Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết đây là khoảng thời gian làm việc hiệu quả nhất

    PV,  

    Làm việc lúc mọi người đang ngủ, chúng ta có thể loại bỏ được gần như tất cả những mối bận tâm không cần thiết, mang lại sự tập trung và hiệu quả công việc cao nhất.

    Hầu hết những người thức dậy lúc 4 giờ sáng làm vậy vì đó là công việc của họ - như nông dân, tiếp viên hàng không, chuyên viên giao dịch tiền tệ và nhân viên bưu điện. Một số người khác thức dậy trước bình minh vì họ muốn thế.

    Russ Perry, 33 tuổi, nhà sáng lập công ty thiết kế đồ họa Design Pickle, nói rằng khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ sáng là lúc ông thấy mình làm việc hiệu quả nhất trong ngày.

    Sau khi thức dậy, anh giải quyết các email, các vấn đề tài chính của công ty và đi đến phòng gym. Đến 6h30 sáng khi về nhà và làm một ly sinh tố cũng là lúc một trong số những đứa con gái của anh thức dậy.

    Tuy nhiên cũng có những điều bất lợi. Perry cho biết anh cảm thấy rất mệt vào lúc 10 giờ tối và cần đi ngủ ngay, trong khi vợ anh Mika lại là một “cú đêm” điển hình.

    Theo nhà tâm lý học Josh Davis, giám đốc nghiên cứu tại Viện NeuroLeadership, “khi bạn có sự yên tĩnh và không phải lo lắng về những người cần mình quan tâm, tự nhiên bạn cảm thấy mình làm việc hiệu quả hơn và hoàn thành được những việc quan trọng”.

    Một trong những thử thách thường thấy nhất đối với năng suất làm việc, theo Davis, là người ta hay bị xao lãng bởi nhiều thứ ở văn phòng: tiếng ồn xung quanh, thông báo có email mới, điện thoại, Facebook, các tin tức, v.v. “Nhờ thức dậy lúc 4 giờ, chúng ta loại bỏ được gần như tất cả các mối bận tâm này”.

    Peter Shankman, một doanh nhân và diễn giả 44 tuổi ở New York, thường thức dậy sau 4 giờ sáng vài phút. Cứ 2 lần/tuần anh lại hẹn một người bạn để chạy bộ 10 dặm quanh khu Hạ Manhattan.

    Đường phố lúc đó thường vắng tanh, giúp cho ông có thời gian suy nghĩ mà không bị phân tâm. “Nếu tôi phải lo tránh người này người kia khi chạy thì chả nghĩ ra được gì hay cả”, Shankman cho biết.

    Đến 7h sáng, ông sẽ tắm, ăn sáng, uống nước và ngồi vào bàn làm việc của mình, trả lời email, viết lách hoặc làm những việc liên quan đến chương trình “Faster Than Normal”, một chương trình phát thanh tập trung vào việc khai thác những lợi ích của chứng “tăng động giảm tập trung”.

    Để làm được như vậy ông thường đi ngủ từ lúc 8h30 tối. “Lúc đó tôi kiệt sức, nhưng cảm giác rất thoải mái, nghĩa là tôi sẽ không còn sức để làm những việc ngớ ngẩn như ăn vặt hoặc xem TV vào lúc 10h30”. Theo Shankman, khởi đầu một ngày mới sớm sủa giúp ông có thời gian để làm món trứng ốp lết cho đứa con gái 3 tuổi của mình.

    Ở vùng ngoại ô Chicago, 15 năm nay Lauren Milligan vẫn dậy lúc 4h sáng kể từ khi bà lập ra công ty tư vấn nghề nghiệp ResuMAYDAY. Hiện đã 46 tuổi, bà nói rằng rất thích uống cà phê trong lúc nhìn các vì sao biến mất nhường chỗ cho ánh mặt trời.

    Những buổi sáng sớm cũng là khoảng thời gian để đưa ra các quyết định sáng suốt đối với Karen Schwalbe-Jones, 48 tuổi, chủ sở hữu phòng tập gym Harmony Studio ở phía Tây thành phố Hollywood. Bà cho biết mình dậy lúc 4h sáng từ 13 năm trước, khi sinh đứa con trai, như một cách để điều chỉnh thời gian luyện tập của mình trước khi bắt tay vào công việc của một nhà quản lý phòng tập.

    Trước đó bà thường ngủ đến 5h sáng và hy vọng chạy được một chút, rồi tập thể dục vào buổi chiều, nhưng không theo được và cứ 2h chiều là thấy khó chịu.

    Schwalbe-Jones cũng thừa nhận phải đánh đổi nhiều thứ. “Tôi có rất nhiều bạn thân mà rất khó gặp vì lối sống của mình. Hiện nay đây là lựa chọn tốt nhất cho gia đình tôi, nhưng một ngày nào đó tôi cũng muốn có thể ra ngoài ăn tối và không phải lo sợ khi nhìn vào đồng hồ và nhận ra đã 9h30 tối”.

    Đinh Vân/ Cafebiz

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ