Chế độ Dry trên điều hòa liệu có "thần thánh" như lời đồn, giúp tiết kiệm điện gấp 10 lần ngày nắng nóng?

    Khánh Vy , Nhịp sống thị trường 

    Nhiều người cho rằng chế độ làm khô hay hút ẩm "Dry" sẽ giúp không khí trong phòng luôn mát mẻ và giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa xuống tận 10 lần.

    Chế độ Dry trên điều hòa liệu có "thần thánh" như lời đồn, giúp tiết kiệm điện gấp 10 lần ngày nắng nóng? - Ảnh 1.

    Mùa hè nắng nóng cộng thêm giá điện tăng cao, cư dân mạng thường tích cực chia sẻ những phương pháp, kinh nghiệm dùng điều hòa để tiết kiệm điện nhất. Đáng chú ý, nhiều người rỉ tai nhau rằng chỉ cần dùng điều khiển để chuyển chế độ từ làm mát "Cool" sang chế độ làm khô hay hút ẩm "Dry" sẽ giúp không khí trong phòng luôn mát mẻ và giảm công suất tiêu thụ điện của máy lạnh xuống tới 10 lần.

    Chị P.H (Hà Nội) cho hay: "Ngày hè nắng nóng, hóa đơn tiền điện tháng 5 của nhà tôi tăng cao. Trên nhóm cư dân của tòa nhà, có người đưa ra lời khuyên là trong những ngày không quá nóng (dưới 36 độ), có thể chuyển chế độ từ Cool sang Dry trên điều khiển điều hòa để không khí vừa mát mẻ vừa tiết kiệm điện."

    Hay ông G.N (Hà Nội) cũng chia sẻ: "Nhà tôi từ 5 năm nay chỉ dùng chế độ Dry, với trải nghiệm thực tế là sảng khoái hơn rất nhiều và có vẻ tiêu tốn điện ít hơn so với chế độ Cool."

    "Ngoài ra, khi chạy chế độ Dry, với điều hòa inverter, kinh nghiệm là chỉ cần chạy ở dải công suất thấp nhất. Như thế giữa trong phòng và môi trường bên ngoài chỉ khác nhau về độ ẩm, còn nhiệt độ thì không chênh lệch quá nhiều", ông G.N đánh giá thêm.

    Chế độ Dry trên điều hòa liệu có "thần thánh" như lời đồn, giúp tiết kiệm điện gấp 10 lần ngày nắng nóng? - Ảnh 2.

    Ảnh minh họa

    Máy lạnh hiện nay có hai chế độ làm lạnh: Cool - làm mát và Dry - làm khô. Tùy thuộc điều kiện môi trường, các cài đặt trên điều khiển mà việc tiết kiệm năng lượng của 2 chế độ này mới được đánh giá cụ thể và chính xác, khó thể nói chế độ nào tiết kiệm năng lượng hơn. Với chế độ Cool, máy lạnh hoạt động bằng cách đẩy nhiệt lượng từ trong phòng ra bên ngoài và quá trình này yêu cầu công suất điện rất cao.

    Khi sử dụng chế độ Dry, máy lạnh sẽ giữ lại hơi ẩm trong không khí, trả lại căn phòng không khí khô ráo, khiến chúng ta có cảm giác thoải mái hơn dù đặt nhiệt độ cao hơn khi đang sử dụng chế độ Cool. Chế độ này chỉ duy trì nhiệt độ hiện tại của phòng chứ không có khả năng làm lạnh nên sẽ tiết kiệm năng lượng và điện năng khá hiệu quả so với chế độ Cool. Vì vậy, chế độ Dry thực sự có phần tiết kiệm hơn.

    Chế độ Dry tuy mang đến lợi ích tiết kiệm điện, đảm bảo độ mát nhưng không phải lúc nào cũng có thể sử dụng chế độ này. Với những ngày nắng nóng, độ ẩm thấp thì không nên sử dụng chế độ Dry bởi nó không có khả năng làm làm lạnh, khiến nhiệt độ trong phòng vẫn cao, không khí khô và nóng gây khó chịu.

    Ví dụ như nhiệt độ phòng là 30⁰C, bấm nút chạy chế độ Dry, máy sẽ duy trì nhiệt độ phòng chênh lệch không quá 2⁰C (28-32⁰C), vì thế chế độ Dry không có hiệu quả nếu muốn làm lạnh sâu. Khi sử dụng chế độ Dry nhiều giờ, người dùng sẽ cảm thấy khô da, mất nước trầm trọng.

    Do đó, theo các chuyên gia về điện máy, trước khi sử dụng chế độ Dry người dùng nên kiểm tra trước nhiệt độ phòng. Nếu độ ẩm cao trên 70%, thì bạn có thể sử dụng chế độ Dry. Trong trường hợp dưới 60%, máy lạnh nên được bật ở chế độ Cool kết hợp sử dụng máy tạo ẩm hay máy lọc không khí tạo ẩm... hoặc bạn có thể tăng độ ẩm cho phòng máy lạnh bằng cách đặt một chậu nước nhỏ trong phòng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ