CEO Microsoft hứa sẽ không để AI tạo phản, khẳng định người dùng phải tương tác thì AI mới tốt lên được
Trong buổi phỏng vấn với CBS, Satya Nadella nói về khả năng AI sẽ tìm cách trốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người điều hành.
Người dùng Internet cảm nhận thấy chiều gió đã đổi, khi Microsoft cập nhật tính năng mới cho công cụ tìm kiếm Bing và khiến Google phải phát báo động đỏ toàn công ty. Bing đã được cường hóa bởi trí tuệ nhân tạo, là một phần mềm được cải thiện từ chính hệ thống ChatGPT đang khuấy đảo xu hướng ngành công nghệ.
Thông qua cơ chế “đặt câu hỏi, nhận câu trả lời” - vốn đã khác biệt với cách tìm và lọc thông tin khi dùng Google, Bing đã có thể trả lời hầu hết các truy vấn người dùng đặt cho nó. Tuy nhiên, mức độ chính xác của những thông tin Bing trả về vẫn còn chưa đồng đều.
Nhân viên Microsoft được dịp ăn mừng khi lần đầu tiên, công ty của họ có thể đe dọa được Google trong mảng công cụ tìm kiếm. CEO của Microsoft, ông Satya Nadella trả lời phỏng vấn đài CBS: “Đây là cuộc đua mới trong lĩnh vực phần mềm, hay phải gọi là lĩnh vực phần mềm lớn nhất, đó là tìm kiếm”.
Ông tiếp lời: “Google vốn thống trị khía cạnh này. Chúng tôi hứng khởi công bố Bing để cạnh tranh với họ”. Bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo vào công cụ tìm kiếm, CEO Nadella đứng trước cơ hội trở thành công ty dẫn đầu xu hướng sáng tạo trong ngành công nghệ.
Khi được hỏi về việc phiên bản cải tiến của Bing vẫn còn chậm chạp, vẫn còn đưa thông tin sai, ông Nadella trả lời rằng cách duy nhất để một công nghệ mới “thực sự trở nên hoàn hảo” là được ra mắt công chúng, đồng thời “nhận về phản hồi từ người dùng thực tế”.
Ông cho rằng điều này đặc biệt đúng với trí tuệ nhân tạo. “Nó [ý chỉ trí tuệ nhân tạo] phải ăn khớp với con người, về cả tiêu chuẩn nhân cách và quy chuẩn xã hội. Đó là lý do chúng tôi muốn phát hành nó”.
Theo khẳng định của vị CEO, Microsoft đặt mục tiêu an toàn lên trên hết khi kết hợp Bing với trí tuệ nhân tạo. Công cụ tìm kiếm sẽ không tiếp tay cho bất cứ truy vấn bất hợp pháp nào. “Chúng tôi sẽ ứng dụng rất, rất nhiều cơ chế để đảm bảo [Bing] không có thành kiến, không sản sinh ra bất cứ nội dung có thể gây hại”, ông Nadella nói.
Trong buổi phỏng vấn với CBS, vị CEO của Microsoft cũng được hỏi về việc liệu có khả năng AI sẽ phản chủ. Theo lời ông Nadella, tình huống đó sẽ “trở thành một vấn đề thực sự”, ông cho rằng “một cách để đối phó là đảm bảo nó không bao giờ làm phản”.
“Chúng ta nên sử dụng những mô hình mạnh mẽ này trong bối cảnh người dùng nắm quyền kiểm soát một cách rõ ràng và không thể bác bỏ. Một khi lấy đây làm điểm xuất phát, để rồi hình thành chuẩn mực cho những mô hình này, làm những mô hình này an toàn hơn và dễ lý giải hơn, rồi chúng ta mới nghĩ tới những cách dùng khác được”, ông Nadella kết luận.
Trong phim ảnh, hiểm họa tới từ trí tuệ nhân tạo tới từ những hệ thống robot vô nhân tính. Chúng quyết định trừ khử con con người bởi lẽ trên Trái Đất, con người chính là mối nguy hiểm duy nhất mà một AI sẽ phải đối mặt. Nhưng đó chỉ là phân tích AI dựa trên mặt viễn tưởng.
Trong thực tế, AI có thể làm nhiễu loạn cuộc sống bằng những phương cách tinh vi hơn là vũ lực. Việc đầu độc nguồn thông tin, sản sinh ra những thuật toán phi nhân tính, dung túng cho nội dung độc hại, … là một trong những cách AI tha hóa con người. Khi Facebook, YouTube hay TikTok sử dụng những thuật toán quảng bá nổi dung độc lại, họ đã phải tìm cách hạn chế quy trình tự động làm ảnh hưởng tới người sử dụng.
Đó là lý do vì sao CEO Satya Nadella đề cao việc hoàn thiện AI từ những bước phát triển ban đầu, không để mất bò mới lo làm chuồng. Cũng giống như dạy dỗ một đứa trẻ, phải để AI hiểu rõ đâu là lẽ phải thì ta mới có thể có một hệ thống trí tuệ nhân tạo tốt, về cả hiệu năng và cả mặt “nhân” cách.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín