Có những người mang siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh về nhà, từ chuyến du lịch "cuối cùng" của họ

    zknight,  

    Mầm bệnh đang lây lan khắp hành tinh với tốc độ chóng mặt.

    Chưa một thời đại nào mà con người có thể đi lại nhanh chóng và thuận tiện như hiện nay. 3.77 tỷ lượt hành khách di chuyển đường hàng không là con số trên toàn thế giới vào năm 2016. Nhưng ở đây, chúng ta sẽ không nói đến tiềm năng của ngành du lịch. Mặt trái của việc di chuyển quá thuận tiện là các mầm bệnh nguy hiểm cũng đang lây lan khắp hành tinh, với tốc độ chóng mặt.

    Trường hợp gần đây nhất cảnh báo vấn đề này là một người phụ nữ Mỹ. Bà tử vong trong khu cách ly đặc biệt ở một bệnh viện tiểu bang Navada, khi vi khuẩn gây nhiễm trùng kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh nước Mỹ hiện có. Đáng nói là chủng vi khuẩn này cực kỳ hiếm ở Mỹ. Người phụ nữ đã nhiễm phải nó sau khi bà trở về từ Ấn Độ.

    Nhiều trường hợp tử vong theo kịch bản tương tự cũng đã từng được báo cáo trước đây, rải rác ở Bắc Mỹ, Châu Âu và cả Australia. Có điều gì đã xảy ra ở Ấn Độ trong hơn một thập kỷ trở lại đây, khiến những khách du lịch trở về từ quốc gia Nam Á này, có nguy cơ cực cao nhiễm khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm?

     Có những người sẽ mang siêu vi khuẩn về nhà, từ chuyến du lịch cuối cùng của họ

    Có những người sẽ mang siêu vi khuẩn về nhà, từ chuyến du lịch "cuối cùng" của họ

    Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: đến Ấn Độ là bạn đang tự đặt mình vào nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng”, Ramanan Laxminarayan, giám đốc trụ sở New Delhi của Center for Disease Dynamics, Economics & Policy, một tổ chức phi lợi nhuận tích cực tham gia vào cuộc chiến với kháng kháng sinh cho biết.

    Khả năng rằng các siêu vi khuẩn của Ấn Độ đã nhiễm vào cơ thể khách du lịch, qua thức ăn và nguồn nước. Sau đó, chúng lẩn trốn lẫn giữa các vi sinh vật đường ruột. Một khi có cơ hội, siêu vi khuẩn mang gen kháng thuốc sẽ thoát ra khỏi ruột, đi vào máu hoặc bàng quang để gây nhiễm trùng.

    Trong nhiều trường hợp đó là nhiễm trùng không thể chữa trị, bằng bất kể một loại kháng sinh nào.

    Thiên đường nhiễm khuẩn?

    Trên thực tế, Ấn Độ đang phải gánh trên mình một gánh nặng y tế cực kỳ lớn đến từ các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Riêng nhiễm trùng máu kháng thuốc đã giết chết 58.000 trẻ sơ sinh ở Ấn Độ, Laxminarayan cho biết. Việc lạm dụng kháng sinh, điều kiện sinh hoạt lạc hậu, vệ sinh kém và thậm chí là thiếu nước sạch đã tạo môi trường rất thuận lợi để các vi khuẩn đột biến ở Ấn Độ.

    Chính phủ quốc gia này đang phải làm mọi biện pháp cứng rắn để đối phó với tình trạng ấy. Năm 2014, họ thậm chí đã phải ban hành một lệnh cấm bán trực tiếp kháng sinh cho người dân. Nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng những người thiếu hiểu biết mua kháng sinh và lạm dụng.

    Cùng năm 2014, thủ tướng Narendra Modi triển khai một chương trình xóa bỏ thói quen đi vệ sinh bừa bãi ở Ấn Độ. Chiến dịch được lên lịch trong vòng 5 năm, và là một phần trong chương trình quốc gia có tên là “Clean India”.

     Năm 2014, thuốc kháng sinh đã bị cấm bán trực tiếp ở Ấn Độ

    Năm 2014, thuốc kháng sinh đã bị cấm bán trực tiếp ở Ấn Độ

    Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định lẽ ra Ấn Độ phải hành động sớm hơn. Từ lâu, nhiễm trùng kháng kháng sinh đã được cảnh báo sẽ khiến cho thế giới bị đảo lộn.

    Johann Pitout là một nhà vi sinh y khoa tại Đại học Calgary, Canada. Anh là một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, thúc đẩy bởi hoạt động du lịch. Chuyển đến học tập và công tác tại Đại học Calgary từ năm 2002, vị bác sĩ từng được đào tạo tại Nam Phi nhận thấy rằng không phải chỉ trong môi trường bệnh viện, các vi khuẩn kháng kháng sinh còn đang lây lan rất mạnh ngay bên ngoài cộng đồng.

    Trong bối cảnh này, ông đặc biệt quan tâm đến các loại vi khuẩn đường ruột mang một loại enzyme đặc biệt gọi là ESBL. Chúng có khả năng kháng lại nhiều dòng kháng sinh như penicillon và cephalosporin.

    ESBL chủ yếu xuất hiện và lây lan trong môi trường cộng đồng, đó là lần đần tiên tôi phát hiện ra điều đó”, Pitout cho biết trong một buổi phỏng vấn. Thế là ông bắt đầu khảo sát các bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân tại sao. Câu trả lời cuối cùng lộ diện phía sau hồ sơ du lịch của họ. “Đa số các bệnh nhân trước đó đã từng đến Ấn Độ và Trung Quốc”, anh nói.

    Những "vật lưu niệm" không mong muốn

    Thị trường du lịch và điểm đến hàng không của Ấn Độ tiếp tục được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo nguy cơ phát triển song song với nó. Ít nhất 8 nghiên cứu của các nhà khoa học Australia cho thấy rằng: Khách du lịch trở về từ Ấn Độ, ngoài vật lưu niệm, có khả năng cao sẽ mang theo cả các vi khuẩn tạo ra ESBL kháng thuốc trong đường ruột.

    Từ một nghiên cứu khác ở Thụy Điển, các nhà khoa học đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trực tràng của 105 khách du lịch trở về từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trước chuyến đi của họ, chỉ có duy nhất một trường hợp nhiễm khuẩn E. coli kháng thuốc.

    Nhưng sau khi trở lại, có tới 24 người mang các vi khuẩn chứa enzyme ESBL về Thụy Điển. Có 8 người chọn điểm đến của họ là Ấn Độ, thì có tới 7 người trở lại với siêu vi khuẩn kháng thuốc trong đường tiêu hóa.

    Một khi đã nằm yên vị trong đường ruột, các siêu vi khuẩn có thể di chuyển tới nhiều bộ phận khác để gây ra nhiễm trùng khó điều trị, ví dụ như đường tiết niệu. Chúng cũng gây ra nguy cơ cao cho những người đàn ông trải qua sinh thiết tuyến tiền liệt, hoặc bất cứ ai đã từng có phẫu thuật trong đường ruột hoặc túi mật, Peter Collignon, cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới về kháng kháng sinh cho biết.

     7/8 người trở về Thụy Điển từ Ấn Độ mang theo những vi khuẩn tiết enzyme kháng thuốc

    7/8 người trở về Thụy Điển từ Ấn Độ mang theo những vi khuẩn tiết enzyme kháng thuốc

    Những bệnh nhân nhập viện với tình trạng nhiễm trùng xâm lấn với siêu vi khuẩn có ESBL thường được điều trị bằng một loại kháng sinh nhóm carbapenem. Đó là một trong những loại thuốc dự phòng cho trường hợp cuối cùng, khi đa số các loại kháng sinh khác đã bị vi khuẩn vô hiệu hóa.

    Tuy nhiên, đến nay thì ngay cả kháng sinh carbapenem cũng đã bị vi khuẩn dần trung hòa, bằng các loại enzyme kháng thuốc mà chúng tiến hóa và tiết ra. Nhiều trường hợp, các vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh đã xuất hiện. Chúng mang một gen kháng thuốc, lần đầu được phát hiện tại Trung Quốc, nhưng tới giờ đã lan ra hơn 20 quốc gia.

    Đi du lịch tới Trung Quốc?

    Lindsay Grayson, Trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Austin, Australia cho biết: Kháng kháng sinh đang trở thành một vấn đề ngày càng cấp thiết trên tàn thế giới. Nhưng một tỷ lệ kháng kháng sinh đặc biệt cao sẽ được tìm thấy ở các nước Nam Á, Đông Nam Á, Trung Quốc và một số khu vực miền nam Châu Âu như Hy Lạp.

    Mức độ lây lan của các vi sinh vật này và quy mô của vấn đề vẫn đang được xác định”, Gayson cho biết trong một phỏng vấn qua điện thoại, trong khi ông vẫn đang ở Geneva để hỗ trợ WHO xây dựng một giải pháp cho vấn đề. “Ở Australia, chúng tôi đã bắt đầu lo ngại nhiều hơn với những người đã từng đi du lịch”.

    Chẳng hạn, Gayson nói đến một người đàn ông mới trở về từ Trung Quốc. Không may sau đó, anh phải thực hiện một phẫu thuật trị bệnh. Các bác sĩ sẽ phải xét nghiệm sàng lọc rất cẩn thận, để xem người đàn ông có mang về từ Trung Quốc một loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm nào không. Bởi nếu có, một nguy cơ cao nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ca phẫu thuật và để lại nhiều rủi ro trong cả cuộc đời của anh sau này.

    Gen kháng thuốc gọi hẳn tên thủ đô Ấn Độ

     Một người phụ nữ Ấn Độ bồng con, đi chân trần trên một đoạn sông ô nhiễm

    Một người phụ nữ Ấn Độ bồng con, đi chân trần trên một đoạn sông ô nhiễm

    Chủng vi khuẩn mà đã giết chết người phụ nữ Mỹ, nó kháng tổng cộng 26 loại thuốc kháng sinh mà bệnh viện Mỹ hiện có. Lý do xuất phát từ một gen chết người mà các vi khuẩn mang trong mình.

    Được gọi tắt là NDM, gen này có tên đầy đủ là New Delhi metallo-beta-lactamase. Như bạn thấy, nó gọi hẳn tên thủ đô của Ấn Độ để kỷ niệm nguồn gốc được phát hiện bởi các nhà khoa học.

    Tuy nhiên cho tới giờ, NDM đã được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Mới đây nhất là ở Mỹ, khi người phụ nữ ở Nevada đã vô tình nhiễm, rồi mang NDM trở về từ một thời gian sinh sống và trị bệnh tại Ấn Độ.

    Cái tên New Delhi metallo-beta-lactamase hẳn là vẫn mang tính thời sự, khi thành phố này vẫn đang là một nguồn phát tán vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm, Laxminarayan cho biết. “Kháng kháng sinh carbapenem đang xuất hiện đầy rẫy ở Ấn Độ - cả trong các bệnh viện và ngoài cộng đồng”.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ