Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng?

    Thanh Long,  

    Nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ, đại diện cho 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có một đột biến đặc biệt.

    Ngày hôm qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam xôn xao chia sẻ một tin vui từ Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Hoa Kỳ. 

    Theo đó, họ cho biết các bác sĩ Mỹ đã thử nghiệm thành công một loại thuốc có tên là dostarlimab, sản xuất bởi hãng dược phẩm GlaxoSmithKline, để giúp 100% (18/18) bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II và III chữa khỏi bệnh.

    Thông tin cũng được nhiều tờ báo tại Việt Nam dẫn lại từ The New York Times cho biết đây là một thành công chưa có tiền lệ: "Tôi tin đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử [nghiên cứu và chữa trị] ung thư", trích lời bác sĩ Luis A. Diaz Jr. tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering.

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 1.

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 2.

    Một loạt bài đăng trên Facebook về nghiên cứu mới của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Hoa Kỳ nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ.

    Tuy nhiên, có thật là các bác sĩ Mỹ đã đánh bại được hoàn toàn ung thư đại trực tràng, căn bệnh có 1,9 triệu người mắc mới mỗi năm hay không? Liệu các bệnh nhân ung thư đại trực tràng bây giờ có thể hỏi bác sĩ về đơn thuốc dostarlimab mà họ muốn nhận?

    Trên thực tế, cách đưa tin về nghiên cứu mới của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering này rất dễ gây hiểu nhầm. Và nó có thể ảnh hưởng đến những bệnh nhân đang mắc ung thư đại trực tràng, những người có thể sẽ từ chối hoặc trì hoãn phác đồ tiêu chuẩn đang được áp dụng cho họ bao gồm hóa xạ trị và phẫu thuật.

    Bài viết dưới đây sẽ đem đến một góc nhìn toàn cảnh, để giúp bạn hiểu rõ về kết quả nghiên cứu mới này.

    1. Nguyên lý hoạt động của thuốc dostarlimab 

    Trước hết phải nói về dostarlimab, đây là một loại thuốc dựa trên liệu pháp miễn dịch còn được biết đến với tên thương mại là Jemperli. Nó có bản chất là một kháng thể đơn dòng có khả năng ức chế yếu tố kiểm soát.

    Kháng thể đơn dòng được hiểu là các protein nhân tạo, có khả năng bắt chước hoặc hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh. Còn yếu tố kiểm soát (Checkpoints Inhibitors) là những protein được tế bào miễn dịch của cơ thể tạo ra để kiềm chế hoạt động của chính nó.

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 3.

    Nhưng tại sao tế bào miễn dịch phải tự khóa tay mình? Chúng ta biết tế bào miễn dịch là những tế bào rất hung hăng, chúng có khả năng cắt xé, làm nổ, nuốt và tiêu hóa mọi mầm bệnh ngoại lại xâm nhập vào cơ thể.

    Điều này rõ ràng là tốt cho chúng ta. Nhưng nếu không được kiểm soát, sự hung hăng của tế bào miễn dịch có thể dẫn đến việc chúng tấn công cả các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Đây chính là nguồn gốc gây ra các căn bệnh được gọi là bệnh tự miễn.

    Vì vậy, để kiểm soát hoạt động của chính mình, các tế bào miễn dịch như tế bào T sẽ mọc ra trên bề mặt của nó những protein giống chiếc "dây cương", được gọi là yếu tố kiểm soát.

    Với chiếc dây cương này, sức mạnh của tế bào miễn dịch sẽ bị kiềm chế. Chưa kể, một số tế bào ung thư cũng rất ma mãnh, chúng tự mọc ra những chiếc dây cương xung quanh mình để khi tế bào T chạm vào, hệ thống miễn dịch sẽ bỏ qua và không tiêu diệt chúng.

    Các loại thuốc như dostarlimab nhắm đến việc ức chế các protein kiểm soát này. Nó giống như việc tháo dây cương ngựa, từ đó mở khóa sức mạnh cho các tế bào miễn dịch, giúp chúng tiêu diệt được tế bào ung thư mà trước đó từng bỏ qua:

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 4.

    Nguyên lý làm việc của thuốc Jemperli (dostarlimab).

    Trong một vài năm trở lại đây, đã có nhiều loại thuốc miễn dịch được sử dụng theo cơ chế này, nhắm đến việc ức chế một yếu tố kiểm soát ký hiệu là PD-1 trên màng tế bào T.

    Ví dụ như thuốc pembrolizumab (được bán dưới tên thương mại Keytruda do hãng được phẩm Merck sản xuất) đã được cấp phép tại Mỹ từ năm 2014 để điều trị nhiều khối u ác tính bao gồm ung thư phổi, dạ dày, vú, cổ tử cung...

    Dostarlimab được sản xuất bởi hãng dược phẩm Tesaro (sau đó được GlaxoSmithKline mua lại) là một trong số những loại thuốc ức chế yếu tố kiểm soát PD-1 mới nhất. Nó vừa được cấp phép tại Mỹ và Châu Âu vào tháng 4 năm ngoái để điều trị cho các bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung.

    Vì kết quả điều trị của dostarlimab rất khả quan, các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering đã quyết định thử nghiệm loại thuốc này trên bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng.

    2. Thử nghiệm đã được thực hiện như thế nào?

    Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine, các bác sĩ và nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering đã thử nghiệm thuốc Dostarlimab trên 12 bệnh nhân (không phải 18 như nhiều tờ báo đưa tin).

    Đây là một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, trên một nhóm nhỏ bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn II (khối u phát triển ăn vào thành đại tràng hoặc trực tràng và giai đoạn III (khối u đã xuyên qua thành để xâm lấn các mô hoặc hạch bạch huyết lân cận).

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 5.

    Các bệnh nhân được tiêm chậm 9 liều thuốc dostarlimab vào tĩnh mạch, mỗi liều trong 30 phút và cách nhau 3 tuần. Tổng cộng, đợt điều trị kéo dài 6 tháng và sau đó tất cả các bệnh nhân sẽ được theo dõi và tái khám thường xuyên.

    Trong trường hợp thuốc dostarlimab không có tác dụng hoặc có tác dụng yếu, bệnh nhân sẽ được quay trở lại phác đồ tiêu chuẩn dành cho ung thư trực tràng tiến triển tại chỗ. Đó là một đợt hóa xạ trị để làm thu nhỏ khối u và sau đó là phẫu thuật cắt bỏ.

    Tuy nhiên, với thử nghiệm lần này, cả 12/12 bệnh nhân tham gia vào đó đã đều đáp ứng vượt mong đợi. Khối u trực tràng của họ đã biến mất hoàn toàn, đến nỗi không thể được phát hiện bằng nội soi sinh thiết, chụp cắt lớp phát xạ (PET) và chụp cộng hưởng từ (MRI).

    "Tại thời điểm nghiên cứu này được công bố, không có bệnh nhân nào phải trở lại hóa trị liệu hoặc phẫu thuật, và cũng không có trường hợp nào tiến triển hoặc tái phát trong quá trình theo dõi (từ 6 đến 25 tháng)", các nhà nghiên cứu viết.

    3. Các chuyên gia đánh giá thế nào về nghiên cứu này?

    Theo Tiến sĩ Alan P.Venook, một chuyên gia về ung thư đại trực tràng tại Đại học California (người không tham gia vào nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering), đây là lần đầu tiên mà ông thấy tỷ lệ thuyên giảm của 100% các bệnh nhân tham gia điều trị.

    Đó là bởi các thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị ung thư đều có một tỷ lệ thất bại nhất định. Việc cả 12/12 người tham gia đạt được mức thuyên giảm hoàn toàn trong nghiên cứu này đúng là điều đặc biệt, như bác sĩ Luis Diaz nói là điều "chưa từng xảy ra trong lịch sử".

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 6.

    Bác sĩ Luis A. Diaz Jr (thứ hai từ trái sang) cùng 4 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc dostarlimab.

    Nhưng tỷ lệ 100% số người này không có nghĩa là bệnh ung thư của từng bệnh nhân cũng đã được chữa khỏi 100%. Điều này được tiến sĩ Hanna K. Sanoff, một chuyên gia ung thư đến từ Trung tâm Ung thư Toàn diện Lineberger của Đại học Bắc Carolina, nhấn mạnh trong một bài xã luận đi kèm trên Tạp chí New England Journal of Medicine.

    "Có rất ít thông tin về khoảng thời gian cần thiết để tìm hiểu xem liệu phản ứng hoàn toàn trên lâm sàng với thuốc dostarlimab có tương đương với việc chữa khỏi hay không", tiến sĩ Hanna K. Sanoff viết.

    Các bác sĩ và nhà nghiên cứu ung thư rất thận trọng trong việc dùng thuật ngữ "chữa khỏi". Vì họ biết, ung thư có thể quay trở lại, tái phát và tấn công người bệnh bất cứ lúc nào, ngay cả khi các xét nghiệm không tìm thấy khối u và tế bào ung thư trong cơ thể họ.

    Cụ thể trong bài báo của mình, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering cũng không dùng từ "chữa khỏi".

    Ngoài ra, nghiên cứu này mới chỉ tập trung trên một cỡ mẫu rất nhỏ, cụ thể là 12 người. Nó có thể làm nổi bật tính ngẫu nhiên, khi cả 12 người đều đáp ứng tốt với thuốc điều trị. 

    Thêm vào đó, tất cả những bệnh nhân này đều đã được lựa chọn rất cẩn thận. Họ đều thuộc vào nhóm nhỏ chỉ 5% những bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đột biến MMRd trong khối u.

    Đây là một đột biến làm suy giảm khả năng sửa chữa DNA và khiến họ đặc biệt nhạy cảm với thuốc ức chế yếu tố kiểm soát như dostarlimab.

    Đối với 95% bệnh nhân ung thư đại trực tràng không có đột biến này, chúng ta hiện không thể đánh giá được tác dụng của thuốc dostarlimab.

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 7.

    Hạn chế của nghiên cứu này là nó chỉ được thực hiện trên 12 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II và III mang đột biến MMRd trong khối u. Đây chỉ là một nhóm nhỏ đại diện cho khoảng 5% bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng.

    Chắc chắn trong tương lai, các bác sĩ tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering sẽ phải mở rộng thử nghiệm của mình sang giai đoạn III, nơi họ phải thiết kế các nhóm tham gia đông hơn, ngẫu nhiên hơn và được kiểm soát theo hình thức mù đôi. Chỉ có vậy, chúng ta mới có được câu trả lời cuối cùng cho hiệu quả của thuốc dostarlimab.

    Từ bây giờ cho tới lúc đó, phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nhất là những người không có đột biến MMRd vẫn sẽ không thay đổi. Các bác sĩ hoàn toàn hợp lý khi tiếp tục cho bệnh nhân của mình điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn, bao gồm hóa xạ trị để thu nhỏ khối u sau đó là phẫu thuật.

    Chúng ta phải hiểu kết quả điều trị thành công 100% (cho số lượng 12/12 bệnh nhân) thuộc vào nhóm 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đột biến MMRd không phải là con số tuyệt đối.

    Ngoài ra, ngay cả khi dostarlimab chứng minh được hiệu quả của mình, vẫn còn một rào cản đối với những bệnh nhân muốn tiếp cận loại thuốc này, đó là giá cả. Hiện dostarlimab được bán với giá 11.000 USD mỗi liều. Một liệu trình đầy đủ gồm 9 liều như trong thử nghiệm của nó sẽ có giá 99.000 USD, tương đương 2,3 tỷ VNĐ.

    Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng? - Ảnh 8.

    Giá thành cũng là một rào cản cho những bệnh nhân muốn sử dụng thuốc dostarlimab.

    Dẫu vậy, đây vẫn là một câu chuyện của hi vọng. Nó cho thấy các nhà khoa học đang làm việc miệt mài để giúp chúng ta có những bước tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

    "Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn sơ bộ về một sự thay đổi điều trị mang tính cách mạng", tiến sĩ Hanna K. Sanoff viết. "Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn chưa thể thay đổi phác đồ điều trị hiện tại [dành cho đa số bệnh nhân ung thư đại trực tràng] của chúng ta".

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ