Chuyện người phụ nữ nhìn thấy khuôn mặt rồng và những bí ẩn y học được gửi vào tương lai
Vài năm nữa, nhưng cũng có thể là vài thế kỷ, một nhà khoa học nào đó ở tương lai sẽ tìm lại câu chuyện và giải mã nó.
Năm 2014, tạp chí y khoa Lancet đăng tải một nghiên cứu của nhà thần kinh học Oliver Sacks và các đồng nghiệp. Trái với những gì bạn đang hình dung về một báo cáo khô khan và chi chít số liệu, Oliver Sacks đã dành 1 trang giấy chỉ để "kể chuyện", làm đúng điều mà ông vẫn thường làm trong những cuốn sách bán chạy nhất của mình được The New York Times bình chọn.
Câu chuyện kể về một người phụ nữ nhìn thấy khuôn mặt rồng:
"Tháng 7 năm 2011, một người phụ nữ 52 tuổi đã đến phòng khám tâm thần ngoại trú của chúng tôi ở The Hague [phía tây Hà Lan] với một tiền sử bệnh lý kéo dài từ lúc sinh ra tới bấy giờ, bà ấy nhìn thấy khuôn mặt của mọi người biến thành khuôn mặt rồng".
Chuyện người phụ nữ nhìn thấy khuôn mặt rồng và những bí ẩn y học được ném vào tương lai
Bài báo mô tả người phụ nữ vẫn có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người xung quanh, nhưng chỉ sau vài phút, tất cả các khuôn mặt sẽ hóa đen và mọc ra 2 chiếc tai nhọn. Bà ấy sẽ thấy miệng người đối diện nhô ra, trong khi da mặt họ biến thành vảy sừng và đôi mắt người thì màu vàng, người màu lục, người xanh lam hoặc đỏ.
Người phụ nữ bị ám ảnh bởi hình ảnh những con rồng, ngay cả khi nhìn vào một bức tường, một ổ cắm điện hoặc màn hình máy tính, bà cũng thấy những con rồng bay ra khỏi đó và hướng mặt về phía mình.
Trở lại thời điểm 52 năm trước, mẹ bà ấy sinh bà ra trong bọc điều – nghĩa là màng ối còn nguyên – một hiện tượng khá hiếm với tỷ lệ 1/80.000. Có thể màng mô che trên mặt bà ấy đã ảnh hưởng đến thị lực của bà trong suốt cuộc đời sau này – nhưng không chắc.
Từ thời thơ ấu, người phụ nữ đã thấy những khuôn mặt người xung quanh biến thành mặt rồng, nhưng nó không gây ra phiền nhiễu gì cho một đứa trẻ. Chỉ đến khi lớn dần lên, bà mới nhận ra cách mà mình nhìn thế giới không giống với mọi người, không phải ai cũng nhìn thấy người khác biến thành rồng giống như mình.
Ngoài việc nhìn thấy ảo giác mặt rồng, bà còn thường bị đau đầu và còn gặp một ảo giác nữa về những con kiến khổng lồ bò trên tay. Mặc dù có xu hướng rụt rè và sống tách biệt với thế giới, người phụ nữ 52 tuổi vẫn đi học, tốt nghiệp, đi làm, kết hôn và có một cô con gái.
Các bác sĩ đã thực hiện một cuộc kiểm tra thần kinh tổng thể, nhưng nó không giải quyết được gì cả. Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy một số tổn thương loang lổ trong chất trắng của não bộ, nhưng không có gì quá đáng để chú ý - không có khối u, không đột quỵ, không có đặc điểm giải phẫu học nào kỳ lạ.
Các bác sĩ chỉ có thể kê cho bà một loại thuốc chống động kinh và sau đó là thuốc thường dùng cho bệnh nhân Parkinson. Ảo giác sau đó giảm nhẹ, người phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc ở tuổi 52 nhưng tương tác của bà với các đồng nghiệp được cải thiện.
Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy một số tổn thương loang lổ trong chất trắng của não bộ
Bài báo của Sacks kết thúc ở đó, không có một lời giải thích nào nữa. Ông và các bác sĩ khác hẳn là đã không thể đưa ra được bất kỳ chẩn đoán nào, họ chỉ biết kể lại một câu chuyện như vậy.
Một năm sau, Sacks qua đời vì bệnh ung thư gan. Nghiên cứu (hay câu chuyện) của ông vẫn còn đó trên Lancet, như thể một câu đố được quăng vào tương lai để những nhà khoa học khác giải mã.
Có thể điều mà Sacks muốn là: Trong một khoảng thời gian nữa, có thể là vài năm hoặc cũng có thể là hàng thế kỷ, một nhà thần kinh học khác sẽ đọc câu chuyện này và tìm ra điểm chung giữa nó với một trường hợp bệnh nhân khác. Anh ta sẽ thực hiện các thí nghiệm mới và hoàn thành công việc, giải thích ảo giác mặt rồng, chẩn đoán và gọi tên ra căn bệnh hoặc hội chứng từ đó đưa ra một phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Còn trong những năm cuối đời của mình, Sacks chỉ có thể kể lại câu chuyện mà ông gặp trên bệnh nhân, mô tả nó một cách chi tiết, không giải thích, không chẩn đoán. Đó là một nghiên cứu thuộc loại "case study", hay nghiên cứu trường hợp.
Không rõ từ khi nào các bác sĩ bắt đầu viết các mô tả tương tự như nghiên cứu trường hợp, nhưng chắc chắn nó đã bắt đầu từ thời Hippocrates. Đây là một đoạn tài liệu mà cha đẻ nền y học Phương Tây đã viết về một bệnh nhân từ năm 400 trước Công Nguyên:
"Thasus, một người phụ nữ có tâm trí u sầu và đau khổ từ một nguyên nhân vô tình bị ảnh hưởng bởi mất ngủ, chán ăn, khát và buồn nôn. ... Ngày đầu tiên, khi màn đêm bắt đầu buông xuống, [người phụ nữ] thấy sợ hãi, nói nhiều, uể oải, sốt nhẹ; vào buổi sáng, những cơn co thắt thường xuyên xuất hiện, và khi chúng chấm dứt, người phụ nữ nói chuyện không mạch lạc và tối nghĩa...
Ngày thứ hai, trong cùng một trạng thái; người phụ nữ không ngủ; sốt cấp tính hơn. Ngày thứ ba .. nước tiểu màu đen, có những chất váng mỏng trôi nổi trong đó không lắng xuống đáy; hành kinh nhiều".
Trường hợp được Hippocrates mô tả ở đây vẫn còn là một câu hỏi mở sau hàng ngàn năm, thật khó để tìm ra một chẩn đoán ứng với tất cả các triệu chứng này.
Nghiên cứu trường hợp đã có từ thời của Hippocrates
Những nghiên cứu trường hợp đã được tiến hành xuyên suốt trong nhiều thế kỷ. Nhà thần kinh học Sigmund Freud từng tập hợp các câu chuyện của những bệnh nhân đơn lẻ để xây dựng lên chuỗi lý thuyết mới về tâm thần học.
Ngay cả William Osler, cha đẻ nền y học hiện đại đã bảo vệ truyền thống ghi chép và báo cáo các quan sát đơn lẻ.
Nhưng trong những năm gần đây, khi các nguyên tắc ngầm của y học di chuyển từ mô tả đến cơ học, từ quan sát đến giải thích và từ giai thoại đến thống kê, nghiên cứu trường hợp đã không còn được ưa chuộng.
Các bác sĩ bắt đầu ưu tiên các phương thức nghiên cứu dựa trên thí nghiệm và tính khách quan. Nghiên cứu quan sát chỉ được coi là khúc dạo đầu cho các thử nghiệm và giải thích sau này. Năm 2003, biên tập viên của Tạp chí Tâm thần học Anh thậm chí đã viết rằng: "Tôi đã đẩy nhanh sự sụp đổ của báo cáo trường hợp, để loại trừ chúng, những gì tôi coi như vấn đề tâm thần tầm thường".
Ngay lập tức, một số bác sĩ đã gửi những lá thư giận dữ đến tạp chí, họ chỉ trích sự phân cực của giới học thuật bây giờ khi dành quá nhiều ưu tiên các nghiên cứu thống kê mà gạt bỏ những báo cáo trường hợp, coi chúng như chuyện vặt.
Tại sao những câu chuyện như người phụ nữ nhìn thấy khuôn mặt rồng thường không còn chỗ trong các trang tạp chí khoa học?
Nghiên cứu trường hợp có thể là khởi điểm cho câu trả lời của những câu hỏi lớn
Có vẻ như chúng ta đang bỏ lỡ tầm quan trọng của các nghiên cứu trường hợp, của các quan sát, ghi chép, những triệu chứng phân tán nhưng sống động. Các nghiên cứu chôn dấu những bí mật y khoa đã từng truyền cảm hứng cho những suy nghĩ mới về bệnh lý của con người.
Đâu đó trong các nghiên cứu trường hợp về miễn dịch ung thư, về kích thích não sâu cho bệnh nhân tâm thần hay các lĩnh vực nghiên cứu khác, những kết quả kỳ lạ và bất ngờ vẫn có thể diễn ra. Chúng có thể là khởi điểm cho câu trả lời của những câu hỏi lớn.
Có lẽ nghiên cứu trường hợp nên được hồi sinh. Mặc dù nó không đưa ra được chẩn đoán hoặc lời giải thích, nhưng những nghiên cứu trường hợp, như người phụ nữ nhìn thấy khuôn mặt rồng, sẽ là nơi các triệu chứng được ghi lại một cách đầy đủ và sinh động nhất, giúp cho những thế hệ sinh viên y khoa trong tương lai tìm được niềm cảm hứng để giải mã những bí ẩn được dành lại cho họ.
Tham khảo Tonic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?