Chưa thoát khỏi vũng lầy 14nm, Intel đã dự định chuyển tới tiến trình 1.4nm trong 10 năm nữa

    Nguyễn Hải,  

    Trong khi đa số chip xuất xưởng hiện tại của Intel vẫn đang dùng tiến trình 14nm, còn các chip 10nm vẫn chỉ ra mắt rất hạn chế, thế nhưng công ty đã có dự định hướng tới chip tiến trình 1.4nm vào năm 2029.

    Đối với Intel, hóa ra việc chuyển công nghệ bộ xử lý từ tiến trình 14nm xuống tiến trình 10nm lâu hơn nhiều so với dự kiến của họ, và cho đến tận bây giờ họ vẫn chưa hoàn tất quá trình chuyển đổi của mình. Mới chỉ có một số mẫu chip Intel Core thế hệ 10th dành cho laptop được sản xuất trên tiến trình 10nm, trong khi đa số các chip khác vẫn sử dụng tiến trình 14nm.

    Nhưng theo một file trình chiếu từ một trong các đối tác của Intel, hãng ASML, đang cho thấy nhà sản xuất chip này đã lên kế hoạch ra mắt chip trong cả một thập kỷ tới. Theo đó, công ty đang kỳ vọng đạt được nhiều bước tiến nhảy vọt tới các tiến trình nhỏ hơn sau mỗi 2 năm trong một thập kỷ tới. Đích đến cuối cùng là vào năm 2029, Intel sẽ có thể ra mắt chip tiến trình 1.4nm.

    Dưới đây là dự định của Intel về tiến trình trong 10 năm tới (Intel đã phản hồi lại báo cáo trên AnandTech rằng, bài trình chiếu này chỉ là dự đoán của Intel hơn là một lộ trình chắc chắn về khả năng ra mắt chip):

    Chưa thoát khỏi vũng lầy 14nm, Intel đã dự định chuyển tới tiến trình 1.4nm trong 10 năm nữa - Ảnh 1.

    7nm vào năm 2021. 5nm vào năm 2023. 3nm vào năm 2025. 2nm vào năm 2027. 1.4nm vào năm 2029.

    Bắt đầu từ năm 2005, khi ra mắt chip 65nm đầu tiên của mình, Intel bắt đầu đi theo chu kỳ tick-tock, với việc các dòng bộ xử lý mới sẽ được sản xuất trên tiến trình công nghệ mới nhất vào năm đầu tiên, năm tiếp sau đó sẽ là dòng bộ xử lý thế hệ mới với kiến trúc mới được sản xuất trên tiến trình công nghệ trước.

    Vì vậy cứ sau mỗi 2 năm, công ty lại tiến tới một tiến trình nhỏ hơn, cho đến khi họ kẹt lại ở tiến trình 14nm.

    Từ năm 2014 đến năm 2019, Intel đã phát hành các chip thế hệ thứ 5th, 6th, 7th, và 8th, nhưng tất cả đều được sản xuất trên tiến trình 14nm. Ngay cả các chip Comet Lake thế hệ thứ 10th của Intel cũng vẫn được sản xuất trên tiến trình 14nm. Cho đến gần đây, họ mới bắt đầu sản xuất hàng loạt các chip 10nm với các bộ xử lý Intel Ice Lake 10th, tuy nhiên không có nhiều máy tính đang sử dụng các bộ xử lý này.

    Gần như đang mắc kẹt ở tiến trình 14nm suốt nửa thập kỷ nay, nhưng Intel đã hướng tới việc tạo ra các tiến trình chip ngày một nhỏ hơn trong thập kỷ tới khiến nhiều người nghi ngờ kế hoạch của họ - rất có thể Intel sẽ không thể đạt được các mục tiêu tham vọng của mình.

    Chưa thoát khỏi vũng lầy 14nm, Intel đã dự định chuyển tới tiến trình 1.4nm trong 10 năm nữa - Ảnh 2.

    Tuy nhiên, hình ảnh mô tả về dự định nói trên của Intel cũng cho thấy một chi tiết thú vị - các khả năng backport (backport opportunity): nghĩa là khi một bộ xử lý được thiết kế trên tiến trình 5nm, nhưng vẫn có thể được sản xuất bằng tiến trình 7nm (tiến trình cũ hơn và được tinh chỉnh lại), nếu công ty vẫn chưa sẵn sàng tăng công suất sản xuất các bộ xử lý 5nm.

    Điều này cũng có nghĩa dường như Intel đã còn chuẩn bị sẵn cả kế hoạch dự phòng cho những trì hoãn ngoài dự kiến có thể xảy ra với quá trình sản xuất của họ.

    Nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, khi Intel vẫn đang chật vật với việc gia tăng công suất sản xuất cho các chip 10nm, AMD và nhiều nhà sản xuất chip trên kiến trúc ARM đã bắt đầu sản xuất các bộ xử lý 7nm.

    Thậm chí mới vài ngày trước, hãng TSMC – hãng hiện đang gia công cho AMD, Apple và Huawei – cho biết họ đã đạt được hiệu suất đến 50% đối với tiến trình 5nm và sẵn sàng sản xuất hàng loạt các bộ xử lý trên tiến trình công nghệ mới này vào năm sau – sớm hơn đến 3 năm so với dự định của Intel. Không rõ các hãng thiết kế và sản xuất chip trên sẽ đạt tới tiến trình bao nhiêu sau 10 năm nữa?

    Tham khảo Liliputing


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ