Chúng ta sẽ có vắc-xin phòng HIV vào năm 2021? Các nhà khoa học đang rất lạc quan về điều đó

    zknight,  

    Hiện tại, chúng ta đang có tới 3 loại vắc-xin tiến được tới bước thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

    Con người đang thực hiện được những cuộc phản công mạnh mẽ, trong trận chiến chống lại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch, hay còn gọi là HIV/AIDS.

    Từ một căn bệnh không thể chữa khỏi gây ra cái chết chậm rãi cho người bệnh vào những năm 1980, bây giờ với thuốc ARV, chúng ta đã biến AIDS thành một bệnh mạn tính và duy trì được sức khỏe cho người mắc phải nó đến hết cuộc đời.

    Các biện pháp phòng ngừa hay những loại thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm PrEP cũng đã giúp giảm số lượng người mắc mới HIV mỗi năm.

    Nhưng vào lúc này, có một tin còn vui hơn nữa có thể khiến bạn hình dung về trận chiến quyết định cuối cùng: Các nhà khoa học đang thử nghiệm cùng lúc 3 loại vắc-xin phòng chống HIV, và một trong số đó được kỳ vọng sẽ đạt tới thành công vào năm 2021.

    "Hiện tại, chúng ta đang có tới 3 loại vắc-xin tiến được tới các thử nghiệm tính hiệu quả", Tiến sĩ Susan Buchbinder, giám đốc chương trình nghiên cứu về HIV của Bộ Y tế Cộng đồng San Francisco cho biết. "Đây có lẽ là một trong những khoảnh khắc lạc quan nhất mà chúng ta từng có được".

    Ba loại vắc-xin mà Buchbinder đề cập có tên gọi lần lượt là HVTN 702, Imbokodo và Mosaico. Margaret Heckler, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết đó là các ứng cử viên hàng đầu giúp chúng ta hiện thực hóa ước mơ trong hơn 3 thập kỷ, có được một loại vắc-xin HIV trong vòng 2 năm tới.

    Chúng ta sẽ có vắc-xin phòng HIV vào năm 2021? Các nhà khoa học đang rất lạc quan về điều đó - Ảnh 1.

    Chúng ta sẽ có vắc-xin phòng HIV vào năm 2021?

    HVTN 702

    Bắt đầu vào tháng 10 năm 2016, đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III/IIb để nghiên cứu tính hiệu quả, độ an toàn và khả năng dung nạp của một ứng cử viên vắc-xin có tên ALVAC-HIV (vCP2438) Bivalent Subtype C gp120 / MF59. Bỏ qua cái tên dài dằng dặc với đủ thể loại ký hiệu khó hiểu này, bạn chỉ cần nhớ nó là hai mũi tiêm bắp.

    Mũi tiêm thứ nhất chứa một loại virus canarypox được thiết kế lại để chứa các mảnh của virus HIV trong nó, nhưng không có khả năng gây bệnh HIV. Các mảnh này là phần mồi của vắc-xin, là thứ sẽ khởi động hoặc cảnh báo cho hệ miễn dịch của bạn về sự xuất hiện của virus.

    Nó sẽ nói với hệ thống miễn dịch rằng "Đây, thứ virus này là kẻ thù của bạn, đây là thứ mà bạn nên chống lại để bảo vệ mình".

    Mũi tiêm thứ hai chứa các mảnh của vỏ protein bao quanh HIV cùng với M59, một chất bổ trợ làm từ hợp chất hữu cơ squalene. Chất bổ trợ là một chất không tự tạo ra các phản ứng miễn dịch. Nhưng thay vào đó nó có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của bạn với virus.

    Mũi tiêm thứ hai là làn sóng tấn công thứ hai sau khi hệ thống miễn dịch đã được cảnh báo về sự hiện diện của virus. Mũi tiêm thứ hai có tác dụng tăng cường cho đội quân miễn dịch tiên phong, đó là các tế bào B của hệ thống miễn dịch. Kết hợp lại, nó giống như bạn không chỉ có Iron Man, Thor, Hulk hay Captain American cho trận chiến cuối cùng, bạn cần chiêu mộ thêm cả Captain Marvel, Ant Man, và những siêu anh hùng khác nữa để chiến đấu với Thanos.

    Hiện tại, HVTN 702 đang được thử nghiệm tại Nam Phi. Theo chương trình AIDS của Liên Hợp Quốc, đất nước này có tới 7,7 triệu người nhiễm HIV/AIDS. Ở đây, các nhà khoa học đã tìm được 5.400 tình nguyện viên tham gia vào thử nghiệm vắc-xin mới.

    Họ là đều là những trưởng thành âm tính với HIV, có độ tuổi từ 18 tuổi đến 35. Một nửa sẽ được tiêm vắc-xin và nửa còn lại sẽ được tiêm giả dược, trên thực tế chỉ là nước muối. Trong vòng 24-36 tháng sau đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi những người này để xác định tỷ lệ nhiễm HIV giữa hai nhóm.

    Dự kiến, thử nghiệm này sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2021 với sự tài trợ của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID).

    Chúng ta sẽ có vắc-xin phòng HIV vào năm 2021? Các nhà khoa học đang rất lạc quan về điều đó - Ảnh 2.

    Dự kiến, thử nghiệm HVTN 702 sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2021.

    Nghiên cứu HPX2008 / HVTN 705 hay Imbokodo

    Nghiên cứu giai đoạn IIb này đã được khởi động từ tháng 11 năm 2017. Đến 5 năm 2019 giai đoạn tuyển tình nguyện viên đã hoàn thành, với sự tham gia của 2.600 phụ nữ hoạt động tình dục trong độ tuổi từ 18 đến 35. Họ đến từ 5 quốc gia miền nam châu Phi bao gồm Malawi, Mozambique, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.

    Giống như vắc-xin được sử dụng trong HTVN 702, vắc-xin của Nghiên cứu Imbokodo bao gồm hai loại thuốc tiêm khác nhau, mặc dù chúng có thành phần và phương pháp tiếp cận cơ bản khác với HTVN 702.

    Thuốc tiêm cơ bản (được gọi là Ad26.Mos4.HIV) chứa adenovirus, một loại virus gây cảm lạnh thông thường. Nó cũng đã được thiết kế lại để kết hợp với các mảnh của virus HIV. Thuốc tiêm tăng cường chứa các mảnh của vỏ protein HIV cùng với một tá dược nhôm phốt phát.

    Giống như thử nghiệm HVTN 702, thử nghiệm này sẽ chỉ định ngẫu nhiên những người tham gia được tiêm vắc-xin hay giả dược nước muối. Sau đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi họ có bị nhiễm HIV ở những vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao hay không.

    Thử nghiệm Imbokodo dự kiến ​​sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022.

    Janssen Vaccines & Prevention B.V., một bộ phận của Johnson và Johnson, là đơn vị đứng sau tài trợ cho thử nghiệm này. Nếu bạn đang tự hỏi ý nghĩa của Imkkodo là gì, thì đó là "đá" trong ngôn ngữ Zulu, nhóm dân tộc lớn nhất ở Nam Phi.

    Chúng ta sẽ có vắc-xin phòng HIV vào năm 2021? Các nhà khoa học đang rất lạc quan về điều đó - Ảnh 3.

    Thử nghiệm Imbokodo dự kiến ​​sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022.

    Thử nghiệm HPX3002/HVTN 706 hoặc Mosaico

    Không giống như hai thử nghiệm trên, thử nghiệm giai đoạn III này sẽ được tiến hành ở nhiều địa điểm ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu. Nghiên cứu vừa được triển khai vào tháng 7 năm nay dự định sẽ tuyển dụng 3.800 người tham gia. Tất cả phải là đàn ông hoặc người chuyển giới âm tính với HIV trong độ tuổi từ 18 đến 60. Họ đang phải có quan hệ tình dục với nam giới hoặc những người chuyển giới.

    Thử nghiệm Mosaico sẽ sử dụng vắc-xin giống như thử nghiệm Imbokodo. Janssen Vaccines & Prevention B.V. cũng là nhà tài trợ cho thử nghiệm này với một nguồn kinh phí khác đến từ NIAID. Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Bộ Tư lệnh Nghiên cứu và Phát triển Y tế Quân đội Hoa Kỳ (USAMRDC) cũng tham gia vào thử nghiệm.

    Tham khảo Fobers, NBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ