[CES 2017] Chiếc smartphone mà chẳng ai quan tâm này đã mở đầu cho một xu thế mới của ngành di động
Ra mắt tại CES 2017, Zenfone AR là chiếc smartphone mà giờ đây chẳng còn ai quan tâm. Tuy nhiên, chiếc máy này đã giúp người tiêu dùng, nhà sản xuất phần cứng và cả Google có những bài học đầu tiên để có thể tận dụng công nghệ này hiệu quả hơn trong tương lai.
Tròn một năm trước, hồi tháng 1/2017, Asus đã chính thức trình làng chiếc Zenfone AR tại triển lãm CES. Đây là chiếc smartphone với nhiều ưu điểm nổi trội về cấu hình, bao gồm chip Snapdragon 821 và đặc biệt là dung lượng RAM lên đến 8GB. Kết hợp với một số yếu tố khác như màn hình AMOLED 5.7 inch 2K, camera 23MP hỗ trợ chống rung quang học, sạc nhanh Quick Charge 3.0... Zenfone AR rất ra dáng chiếc máy đầu bảng của Asus vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Asus lại không công bố thông tin về giá bán.
Asus Zenfone AR và nền tảng Tango
Phải sau đó 7 tháng (8/2017), khi Asus mới bắt đầu rục rịch bán ra chiếc máy này tại Mỹ với mức giá 648 USD, thì người ta mới định vị được phân cấp của nó. Tại sao lại như vậy? Zenfone AR có thể sở hữu cấu hình mạnh, tuy nhiên, đó không phải là thứ mà Asus muốn hướng tới ở sản phẩm này. Mà, ngay từ tên gọi, AR (Augmented Reality - thực tế ảo tăng cường) mới là điều tách biệt Zenfone AR khỏi những chiếc máy khác.
AR không phải là một công nghệ quá mới mẻ, tuy nhiên trên di động thì đây vẫn là một mảnh đất hứa mà chưa nhiều người đặt chân. Asus đã phối hợp cùng Google để đưa nền tảng AR mang tên Tango do chính Google phát triển lên một thiết bị phần cứng. Zenfone AR là sản phẩm đầy tính thử nghiệm, vậy nên rất khó để có thể đoán được giá trị thật sự của nó là bao nhiêu. Về mặt công nghệ, Zenfone AR rõ ràng là rất tân tiến với hệ thống 3 camera "TriCam" dành riêng cho AR với 3 ống kính, mức giá cũng sẽ vì thế mà rất cao. Nhưng, điều quan trọng là trải nghiệm mà nó đem lại có xứng đáng hay không, và người dùng sẽ có được những lợi ích gì từ việc "can đảm" bỏ tiền ra cho một thứ hoàn toàn mới?
Hệ thống 3 camera của Zenfone AR phục vụ cho thực tế ảo tăng cường, bao gồm 1 camera 23MP thông thường, 1 camera tính toán chiều sâu và 1 camera theo dõi chuyển động
Đi kèm Zenfone AR, người dùng có thể tìm thấy một ứng dụng mang tên Tango. Đây có thể coi là "cửa ngõ" của người dùng bước vào thế giới AR, khi tại đây, người dùng có thể khởi chạy, quản lý cũng như tải về các ứng dụng AR dựa trên nền tảng Tango. Lượng ứng dụng AR ở thời điểm lần cuối tôi sử dụng chiếc máy này (9/2017) là không nhiều, chỉ khoảng 50 ứng dụng, trong đó đa số không thể tải về tại Việt Nam (không rõ lý do tại sao, chỉ biết rằng Play Store không cho phép).
Ứng dụng Tango là cửa ngõ của người dùng bước vào thế giới AR
Đa số ứng dụng đều chỉ mang tính chất "vui vẻ" và phô diễn công nghệ là chủ yếu. Ví dụ, dưới đây là một ứng dụng giúp người dùng tìm hiểu về khủng long - sinh vật đã tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, nay có thế đứng ngay trong ngôi nhà của bạn và di chuyển như thật.
Ứng dụng cho phép người dùng tìm hiểu về các loài khủng long khác nhau
Nhằm gia tăng tính tương tác cũng như sự thú vị cho người dùng, games là một ứng dụng khác rất phổ biến của AR. Với sự trợ giúp của môi trường thực tế, trải nghiệm gaming sẽ trở nên sống động hơn, giúp xóa nhòa khoảng cách giữa ảo và thật. Ví dụ đây là một tựa game cho phép người chơi đặt một hòn đảo và bắn nó, gần giống với mô típ của Angry Birds và chỉ khác biệt ở góc nhìn của người chơi.
Một trò chơi "bắn đảo"
Tuy nhiên, AR không chỉ đơn thuần là phục vụ cho mục đích "vui vẻ", mà còn có rất nhiều các ứng dụng hữu ích và phục vụ cho nhu cầu thiết thực của người dùng. Đơn giản nhất có thể kể đến việc một số nhà phát triển đã tận dụng khả năng phân tích điều kiện môi trường thực - yếu tố tối quan trọng của AR, nhằm tạo ra các ứng dụng thước kẻ và đo khoảng cách. Đây là một thứ tưởng chừng như không có gì đặc sắc, nhưng lại cực kỳ có ích và không thể khả thi nếu không có sự hỗ trợ của AR.
Ứng dụng thước kẻ. Chúng tôi đã thử nghiệm và nó cho kết quả khá chính xác, khi trên sàn là một chiếc thước kẻ (thật) với chiều dài 30cm.
Một lĩnh vực sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ AR là thương mại điện tử, cụ thể là mua sắm trực tuyến. Ưu điểm chính của hình thức mua sắm truyền thống tại cửa hàng so với trực tuyến là khi ra cửa hàng, người mua sẽ có cơ hội được trải nghiệm sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua. Nay khi ranh giới giữa ảo và thực đã được xóa nhòa với AR, người dùng có thể ngồi ngay tại nhà và "hô biến" các sản phẩm để chúng xuất hiện ngay trước mắt.
Đương nhiên, so với trải nghiệm thực tế tại cửa hàng thì AR vẫn thua một bậc do người dùng không thể "sờ" sản phẩm mà chỉ có thể xem. Tuy nhiên, xét trên một số khía cạnh khác thì AR vẫn có những điểm vượt trội của mình, trong đó rõ ràng nhất là độ tiện lợi. Ngoài việc không phải tốn thời gian và công sức ra cửa hàng, thì đối với một số sản phẩm cồng kềnh như nội thất, hay thậm chí là cả... xe ô tô như dưới đây, họ không thể mang về nhà hay ga-ra của mình để dùng thử được.
"Ướm" thử bàn ghế, giường, đèn... vào căn phòng của bạn trước khi đưa ra quyết định mua
Ứng dụng từ BMW cho phép người dùng trải nghiệm xe của hãng này ngay tại nhà mà không cần ra showroom
Quay trở lại với những câu hỏi ở đầu bài, liệu Zenfone AR có phải là một sản phẩm thành công? Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể khẳng định rằng câu trả lời là không: không được bán rộng rãi, chẳng còn mấy ai nhớ đến, cộng thêm việc Asus đã ra mắt sản phẩm cao cấp mới là Zenfone 4 Pro. Nền tảng Tango cũng đã được Google cho an nghỉ, thay thế bằng một nền tảng mới mang tên ARCore.
Zenfone AR đã đi vào quên lãng, kèm theo đó là nền tảng Tango đã bị thay thế bởi ARCore
Mặc dù Zenfone AR & Tango đã chính thức lùi về quá khứ, nhưng, những gì mà nó để lại cho nền công nghiệp di động là không thể không ghi nhận. AR là một công nghệ không dễ để giải thích cho người tiêu dùng, và, một sản phẩm thực tế với những ứng dụng thực tế như Zenfone AR là rất cần thiết để "giáo dục" cho công chúng về AR: nó là gì, sử dụng ra sao, đem lại lợi ích thế nào. Clay Bavor, phụ trách mảng AR/VR của Google khi nói về cái chết của Tango: "Mục tiêu của chúng tôi với Tango là để phô diễn công nghệ và nói với cả thế giới rằng: nó hoàn toàn khả thi."
Sự thất bại của Zenfone AR cũng đã giúp Google và Asus học được nhiều điều. Dẫu sao, AR vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và chưa bộc lộ được nhiều giá trị thuyết phục, từ đó khiến người dùng không muốn bỏ ra một số tiền lớn cho một chiếc điện thoại AR như Zenfone AR. Các nhà sản xuất như Asus cũng không có động lực nghiên cứu và tích hợp các công nghệ phần cứng phục vụ cho AR vào sản phẩm của mình, do chi phí cho việc này là không thể nhỏ, khiến giá bị độn cao trong khi nhu cầu của người dùng lại không có.
Apple và ARKit đã cho thấy một thiết bị với phần cứng camera thông thường hoàn toàn có thể đem lại một trải nghiệm AR tốt
Và, khi mà Apple chứng tỏ rằng người dùng hoàn toàn có thể có một trải nghiệm AR tốt mà không cần đến phần cứng chuyên dụng (ARKit của Apple hỗ trợ các dòng máy từ iPhone 6s trở lên), Google càng có thêm lý do để nói lời tạm biệt với Tango. Với người kế nhiệm ARCore, mục tiêu hàng đầu mà Google đặt ra là xây dựng một nền tảng mới ít phụ thuộc vào phần cứng hơn, có thể hoạt động trên càng nhiều thiết bị càng tốt và từ đó giúp cho AR trở thành một công nghệ mà ai cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming