Chỉ một con số này chứng minh ưu thế áp đảo của Apple so với cả làng Android
Có một con số có thể vẽ nên bức tranh rất chính xác về cộng đồng người dùng iPhone và cộng đồng người dùng smartphone Android. Và đó cũng là con số quyết định rất lớn đến tương lai của các hãng smartphone.
Mặc dù đi cùng với các con số doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, báo cáo tài chính cho quý 3/2018 vẫn khiến Apple chứng kiến 7% trị giá thị trường "bay hơi" chỉ trong vòng 1 ngày sau công bố. Lý do lớn nhất cho sự sụt giảm này có lẽ không gì khác ngoài lời thú nhận "ngầm" của Táo rằng doanh số iPhone sẽ không thể tăng trưởng trở lại: bắt đầu từ quý sau, Apple sẽ ngừng công bố doanh số của cả iPhone, iPad và Mac.
Thực tế, tuyên bố này của Apple không có gì khó hiểu cả. Mới gần đây, Apple thậm chí còn để mất vị trí số 2 thế giới vào tay Huawei.
Apple giờ không chỉ thua Samsung mà còn thua cả Huawei về doanh số.
May mắn là dù thua kém về số lượng nhưng iPhone vẫn vượt mặt Galaxy hay Huawei/Honor trên một khía cạnh quan trọng: vị thế tầm cao. Nếu như mỗi quý Apple bán ra hàng chục triệu mẫu smartphone thuộc phân khúc cận cao cấp, cao cấp và "siêu cấp", phần lớn smartphone của Samsung và Huawei lại thuộc về các phân khúc dưới. 2 hãng này ít khi dám trực tiếp bình luận về doanh số đầu bảng, và nếu có thì cũng thấp hơn hẳn so với iPhone.
Ví dụ, đầu tháng 8 vừa qua Huawei công bố đã bán được 10 triệu mẫu Mate 10, dòng đầu bảng hãng này trong năm 2017. Cách đây vài năm, 10 triệu đơn vị là con số mà các mẫu iPhone hoàn toàn có thể đạt được trong vòng... 3 ngày đầu tiên mở bán.
Quan trọng nhất, Apple còn thiết lập được một kỳ tích mà Huawei và Samsung cũng không thể mơ đến: thiết lập và thống trị phân khúc siêu cấp. Dù khởi điểm ở mức cao chưa từng có (1000 USD), iPhone X liên tiếp giữ vững vị thế là mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới. Ở phía đối nghịch, Samsung ngày một kín tiếng về Galaxy S/Note. Mate và P của Huawei thậm chí chưa bao giờ len chân được vào top 10 chứ đừng nói là đe dọa tới iPhone X.
Apple bởi vậy mà "thắng trong thế thua". Dù doanh số thấp hơn Huawei và Samsung rõ rệt, Apple vẫn thống trị ở phân khúc duy nhất mà Apple muốn kinh doanh. Để lý giải tình cảnh này, để sự thua kém về doanh số trở nên mờ nhạt, Apple cần một con số mới: ASP.
ASP (average selling price: giá bán trung bình) không phải là một khái niệm phức tạp. Để tính ra con số này, bạn chỉ cần lấy doanh thu (tổng số tiền Apple thu được từ iPhone) chia cho doanh số (tổng lượng iPhone bán ra). Nhưng ý nghĩa của khái niệm đơn giản này thì lại vô cùng to lớn: đây là lượng tiền mà một người mua trung bình sẽ "cống nạp" cho Apple khi mua mới iPhone.
Kể từ khi ra mắt iPhone X vào quý 4 năm ngoái, Apple đã liên tục công bố ASP. Trong quý đầu tiên ra mắt, iPhone X đẩy ASP của iPhone nói chung lên mốc 796 USD. Quý vừa rồi, khi iPhone XS và iPhone XS Max lên kệ, ASP của iPhone là 793 USD. Trong các quý kém hấp dẫn hơn, ASP của iPhone vẫn giữ được ở mức 700 USD.
Tất cả các hãng khác trong top 5 đều không nói bất kỳ điều gì về con số này. Và họ có lý do để làm vậy: theo tính toán của Counterpoint, Huawei đạt 265 USD, OPPO đạt 275 USD, Vivo đạt 259 USD và Samsung có ASP chỉ vỏn vẹn 247 USD. Xiaomi, theo đúng với ấn tượng, đứng chót bảng ở mốc 159 USD.
Trung bình, một người mua Android chỉ chi ra 1/3 số tiền iFan bỏ ra để mua smartphone.
Tại sao các đối thủ Android lại im bặt về ASP? Lý do rất đơn giản: ASP thể hiện rõ rệt khả năng sinh lời, và do đó có ý nghĩa quyết định tới đường sống của bất kỳ một công ty nào (làm gì có ai kinh doanh mà không mong có lợi nhuận?).
Trong phép tính này, Apple thống trị tuyệt đối. Với giá bán trung bình 800 USD và tỷ suất lợi nhuận là 40%, trung bình Apple sẽ thu về 320 USD lãi ròng trên một chiếc iPhone. Tức là, khoản tiền lời của Apple khi bán 1 chiếc iPhone còn lớn hơn toàn bộ số tiền mỗi hãng Android thu về trên một chiếc điện thoại bán ra.
Trừ đi chi phí linh kiện, sản xuất, R&D, marketing và thuế, các hãng Android hoặc lỗ, hoặc ăn lời mỏng như dao cạo. Nghịch lý bởi vậy mà xảy ra, Apple dù thua kém rõ rệt về doanh số nhưng lại "ăn" hết lợi nhuận của cả ngành công nghiệp smartphone. Báo cáo của Canacord cho thấy, vào mùa nghỉ lễ năm ngoái Apple chỉ chiếm 18% smartphone bán ra trên toàn cầu nhưng thu về tới 87% lợi nhuận. Ở vị trí số 2 là Samsung với vỏn vẹn ... 10%.
Một đích đến khác được ASP đại diện là các sản phẩm, dịch vụ đi kèm với smartphone. Hãy để ý rằng tất cả các nhà sản xuất Trung Quốc đều tìm hướng thu lời từ phần mềm (Xiaomi thậm chí còn tự gọi mình là "công ty Internet); còn Samsung cũng có chợ riêng, có nhiều công nghệ riêng để cạnh tranh với Google.
Trên khía cạnh mở rộng này, Apple lại thắng thế áp đảo trước Android: ASP cao cũng có nghĩa rằng khả năng chi trả của người dùng iPhone cao hơn. Nếu trung bình một người mua Android chỉ chi ra 1/3 số tiền iFan bỏ ra để mua smartphone, khả năng họ bỏ thêm tiền để mua smartwatch hay để mua ứng dụng cho nhà sản xuất cũng thấp hơn nhiều.
Nghịch lý bởi vậy mà xảy ra. cùng là sản phẩm bổ trợ cho smartphone, Apple Watch đánh bại cả đồng hồ truyền thống trong khi Android Wear và Tizen (Samsung) không chen chân nổi vào top 5. Lượng người dùng iOS chỉ bằng 1/4 nhưng doanh thu và lợi nhuận App Store vẫn luôn vượt mặt Google Play (và dĩ nhiên là áp đảo luôn các chợ Trung Quốc). Trong quý 3 vừa qua, mảng dịch vụ của Apple hiện tại đã mang về 10 tỷ USD: để đạt được con số tương tự, Huawei hay Xiaomi sẽ phải làm được điều không tưởng là bán ra khoảng 20 triệu mẫu Mate 20/Mi 8.
Trở lại với câu chuyện "khoe – giấu" của giới kinh doanh, ASP còn một ý nghĩa quan trọng khác: tương lai. Doanh số smartphone toàn cầu thực chất đã chững lại trong suốt 2 năm qua, cho thấy thị trường đã bão hòa. Nhưng ASP toàn cầu lại gia tăng, cho thấy người dùng ngày càng muốn chi nhiều tiền hơn cho mỗi lần mua mới smartphone. Bởi thế, các nhà sản xuất sẽ không thể tính tìm lợi nhuận lâu dài bằng cách tăng doanh số nữa: thay vào đó, họ sẽ phải tìm cách thuyết phục người dùng mua những chiếc smartphone đắt hơn.
Việc Apple giữ vững được ASP ở mức cao ngất ngưởng so với các nhà sản xuất Android cho thấy trong con mắt chung của người dùng phổ thông, Apple vẫn là thương hiệu đại diện cho phân khúc cao cấp. Bởi thế, khi cả thị trường dịch chuyển, Apple đã "chốt" sẵn ở đích đến. Khi người dùng ngừng đặt giá cả làm yêu cầu trọng tâm, họ sẽ từ bỏ các hãng vốn có thế mạnh về giá như Xiaomi hay Vivo rồi chuyển sang Apple.
Chính bởi thế mà Apple mới liên tục nhắc đến ASP, ngay cả khi hãng này sẽ ngừng công bố doanh số. Bất kỳ một con số nào được các nhà sản xuất nhắc đến cũng đều nhằm một mục đích duy nhất, là để các nhà đầu tư thêm vững tin vào tương lai của mỗi công ty. Apple đã có sẵn một con số cho thấy Apple nắm trong tay tương lai, một con số cho thấy Apple đứng riêng một cõi chứ không thèm cạnh tranh giá (hay doanh số) với các hãng Android.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4