Chủ nhân giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture 2023: Việt Nam hãy làm “hộ chiếu” cho mặt hàng này
4 nhà khoa học vừa đoạt giải thưởng cao nhất của VinFuture 2023 đều cho rằng Việt Nam nên làm “hộ chiếu” cho một mặt hàng tiềm năng.
- Lộ diện chủ nhân giải thưởng 3 triệu USD tại VinFuture năm nay
- Những nhân vật lớn xuất hiện tại Lễ trao giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture
- Đến Việt Nam nhận giải VinFuture, ‘cha đẻ’ của Internet tiết lộ bí mật bất ngờ về ‘mẹ đẻ’ của Internet
- Chủ nhân giải Đặc biệt: ‘VinFuture không tôn vinh nhà khoa học thông minh xuất chúng thế nào!’
Tối qua (20/12), giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD (khoảng hơn 73 tỷ đồng) của VinFuture 2023 đã thuộc về 4 nhà khoa học là GS Martin Andrew Green (người Úc); GS Stanley Whittingham (người Mỹ gốc Anh); GS Rachid Yazami (người Marocco), GS Akira Yoshino (người Nhật Bản). Giải thưởng Chính năm nay tôn vinh phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin lithium-ion.
Công nghệ này đã mở ra tiềm năng mới giúp khai thác nguồn năng lượng sạch và vô tận từ bầu trời. Đây cũng là công nghệ giúp mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực lưu trữ năng lượng và tái tạo năng lượng, từ đó giúp mọi người trên thế giới có thể tiếp cận và sử dụng năng lượng xanh bền vững.
Cuộc chuyển dịch năng lượng xanh đang diễn ra nhanh chóng
Năng lượng mặt trời là một trong những lĩnh vực chính sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Úc hiện là một trong những quốc gia đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
GS Martin Andrew Green nhận định, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng mặt trời đang diễn ra nhanh chóng và thậm chí sẽ còn nhanh hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là tại những quốc gia như Việt Nam.
"Chỉ 5 năm trước đây, tại nước Úc chúng tôi, hoạt động về sản xuất điện thì chủ yếu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt, than và than. Tuy nhiên, ngày nay chi phí cho các tấm pin mặt trời đã rẻ đi nên việc áp dụng năng lượng mặt trời cũng như năng lượng điện gió nhằm sản xuất ra điện đang ngày càng trở nên phổ biến hơn", GS Martin chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, mới đây, có một bài báo tại Úc cũng đã nêu rất rõ dự kiến là trong vòng khoảng 10 năm tới, tại quốc gia này, nguồn sản xuất điện sử dụng khí đốt, than gần như sẽ không còn nữa. Đây là điều mà 5 năm trước đây chúng ta không thể nào tưởng tượng ra được.
Theo GS Akira Yoshino, liên quan tới lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng xanh, công nghệ sản xuất pin lưu điện chỉ đóng vai trò là một động lực bổ trợ và động lực thúc đẩy. Bởi vì với công nghệ này thì nó không tự sản xuất ra điện. Nó chỉ là một nguồn để chúng ta lưu trữ điện. Do đó, trong "cuộc chơi" này, động lực chính cho việc chuyển đổi sang năng lượng xanh là những tấm pin mặt trời và năng lượng gió. Chính những nguồn này mới là nguồn sản xuất ra điện.
Tuy nhiên, giống như trong phim ảnh, nhiều nhân vật phụ cũng đóng vai trò rất quan trọng. "Khi những bộ pin lưu trữ điện với chi phí ngày càng rẻ hơn thì đây là một nhân tố rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy liên quan tới chuyển dịch về năng lượng xanh. Đồng thời, tôi tin rằng với các quốc gia thì việc đầu tư mới vào các hệ thống lưu trữ năng lượng cũng đóng vai trò rất quan trọng để chúng ta có thể lưu trữ điện và thúc đẩy chuyển dịch tốt hơn nữa".
Còn theo GS Stanley Whittingham, tại Mỹ, các chuyên gia có sự đồng hành của các chính trị gia và từ đó thúc đẩy việc tái cơ cấu các ngành kinh tế.
"Chúng tôi cũng đồng thời có được sự kêu gọi từ ngân sách của chính quyền liên bang để hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến thúc đẩy về chuyển đổi năng lượng cũng như sử dụng năng lượng tái tạo.
Mới hai tuần trước, ngôi sao từng đóng "Kẻ hủy diệt" Arnold Schwarzenegger đã đề cao và thúc đẩy những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong đó, thứ nhất, ông cho rằng để thúc đẩy được chuyển đổi năng lượng xanh thì phải có tầm nhìn tốt. Thứ hai, chúng ta phải truyền được những thông điệp và tầm nhìn đó đến được với các chính trị, các nhà khoa học và quan trọng hơn nữa là đến được cộng đồng dân cư", GS Stanley Whittingham chia sẻ.
GS Stanley nhấn mạnh, thông điệp mà ông muốn nói là bản thân các nhà khoa học không thể thực hiện được việc chuyển đổi hay chuyển dịch sang năng lượng xanh. Thay vào đó, cái quan trọng là chúng ta phải có công nghệ, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, chính trị gia, những người hoạch định chính sách và cộng đồng.
Trong khi đó, GS Rachid Yazami chia sẻ, châu Phi và Morocco cũng đặt mục tiêu đến năm 2023, có 52% nguồn điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo. "Đó là con số tham vọng tương đối lớn và bản thân tôi cũng đang hỗ trợ cho việc giám sát mục tiêu này từ xa. Có thể thấy lộ trình để đạt được mục tiêu này đang khá rõ ràng", GS Rachid Yazami cho biết.
GS Yazami cũng nhận định rằng pin lithium-ion dự kiến sẽ tiếp tục được sử dụng trong việc lưu trữ nguồn điện và thậm chí được coi là xu hướng chính cho đến cuối thế kỷ này.
Châu Âu cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2035 sẽ không còn các xe sử dụng hệ thống đốt trong, có nghĩa là ngưng sử dụng xe xăng truyền thống và sẽ chuyển sang dùng xe điện. Châu Âu đang đầu tư khoảng 100 tỷ USD để thực hiện mục tiêu này.
GS Rachid Yazami cũng bày tỏ quan ngại về việc liệu con người có đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho những hoạt động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng xanh hay không. Vấn đề này đặt ra việc cần phải tiến hành tái chế như thế nào đối với pin đã qua sử dụng.
GS Rachid Yazami cho biết thêm: "Thực ra Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đi đầu trong việc tái chế pin, bắt đầu từ những năm 1990. Đến ngày nay, các quốc gia trên toàn thế giới cũng đang tìm mọi cách để có thể tái chế và lấy lại được những kim loại quý có trong pin đã sử dụng bao gồm là coban, phosphat... Mục tiêu đặt ra đến năm 2035 có 30% pin sản xuất mới trên toàn thế giới sẽ lấy các nguyên liệu tái chế từ các pin cũ".
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Tái chế pin được coi là xu hướng cho phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua nếu muốn phát huy hết được tiềm năng.
Theo GS Stanley Whittingham, để phát triển tái chế pin, mỗi một viên pin đều cần phải có một tấm "passport" (hộ chiếu). Cụ thể, chúng phải được dán nhãn để biết chính xác rằng trong viên pin đó bao gồm những thành phần gì, niken, coban... Những chất này đều có nguy cơ liên quan đến cháy nổ. Nếu không xử lý cẩn thận, chúng rất độc hại. Việc dán nhãn nhận biết thành phần bên trong mỗi viên pin sẽ giúp cho quá trình phân tách khi tái chế pin sau này.
Đồng tình với ý kiến làm "hộ chiếu" cho pin, theo GS Rachid Yazami, đối với việc phát triển pin lithium, pin mặt trời và xa hơn là tái chế pin ở các quốc gia như Việt Nam thì công nghệ là rất quan trọng. Hơn nữa, việc dán nhãn những thành phần hóa học có trong pin sẽ giúp chúng không bị trỗn lẫn với nhau trong khi tái chế.
GS Akira Yoshino cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ đối với những quốc gia như Việt Nam trong những bước đầu tiên trên hành trình tái chế pin. Thứ nhất, chúng ta cần phải làm sao để thu gom được các loại chất thải của những viên pin đã qua sử dụng. Thứ hai chính là quy trình tái chế.
GS nhấn mạnh: "Chúng ta đều biết khi xử lý được càng nhiều thì sẽ càng giúp giảm bớt được vấn đề về chi phí. Tuy nhiên, đến một mức độ nào đó, nếu quá lớn thì chúng ta sẽ không thể xử lý được hết".
Cả 4 nhà khoa học đều đồng tình rằng, ở Việt Nam cần phải linh hoạt và sáng tạo trong cách lựa chọn và đầu tư cho công nghệ tái chế pin trong tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI