Câu chuyện về những lớp học từ sáng đến đêm ở Hàn Quốc: Khi "quả ngọt" của điểm số đi cùng cái giá quá đắt

    GIANG SPIDERUM, Theo Helino 

    Hàn Quốc vẫn luôn là một trong các nước có kết quả dẫn đầu trong Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Nhưng ẩn sau sự hào nhoáng của vị trí dẫn đầu là câu chuyện đánh đổi của cả một thế hệ.

    Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là một khảo sát quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất, nhằm đánh giá năng lực của học sinh trong độ tuổi 15 của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD. Chương trình được thực hiện 3 năm một lần, kiểm tra mức hiểu biết và vận dụng của học sinh trong ba lĩnh vực Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Bài thi không kiểm tra kiến thức thu được tại trường học mà chủ yếu đánh giá năng lực vận dụng kiến thức và kỹ năng phổ thông vào thực tế của học sinh.

    Câu chuyện học thêm

    Park Hye Min là một học sinh 16 tuổi và đang sống tại Gangnam, khu thượng lưu nổi tiếng của Seoul đã được Psy giới thiệu đến cả thế giới. Thời gian biểu một ngày của cô vô cùng điển hình cho phần lớn giới trẻ ở Hàn Quốc: thức dậy từ 6 giờ 30 sáng, đến trường lúc 8 giờ, tan học lúc 4 giờ 30 chiều (hoặc 5 giờ, nếu tham gia câu lạc bộ), sau đó về nhà ăn nhẹ. Rồi tiếp tục bắt xe buýt đi học thêm từ 6 giờ đến 9 giờ tối. Dành thêm 2 tiếng tự học ở trường và trở về nhà lúc 11, 12 giờ đêm, 2 giờ sáng đi ngủ và lặp lại lịch trình như vậy đều đặn hàng ngày.

    Câu chuyện về những lớp học từ sáng đến đêm ở Hàn Quốc: Khi quả ngọt của điểm số đi cùng cái giá quá đắt - Ảnh 1.

    Thi cử nghĩa là tranh đấu

    Làm thế nào cô gái trẻ này có thể thích ứng với lịch học dày đặc và căng thẳng như vậy?

    Cô chia sẻ rằng, "Tất nhiên mình rất mệt, nhưng lại có thể quên tất cả những khó khăn, khổ sở một khi nhìn thấy kết quả, xứng đáng với bao nỗ lực và công sức bỏ ra". Như bao người khác, bản thân cô cũng muốn được dành thời gian ngủ và giải trí nhiều hơn nhưng vẫn luôn tự thúc ép mình vượt qua điều đấy và chăm chỉ hơn nữa. Để có đủ khả năng đạt được ước mơ làm giáo viên thì phải cố gắng thôi, chưa kể cô cũng thích học hỏi và khám phá các kiến thức mới.

    Hye Min dĩ nhiên không phải trường hợp duy nhất. Phần lớn học sinh ở Hàn Quốc coi học thêm hai hay ba ca mỗi ngày trong tuần là chuyện bình thường của học sinh trung học. Mục tiêu của các em chủ yếu hoặc là được vào trường Đại học SKY, hoặc là đi du học.

    Các bậc phụ huynh ở Hàn Quốc mỗi năm chi hàng triệu won chỉ dành cho học thêm, không phải là mời gia sư về nhà kèm cặp con em thêm một hay hai buổi, mà là để lũ trẻ tới các trung tâm, thậm chí các trường tư thục dạy thêm trên quy mô công nghiệp. Gần 100.000 trường dạy thêm như vậy ở Hàn Quốc và tận ¾ học sinh cả nước theo học tại các trung tâm này.

    Câu chuyện về những lớp học từ sáng đến đêm ở Hàn Quốc: Khi quả ngọt của điểm số đi cùng cái giá quá đắt - Ảnh 2.

    Học sinh Hàn phải đối mặt với lịch học dày đặc và căng thẳng.

    Mẹ Hye Min chia sẻ, bà rất thương con gái, nhưng không còn cách nào khác, vì thi cử nghĩa là tranh đấu, bà phải trang bị cho con những vũ khí tốt nhất.

    "Hàn Quốc sở hữu rất ít tài nguyên thiên nhiên, đến đất đai cũng không nhiều, thứ tài nguyên duy nhất chúng tôi có là con người. Nên bất kì ai muốn thành công thì phải thật sự xuất chúng. Trên phương diện làm mẹ thì tôi không hề thấy thoải mái khi phải bắt ép con mình học nhiều như vậy, nhưng đấy là cách duy nhất để con bé có thể hiện thực hóa ước mơ".

    Chính sự chăm chỉ không ngừng nghỉ này đã đưa Hàn Quốc lên một trong các vị trí đứng đầu tại các kì thi trên thế giới.

    Trái ngọt của sự cố gắng

    Vậy cụ thể học sinh Hàn giỏi đến đâu?

    Một nhóm các thiếu niên ở độ tuổi 15, 16 từ trường trung học Garak (trường Hye Min theo học) được cho làm thử các câu hỏi trong đề thi toán GCSE (bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Anh) năm nay. Kết quả là, chỉ sau một nửa thời gian cho phép, cả nhóm học sinh đã hoàn thành bài thi. Bốn em trong số đó trả lời đúng 100% và hai em còn lại chỉ thiếu 1 điểm là đạt điểm tuyệt đối. Đây chính là kiểu hiệu suất làm bộ giáo dục của Anh và các nước khác phải ghen tị, đòi hỏi họ phải tích cực cải cách các chương trình giảng dạy cũng như các kỳ thi để cố gắng không bị tụt lại so với Hàn Quốc.

    Kể từ sau năm 1953, đầu tư vào giáo dục còn đem lại cho Hàn Quốc một nền kinh tế phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.

    Chỉ qua hai thế hệ, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một nước phải đối mặt với nạn mù chữ trên diện rộng thành một cường quốc kinh tế. Các thương hiệu như Samsung, Huyndai, Daewoo hay LG được cả thế giới biết đến. Hàn Quốc xây dựng hình ảnh của cả quốc gia từ chính người dân của mình.

    Và những cái giá phải trả

    Đòi hỏi nỗ lực không ngừng đi kèm với áp lực, Hàn Quốc còn giữ một kỉ lục thế giới khác về tỉ lệ tự sát cao nhất trong các nước công nghiệp hóa ở OECD.

    Theo đó, tự sát là hình thức tử vong phổ biến nhất của người dưới 40 tuổi. Chính phủ Hàn Quốc cũng hiểu được áp lực học sinh đang phải gánh chịu nên đã ra chỉ thị cho các trung tâm dạy và học thêm ở Seoul chỉ được hoạt động đến 10 giờ đêm. Quy định này có hiệu lực từ năm 2008 tại quốc gia này.

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nam Soo Suh cho biết, "Hàn Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu nổi trội chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Tôi nghĩ không có đất nước nào từng đạt được tốc độ tăng trưởng thần kì chỉ trong nửa thế kỉ như Hàn Quốc. Và như một lẽ tự nhiên, chúng tôi quá đề cao kết quả và thứ hạng trong trường học cũng như trong xã hội, điều này khiến cả học sinh lẫn người lớn chịu căng thẳng rất nhiều, dẫn đến tỉ lệ tự sát ở mức độ đáng lo ngại".

    Câu chuyện về những lớp học từ sáng đến đêm ở Hàn Quốc: Khi quả ngọt của điểm số đi cùng cái giá quá đắt - Ảnh 3.

    Khi áp lực trở thành nguyên nhân hàng đầu của trầm cảm

    Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư Lee Ju Ho chia sẻ thêm: "Điểm số có thể rất quan trọng trong thời kì công nghiệp hóa, nhưng giờ thì không thế nữa. Vì vậy, chúng tôi đang tìm hướng cải cách để hệ thống giáo dục quốc gia không còn dựa trên điểm số, mà dựa trên tính sáng tạo, năng lực xã hội cũng như năng lực cảm xúc cá nhân."

    Thành công của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên tinh thần đạo đức về công việc của cả một xã hội, mang lại cho quốc gia này những thành tựu kinh tế nổi bật, nhưng điều này cũng đòi hỏi sự trả giá từ người dân, và đặc biệt là con cái của họ. Đây cũng là hậu quả lớn nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ