Chặng đường thăng trầm của điện thoại gập: từ thời hoàng kim cho đến lụi tàn rồi lại hồi sinh
Những chiếc điện thoại nắp gập từng khiến chúng ta mê mẫn, nhưng bị sự phát triển chóng mặt của smartphone giết chết, rồi cuối cùng lại đang dần hồi sinh.
Những điện thoại nắp gập như Motorola RAZR đã từng một thời thống trị thế giới. Chúng rất thời trang, nhỏ gọn và khả năng kết thúc cuộc gọi chỉ bằng một cái gập nhẹ trên cổ tay là một trong những điều khiến bạn thấy “đã” nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhu cầu về màn hình lớn hơn cuối cùng đã giết chết điện thoại nắp gập (cùng với điện thoại trượt hay các loại điện thoại có bàn phím khác), chỉ còn lại màn hình trên một khung hình chữ nhật.
Trớ trêu thay, chính nhu cầu về màn hình lớn hơn đã đưa điện thoại gập trở lại từ cõi chết với các thiết bị như Motorola RAZR 2019 và Samsung Galaxy Z Flip. Chỉ là chúng không phải nắp gập như ngày xưa nữa, mà là màn hình gập.
Samsung Galaxy Z Flip
Những chiếc smartphone màn hình gập là bước mới nhất trong một chặng đường kéo dài hàng thập kỷ.
Điện thoại nắp gập xuất hiện từ rất sớm và Moto là một trong những người đi đầu. Motorola MicroTAC và StarTAC là một số điện thoại nắp gập đời đầu và những ưu điểm của thiết kế là rất rõ ràng - nó bảo vệ bàn phím khỏi những cú nhấn vô tình, di chuyển loa thoại sang vị trí thuận tiện hơn và thậm chí bảo vệ màn hình khỏi trầy xước.
Motorola StarTAC
Tất nhiên điện thoại nắp gập cũng có một số nhược điểm. Độ phức tạp về mặt cơ khí là rất lớn - điện thoại dạng thanh dễ sản xuất hơn. Cáp màn hình trên điện thoại gập dễ hỏng, hay xảy ra tình trạng ngắt kết nối với hai nửa của máy. Ngoài ra, thiết kế này làm cho điện thoại dày hơn.
Và tệ nhất là bạn không thể nhìn thấy màn hình. Làm thế nào bạn có thể biết ai đang gọi? Hoặc bạn đã bỏ lỡ một cuộc gọi hoặc nhận được một tin nhắn? Giải pháp là thêm một màn hình thứ hai, vừa đủ lớn để truyền tải thông tin quan trọng đó. Nhưng điều đó làm tăng thêm chi phí và độ phức tạp.
Đã có một số ứng dụng sáng tạo của nắp gập. Ví dụ, hãng Sagem đã biến nó thành một loại chân đế có thể giữ điện thoại đứng lên. Tuy nhiên điện thoại lúc bấy giờ chưa có khả năng chạy video, cũng không thể gọi video call, do đó điều này chủ yếu chỉ để gây ấn tượng về mặt hình thức.
Sagem MC 959
Một trong những cách sử dụng nắp gập yêu thích là của Ericsson, các mẫu điện thoại Ericsson đã che một phần màn hình cảm ứng bằng phần bàn phím gập. Bạn có thể nhập liệu nhanh bằng bàn phím T9 đơn giản với một phần nhỏ màn hình, hay tương tác nhiều hơn với màn hình lớn khi mở bàn phím ra.
Ericsson R380 là điện thoại đầu tiên được gọi là "smartphone" và là điện thoại đầu tiên chạy Symbian. Sau đó, Sony Ericsson sẽ áp dụng thiết kế này cho các thiết bị P-series Symbian UIQ của họ.
Ericsson R380
Sony Ericsson P910
Motorola cũng nhanh chóng áp dụng các thiết kế tương tự. Moto thậm chí còn tìm ra cách để tránh sự cần thiết của màn hình thứ hai và điều đó thật đơn giản - chỉ cần đặt một cửa sổ nhỏ trong suốt trên nắp gập để người dùng có thể nhìn thấy màn hình chính.
Motorola A760
Hầu hết các điện thoại nắp gập chỉ có một bản lề, nhưng nếu có hai bản lề thì sao? Nokia đã sử dụng điều này rất hiệu quả để biến N92 và N93 thành máy quay phim - phần thân của điện thoại tạo thành báng cầm trong khi màn hình nghiêng về phía trước để cho phép camera gắn bên hông hướng về phía trước nhìn như một máy quay phim cầm tay.
N93i
Việc có nhiều độ sâu như vậy cho mô-đun máy ảnh cho phép Nokia đưa khả năng zoom quang học 3x vào N93 một cách mượt mà. Tất nhiên, Nokia không phải là hãng đầu tiên hoặc duy nhất sản xuất điện thoại hai bản lề. Trong một thời gian trước, thiết kế này được dùng phổ biến trên điện thoại có TV vì nó cho phép bạn xoay góc màn hình để có trải nghiệm xem thoải mái.
Sagem myMobileTV
Có nhiều cách khác để điện thoại nắp gập giúp bạn giải trí - chẳng hạn như Sony Ericsson Radio, đặt loa ngoài và nút điều khiển đa phương tiện ở bên ngoài. Nó còn có một bộ thu sóng FM để bạn có thể nhanh chóng nghe đài mà không cần phải mở máy ra, mặc dù nó yêu cầu tai nghe có dây để hoạt động như một ăng-ten.
Sony Ericsson Radio
Thiết kế nắp gập mang tính biểu tượng của Motorola bao gồm một phần cằm dày ở phía dưới, thường được dùng để bố trí một chiếc loa lớn.
Motorola V1100
Nhắn tin và email rất quan trọng đối với dân kinh doanh. Vì vậy, có bàn phím QWERTY thực sự có thể tăng tốc độ gõ. Nhưng đặt nó ở đâu? Tất nhiên là đằng sau một cơ chế lật. Nokia đã làm điều này với một vài mẫu máy có thiết kế tách rời đặc trưng.
Nokia 6800
Khi điện smartphone với màn hình cảm ứng ngày càng phổ biến thì nhu cầu về điện thoại nắp gập giảm dần. Các nhà sản xuất cũng đã cố gắng cứu lấy hình thức điện thoại này, thường là liên quan đến bàn phím QWERTY.
Một số thiết kế lạ mắt đã được thử nghiệm như Motorola Backflip, có QWERTY ở một bên và màn hình ở bên kia - cả hai đều lộ ra bên ngoài giống như một số máy tính xách tay ngược.
Motorola Backflip
Không lâu sau, chỉ còn lại một số ít điện thoại nắp gập. Các điện thoại như Samsung Galaxy Golden và một vài mẫu Phillips, có thiết kế nắp gập kiểu cũ nhưng chạy Android. LG cũng đã thử sức với Wine Smart, nhưng gần như bỏ cuộc ngay sau đó.
Samsung I9230 Galaxy Golden
Những thứ này thường đắt tiền, không được phổ biến rộng rãi và dường như chỉ có ở Trung Quốc.
Gần đây hơn, HMD đã cố gắng khai thác yếu tố hoài cổ và mô phỏng lại Nokia 2720 Flip như một chiếc điện thoại chạy hệ điều hành KaiOS. Có một vài điện thoại nắp gập sử dụng KaiOS tương đối mới, cũng xuất hiện dưới nhãn hiệu Alcatel và Energizer.
Nokia 2720 Flip
Chúng ta không thể kết thúc câu chuyện này mà không đề cập đến tablet gập - Sony Tablet P ra mắt vào năm 2012 và cố gắng đưa ra một cách để mở rộng màn hình vào thời điểm mà tấm nền OLED linh hoạt vẫn chưa xuất hiện.
Như đã nói ở trên, điện thoại gập đã trở lại và trên thực tế là đang trở thành loại điện thoại cao cấp nhất hiện nay. Chúng sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều tiền. Những thiết bị có thể gập này có lẽ sẽ trở nên khá phổ biến một khi giá cả giảm xuống, liệu khi ấy điện thoại gập có quay trở về thời hoàng kim khi xưa?
Tham khảo: GSMArena
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming