Chiêm ngưỡng những tấm ảnh đẹp nhất trong sự nghiệp 14 năm khám phá Sao Hỏa của Opportunity
Tàu thăm dò Opportunity đã vượt chỉ tiêu nhiệm vụ tới 14 năm trời trên Sao Hỏa, và đây là thành quả chú robot này đem về cho nhân loại trước khi chút hơi thở cuối cùng vào ngày lễ tình nhân năm 2019.
Sau 14 năm hoạt động trên Sao hỏa, tàu thăm dò Opportunity của NASA đã chụp được tổng cộng hơn 210.000 bức ảnh, trong khi người anh em sinh đôi của nó, tàu Spirit, đã chụp được thêm 125.000 bức ảnh nửa ở rìa bên kia hành tinh.
Trong số những bức ảnh đó, một vài là ảnh panorama (ảnh góc rộng) bao quát 360 độ của hành tinh đỏ, một vài ảnh khác ghi lại được cấu tạo của những viên đã trên bề mặt Hỏa Tinh, v.v... Chính nhờ những tư liệu quý giá này mà giới khoa học suốt hơn một thập kỷ qua đã hiểu rõ hơn về Sao Hỏa, làm cơ sở cho nhân loại tiến xa hơn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, tìm hiểu về sự sống ngoài Trái Đất.
Những bức ảnh trong một đoạn hành trình của Opportunity trên Sao Hỏa. Từ vành đai phía Tây của hố thiên thạch Endeavour cho đến dấu vết của bánh xe chạy dọc theo gợn cát, một đồng bằng được ghi lại vào năm 2011 và cuối cùng là rìa hố thiên thạch Santa Maria
Điều tra viên của nhiệm vụ Opportunity chia sẻ:
"Spirit và Opportunity là các robot đóng vai trò như những nhà địa chất học, chúng giống như một thám tử tại hiện trường của một vụ án. Một điều gì đó đã xảy ra tại nơi này trên sao Hỏa hàng tỷ năm trước. Sự kiện đó là gì? Nó đã xảy ra thế nào vào thời điểm đó? Chúng tìm kiếm manh mối, và manh mối đang ẩn sâu trong lớp đất đá của Sao Hỏa".
Dưới đây là những bức hình đẹp nhất, ý nghĩa nhất do tàu thăm dò Opportunity chụp lại, trước khi nó kết thúc sứ mệnh 14 năm dài đằng đẵng trên sao Hỏa của mình:
Giây phút đầu tiên của sứ mệnh dài 5.498 ngày: Hạ cánh an toàn
Bức ảnh panorama này được Opportunity chụp vào ngày đầu tiên ở Sao Hỏa, ngay sau khi hạ cánh.
Ban đầu, Opportunity đã được chỉ định hạ cánh ở Meridiani Planum, một đồng bằng thuộc phía Nam xích đạo Sao hỏa.
Tuy nhiên khi những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên màn hình, các nhà khoa học đã rất bất ngờ: Opportuinty may mắn lọt vào một trong số ít những hố thiên thạch ở Meridiani Planum, một địa điểm tuyệt vời với nhiều cơ hội nghiên cứu địa chất được đặt tên là "Eagle".
Dọc 2 bên hố thiên thạch là nền đá đã lộ sẵn, các nhà khoa học nhanh chóng tận dụng ngay cơ hội để khảo sát địa chất. Ban đầu, những tảng đá tại hố thiên thạch thậm chí còn được đặt tên là "Vạn Lý Trường Thành" vì chúng có kích thước rất lớn, nhưng sau đó NASA phát hiện ra hố thiên thạch thực chất chỉ có độ rộng khoảng 21 mét, những phiến đá lớn chỉ có độ cao tương đương với lề đường vỉa hè.
Chạm trán "quả việt quất"
Bên trong hố thiên thạch Eagle, Opportunity tìm thấy rất nhiều những vật thể hình tròn gắn bên trên các tảng đá. Chúng được đặt tên là "quả việt quất" vì có hình dáng giống với loại quả thường được trang trí bên trên bánh nướng.
Các nhà khoa học trước đó đã phát hiện ra một khoáng chất oxit được gọi là hematit xám từ thông tin của tàu quỹ đạo Odyssey. Khoáng chất này trải rộng trên Sao Hỏa trong một khu vực có kích thước rất lớn, tương đương bang Oklahoma của Hoa Kỳ. Trên Trái Đất, hematit thường được hình thành trong nước lỏng.
Raymond E. Arvidson, phó điều tra viên của dự án cho biết: "Dữ liệu từ quỹ đạo cho chúng tôi biết nó (loại khoáng chất) sẽ ở đó, nhưng không nói chính xác chỗ nào".
Quay lại với Opportunity, con tàu thăm dò sau đó đã may mắn tìm được vô số những quả cầu nhỏ và có màu đen, các nhà khoa học gọi chúng là "quả việt quất", được làm từ hematit, hình thành khi nước axit chảy qua trầm tích.
Hành trình dài 3 năm đến những hố thiên thạch
Một vách đá lớn nằm ở vùng "Cape Verde", nó cao khoảng 6 mét, được Opportunity chụp lại từ khoảng cách 50 mét
Khi NASA nhận ra Opportunity hoàn toàn có thể hoạt động dài hơn 90 ngày dự kiến, các nhà khoa học đã chuyển hướng robot sang nghiên cứu các mỏm đá lớn trên Sao Hỏa. Thay vì tiếp tục khám phá ở Meridiani Planum, Opportunity đã được giao nhiệm vụ đi đến hố thiên thạch rộng 22,5 km mang tên Endeavour.
Tại hố thiên thạch Endeavour, tàu Opportunity đã khám phá ra một tảng đá màu nhạt có biệt danh "Esperence" vào tháng 5 năm 2013. Thành phần của nó gồm nhôm, silica với hàm lượng cao, canxi và sắt với hàm lượng thấp hơn các loại đá khác
Cuộc hành trình này đã tiêu tốn của chú robot mất 3 năm, tới năm 2012 mới đến nơi. Thay vì đi đường thẳng, Opportunity buộc phải men theo đường vòng để tránh những khu vực với địa hình gợn sóng gồm cát mềm, có thể nuốt chửng robot bất cứ lúc nào.
Tại Endeavour, trong một địa điểm có tên Matijevic Hill, các nhà khoa học đã tìm thấy những tảng đá với tuổi thọ lâu đời trồi sẵn lên trên. Những tảng đá này chứa đất sét, có khả năng lớn đã được hình thành trong nước có độ pH trung tính, minh chứng cho một môi trường có thể có sự sống.
Viên đá có hình bánh donut?
Phân tích cho thấy viên đá nằm ở phía dưới, bên trái tấm ảnh có chứa oxit mangan, rất hiếm xuất hiện trên Sao Hỏa, phần phát sáng bên ngoài chính là sunfat
Vào tháng 1 năm 2014, một bức ảnh đã khiến các nhà nghiên cứu phải bối rối khi Opportunity chạm trán một vật thể trông giống một chiếc bánh donut, rộng khoảng 1,5 inch. Nó không hề xuất hiện ở đó khi robot chụp ảnh ở cùng một địa điểm chưa đầy 2 tuần trước
Điểm dừng chân cuối cùng của Opportunity
Tấm ảnh được Opportunity chụp vào tháng 6/2017, quang cảnh nhìn ra Perseverance Valley. Một năm sau, nó bị nhấn chìm bởi một cơn bão bụi và chính thức chấm dứt sứ mệnh khám phá Sao Hỏa dài 14 năm
Opportunity đã tìm đường xuống một khu vực có tên Perseverance Valley của hố thiên thạch Endeavour. Tại đây, nó đã chính thức dừng hoạt động và hoàn thành sứ mệnh của mình.
Người anh em ở phía bên kia Hỏa Tinh
Bức ảnh được ghi lại trong một chuyến đi vào năm 2006 của robot Spirit, bánh xe của nó đã đi qua lớp vỏ tối màu của bề mặt Sao Hỏa và khuấy tung lớp đất sáng bên dưới, cho thấy nước đã từng xuất hiện tại đây từ thời xa xưa
Khác với Opportunity, robot Spirit hạ cánh ở Gusev, một hố thiên thạch rộng tới 160 km, xung quanh chỉ toàn đá núi lửa. Trong ngày làm việc thứ 156, Spirit tìm thấy một khu vực từng là suối nước nóng và có thể là mạch nước phun trào nham thạch vào băng đá, từ đó tạo ra vô số các phản ứng hóa học.
Chiếc Spirit và Opportunity ban đầu dự kiến có giá sản xuất 665 triệu USD, tuy nhiên sau đó, mức giá này đã tăng lên 800 triệu USD vào thời điểm phóng lên Sao Hỏa. Trong hơn 14 năm hoạt động dự án, NASA đã tiêu hết tổng cộng 1,2 tỷ USD.
Theo NYTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming