Câu chuyện văn hóa: Quan niệm của người Nhật về 4 loại “không gian” sẽ thay đổi thế giới quan của bạn
Nếu bạn là người đầu tiên đến phòng họp, bạn nghĩ căn phòng đó trống hay đầy?
Nếu bạn sinh ra ở phương Tây, phòng họp là nơi mọi người gặp gỡ. Vì vậy, nếu như không có ai ở đó, tất nhiên là căn phòng đó sẽ trống rồi. Triết gia Henk Oosterling nhận xét, ở phương Tây, "một căn phòng sẽ trống cho đến khi có ai đó bước vào".
Căn phòng này trống một nửa hay đầy một nửa?
Tuy nhiên, ở phương Đông, khái niệm không gian được hiểu theo một cách khác. Ở Nhật Bản, một không gian luôn có những đặc trưng, ý nghĩa riêng kể cả khi chưa có sự việc nào xảy ra ở đó. Theo cách diễn giải này, một căn phòng sẽ luôn đầy những cấu trúc vô hình, bất kể người ở trong là ai.
Khái niệm về không gian của người Nhật
Các nhà thiết kế và kiến trúc sư phương Tây từ lâu đã thán phục những khái niệm về không gian của người Nhật. Song chúng ta cũng có thể học được rất nhiều điều về văn hóa và cách tiếp cận trong lý thuyết lẫn thực tế của họ. Mitsuru Kodama, giáo sư của trường Đại học Nhật Bản, quan niệm rằng, những khái niệm về không gian của người Nhật đến từ 2 truyền thống cơ bản: Shinto (tín ngưỡng bản xứ của người Nhật) và Phật giáo (du nhập từ châu Á lục địa).
Đạo Shinto đề cao sự hài hòa trong các mối quan hệ và chú trọng vào sự kết nối - bằng lời và cả không bằng lời - khiến mọi người liên kết với nhau. Phật giáo đề cao sự hư vô và vị tha. Kodama nói rằng, "những khái niệm này kéo theo sự không tuân theo bất kì hành động hay ý tưởng cố định nào". Thậm chí, từ để chỉ con người trong tiếng Nhật, ningen, thể hiện sự khác biệt trong cách mà tương tác và danh tính được hiểu. Phần đầu (nin) thể hiện con người, và phần thứ hai (gen) thể hiện phần không gian ở giữa. Sự hiểu biết về một con người thì không quá rạch ròi và chia ra rõ ràng mà được cấu thành từ những liên kết và mối quan hệ mà con người tạo ra khi tương tác với người khác.
Phòng trà truyền thống ở Nhật Bản. Ảnh:interior24.eu
Tương tự, không gian kiểu Nhật thường chú trọng vào các tương tác kết cấu, tính ngẫu nhiên, và sự liên kết tới người khác và xã hội. Ví dụ, những phòng trà truyền thống thường có cửa thấp và hẹp. Điều này khiến khách phải cúi thấp người xuống, trước đây thì khiến samurai bỏ kiếm lại bên ngoài cửa. Cánh cửa có công dụng nhắc nhở khách về mối quan hệ của họ đối với người chủ (bằng việc cúi đầu) và rộng hơn là đối với văn hóa (nơi mà vũ khí là thứ không phù hợp). Bằng cách này, họ xây dựng không gian trở thành một phần của văn hóa và các giá trị.
Bốn loại không gian của người Nhật
Người Nhật có ít nhất 4 từ khác nhau để miêu tả "không gian", đa phần chúng đều khác biệt so với những từ tương tự trong tiếng Anh.
Không gian quan hệ (wa)
Wa thường được dịch là sự hài hòa, nhưng thực sự điều đó không hoàn toàn chính xác. Wa là sự nhận biết mối liên kết giữa người với người và thường được miêu tả bằng dòng không khí. Mỗi không gian có một tính chất nào đó ảnh hưởng tới kiểu quan hệ được hình thành ở đó, và wa xác nhận cách mà mối quan hệ bị ảnh hưởng trong không gian đó.
Ví dụ, những du khách tới Nhật Bản biết về sự nghiêm khắc và tôn trọng của người Nhật thường ngạc nhiên khi biết về cuộc sống sôi động về đêm. Những ngày dài làm việc tại văn phòng thường được tiếp tục bởi những đêm dài tiêu khiển, nhậu nhẹt và trò chuyện. Một lý do mà những đồng nghiệp trong cùng công ty thường đi cùng nhau là để gìn giữ wa và củng cố mối quan hệ của họ.
Quán bar (izakaya) kiểu Nhật, nơi mọi người tụ tập sau một ngày làm việc căng thẳng.
Nơi làm việc luôn có một bộ quy tắc cụ thể và làm việc cùng nhau có thể sinh ra áp lực và mâu thuẫn. Trong hầu hết các xã hội, văn phòng là nơi không phù hợp để giải quyết vấn đề đó. Thay vào đó, izakaya, một kiểu bar Nhật Bản, cho phép các kiểu quan hệ được phơi bày. Rượu, phòng kín và nửa kín, cách sắp xếp bàn ghế thân mật giúp những ý kiến không phù hợp ở nơi công sở được nêu ra. Nhân viên có thể nói thẳng với sếp về các quan điểm của mình.
Chúng ta nên chú ý tới không gian mà chúng ta làm những việc khác nhau hoặc nói những thứ khác nhau. Những nơi khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau tới mối quan hệ mà chúng ta tạo nên. Nếu chúng ta muốn ai đó chia sẻ cảm xúc, không gian nào sẽ khiến việc đó dễ dàng hơn? Liệu một quán cà phê ồn ào sẽ là nơi phù hợp để nói về một chủ đề tế nhị? Thế còn một bữa tối lãng mạn ở một nhà hàng thì sao?
Không gian huy động kiến thức (ba)
Ba chỉ sự sắp xếp những thành phần để tạo ra những mối liên kết, tạo điều kiện để những ý tưởng mới hoặc kinh nghiệm mới dễ dàng được phát huy. Trong khi wa chú trọng vào các mối quan hệ, ba chú trọng vào cách kiến thức được xây dựng và chia sẻ. Nếu như wa nói về sự hài hòa của xã hội và giữa người với người, ba nói về cách để kiến thức và kinh nghiệm của mọi người có thể được áp dụng.
Một văn phòng với bàn họp lớn cho phép mọi người trao đổi thông tin
Khái niệm văn phòng mở là sự thể hiện của ba dưới dạng một nguyên tắc thiết kế. Những văn phòng kiểu Nhật thường rất rộng mở và nhiều người có thể chia sẻ cùng một chiếc bàn lớn và không gian làm việc. Cách sắp xếp này cho phép trao đổi thông tin nhanh chóng, đôi khi là ngẫu nhiên. Người Nhật cũng ưu tiên những đội liên ngành vì họ tin rằng khi tập trung những góc nhìn khác nhau về thế giới, những đột phá sẽ được sinh ra. Thường thì khi tập trung nhiều chuyên môn khác nhau sẽ xảy ra tình trạng thiếu hiệu quả, nhưng ba cần không gian chung để những mối quan hệ và kinh nghiệm khác nhau được bộc lộ.
Để ứng dụng ba vào cuộc sống, chúng ta có thể theo dõi những trang mạng xã hội không nằm trong kinh nghiệm hay sở thích của chúng ta, tham gia những sự kiện hay hội thảo về những chủ đề không phải chuyên môn của chúng ta, gặp gỡ và trò chuyện với những người mà bình thường chúng ta không gặp. Ba muốn chúng ta mở lòng với bên ngoài khi chúng ta muốn tập trung và thu mình lại. Lý do là những gì chúng ta biết có giá trị hay không thì phụ thuộc vào những gì người khác biết.
Địa điểm (tokoro)
Tokoro dùng để miêu tả một địa điểm hoặc nơi nào đó, thế nhưng nó cũng dùng để miêu tả một trạng thái tồn tại. Ở Nhật Bản, một địa điểm nào đó không thể tách rời những mối liên kết lịch sử, văn hóa, xã hội và những mối liên kết khác. Vì vậy, khái niệm tokoro cũng giống như khái niệm ngữ cảnh, khi mà nơi đó chắc chắn được kết nối với những hoạt động xung quanh nó.
Nếu như wa chú trọng tới những mối quan hệ trong không gian, tokoro hướng hoạt động trong không gian đó tới một câu chuyện lớn hơn. Tuy vậy, nó hơi khác so với khái niệm địa điểm trong tư duy của phương Tây. Khái niệm không gian trong phương Tây bao gồm phía ngoài, phía trong và một ranh giới ở giữa. Điều này khiến việc coi mọi thứ đều nằm trong những thứ khác lớn hơn và chứa những thứ khác nhỏ hơn trở nên dễ dàng: một văn phòng nằm ở thành phố New York, thành phố đó thuộc nước Mỹ. Đội bán hàng ở trong văn phòng đó và Jules là thành viên của đội bán hàng.
Những cô gái mặc trang phục maid như thế này là một phần không thể thiếu của khu Akihabara, Tokyo. Ảnh: jonellepatrick.com
Khái niệm về không gian của người Nhật thì không chú trọng vào các ranh giới, vì vậy việc thuộc về một nơi nào đó có nghĩa là có một mối quan hệ luôn chuyển động với nó. Ở Nhật Bản, một tòa nhà không thể nằm trong Tokyo nếu thiếu thứ thuộc về Tokyo ở trong tòa nhà đó.
Không gian âm (ma)
Ma thường được dịch là không gian âm. Tuy nhiên, ma nên được hiểu là khoảng không gian tự do cho phép những thứ không giống nhau tồn tại. Khi chúng ta truyền đạt một thứ gì đó, chúng ta thường cho rằng, người nhận sẽ hiểu theo cách mà chúng ta muốn. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Nếu như tôi nói với bạn rằng "tôi cảm thấy đói", bạn có thể suy luận câu nói đó chỉ đơn giản là mang thông tin, hoặc là câu lệnh khiến bạn cho tôi ăn, hoặc là một lời chê khéo khi bạn là chủ nhà, hoặc là có một ý nghĩa nào đó hoàn toàn khác nữa.
Khái niệm ma của người Nhật cho rằng, chúng ta cần tạo ra sự gián đoạn hoặc khoảng trống để cho phép sự khác biệt xuất hiện. Thiết kế theo ma là cách tạo ra những khoảnh khắc của nhận thức và yên tĩnh.
Một công viên ở Nhật Bản với những cây anh đào đang nở rộ. Ảnh: amysview.wordpress.com
Ví dụ, ở Nhật Bản, các ngôi đền thường được xây dựng trên đỉnh đồi, sau khi leo một quãng đường dài, người ta sẽ cảm thấy thanh thản hơn khi bước vào ngôi đền và bỏ lại mọi sự phiền muộn phía sau. Những thành phố đều có các công viên nằm rải rác dành cho nhiều người muốn có những bước đi dạo trong yên tĩnh. Thậm chí, các cuộc trò chuyện của người Nhật còn có những đoạn ngưng dài vốn không hợp với người nghe phương Tây.
Tạo ra những không gian để suy nghĩ và hòa nhập có thể giúp chúng ta giải quyết một số mâu thuẫn và căng thẳng trong cuộc sống hiện đại. Sự khác biệt về ý kiến khó có thể tồn tại một cách yên bình, việc đi lại từ nhà tới cơ quan rồi lại về nhà thường bị lấp đầy bởi những đám đông và căng thẳng. Vì vậy, có rất nhiều cách giúp chúng ta tạo thêm ma trong cuộc sống. Ngồi thiền là một cách tuyệt vời để lấy lại thăng bằng sau một ngày bận rộn. Tham quan một thư viện có thể là một cách thư giãn hiệu quả giữa thế giới ngày càng thương mại hóa này. Ở nhà, chúng ta có thể dành ra một không gian riêng không có các vật dụng công nghệ hiện đại. Đâu là thời gian trống trong này của chúng ta?
Suy nghĩ về không gian theo cách của người Nhật có thể mở ra nhiều lựa chọn mới để chúng ta sắp xếp cuộc sống và chú trọng vào những mối quan hệ cần thiết. Xây dựng những không gian thắt chặt mối quan hệ (wa), tạo ra tri thức mới (ba), kết nối với thế giới xung quanh (tokoro) và cho phép những khoảng lặng và nhận thức (ma) có thể giúp trải nghiệm cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú hơn.
Nguồn: Quartz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?