CEO Umbala kể về "đòn hiểm" của TikTok: Mời gọi hội viên chuyển video từ Umbala sang TikTok với giá 200 ngàn/video, chào nhân sự Umbala mức lương gấp 5 lần

    Minh Minh, Theo Trí Thức Trẻ 

    "Người dùng không bao giờ có lỗi cả, sản phẩm nào mang lại niềm vui cho họ thì họ sử dụng. Người dùng luôn là thượng đế, chỉ tiếc rằnga mình chưa đủ năng lực để có thể mang lại giá trị tốt nhất cho người dùng Việt Nam".

    Người dùng luôn luôn là thượng đế

    Umbala.Tv là ứng dụng bắt đầu được nhiều người dùng Việt biết đến sau chương trình Shark Tank Việt Nam. Đây là ứng dụng do Nguyễn Minh Thảo sáng lập và hiện anh cũng đang giữ chức CEO của Umbala Network.

    Umbala.Tv là ứng dụng do người Việt sáng lập nhưng lại trở về từ Silicon Valley. Ứng dụng được đánh giá là có tiềm năng trên thị trường, ngay tại thị trường Mỹ ứng dụng cũng đã được nhiều người trẻ đón nhận.

    CEO Umbala kể về đòn hiểm của TikTok: Mời gọi hội viên chuyển video từ Umbala sang TikTok với giá 200 ngàn/video, chào nhân sự Umbala mức lương gấp 5 lần - Ảnh 1.

    Nguyễn Minh Thảo - CEO Umbala

    Người sáng lập Umbala chia sẻ: "Umbala.Tv đã phát triển được cộng đồng video ở Mỹ, để có được cộng đồng đó không hề đơn giản".

    Đồng thời, Umbala.Tv đã được giới trẻ Mỹ và quốc tế lựa chọn là ứng dụng tiêu biểu giúp người dùng tạo video ngắn trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Đây là minh chứng cho thấy năng lực của công nghệ Việt hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường thế giới.

    Tuy nhiên, vì không nhận được đầu tư tại thị trường này nên người sáng lập Umbala đã quyết định đưa ứng dụng về Việt Nam để kêu gọi vốn đầu tư và phát triển tại thị trường trong nước.

    Những tưởng phát triển tại quốc gia sở tại sẽ có nhiều lợi thế nhưng ngay thời điểm trở về thị trường trong nước, Umbala đã gặp ngay một đối thủ có rất nhiều điểm đồng đó là TikTok - một ứng dụng đến từ Trung Quốc.

    Dù Umbala.Tv ra đời trước và đã được nhiều người đón nhận tại thị trường Việt nhưng sự xuất hiện của TikTok là một sự cản trở không hề nhỏ và khiến người dùng không còn "mặn mà" với ứng dụng này.

    Trước điều này, nhiều người cho rằng, người dùng không trung thành, "quay lưng" với những sản phẩm do người Việt sáng tạo. Tuy nhiên, người sáng lập Umbala lại quan điểm: "Người dùng không bao giờ có lỗi cả, sản phẩm nào mang lại niềm vui cho họ thì họ sử dụng. Người dùng luôn luôn là thượng đế, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ năng lực để có thể mang lại giá trị tốt nhất cho người dùng Việt Nam".

    Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm công nghệ trên thị trường hiện nay, dù ra đời trước và đã được lựa chọn nhưng sự "quay lưng" của người dùng là điều các startup luôn phải đối mặt. Người dùng có thể vừa đăng ký Umbala.Tv vừa đăng ký TikTok. Họ sẽ tìm đến những sản phẩm khiến họ cảm thấy thích thú chứ không quan tâm sản phẩm đến từ quốc gia nào.

    CEO Umbala kể về đòn hiểm của TikTok: Mời gọi hội viên chuyển video từ Umbala sang TikTok với giá 200 ngàn/video, chào nhân sự Umbala mức lương gấp 5 lần - Ảnh 2.

    Vốn là rào cản lớn nhất

    Khi bước chân vào thị trường Việt Nam, TikTok đã có một loạt những hành động nhằm đánh bại sản phẩm trong nước để chiếm lĩnh thị trường Việt.

    Người sáng lập Umbala nói: "Khi TikTok sang thị trường Việt Nam, họ đã nói chuyện với tất cả member (hội viên) của Umbala.Tv và offer (đề nghị) chuyển đổi 1 video của Umbala.Tv sang Tik Tok sẽ được trả 200 ngàn. Và họ đã mời đội ngũ nhân sự của bên mình qua bên họ làm việc với mức lương gấp 5 lần. Tuy nhiên, nhân sự bên mình đã không qua".

    Dù nhân sự của Umbala.Tv vẫn trung thành và dù "sinh sau đẻ muộn" hơn nhưng Tik Tok lại được nhiều người sử dụng và đang giữ thế áp đảo trên thị trường. Mới xuất hiện nhưng ứng dụng cũng đã thu hút được hơn 12 triệu người dùng hàng tháng.

    Nhiều người trong giới đã đánh giá Umbala.Tv là một ứng dụng tiên phong và tiềm năng, thậm chí đã "có đất" tại thị trường Mỹ nhưng khi về đến thị trường Việt thì lại chưa thực sự phát triển. Ngoài sự xuất hiện của đối thủ TikTok, liệu còn lý do nào khác?

    "Thời điểm đầu Umbala.Tv đi rất nhanh nhưng giai đoạn sau khi phát triển người dùng thì lại chết, vì thời điểm đó là thời điểm của tiền, không có đủ tiền để phát triển sản phẩm", Nguyễn Minh Thảo thẳng thắn chia sẻ.

    Nguồn vốn luôn luôn là một trong những bài toán quan trọng đối với các startup, đặc biệt là những startup về công nghệ. Cuộc chiến trong thị trường người dùng không đơn giản chỉ là bài toán về công nghệ mà đó là cuộc chiến về vốn. Chính vì thiếu vốn nên dẫn đến các startup dễ thua trước đối thủ hoặc đành phải ngậm ngùi đi sau dù ra đời trước.

    Ngoài những yếu tố về nguồn vốn để phát triển sản phẩm, nhà sáng lập Umbala còn chia sẻ rằng: "Thời điểm đó Umbala đã có một bước đi cực kỳ sai. Đó là trong cùng một thời điểm, chúng tôi đã đến cùng lúc 2 thị trường Mỹ và Việt Nam".

    Tính thời điểm là một trong những yếu tố khiến Umbala chưa thành công ở thị trường trong nước cũng như thị trường Mỹ. Cũng chính vì nguồn vốn hạn hẹp nên khi phát triển ứng dụng ở cả hai thị trường đã tạo ra một lỗ hổng lớn và khiến những chiến lược ban đầu của người sáng lập thất bại.

    Tuy nhiên, sau những thành công và thất bại đã trải qua, người sáng lập Umbala tiết lộ, Umbala đang tập trung phát triển một nền tảng công nghệ Blockchain để quyết tâm trở lại và "thay đổi cuộc chơi" một lần nữa.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ