Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không?

    Thanh Long, Thể thao & Văn hóa 

    Hiếm có dịp nào người Việt thổ lộ về thói quen ôm gấu bông đi ngủ của mình. Nhưng khảo sát cho thấy khoảng 40% người trưởng thành ở Mỹ vẫn làm điều đó. Con số là 34% ở Anh. Các chuyên gia giấc ngủ nói đó là thói quen tốt, chẳng việc gì phải xấu hổ.

    Có một việc mà tôi luôn phải làm mỗi khi có trẻ con vào nhà mình, đó là trông chừng Bi, con gấu trong phòng ngủ của tôi. Trên mình Bi đầy thương tích: Một vết rách toạc ở chân, bật bông ra ngoài, tôi mất cả buổi tối lọ mọ mới khâu lại được. Đuôi nó đã rụng đâu mất, thôi thì cũng chấp nhận được, sẽ chẳng ai đánh giá một con gấu bông bằng việc nó có đuôi hay không.

    Nhưng cái mũi, nếu một con gấu bông bị mất mũi thì đó là cả một thảm họa. Đứa cháu của tôi đã tung Bi lên quạt trần đang quay, sau đó cái mũi của nó biến mất. Mãi cho đến hai tuần sau dọn nhà, tôi mới tìm lại được cái mũi của Bi bên dưới gầm sofa, mừng rớt nước mắt.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 1.

    "Chú Long cho Gạo mang Bi về nhà đi…", đứa cháu của tôi năn nỉ. "Không! Chú Long cho Bơ, chú Long quý Bơ hơn", một đứa khác tóm lấy áo tôi mè nheo. "Cho Gạo với Bơ mang Bi về thì chú Long lấy gì ôm đi ngủ", mẹ chúng nó vừa cười vừa quát.

    Thế là vụ tranh giành tài sản đầu đời giữa hai anh em nhà này được giải quyết êm thấm. Nhưng thằng Bơ, tôi biết tính nó sẽ không chịu. Lúc nào nó cũng phải bĩu môi nói với theo: "Chú Long sắp lấy vợ rồi mà vẫn ôm gấu bông đi ngủ". Thằng Gạo sau đó nhại lại y chang.

    ***

    Tôi hiểu nỗi băn khoăn sâu thẳm trong tâm hồn Bơ, thằng cháu 6 tuổi của tôi, mắc chứng tăng động giảm chú ý. Một con gấu, trên giường của một chàng trai 28 tuổi sẽ khiến - ngay cả một đứa trẻ tăng động - nghi ngờ sự trưởng thành của anh ấy.

    Người lớn cũng vậy, hãy đọc những dòng tâm sự của cô gái này:

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 2.

    Bài viết đăng trên chuyên mục Tâm sự của VnExpress đến cuối ngày đã nhận về 126 bình luận. 8 trong số đó đồng cảm với nỗi niềm của cô gái, cho rằng người bạn trai còn trẻ con, thiếu nam tính và ủy mỵ. 118 bình luận còn lại tôn trọng sở thích của anh ấy. 

    Nhưng điều thú vị nhất là, nhiều người bắt đầu kể ra câu chuyện cá nhân của đời mình:

    "Tôi năm nay 27 tuổi, có một con gấu bông ôm từ năm 11 tuổi, giờ không ôm là không ngủ được".

    "Chị có biết một vị sư khá nổi tiếng và vị sư này có một con gấu bông, nó cũ rồi nhưng thầy luôn đặt nó trên giường vì nó theo thầy từ lúc nhỏ. Em trai chị 30 tuổi vẫn có gấu bông to trong phòng. Chị gần 40, chồng chị vẫn tặng chị con gấu bông to bằng người. Có gì đâu mà ngại".

    "Anh mình 39 tuổi, có vợ, lúc nào ôm vợ thì ôm, lúc nào ko ôm vợ thì ôm gấu bông mà vợ mua tặng sinh nhật. Vợ anh cũng thế, anh chị ấy bảo mới ngủ ôm nhau thì được, lúc sau mạnh ai ôm thú cưng của người đó ngủ ngon hơn".

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 3.

    Có lẽ, đây là một dịp hiếm hoi người Việt thổ lộ về chuyện họ ôm gấu bông đi ngủ. Tại Mỹ, người ta đã thực hiện một khảo sát và thấy khoảng 40% người trưởng thành vẫn giữ những người bạn nhỏ nhồi bông trên giường. Con số tại Anh là 34%.

    Trên diễn đàn trực tuyến Reddit, bạn có thể tìm thấy hàng loạt chủ đề nổi bật về chuyện ngủ với thú nhồi bông của những người lớn trưởng thành. Một chủ đề nhận về tới hơn 1.500 bình luận, nơi mọi người tiếp tục chia sẻ câu chuyện của bản thân mình, ủng hộ sự có mặt của thú nhồi bông trên giường.

    Tất nhiên, nhiều người sẽ thấy rằng chuyện đó khá kỳ cục. Liệu tôi có mắc vấn đề về gì đó về tâm lý hay không? Ôm gấu bông đi ngủ khiến tôi cảm thấy mình như Mr Bean?

    Nhưng đừng lo, nếu bạn đã trưởng thành mà vẫn ôm gấu bông đi ngủ, các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý và nhà nghiên cứu giấc ngủ nói rằng đó là một thói quen hoàn toàn lành mạnh. Họ có đủ lý thuyết, kinh nghiệm cũng như bằng chứng để chứng minh điều đó.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 4.

    "Vật chuyển tiếp" (Transitional object) là một khái niệm được bác sĩ nhi khoa, nhà phân tâm học người Anh Donald Winnicott đưa ra vào năm 1973, để giải thích cho quá trình tách rời gắn bó giữa trẻ sơ sinh và người mẹ.

    Các nghiên cứu cho thấy rằng trong giai đoạn đầu đời, trẻ sơ sinh chưa có nhận thức về cái tôi của bản thân. Do đó, đứa trẻ chưa biết đến sự tồn tại của chính mình tách biệt với sự tồn tại của những gì thuộc về thế giới bên ngoài, bao gồm cả người mẹ.

    Sự có mặt 24/24 của người mẹ lúc này - vô tình, đem đến cho đứa trẻ thứ mà Winnicott gọi là một "ảo tưởng". Trẻ sơ sinh cho rằng người mẹ và bản thân mình là một tổng thể. Khi người mẹ có mặt, nghĩa là thế giới cũng có mặt. Người mẹ lúc nào cũng "mang thế giới" đến với trẻ một cách ngay lập tức, không có độ trễ.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 5.

    Ví dụ khi một đứa trẻ thấy đói, nó muốn ăn và nó khóc. Người mẹ ngay lập tức đáp ứng nhu cầu đó bằng việc cho bú. Nếu đứa trẻ thấy khó chịu trong người, nó cũng khóc, người mẹ lại đến bên, bế ẵm, làm đủ mọi cách để đứa trẻ thấy thoải mái.

    Tất cả sự chăm sóc này của người mẹ củng cố "ảo tưởng" của trẻ sơ sinh, rằng chúng đang kiểm soát thế giới và có thể có bất cứ thứ gì chúng muốn, vào bất cứ lúc nào. Winnicott gọi đó là "sự toàn năng chủ quan".

    Tuy nhiên, khi đứa trẻ lớn dần lên, nó bắt đầu nhận thức được một "thực tế khách quan" hoàn toàn khác. Trẻ phân biệt được cái tôi của mình với những cái "không phải tôi". Người mẹ bây giờ đột nhiên xuất hiện như một thực thể riêng biệt.

    Điều này khiến đứa trẻ vỡ mộng khi biết rằng mình không hề toàn năng như những gì nó từng nghĩ. Thậm chí, trẻ đã lờ mờ biết được sự bất lực của mình trước thế giới, rằng toàn bộ sự tồn tại của nó phải phụ thuộc vào người mẹ.

    Khi trẻ biết nó không sở hữu người mẹ, người mẹ lúc này cũng không còn ở bên 24/24 để "mang thế giới" đến bên nó một cách không chậm trễ nữa. Nhận thức này tạo ra một giai đoạn khó khăn, khiến trẻ thấy thất vọng và lo lắng.

    Nhưng sự lo lắng này có thể được xoa dịu nếu trẻ tìm thấy được một "vật chuyển tiếp" – Winnicott định nghĩa đó là đồ vật đầu tiên "không phải tôi" mà đứa trẻ thực sự sở hữu.

    Vật chuyển tiếp là thứ mà trẻ luôn tìm thấy bên mình, có tác dụng thay thế cho người mẹ đang dần xa cách với chúng. Nó đem đến cho trẻ một cảm giác rằng bản thân chúng cũng có thể điều khiển thế giới và tự có được những gì mình muốn.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 6.

    Dựa trên định nghĩa đó, vật chuyển tiếp có thể là bất cứ thứ gì, từ một cái chăn bông, một món đồ chơi treo lơ lửng, hay thậm chí một mùi hương, một giai điệu. Nhưng đối với nhiều đứa trẻ, đó thường là một con thú nhồi bông.

    Kể từ khi được phát minh vào cuối thế kỷ 19, những con thú nhồi bông đã trở thành món đồ chơi, đồng thời là vật chuyển tiếp hoàn hảo cho trẻ nhỏ. Chúng mềm mại, ấm áp, có thể để cạnh giường. Đặc biệt, thú nhồi bông có khuôn mặt và thân hình là thứ mà trẻ có thể sử dụng để nhân cách hóa chúng như những người bạn.

    Trong vai trò vật chuyển tiếp, những con thú bông này đã xoa dịu lo lắng của trẻ, bù đắp phần nào "sự toàn năng chủ quan" mà trẻ đã đánh mất. Với sự có mặt của chúng bên cạnh, những đứa trẻ có thể bình tĩnh và đi vào giấc ngủ ngon hơn, ngay cả khi không có mẹ ở bên.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 7.

    Bi là con gấu bông mà mẹ mua cho tôi vào sinh nhật năm 2 tuổi. Tên của nó cũng là do mẹ tôi đặt. Nhưng bà kể lại rằng, đó là bởi ngày đó tôi luôn chỉ vào con gấu và nói "bi bi".

    "Đây, Bi của con đây", mẹ tôi kéo con gấu từ cuối giường lên đầu giường. Bà đặt nó bên cạnh tôi mỗi khi tôi chuẩn bị đi ngủ.

    Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi gắn bó với người bạn nhồi bông của mình trong phần lớn thời thơ ấu. Bi chơi với tôi ở nhà, đi học mẫu giáo cùng tôi, và tôi mang nó tới nha sĩ để cùng nhổ chiếc răng sữa đầu tiên.

    Ba tôi kể lại rằng hôm đó tôi đã giãy giụa trên ghế, đạp cả bác sĩ và trốn tuột xuống dưới gầm bàn. Suýt chút nữa thì tôi có thể chạy ra khỏi phòng, cho đến khi nhận ra mình đã quên chưa "giải cứu" Bi. Con gấu đang ngồi ở ghế chờ bệnh nhân, tôi quay lại, đặng tóm lấy nó thì bị ba túm được.

    Sau đó, bác sĩ bảo ông ngồi ôm chặt tôi, còn tôi thì ngồi chặt ôm Bi. Cái răng nhờ thế mới được nhổ ra.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 8.

    Gắn bó với Bi là vậy, nhưng tôi chỉ thực sự ngủ với con gấu này đến năm 12 tuổi. Đúng vào sinh nhật năm đó, tôi tự cảm thấy việc có gấu bông trên giường là kỳ quặc với một cậu thiếu niên đã "trưởng thành". Thế là tôi cất nó vào tủ để các bạn đến nhà mình không nhìn thấy.

    Winnicott coi cuộc chia tay giữa tôi và Bi là một điều hiển nhiên. Đến một lúc nào đó, những đứa trẻ sẽ đủ lớn để trục xuất linh hồn tưởng tượng ra khỏi con gấu bông của mình. Sau đó, thay vì trò chuyện, ôm ấp và vuốt ve, con thú nhồi bông sẽ được tận dụng như một công cụ để kê người, gác chân hoặc gối đầu.

    Những con gấu bông kém chất lượng sẽ thoái hóa, cũ dần và bục ra trong những năm tháng thành niên. Đó là cách mà đa số chúng bị vứt bỏ, kết thúc sứ mệnh chuyển tiếp của mình trong một bãi rác ngoại ô nào đó.

    Chỉ một số ít những người may mắn giữ lại được gấu bông thời thơ ấu của mình cho tới khi trưởng thành. Những người này thường có xu hướng tiếp tục gắn bó với chúng, hoặc cũng có thể là ngược lại. Bởi họ gắn bó với vật chuyển tiếp hơn nên sẽ giữ gìn chúng cẩn thận hơn.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 9.

    Ash Davies, một nhân viên phân tích trò chơi điện tử 28 tuổi sống tại Liverpool chia sẻ trên The Guardian, cô vẫn giữ một con gấu bông tên là Teddy, dù nó đã bị mất một cánh tay, cả hai bên mắt và mũi:

    "Khi tôi và chị gái sinh đôi chào đời, dì đã tặng chúng tôi hai chú gấu bông giống hệt nhau... Chị gái của tôi thì không quá thích món quà, nhưng tôi thì không thể ngủ mà không có cậu ấy".

    "Giờ đã trưởng thành rồi, nhưng mỗi khi tỉnh ngủ vào giữa đêm, thứ tôi tìm đến đầu tiên vẫn là cậu ấy", cô nói. "Teddy sở hữu một mùi thơm mà tôi không thể rời bỏ. Chỉ có một cách để mô tả mùi thơm đó, nó là mùi của sự an toàn và mùi được ở nhà".

    Đó là lý do Davies luôn mang theo Teddy trong những chuyến du lịch của mình. Cô sẽ cất con gấu của mình trong tủ an toàn ở khách sạn vì "mất tiền hoặc hộ chiếu còn có thể làm được chứ mất cậu ấy thì không gì có thể thay thế".

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 10.

    Gắn bó với một vật chuyển tiếp thời thơ ấu cũng là kinh nghiệm của Thế Đô, một độc giả chia sẻ dưới phần bình luận bài viết trên VnExpress. Đối với Đô, vật chuyển tiếp hồi nhỏ của anh không phải là gấu bông, mà là một chiếc chăn con công, biểu tượng trên những chiếc giường Việt Nam thời bao cấp:

    "Đã 30 năm nay tôi vẫn dùng chiếc chăn nhung công phượng mà mẹ tôi mua khi tôi còn nhỏ. Nó theo chân tôi cả khi tôi đi học xa nhà, đi công tác, làm ăn. Vợ tôi có thắc mắc thì tôi bảo ngày xưa mẹ nghèo, để mua được chiếc vỏ chăn này mẹ đã phải đổi bao nhiêu là thóc gạo. Với lại nó vẫn dùng tốt lắm, rất là mềm".

    Những trải nghiệm tương tự như thế này có mặt ở khắp các quốc gia và mọi nền văn hóa. Anne Malhere, một quản lý câu lạc bộ quần vợt bãi biển người Pháp nói rằng cô luôn giữ một dải ruy băng bằng lụa xanh bên mình, đó là thứ mà mẹ cô đã quấn quanh cũi cô khi còn nhỏ.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 11.

    Malhere bị mê hoặc bởi sự thoải mái và dễ chịu mà vật chuyển tiếp này mang lại. Đến nỗi khi lớn lên, cô vẫn luôn mang nó theo bên mình. Malhere để nó trong túi áo vào ban ngày và đặt nó dưới gối vào ban đêm.

    Dải ruy băng xanh này đã theo cô suốt thời niên thiếu, cho tới khi học thạc sĩ, rời nước Pháp tới Mỹ sinh sống. "Đó là bí mật nhỏ của tôi, nhưng tôi không bao giờ xấu hổ về điều đó", Malhere kể với The Guardian.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 12.

    Thành thực mà nói, tôi đã không gắn bó với Bi như một người bạn hay một vật chuyển tiếp liên tục. Con gấu đã biến mất khỏi cuộc đời của tôi trong suốt 15 năm, cho tới năm ngoái, khi tôi mắc COVID và phải cách ly trong căn phòng cũ thời thơ ấu của mình.

    Đó là lúc tôi tìm lại được Bi trong tủ, nơi mẹ tôi vẫn giữ mọi kỷ vật của tôi hồi bé. Con gấu được bọc cẩn thận bằng một miếng nilon dày. Mẹ nói bà đã cất Bi khi thấy tôi của năm 12 tuổi cứ đạp nó xuống đất hết lần này đến lần khác.

    Những lúc đó mẹ tôi luôn là người phải nhặt con gấu lên. Một ngày nọ, bà chán cảnh hầu hạ nên đã quyết định giặt Bi, phơi khô rồi cất nó vào tủ.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 13.

    Cảm giác đầu tiên khi đánh thức người bạn nhỏ thời thơ ấu của tôi dậy sau một giấc ngủ đông dài chính là mùi. Giống như trải nghiệm của Ash Davies với chú gấu Teddy, tôi có thể nhận ra mùi "tuổi thơ" từ Bi. Đó là mùi thơm đặc trưng của gấu bông, cotton phơi dưới nắng và từ những sợi lông nhựa khen khét.

    Tiến sĩ Chris Winter, một nhà thần kinh học, chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Virginia cho biết: Mùi của những đồ vật thân quen như gấu bông có tác dụng ru ngủ. Chúng đi trực tiếp vào mạng thần kinh khứu giác trong não của bạn, làm sáng hai vùng não amygdala và hippocampus chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc và trí nhớ.

    "Mùi là yếu tố kích hoạt trí nhớ mạnh mẽ", ông nói. Và thường thì những con gấu bông đều gắn liền với vô vàn ký ức đẹp, "thứ có thể giúp bạn thoải mái về mặt cảm xúc khi đang cố gắng chìm vào giấc ngủ".

    Bi đã thực sự giúp tôi làm điều đó. Ôm con gấu bông vào lòng, tôi thấy bản thân mình như quay lại thời thơ ấu của một đứa trẻ 6 tuổi, không lo lắng, không phiền muộn. Cảm giác duy nhất chiếm lĩnh tâm trí tôi là sự xoa dịu.

    Giống như tôi của năm 6 tuổi đang ôm Bi rời khỏi phòng khám nha khoa, tôi thấy mọi lo lắng của mình trong đại dịch đã được gói cả vào chiếc răng sữa. Khoảnh khắc yên bình khi ra về ấy là biểu tượng cho chiếc răng đã được nhổ. Sẽ không còn đau đớn và sợ hãi nữa, giờ là lúc tôi có thể về nhà, nằm xuống và ngủ.

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 14.

    Nhưng gợi lại ký ức không phải là cách duy nhất mà một con gấu bông có thể giúp bạn ngủ. Nếu vậy, bạn sẽ cần đích danh một vật chuyển tiếp đã gắn bó trong thời thơ ấu của mình. Đối với nhiều người, họ không còn giữ được chúng nữa.

    Đây là nơi mà các nghiên cứu mở ra cho bạn một cơ hội. Bạn có thể dùng con gấu bông được tặng năm 16 tuổi, mua một con gấu bông mới, thậm chí có người còn tìm được sự trợ giúp từ gấu bông của con mình.

    Chỉ cần đó là một con gấu bông, nó sẽ có tác dụng xoa dịu những tâm trí trên giường đang nhảy nhót.

    Năm 2016, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Research Journal of Social Science & Management cho thấy sinh viên đại học có thể tự an ủi bản thân tốt hơn khi ôm thú nhồi bông.

    Năm 2019, tạp chí Sleep Health xuất bản một nghiên cứu chứng minh cả trẻ em và người lớn đều có thể hưởng lợi từ gấu bông. Họ báo cáo cảm giác an toàn, bình tĩnh và bớt lo lắng khi được ôm gấu bông đi ngủ.

    Hiệu ứng này có lẽ xuất phát từ bản thân hành động ôm. Năm 2013, nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports đã chứng minh những cái ôm đồ vật vô tri cũng có tác dụng làm giảm hormone căng thẳng cortisol trong máu và nước bọt.

    Đó là lý do tại sao những chiếc gối ôm cũng có tác dụng. 

    Có ai ở Việt Nam hơn 20 tuổi rồi vẫn còn ngủ với gấu bông không? - Ảnh 15.

    Bây giờ, thậm chí bạn đã biết mình không nhất thiết phải giữ một con gấu bông trên giường đến năm 30 tuổi. Chỉ cần bạn có thứ gì đó để ôm là sẽ ngủ ngon hơn. Nhưng nếu chúng ta xóa bỏ cả vai trò của một vật thể ôm thì sao?

    Các nhà khoa học cho biết ngay cả việc để con gấu cạnh giường thôi, không ôm cũng có tác dụng. Con gấu lúc này phục vụ bạn như một biểu tượng của giấc ngủ. Nhìn thấy nó cũng giống như bạn nhìn thấy chiếc giường ấm áp. Con gấu nói với bạn rằng đã đến giờ nghỉ ngơi và thế là não bộ của bạn sẽ giảm kích thích để chuyển dần từ trạng thái thức tỉnh sang trạng thái buồn ngủ.

    Jennifer Goldschmied, phó giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania cho biết:"Bộ não chúng ta lúc nào cũng hoạt động liên tục, nhưng nó hoạt động theo một cách khác khi bạn ngủ. Chừng nào bạn còn trằn trọc với những suy nghĩ như lúc tỉnh giấc ban ngày, não bộ sẽ không thể chuyển sang trạng thái ngủ".

    Một con gấu bông trên giường đóng vai trò như một chiếc công tắc giúp bạn chuyển trạng thái suy nghĩ đó. "Tôi sẽ đặt các vật chuyển tiếp [như gấu bông] vào một phạm trù tương tác rất rộng với các hoạt động, hành vi và thực hành tâm lý có tính biểu tượng [có khả năng kích hoạt giấc ngủ]", tiến sĩ Daniel Lewin, một nhà tâm lý học tại Bệnh viện Nhi Hoa Kỳ đồng ý.

    Điều đó có nghĩa là bất kể hành vi đặc trưng nào bạn làm vào buổi tối, trước khi đi ngủ cũng có tác dụng làm giảm kích thích nhận thức và giúp bạn rơi vào giấc ngủ tốt hơn. 

    Đối với nhiều người, đó sẽ là việc đọc sách, tắt điện thoại hoặc thậm chí cầu nguyện... Đối với tôi bây giờ, đó là việc nhặt Bi lên, ôm nó vào lòng và nhớ lại khoảnh khắc yên bình năm 6 tuổi, khi tôi vừa mới bước ra khỏi phòng nhổ răng, không còn sợ hãi, lo lắng hay phiền muộn. 

    Tham khảo BusinessinsiderNytimesNCBIPubmedTheguardianSciencedirectFatherlySleepVice


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ