Chỉ 6 giây bạn sẽ hiểu: Tại sao tiêm chủng tốt cho bản thân và cũng là trách nhiệm xã hội?
Tiêm chủng giúp xóa sổ hoàn toàn nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Khi nói đến chủ đề tiêm chủng để phòng ngừa dịch bệnh, có một lý thuyết như thế này: Chúng ta không cần đạt tới một tỷ lệ tiêm chủng hoàn hảo, nghĩa là toàn bộ 100% dân số đều được tiêm vắc-xin. Chỉ cần đưa con số ấy tới một ngưỡng, 95-98% chẳng hạn, dịch bệnh sẽ không bao giờ diễn ra.
Lý do vì 2-5% dân số còn lại đã nghiễm nhiên được bảo vệ, mặc dù họ không hề tiêm chủng. Hiệu ứng này được gọi là “miễn dịch quần thể” hay “miễn dịch bầy đàn” (herd immunity). Một tấm ảnh gif chỉ 6 giây dưới đây sẽ cho bạn hình dung về nó:
Mô phỏng hiệu ứng miễn dịch quần thể trong các nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng từ 0-95%
Từ trái qua phải và từ trên xuống dưới, bạn sẽ thấy các nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng cao dần. Những nét gạch đỏ thể hiện sự lây lan của dịch bệnh, khi chúng diễn ra trong các nhóm. Bạn có thể thấy, khi tỷ lệ tiêm chủng càng cao, dịch bệnh càng có xu hướng lây lan chậm lại.
Khi đạt ngưỡng 95%, nó gần như bị chặn đứng. Mầm bệnh không truyền đủ nhanh và rộng, bởi nó gặp phải quá nhiều người đã tiêm chủng. Cho nên, ngay cả nhóm dân số chưa tiêm vắc-xin còn lại cũng nghiễm nhiên được bảo vệ.
Khác với những mô phỏng thuần đồ họa, hình gif 6 giây này được thực hiện dựa hoàn toàn vào dữ liệu khoa học có thật. Chúng được lấy từ một nghiên cứu công bố năm 1993 trên tạp chí Epidemiologic Reviews.
Trách nhiệm xã hội của bạn
Hiệu ứng miễn dịch quần thể được rất nhiều người trên mạng internet lấy làm dẫn chứng cho lí do họ sẽ không tham gia tiêm chủng. Một số bà mẹ, những người lo sợ thái quá về thông tin tiêu cực liên quan đến vắc-xin, cũng thường từ chối tiêm chủng cho con cái mình.
Điều này là hoàn toàn sai lầm. Hiệu ứng miễn dịch quần thể không phải lý do để bạn từ chối chương trình tiêm chủng toàn dân. Thậm chí, nó còn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của chúng ta.
Miễn dịch quần thể cho bạn nhận ra trách nhiệm xã hội của mình
Khi bạn quyết định sẽ tiêm chủng, bạn cũng đang góp phần vào việc bảo vệ cho nhóm 2-5% dân số, những người có sức khỏe yếu đến nỗi, họ không đủ khả năng chịu đựng một liều vắc-xin.
Ở đây, chúng ta đang nói đến những đứa trẻ bị suy giảm miễn dịch, sinh ra với HIV, hoặc những bệnh nhân ung thư đang trong quá trình hóa trị liệu... Tất cả họ đều cần được cả xã hội bảo vệ và che chở trước mầm bệnh.
Mặt khác, nếu có quá nhiều người từ chối tiêm chủng khiến tỷ lệ giảm xuống dưới 90%, mầm bệnh chắc chắn sẽ lan tràn trở lại. Bạn có thể nhìn trở lại ảnh gif phía trên để tưởng tượng về nó. Những người không tiêm chủng chính là một trong số những chấm màu xám không được bảo vệ.
Bệnh sởi đã bị xóa sổ hoàn toàn ở nhiều quốc gia, nhờ những chiến dịch tiêm chủng
Sau tất cả, miễn dịch quần thể cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của các chương trình tiêm chủng toàn dân, khi mà mỗi người chúng ta đều có một phần trách nhiệm trong đó. Ngày nay, bạn không còn bắt gặp những người mắc bệnh sởi hay bại liệt. Nhiều căn bệnh nguy hiểm khác cũng đã được xóa sổ hoàn toàn.
Không gì khác, đó chính là kết quả của những chiến dịch tiêm chủng diện rộng, cộng với trách nhiệm tự nguyện của mỗi người dân, mà trong đó bao gồm cả chính bạn.
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời