ChatGPT trở thành nỗi kinh hoàng của giáo viên: nơi cấm truy cập, nơi chuyển sang viết giấy để tránh gian lận
Trong khi chưa có cách làm hữu hiệu nào để phân biệt một bài viết do con người hay chatbot AI thực hiện, nhiều tổ chức đang thực hiện nhiều biện pháp cực đoan khác nhau để ngăn ngừa gian lận.
- Một sinh viên tạo ứng dụng 'bắt bài' ChatGPT viết hộ luận văn, vì lo gian lận thời 4.0
- ChatGPT mở màn cho trào lưu mới bùng nổ trong 2023, hấp dẫn hàng tỷ USD đầu tư bất chấp đà suy thoái
- ChatGPT khiến Google hoảng hốt phát báo động đỏ toàn công ty, nhưng lại không dám tung chatbot AI ‘nhà làm’ ra tuyên chiến
- Vì sao giới công nghệ phát cuồng với ChatGPT - chatbot AI trả lời được mọi câu hỏi?
Cứ thử yêu cầu chatbot AI ChatGPT viết cho bạn một bài luận, hoặc thậm chí một bài thơ theo chủ đề nào đó, chỉ vài phút sau bạn có thể nhận được một bài viết chỉn chu không khác gì vừa được một tay viết chuyên nghiệp nào đó chấp bút. Đó chính là ưu điểm khiến người dùng toàn cầu tỏ ra hào hứng đối với chatbot AI mới nổi này.
Tuy nhiên, có rất nhiều người lại lo lắng về khả năng này của ChatGPT, đặc biệt là các giáo viên trong môi trường giáo dục khi nhận thấy nó có thể bị lạm dụng cho các mục đích gian lận trong học tập. Kéo theo đó là những biện pháp phòng ngừa có phần cực đoan để ngăn chặn nguy cơ này.
Ngày 4 tháng Một vừa qua, Sở Giáo dục Thành phố New York, cơ quan quản lý giáo dục lớn nhất nước Mỹ, thông báo lệnh cấm truy cập ChatGPT trong hệ thống mạng và thiết bị của các trường công tại thành phố này.
Jenny Lyle, phát ngôn viên của cơ quan này, cho biết, quyết định này có nguồn gốc từ "các lo ngại về tác động tiêu cực đối với việc học của học sinh, cũng như về sự an toàn và chính xác của nội dung."
Tương tự New York, một giáo sư ở London cũng đã kiểm tra khả năng làm bài thi của ChatGPT và cho biết câu trả lời của chatbot này "mạch lạc, toàn diện và bám sát vào các ý chính, những điều sinh viên thường không làm được." Do vậy, ông cũng đang phải đặt ra "một dạng bài kiểm tra khác" hoặc tước quyền truy cập internet của sinh viên ở các kỳ thi trong tương lai.
Triệt để hơn là một giải pháp từ các trường đại học ở Úc. Vào thứ Ba vừa qua, nhóm 8 trường Đại học hàng đầu nước Úc – những tổ chức giáo dục hàng đầu nước này – cho biết họ sẽ thay đổi cách kiểm tra trong năm nay do sự xuất hiện của công nghệ chatbot mới, một trong số đó là việc sử dụng giấy và bút trong các bài kiểm tra, thay vì dùng máy tính.
Phó phụ trách điều hành của nhóm các trường này, Tiến sĩ Matthew Brown cho biết: "Các trường đại học của chúng tôi đã thay đổi cách họ làm bài kiểm tra đánh giá trong năm 2023, bao gồm việc giám sát chặt chẽ các kỳ thi … sử dụng các bài kiểm tra dùng bút và giấy nhiều hơn … các bài kiểm tra (trực tuyến) chỉ dùng cho một nhóm nhỏ với nguy cơ gian lận thấp."
Thậm chí Đại học Quốc gia Úc còn đã thay đổi cách đánh giá sinh viên dựa trên các hoạt động của phòng thí nghiệm và hoạt động thực địa, tính thời gian cho các bài thi cũng như tăng cường nhiều bài trình bày miệng hơn.
Quả thật, cho đến nay khi hầu như chưa có giải pháp hữu hiệu nào có thể phân biệt được chính xác một bài thi do người làm hay AI làm, các biện pháp phòng ngừa có phần cực đoan nói trên là điều khó tránh.
Mới đây, sinh viên của trường Đại học Princeton Edward Tian đã phát triển nên một ứng dụng có tên GPTZero có thể phân biệt được các đoạn văn bản do AI viết hay do con người viết. Tuy nhiên, chính anh cũng thừa nhận, đây chưa phải giải pháp hoàn hảo khi vẫn có nhiều trường hợp người dùng thử cho biết, ứng dụng này không phân biệt được.
Khi ChatGPT là khởi đầu cho nguy cơ gian lận, liệu chatbot này có cách nào để phân biệt các bài viết đó hay không. Chính phóng viên của trang tin AP cũng đã hỏi ChatGPT điều này và dưới đây là câu trả lời của nó:
"Để xác định xem một điều nào đó được viết bởi AI hay con người, bạn có thể tìm kiếm sự thiếu vắng của các trải nghiệm hoặc cảm xúc cá nhân, kiểm tra sự thiếu nhất quán trong phong cách viết và xem liệu các từ ngữ có rời rạc hoặc các cụm từ có lặp đi lặp lại hay không. Đây có thể những dấu hiệu cho thấy đoạn văn bản được một AI tạo ra." – Hy vọng có ai đó có thể dùng ChatGPT để viết ra một ứng dụng đáp ứng được các yêu cầu nói trên.
Trong khi chờ đợi, OpenAI – công ty tạo ra ChatGPT – trong một tuyên bố do con người viết nên, cho biết, họ đang hợp tác với các nhà làm giáo dục để học hỏi từ cách mọi người sử dụng ChatGPT trong thế giới thực và đang tìm cách ngăn việc gian lận bằng sản phẩm chatbot của mình.
"Chúng tôi không muốn ChatGPT được sử dụng cho các mục đích sai trái trong trường học hay ở bất cứ nơi nào khác, vì vậy chúng tôi đang phát triển các biện pháp giảm thiểu để giúp bất kỳ ai cũng có thể xác định được các đoạn văn bản do hệ thống này sản sinh ra." Công ty cho biết trong tuyên bố của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming