Chiếc iPhone quan trọng nhất của năm nay sẽ không phải là iPhone 8 mà là một chiếc iPhone có giá chỉ 400 đô
Apple vẫn đang độc chiếm phân khúc cao cấp với lợi nhuận chiếm trên dưới 90% cả ngành công nghiệp smartphone. Vì iPhone 8 chắc chắn sẽ tiếp tục truyền thống ấy, Apple sẽ cần để mắt tới một phân khúc thị trường khác, nóng bỏng và quyết liệt hơn rất nhiều.
Khó có thể phủ nhận được rằng iPhone 8 sẽ là chiếc smartphone đáng chờ đợi nhất của năm 2017. Đây là chiếc smartphone đánh dấu tuổi đời thứ 10 của chiếc iPhone huyền thoại. Đây là chiếc smartphone đánh dấu những bước cải tiến vượt bậc sau thế hệ iPhone 7 không có nhiều điều mới mẻ.
Nhưng iPhone 8 sẽ không phải là chiếc smartphone quan trọng nhất của Apple.
Trong năm 2016, Apple đã tạo ra một tiền lệ cực kỳ quan trọng: đây là lần đầu tiên Táo đặt mức giá 400 USD cho một chiếc iPhone unlock. Thực tế, đây là một bước đi ẩn chứa rất nhiều động thái "làm mềm giá" của Táo, bởi trước khi iPhone SE ra mắt chiếc iPhone giá "mềm" nhất là iPhone 5s vẫn đang được bán với giá khởi điểm là 450 USD cho phiên bản unlock. Không chỉ hạ giá bán xuống thêm 50 USD, Apple còn nâng cấp cho chiếc iPhone giá rẻ nhất của mình lên cấu hình cao nhất tại thời điểm đó.
Thông điệp của Tim Cook khi ra mắt iPhone SE là rất rõ ràng: "Đây là chiếc iPhone được rất nhiều ưu đãi đặc biệt. Hãy đến với iPhone".
Sự kiện ra mắt iPhone SE trùng khớp với thời điểm bão hòa của 2 phân khúc thị trường quan trọng tại Trung Quốc. Một mặt, tốc độ phủ sóng của iPhone đối với tầng lớp trung lưu tại quốc gia này đã chững lại, đặc biệt là sau khi người dùng đổ xô nâng cấp lên iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Mặt khác, trào lưu điện thoại "phá giá cấu hình" của Trung Quốc cũng đã đến gần điểm kết thúc: hàng loạt hãng giá rẻ không tên phá sản, Xiaomi bắt đầu chìm vào khó khăn còn người dùng thì bắt đầu chịu chi nhiều hơn cho smartphone. Từ 2015 đến 2016, giá bán trung bình của điện thoại Trung Quốc liên tục tăng.
Điều này có nghĩa rằng đón đầu người dùng nâng cấp từ điện thoại Android cấp thấp đặt chân lên tầm trung là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, một chiếc iPhone "chỉ" 400 USD cũng sẽ là một vũ khí hữu hiệu để đánh vào các thị trường chưa sẵn sàng bỏ ra hơn 600 USD để mua iPhone "xịn". Ấn Độ, Indonesia và thậm chí là nhiều vùng tại Trung Quốc là những thị trường như vậy.
Đòn đánh của Apple vào tầm trung rõ ràng là đã có những hiệu quả nhất định. Tại Trung Quốc, vào quý 4/2016, tức là khi iPhone SE được phát hành, giá bán trung bình của iPhone đã lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 600 USD.
Nhưng tại Ấn Độ, giá của những chiếc iPhone "cấp thấp" này bị đội lên gần bằng iPhone 6s tại các quốc gia khác. Apple vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc tại "Trung Quốc tiếp theo".
Năm 2017 sẽ là năm cực kỳ quan trọng của chiến lược SE. Trong suốt nửa sau 2016 đến đầu 2017, Samsung đã liên tục có những động thái đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc tầm trung. Danh mục sản phẩm giá mềm của gã khổng lồ Hàn Quốc đã được tối giản lại chỉ còn 2 dòng Galaxy A và Galaxy J và đồng thời được thừa hưởng nhiều thế mạnh về màn hình, camera hay thiết kế từ các đàn anh cao cấp. Đây là động thái khá đặc biệt, bởi trước đó Samsung từng bỏ ngỏ phân khúc giá rẻ để tập trung vào cạnh tranh với iPhone cao cấp. Việc bỗng dưng đầu tư marketing và cấu hình cho smartphone tầm trung cho thấy Samsung hiểu rất rõ vai trò quan trọng của phân khúc này.
Các đối thủ khác cũng vậy. OPPO và Vivo sau 2 năm rực rỡ vẫn kiên quyết bám trụ lấy tầm trung chứ chưa hề đặt chân lên tầm cao hoặc "phá giá" cấu hình để cạnh tranh với Xiaomi. Kết quả là trong một năm Xiaomi thê thảm tới mức không dám công bố doanh số, OPPO và Vivo lại trễm trệ vươn lên đứng trong top 5 thế giới.
Apple không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Lá bài chủ lực của Apple sẽ là chiếc iPhone 400 đô tiếp theo. Nhất là khi Táo đã có nhà máy tại Ấn Độ (để giảm gánh nặng thuế suất) và khi thị trường giá rẻ Trung Quốc đang dịch chuyển mạnh mẽ lên tầm trung.
Chưa kể người dùng đã gắn bó với iPhone 400 đô thì cũng khó lòng trở lại với Android 400 đô - từ trước đến nay, iFan vẫn nổi tiếng là trung thành. Một khi iPhone SE 2 đã thành công, Apple sẽ làm chủ một phân khúc smartphone trước nay vẫn lép vế. Phân khúc này tuy lợi nhuận không bằng iPhone cao cấp nhưng lại có tiềm năng doanh thu cực lớn. Tuy phải đắp thêm một phần bánh không ngon như phần cũ, nhưng về bản chất miếng bánh của Apple vẫn là miếng bánh ngon nhất, đáng thèm ước nhất.
Để chạm tay tới vinh quang ấy, Tim Cook sẽ phải trả lời những câu hỏi rất khó: "iPhone 400 USD như thế nào thì sẽ đánh lại được Samsung nhưng lại không ảnh hưởng tiêu cực tới những chiếc iPhone chủ lực?" "Nếu iPhone giá rẻ có cấu hình quá yếu so với iPhone 8 thì làm thế nào để giải quyết vấn đề phân mảnh cho iOS?" "Ra mắt iPhone giá rẻ vào thời điểm nào là hợp lý nhất?"...
Đây đều là những câu hỏi Apple hoặc chưa phải đối mặt bao giờ, hoặc chưa thể tìm ra lời giải bằng iPhone SE đời đầu. Nhưng cuộc đua tầm trung rõ ràng là đang sôi sục lên từng giờ, và Apple vẫn sẽ có lợi thế khi tham gia vào cuộc đua ấy: trên bất cứ cuộc chiến nào, sản phẩm gắn mác Táo vẫn sẽ luôn là một trong những lựa chọn nổi bật nhất, thành công nhất. Chưa kể, nếu như Samsung cũng không sợ Galaxy A và Galaxy S phân mảnh, ảnh hưởng tiêu cực đến nhau, thì Tim Cook cũng chẳng có gì để phải lo lắng.
Giờ là lúc bạn suy nghĩ về chiếc "iPhone SE 2" trong mơ và cầu nguyện rằng Tim Cook sẽ lắng nghe ước vọng ấy của bạn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời