Cậu bé 17 tuổi không ngủ suốt 11 ngày để phá kỷ lục thế giới

    zknight,  

    Thử nghiệm trên động vật đã xác nhận một con mèo thức liên tục trong 15 ngày và chết.

    Vào cuối năm 1963 đầu 1964, có 3 câu chuyện nổi bật nhất trên các đầu báo ở Mỹ: Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, ban nhạc The Beatles tới Mỹ để xoa dịu nỗi đau ấy, và một chuyện chẳng hề liên quan: Cậu học sinh trung học Randy Gardner không ngủ để phá kỷ lục thế giới.

    Vào ngày 8 tháng 1 năm 1964, Randy, 17 tuổi, đã sống sót sau 11 ngày, 25 phút không ngủ. Cuộc thử nghiệm được cho là kỳ quặc trên các mặt báo, nhưng đã đánh dấu một nỗ lực phi thường của một nhóm học sinh trung học. Nó thậm chí đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra một cơ chế kì lạ của não bộ.

     Randy Gardner (bên trái), sau khi kết thúc thí nghiệm 11 ngày không ngủ

    Randy Gardner (bên trái), sau khi kết thúc thí nghiệm 11 ngày không ngủ

    Bruce McAllister, người tham gia thí nghiệm cùng Randy, nói rằng bộ đôi có ý tưởng sau khi muốn tham gia triển lãm khoa học của học sinh sinh viên. Nhưng rồi sự sáng tạo và tự tin đến dại khờ của tuổi trẻ đã khiến Bruce và Randy quyết định đặt mục tiêu lớn: phá kỷ lục thế giới về thời gian tỉnh táo - khi đó là 260 giờ không ngủ tương đương gần 11 ngày thuộc về một DJ ở Honolulu.

    Trong phiên bản đầu tiên của thí nghiệm, McAllister và Randy thậm chí còn muốn kiểm tra xem việc mất ngủ kéo dài có khiến một trong hai người phát triển khả năng siêu nhân nào không. Nhưng “chúng tôi nhận ra điều đó là bất khả thi. Vì vậy, chúng tôi quyết định nghiên cứu sự ảnh hưởng của việc thiếu ngủ đối với khả năng nhận thức, hiệu suất khi chơi bóng rổ. Bất cứ điều gì chúng tôi có thể kiểm tra được", McAllister nói.

    Để chọn ai sẽ là người phải thức trong thí nghiệm, McAllister và Randy đã tung đồng xu. Kết quả là McAllister thắng, Randy sẽ là người thức. Nhưng McAllister cũng tò mò muốn thức cùng Randy xem ông có thể chịu được đến đâu.

    "Chúng tôi là những thằng ngốc, bạn biết đấy, những thằng ngốc trẻ tuổi", McAllister nói. "Tôi đã thức với anh ta để theo dõi... và sau ba đêm không ngủ, tôi tỉnh dậy trong trạng thái dựa đầu vào tường, với những ghi chú được viết ngay trên tường".

    Hai chàng trai lúc này nhận ra rằng thí nghiệm không thể được thực hiện chỉ với 2 người. Họ cần một người nữa tham gia, vì vậy, đã rủ thêm Joe Marciano, một người bạn nữa. Không lâu sau khi Marciano cùng McAllister và Randy bắt đầu lại thí nghiệm, bộ ba bất ngờ nhận được một sự hậu thuẫn cực kì lớn từ William Dement, một nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Stanford.

     William Dement cùng nhóm 3 chàng học sinh trung học muốn phá kỷ lục thế giới

    William Dement cùng nhóm 3 chàng học sinh trung học muốn phá kỷ lục thế giới

    Dement bây giờ đã trở thành giáo sư danh dự tại Stanford - nhưng năm 1964, ông chỉ mới bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực khoa học giấc ngủ. Ông đã đọc về thí nghiệm của 3 cậu học sinh tại một tờ báo ở San Diego và ngay lập tức muốn tham gia vào đó - phần nào để giúp bố mẹ của Randy yên tâm hơn.

    "Tôi có lẽ là người duy nhất trên hành tinh nghiên cứu về giấc ngủ ở thời điểm đó", giáo sư Dement nói. "Bố mẹ của Randy đã rất lo lắng rằng thí nghiệm này có thể là một điều thực kỳ có hại cho cậu ta”. Có một câu hỏi mà chưa một ai dám trả lời vào những năm 1960: Liệu thức quá lâu có khiến một người nào đó tử vong?

    Thử nghiệm trên động vật đã xác nhận một con mèo thức liên tục trong 15 ngày và chết. Nhưng thí nghiệm cho thấy thiếu ngủ không phải nhân tố gây tử vong. Thay vào đó, con mèo đã chết do chất kích thích để khiến nó mất ngủ hoặc mức độ stress mà nó phải chịu đựng.

    Thật vậy, McAllister nhấn mạnh rằng những thí nghiệm này liên quan đến việc sử dụng chất kích thích gây nhiễu kết quả. "Randy đã từng uống Coke nhưng chẳng dùng chất kích thích nào cả, bạn biết đấy, không có Dexedrine, Benzedrine ở thời điểm đó", ông nói.

    William Dement tham gia vào với nhóm học sinh sau khi Randy đã thức được vài ngày. Ông tỏ ra lạc quan và không có vẻ gì đặc biệt xảy ra cả. Tuy nhiên, vài ngày nữa trôi qua, các thí nghiệm trên cơ thể Randy đã cho ra một số kết quả bất ngờ.

    Dement đã kiểm tra các giác quan của Randy, vị giác, khứu giác và thính giác. Các bài kiểm tra này xác nhận sau một thời gian dài không ngủ, khả năng nhận thức và cảm giác của Randy đã bị ảnh hưởng.

    McAllister nhớ lại Randy bắt đầu nói: "Đừng khiến tôi phải ngửi thấy cái mùi đó, tôi không thể chịu đựng được mùi hôi ấy". Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khả năng chơi bóng rổ của cậu ấy đã tốt hơn, mặc dù càng về sau thời gian anh có thể chơi bóng càng giảm xuống.

    "Cậu ấy rất khỏe mạnh”, Dement nói. "Vì vậy, chúng tôi luôn giữ được cậu ấy thức bằng cách chơi bóng rổ, bowling, hoặc những thứ đại loại như vậy. Một khi nhắm được mắt, cậu ấy sẽ ngủ ngay".

    Ban đêm là khoảng thời gian khó khăn hơn, vì không có gì để cho Randy làm. Dement, McAllister và Marciano đã có một khoảng thời gian vất vả khủng khiếp để giữ Randy tỉnh táo.

     Thử nghiệm trên động vật đã xác nhận một con mèo thức liên tục trong 15 ngày và chết

    Thử nghiệm trên động vật đã xác nhận một con mèo thức liên tục trong 15 ngày và chết

    Khi thử nghiệm của Randy diễn ra, nó đã thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông tại Mỹ. Câu chuyện về một cậu học sinh trung học không ngủ để phá kỷ lục đã leo lên hạng 3 trong số các đầu báo, chỉ sau vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy và chuyến thăm của The Beatles tới Mỹ.

    Theo McAllister, thí nghiệm khi đó được miêu tả như một trò đùa giỡn. Câu chuyện xuất hiện trong cùng một chuyên mục của những thí nghiệm kỳ quặc, chẳng hạn như xem một bot điện thoại công cộng nhét vừa bao nhiêu người hoặc nuốt một con cá vàng có sao không.

    Mặc dù vậy, đội thí nghiệm đã giữ được tinh thần nghiêm túc của mình. Cuối cùng sau 264 giờ không ngủ, kỷ lục thế giới đã bị Randy phá vỡ và cuộc thử nghiệm kết thúc.

    Thay vì lăn ngay ra giường ở nhà để ngủ, Randy đã được đưa tới một bệnh viện hải quân để giám sát sóng não trong khi ngủ ở đó. McAllister mô tả những gì đã xảy ra tiếp theo: "Cậu ấy ngủ được 14 tiếng - chúng tôi không ngạc nhiên - và cậu ấy thức dậy trở lại”.

    Đêm đầu tiên, Randy gần như hoàn toàn chìm trong giấc ngủ REM, khoảng thời gian ngủ sâu đem đến cho con người những giấc mơ. Tỷ lệ giấc ngủ REM đã tăng vọt, sau đó giảm dần trong đêm tiếp theo và trở lại bình thường sau ngày cuối.

    "Cuối cùng thì cậu ấy đã tỉnh dậy và đi học ... thật tuyệt", Dement nói.

     Randy Gardner đã tỉnh dậy và đi học bình thường trở lại sau 11 ngày không ngủ

    Randy Gardner đã tỉnh dậy và đi học bình thường trở lại sau 11 ngày không ngủ

    Kết quả những thử nghiệm cuối cùng của Randy từ bệnh viện hải quân đã được gửi đến Arizona để tiếp tục phân tích và nghiên cứu. McAllister cho biết các nhà khoa học sau đó đã phát hiện một kết quả bất ngờ, rằng não Randy đã được phân công làm việc luân phiên.

    Điều đó có nghĩa là trong suốt thời gian cậu thức, một phần não nào đó sẽ ngủ và khi nó thức dậy, một phần khác sẽ ngủ. “Điều này có thể giải thích tại sao những điều tồi tệ hơn lại không xảy ra", McAllister nói.

    Một số người đã cố gắng phá vỡ kỷ lục của Randy, nhưng Sách kỷ lục Guinness đã ngừng chứng nhận những nỗ lực của bất kể ai muốn không ngủ trong thời gian dài. Họ tin rằng nó có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

    Mặc dù vậy, Randy dường như không có bất kể ảnh hưởng xấu gì từ 11 ngày không ngủ của mình. Chỉ có sau này, ông có báo cáo về việc bị mất ngủ kinh niên. Nhưng sự thật là bất cứ một người nào cũng có thể bị mất ngủ, không cứ gì việc anh ta có thức suốt 11 ngày hồi học trung học hay không.

    Tham khảo BBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ