo này, chuyển sang các sản phẩm có chứa Erythritol vì tin vào lời khuyên của AHA. "Nhưng kết quả của nghiên cứu mới này ngụ ý rằng chính những sản phẩm đó lại đang khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn", tiến sĩ Kainth nói.
Trước đây, cũng từng có nhiều nghiên cứu đưa ra cảnh báo tương tự. Chẳng hạn như một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ Viện Sức khỏe Phụ nữ cho thấy, những người tiêu thụ 700 ml đồ uống có chất ngọt nhân tạo mỗi ngày trở lên sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
"Do tính an toàn của những chất thay thế đường này chưa được nghiên cứu chi tiết, tôi tin rằng chủ đề về chất làm ngọt nhân tạo và tác động của chúng đối với sức khỏe của chúng ta cần được quan tâm nhiều hơn. Nghiên cứu mới này đang đưa ra một số câu hỏi rất hấp dẫn cần phải được giải đáp", tiến sĩ Kainth nói.
Tóm lại: Bạn có nên tiếp tục ăn thực phẩm chứa Erythritol?
Nghiên cứu mới cho thấy, thay vì mang lại lợi ích sức khỏe, việc sử dụng Erythritol có khả năng gây hại. Vì vậy tiến sĩ Hazen khuyến cáo các nhà quản lý nên yêu cầu sản phẩm chứa Erythritol phải được dán nhãn, để người tiêu dùng đưa ra lựa chọn dùng hay không dùng chúng.
Từ quan điểm của mình, Tiến sĩ Kainth cho rằng Erythritol không phải là lựa chọn sáng suốt. Cách tốt nhất để giảm cân, theo ông là giảm lượng đường tiêu thụ và thực hiện các thay đổi lối sống như tăng cường vận động thể chất.
Việc mọi người chuyển từ tiêu thụ đường sang tiêu thụ chất ngọt nhân tạo chỉ là dùng một thứ có hại để thay thế một thứ có hại khác.
Về phần mình, Tiến sĩ Hazen cho biết: "Tôi sẽ nói với các bệnh nhân rằng tốt hơn hết là sử dụng một lượng đường hoặc mật ong vừa phải, điều độ, hơn là tìm đến những thứ chứa lượng lớn chất ngọt nhân tạo chưa được kiểm chứng, nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của nó".
Kiêng và giảm đường ban đầu có thể khó khăn. Nhưng theo Tiến sĩ Kainth, chìa khóa để thực hiện thay đổi lối sống là hãy kiên nhẫn và khoan dung với bản thân mình. Thực hiện những thay đổi nhỏ, dần dần, từng bước, bởi chúng sẽ đem lại khả năng thành công cao hơn.
"Một cách để làm điều này là cắt bỏ đồ uống có đường như nước ngọt có ga và thay thế chúng bằng nước lọc hoặc trà không đường", ông nói. "Đọc nhãn thực phẩm và chú ý đến hàm lượng đường trong thực phẩm chúng ta ăn cũng là một điểm khởi đầu tốt".
Tham khảo Sciencealert, Nature, Washingtonpost, Everydayhealth, CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín