Chân dung kẻ vô danh dám ngáng đường cả Samsung và Huawei trong cuộc đua smartphone màn hình gập
Tuy nhiên, những nghi ngại về chất lượng có thể khiến điện thoại màn hình gập FlexPai giá 1.300 USD của Royole gặp khó trong việc tiếp cận người dùng.
Từ một startup Trung Quốc hoàn toàn vô danh, Royole đã khiến cả thế giới phải biết tới tên mình. Hãng sản xuất màn hình dẻo tại Thâm Quyến đã gây bất ngờ cho cả ngành công nghiệp smartphone vào cuối năm ngoái khi trình làng, thương mại hóa mẫu smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới, vượt qua cả những ông lớn như Samsung và Huawei.
Tại MWC 2019 diễn ra ở Barcelona tuần vừa rồi, Samsung và Huawei cũng đã gây ấn tượng với những mẫu smartphone màn hình gập giá 2.000 USD của họ. Nhưng chỉ khi tới thăm gian hàng của Royole người tham dự MWC mới có cơ hội chạm và dùng thử smartphone màn hình gập, một sự đổi mới quan trọng nhất của ngành công nghiệp smartphone trong nhiều năm qua. Galaxy Fold của Samsung và Mate X của Huawei rõ ràng là đẹp, đắt và bóng bẩy hơn so với FlexPai giá 1.300 của Royole nhưng chúng được trưng bày trong tủ kính, không ai được dùng thử.
Royole không phải là một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Hãng này có tuổi đời mới 7 năm và chưa bao giờ sản xuất smartphone. Tuy nhiên, cuối năm ngoái Royole đã bắt đầu sản xuất phiên bản thương mại của FlexPai tại Thâm Quyến.
Với những thành tựu đạt được trên FlexPai và chuyên môn trong lĩnh vực phát triển màn hình và cảm biến có thể uốn cong, Royole được nhiều hãng lớn trên toàn cầu để ý tới. Tháng 12 năm ngoái, Royole đã ký một thỏa thuận với Airbus để cùng nhau phát triển màn hình và cảm biến dẻo cho khoang máy bay thế hệ mới.
Trên trang web của mình, Royole khoe một số công nghệ mà họ là hãng đầu tiên trên thế giới đạt được. Những công nghệ này bao gồm: Màn hình AMOLED dẻo đầy đủ màu sắc và cảm biến dẻo đầu tiên trên thế giới (2014); thiết bị chiếu phim di động 3D có thể gập lại đầu tiên trên thế giới với tai nghe có thể gập gọn (2015); bảng điều khiển cong đầu tiên trên thế giới dành cho xe hơi dựa trên các thiết bị điện tử dẻo (2016). Royole hiện có trong tay hơn 2.500 bằng sáng chế và nhà máy sản xuất màn hình dẻo rộng 102.000 mét vuông ở Thâm Quyến cùng càng văn phòng ở California và Hồng Kông.
Tất cả những thành tựu ấy bắt đầu từ ý tưởng mà đồng sáng lập kiêm CEO Bill Liu nảy ra khi đang đi lang thang trên bãi cỏ của Đại học Stanford.
Quay lại thời điểm năm 2006, anh chàng Liu quê ở Giang Tây khi đó mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tại Đại học Tsinghua danh tiếng, đã đến Stanford để học tiếp bằng Tiến sĩ. Ngay từ khi bắt đầu, Liu đã tính đến chuyện sẽ nghiên cứu vấn đề gì để làm đồ án tốt nghiệp.
Ý tưởng phát minh ra một màn hình dẻo giống như một mảnh giấy đột nhiên xuất hiện. "Tôi đã nghĩ rằng những chiếc màn hình dẻo sẽ cách mạng hóa cách chúng ta tương tác với thế giới và điều đó thật tuyệt vời", Liu nhớ lại.
Video giới thiệu Royole FlexPai
Trong ba năm nghiên cứu Tiến sĩ tiếp theo, Liu dành phần lớn thời gian tại phòng thí nghiệm của trường để cố gắng tìm ra cách hiện thực hóa ý tưởng của mình. "Tôi đã đắm chìm vào ý tưởng của mình và tôi nghĩ về nó cả ngày lẫn đêm", Liu chia sẻ.
Cuối cùng, khi tìm ra một giải pháp khả thi vào năm 2012, Liu đã bỏ công việc chuyên gia nghiên cứu tại IBM để trở về Trung Quốc cùng hai bạn học ở Stanford là Wei Peng và Yu Xiaojun. Cùng với nhau, họ thành lập Royole.
"Vì không có ví dụ nào để làm theo, chúng tôi đã làm mọi thứ từ đầu", Liu nói. "Chúng tôi đã thử và sai. Thử lại và tiếp tục sai... Màn hình chúng tôi tạo ra chứa 20 triệu bóng bán dẫn và có gần 100 vật liệu nano. Để nó hoạt động bạn phải đảm bảo chính xác mọi chi tiết".
Trong những ngày đầu gian khó ấy, Liu đã phải dùng tiền tiết kiệm của mình để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng những cam kết và thái độ của anh đã thu hút các nhà đầu tư. Bất chấp những hoài nghi về công nghệ, một số nhà phân tích cho rằng màn hình dẻo chỉ có thể xuất hiện trên thị trường vào năm 2040, hai nhà đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã quyết định đặt cược vào Royole. "Chúng tôi tin rằng Liu và nhóm của anh ấy sẽ làm được điều đó. Anh ấy có một nền tảng rất ấn tượng", Li Wei, đối tác sáng lập của quỹ Shenzhen Green Pine Capital Partner, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Royole, chia sẻ vào năm 2015.
Sự tin tưởng của các nhà đầu tư đã được đền đáp. Năm 2014, Royole tung ra sản phẩm đầu tiên của mình, một màn hình dẻo hiển thị đủ màu sắc nhưng độ dày chỉ 0,01mm. Loại màn hình này đã được các hãng quảng cáo sử dụng để gắn lên quần áo, chẳng hạn như những chiếc áo phông có khả năng nhấp nháy hay những chiếc mũ cho các chiến dịch quảng cáo. Các sản phẩm khác dùng công nghệ màn hình này của Royole bao gồm bàn phím máy tính có thể cuộn lại, ghế sofa thông minh...
Tại CES vừa diễn ra ở Las Vegas hồi tháng 1, khách tham quan rất hào hứng với các sản phẩm của Royole.
"Nó rất dễ sử dụng", Yejong Chang chia sẻ với phóng viên trong khi chụp ảnh bằng gậy selfie tích hợp cảm biến dẻo của Royole. Cô nàng mê selfie tới từ Seoul, Hàn Quốc cho biết rằng những chiếc gậy selfie thông thường chỉ cho phép cô nhấn nút chụp ảnh trong khi sản phẩm của Royole cho phép cô sử dụng những chức năng khác như zoom chỉ bằng cách di chuyển ngón tay. "Tôi chưa bao giờ thấy sản phẩm nào ấn tượng như thế này trước đây", Yejong Chang nói.
Trước khi ra mắt smartphone màn hình gập vào tháng 10 năm ngoái, Royole chủ yếu được biết tới trong thị trường doanh nghiệp. Liu cho biết startup của anh đã cung cấp màn hình dẻo tùy chỉnh cho hơn 200 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm hãng đồ thể thao Li Ning, hãng sản xuất thiết bị thông minh Toppers. Mối quan hệ đối tác với Airbus tăng đáng kể uy tín của Royole trên thị trường mặc dù chưa biết khi nào sản phẩm màn hình dẻo dành cho khoang máy bay mới được ra mắt.
Royole từ chối tiết lộ doanh thu hàng năm nhưng Liu cho biết một nửa doanh số của hãng tới từ thị trường nước ngoài. Anh từ chối trả lời câu hỏi liệu công ty của anh có thua lỗ hay không.
"Lợi nhuận không phải là ưu tiên của chúng tôi tại thời điểm này", Liu nói. "Là một startup đang trong giai đoạn đầu gây dựng, nếu bạn quan tâm quá nhiều tới lợi nhuận, bạn sẽ không có cố gắng đủ nhiều trong việc sáng tạo bởi sáng tạo cần phải có sự đầu tư rất lớn", anh giải thích. "Chúng tôi tin rằng một khi chúng tôi có những sản phẩm tiên tiến, lợi nhuận sẽ tự đổ về".
Gian hàng của Royole tại MWC ở Barcelona là nơi duy nhất khách tham quan có thể thực sự chạm và dùng thử smartphone màn hình gập
Thực tế Royole chỉ thể sản xuất quy mô lớn màn hình dẻo từ tháng 6 năm trước khi nhà máy tại Thâm Quyến của họ chính thức đi vào hoạt động.
Các nhà đầu tư cũng không ngừng quan tâm tới Royole. Hiện tại, Royole đã được đầu tư bởi các quỹ hạng A như Knight Capital, IDG Capital và ông trùm dịch vụ tài chính Trung Quốc Xie Zhikun. Tính tới tháng 8 năm ngoái, sau vòng gây vốn E, Royole được cho là có giá trị khoảng 5 tỷ USD.
Dữ liệu từ Crunchbase cho thấy từ khi thành lập đến nay Royole đã nhận được tổng số tiền đầu tư 1,1 tỷ USD. Tại Barcelona tuần vừa rồi, Liu chia sẻ rằng anh đang xem xét tổ chức một vòng gây vốn mới.
Liu sở hữu gần 41% công ty trong khi hai đồng sáng lập khác là Wei và Yu mỗi người nắm lần lượt 5,2% và 4,7%.
Từ văn phòng nhỏ bé, không có cả cửa ở Thâm Quyến đến thành tựu ngày hôm nay, Royole đã đi một quãng đường rất dài. Công ty này hiện đang điều hành nhà máy to gấp 56 lần một sân bóng đá với 2.300 nhân viên. Khoảng 70% nhân viên là các nhà khoa học và kỹ sư làm việc tại ba trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Thâm Quyến, Hồng Kông và Thung lũng Silicon, Liu chia sẻ.
Với công suất sản xuất 50 triệu đơn vị mỗi năm, nhà máy mới của Royole tại Thâm Quyến có thể cung cấp màn hình dẻo cho smartphone màn hình gập của họ và các khách hàng doanh nghiệp khác. Mặc dù hầu hết các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc nhưng cho tới hiện tại, theo Liu, doanh số của họ tại Mỹ không hề bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì những sản phẩm này không được đưa vào danh sách trừng phạt thuế quan.
Liu từ chối tiết lộ số lượng smartphone màn hình gập FlexPai mà họ đã xuất xưởng kể từ khi tung lên kệ vào tháng 11 đến nay. Tuy nhiên, vị CEO trẻ tuổi này khẳng định tình hình kinh doanh đang diễn ra tốt đẹp.
Anh đặc biệt tự hào khi Royole đang được so sánh với Apple. "Một số người nói với tôi rằng FlexPai khiến họ nhớ về chiếc iPhone đầu tiên hoặc sự ra mắt của Android", Liu nói. "Tôi như bay tới tận cung trăng khi họ bảo FlexPai đã phát minh lại smartphone".
Nhưng FlexPai của Royole đang phải chống lại sự cạnh tranh gay gắt tới từ smartphone màn hình gập mà Samsung và Huawei ra mắt cuối tháng trước. Ngay cả TCL, hãng sản xuất TV của Trung Quốc, cũng tham gia cuộc chơi màn hình gập với một chiếc smartphone có thể biến hình thành smartwatch đeo tay.
Một số chuyên gia theo sát những biến động của thị trường cho rằng FlexPai sẽ khó có thể tồn tại trước sự cạnh tranh như vậy. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng Royole không hề trông chờ vào khả năng làm nên bất ngờ của FlexPai.
Nhu cầu màn hình dẻo của thị trường ngày càng tăng trong bối cảnh các hãng sản xuất xe hơi, sản xuất smartphone... đều muốn tạo ra những thiết kế thú vị, hiệu quả hơn. Theo IHS Markit, thị trường màn hình dẻo toàn cầu dự kiến sẽ có giá trị khoảng 28 tỷ USD vào năm 2021, gấp đôi mức 14 tỷ của năm ngoái.
"Cơ hội tốt nhất của Royole không phải là trở thành hãng smartphone hàng đầu mà là bán công nghệ và sáng tạo của mình cho những thương hiệu khác", Benjamin Stanton, nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu toàn cầu Canalys chia sẻ. "Vì thế, những cuộc đàm phán quan trọng sẽ diễn ra trong phòng họp đằng sau gian hàng của Royole chứ không được trưng ra ngay tại gian hàng".
Màn hình của Royole tại MWC đã thu hút sự chú ý của các giám đốc Huawei và ZTE. Cả hai hãng này đều có tham vọng lớn về thế hệ công nghệ di động tiếp theo và đều không thể tự sản xuất được màn hình dẻo.
Huawei Mate X (trái) và Samsung Galaxy Fold đều có giá khoảng 2.000 USD
Nói về màn hình, Royole cũng phải cảnh giác với những đối thủ sừng sỏ. Royole sẽ phải chiến đấu chống lại sự áp đảo của Samsung vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất hàng loạt màn hình OLED chất lượng cao. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ BOE, hãng đang cung cấp màn hình dẻo cho Huawei.
"Tôi không nghĩ Royole có thể "ngồi chung mâm" với Samsung. Tôi tin rằng tương lai của công nghệ màn hình dẻo vẫn nằm trong tầm tay của các hãng màn hình truyền thống bởi họ hiểu ngành công nghiệp này một cách thấu đáo", Eric Chiou, nhà phân tích của hàng WitsView chia sẻ. "Người ta sẽ luôn nghi ngại khả năng cung cấp ổn định và chất lượng màn hình của Royole".
Tháng trước, Royole đã chứng minh chất lượng sản phẩm của họ bằng cách tuyên bố rằng trong quý 4/2018 họ đã nhận được đơn đặt hàng màn hình dẻo trị giá khoảng 590 triệu USD.
Sáng lập Liu cho biết ông không lo ngại về việc thị trường có quá nhiều cạnh tranh. Anh cũng không chia sẻ động lực nào khiến anh ra mắt smartphone màn hình gập FlexPai.
"Chúng tôi đã phát triển màn hình dẻo trong nhiềm năm và chúng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều công ty cũng nhận ra công nghệ này là thứ mà tất cả chúng tôi đều muốn theo đuổi, một sự đổi mới tiếp theo", Liu nói.
Tất nhiên, ông chủ Royole cũng không thể cưỡng lại việc đá xoáy các đối thủ cạnh tranh, những mẫu smartphone màn hình dẻo đã ra mắt nhưng chưa cho người dùng đụng tới. "Tôi tự hào tuyên bố rằng chúng tôi đang là công ty duy nhất tung ra smartphone màn hình gập mà người tiêu dùng có thể chạm vào, cảm nhận và vọc vạch".
Theo Nikkei Asia Review
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời