Cố vấn chính phủ Anh cảnh báo thông tin chia sẻ bởi nhóm người "anti-vaccine" gây nguy hiểm cho xã hội
"Khi có những đứa trẻ phải chết vì dịch bệnh, những người truyền bá tin đồn này sẽ không ở đó để khắc phục hậu quả hay chịu trách nhiệm".
Mới đây, giám đốc Y tế (CMO) Dame Sally Davies, người giữ vai trò cố vấn cho chính phủ Anh về các vấn đề y tế cộng đồng, đã phải lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nước này. Theo đó, chỉ có 87% trẻ em ở Anh được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella), dưới mục tiêu 95% để tạo được miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng được coi là tấm lá chắn bảo vệ xã hội khỏi các bệnh truyền nhiễm, sau khi một tỷ lệ lớn dân số đã miễn nhiễm với mầm bệnh. Không có tấm lá chắn này, dịch bệnh sẽ có nguy cơ cao bùng phát.
Cố vấn chính phủ Anh cảnh báo thông tin chia sẻ bởi những người "anti-vaccine" gây nguy hiểm cho xã hội
Tỷ lệ tiêm chủng tại Anh đang ở mức "không đạt", giáo sư Davies cho biết. Chịu trách nhiệm chính cho hiện trạng này là các tin đồn giả mạo trên mạng xã hội của những người thuộc trường phái chống vắc-xin (anti-vaccine).
Họ đang gieo rắc nỗi sợ hãi không đáng có về độ an toàn của vắc-xin, thông qua việc dẫn những bằng chứng giả mạo và phản khoa học để nói rằng chủng ngừa sẽ gây hại cho trẻ.
Bằng chứng giả phổ biến nhất mà những người này thường đề cập đến là một nghiên cứu của cựu bác sĩ người Anh Andrew Wakefield, xuất bản trên tạp chí Y khoa Lancet năm 1998. Nghiên cứu nói rằng vắc-xin MMR có liên quan đến chứng tự kỷ ở trẻ.
Kể từ khi được công bố, nghiên cứu này đã khiến tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ, Vương Quốc Anh và Ireland sụt giảm, làm gia tăng dịch sởi và quai bị, với nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng cho đến tử vong.
Phải mất hơn một thập kỷ, đến năm 2010, Hội đồng Y Khoa Tổng Quát Anh mới có đủ bằng chứng để buộc tội Wakefield đã gian lận kết quả nghiên cứu. Bài báo trên tạp chí Lancet mới bị rút lại đồng thời Wakefield bị tước giấy phép hành nghề y tại Anh.
Trong khi các nghiên cứu theo sau không hề phát hiện ra mối liên hệ giữa chứng tự kỷ và vắc-xin MMR, các nhà khoa học phát hiện Wakefield có một động cơ trục lợi, khi cố gắng "dìm hàng" vắc-xin MMR, để mở đường cho một loại vắc-xin sởi thay thế khác do ông đang phát triển.
"Khi có những đứa trẻ phải chết vì dịch bệnh, những người truyền bá tin đồn này sẽ không ở đó để khắc phục hậu quả hay chịu trách nhiệm".
Sau khi sự việc được phanh phui, tỷ lệ tiêm chủng tại Anh đã tăng trở lại từ năm 2010 và lần đầu tiên đạt mức 95% vào năm 2016. Nhưng chỉ 2 năm sau, con số sụt giảm. Theo số liệu của năm 2018, chỉ có 91% trẻ em ở Anh được chủng ngừa 1 mũi MMR đầu tiên, khi trẻ được hơn 1 tuổi, và chỉ có 87% trẻ tiếp tục được chủng ngừa nhắc lại mũi thứ 2 sau 3 tuổi.
Điều này đã khiến dịch sởi trở lại và lây nhiễm 903 người ở Anh trong năm 2018, con số đỉnh điểm kể từ sau cuộc khủng hoảng với tin tức giả những năm 2000. Nó để lộ điểm yếu trong miễn dịch cộng đồng, khi nhiều trẻ em 15 tuổi ở Anh hiện nay đã bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC kỷ niệm 30 năm ra đời của vắc-xin kết hợp MMR, giáo sư Davies cho biết "tin tức giả trên truyền thông xã hội" phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
"Một số người ngay cả các ngôi sao, tin vào những lời đồn đại – chúng đều sai cả", bà nói. "Trong 30 năm qua, chúng ta đã tiêm phòng cho hàng triệu trẻ em. Đây là một vắc-xin an toàn - chúng ta biết điều đó - và chúng ta đã cứu được hàng triệu mạng sống trên toàn thế giới".
Vậy mà nhiều người đã và đang truyền bá những thông tin sai lệch về vắc-xin nói chung và MMR nói riêng. "Khi có những đứa trẻ phải chết vì dịch bệnh, những người truyền bá những tin đồn này sẽ không ở đó để khắc phục hậu quả hay chịu trách nhiệm".
Sự lây lan của dịch bệnh ứng với tỷ lệ tiêm chủng, khi có và không có miễn dịch cộng đồng
Thực tế khi những bậc phụ huynh quyết định không tiêm chủng cho con, họ không những đặt chính con mình mà cả cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh. Chúng ta biết rằng khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 95-98%, nó sẽ tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng.
Theo đó, mầm bệnh dù có xuất hiện cũng sẽ bị chặn đứng, nó gặp quá nhiều người đã miễn nhiễm nên không thể lây lan tiếp để trở thành dịch.
Tỷ lệ tiêm chủng tại thấp như hiện nay "sẽ không cho chúng ta khả năng miễn dịch cộng đồng", giáo sư Davies cảnh báo. "Vì vậy, khi người dân nước ngoài nhiễm bệnh đến du lịch, dịch bệnh sẽ lan rộng vào cộng đồng địa phương của chúng ta".
Tham khảo Yahoo, Sciecnealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín