"Có những người đang chết vì bệnh sởi. Đây là điều không thể tin nổi ở thời điểm 5 hay 10 năm về trước".
Một đợt bùng phát bệnh sởi đáng báo động đang lan tràn khắp châu Âu gây ra rất nhiều lo lắng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 41.000 trường hợp mắc bệnh, gần gấp đôi so với con số của toàn bộ năm 2017. Đây cũng là đợt dịch đỉnh điểm với nhiều người mắc bệnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia ở Mỹ, đó cũng sẽ là điều mà nước Mỹ phải đối mặt nếu các bậc cha mẹ không cho con cái mình đi tiêm chủng. "Chúng ta có một tình huống rất nghiêm trọng", bác sĩ nhi khoa Alberto Villani đến từ Bệnh viện Nhi Bambino Gesù, chủ tịch Hội Nhi khoa Italia nói với NBC.
"Có những người đang chết vì bệnh sởi. Đây là điều không thể tin nổi ở thời điểm 5 hay 10 năm về trước".
Phong trào "anti-vaccine" khiến dịch sởi quay lại tấn công Châu Âu và nước Mỹ
Có lẽ rất nhiều người sẽ giận dữ khi biết được nguyên nhân của ổ dịch là gì. Đúng vậy, nó là do phong trào "anti-vaccine" (chống tiêm chủng) ở Châu Âu. Để có thể ngăn ngừa dịch sởi bùng phát, phải có ít nhất 95% dân số được chủng ngừa. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tiêm chủng ở một số khu vực ở Châu Âu đã giảm xuống dưới 70%.
"Đây là nhân tố chính dẫn đến sự bùng nổ dịch bệnh", Anca Paduraru thuộc Ủy ban châu Âu tại Brussels nói. "Thật không thể chấp nhận được điều này ở thế kỷ 21, sởi đáng ra đã phải bị xóa sổ".
Tại Mỹ, bệnh sởi cũng đang gia tăng. Năm ngoái, một đợt dịch tồi tệ nhất đã diễn ra ở Minnesota và đầu năm nay có một ổ dịch tại thành phố New York. Ngay tại lúc này, đang có một đợt bùng phát sởi ở Brooklyn, với 6 ca mắc mới vào tuần trước, tất cả đều là trẻ em chưa tiêm chủng.
Năm ngoái, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã nghiên cứu số lượng bệnh nhân sởi ngày càng tăng ở Mỹ, và thấy rằng 70% trường hợp mắc mới xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng.
Đó là hệ quả của phong trào chống tiêm chủng đang phát triển trong những năm gần đây, bắt nguồn một phần từ nghiên cứu không trung thực của cựu bác sĩ Andrew Wakefield năm 1998. Nghiên cứu này sau đó đã bị rút lại và Wakefield bị tước giấy phép hành nghề ở Vương quốc Anh.
Đó là lệnh trừng phạt cho việc cố ý làm sai lệch kết quả, để đưa ra tuyên bố gian lận nói rằng vắc-xin MMR (sởi, quai bị, bubella) có liên quan đến chứng tự kỷ. Có khả năng Wakefield đã là vậy để "dìm hàng đối thủ", khi chính ông ta đang nghiên cứu và xin bằng sáng chế cho một vắc-xin sởi khác thay thế.
Mặc dù nhiều nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học khác chỉ ra hoàn toàn không có mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng tự kỷ, nhiều người không nắm được thông tin vẫn từ chối chủng ngừa cho con của họ.
Cha mẹ đem bệnh về nhà, nếu họ chống vắc-xin và điều đó còn nguy hiểm cho cả xã hội
Trên thực tế, nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công trong nhiều năm trước, bệnh sởi đã bị xóa sổ tại Mỹ. Nghĩa là không có bất kỳ một trường hợp sởi tự phát nào trong nội địa. Sởi chỉ có thể lây từ nước ngoài vào Mỹ.
Đối với đợt bùng phát ở New York, đó là từ một khách du lịch nước ngoài. Đợt bùng phát ở Brooklyn là từ một đứa trẻ chưa được chủng ngừa lây sởi khi trở về từ khu vực dịch ở Israel.
Peter Hotez, giám đốc Trung tâm Phát triển vắc-xin Bệnh viện Nhi khoa Texas cho biết: "Điều gì đã xảy ra ở châu Âu hiện đang diễn ra ở Mỹ - chỉ là ở quy mô nhỏ hơn vào thời điểm này".
Nhưng nó sẽ sớm tồi tệ hơn nhiều nếu phong trào chống chủng ngừa tiếp tục phát triển. Một bài báo năm 2014 cho thấy hoạt động đính chính thông tin sai lệch về vắc-xin và tiêm chủng đã không thể chiến thắng những mẩu tin phản khoa học, lan truyền trên internet của những người anti-vaccine.
Những mẩu chuyện bẻ cong sự thật của họ nguy hiểm hơn bạn nghĩ rất nhiều: nếu chỉ 5% cộng đồng từ chối chủng ngừa, miễn dịch cộng đồng sẽ bị phá vỡ, làm tăng gấp ba lần tỷ lệ mắc sởi hàng năm.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến từng bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng – gây áp lực lên bệnh viện và tăng chi phí y tế công cộng, có thể tương đương 2,1 triệu USD/năm tại Mỹ.
Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi dịch sởi
Bệnh sởi cũng rất dễ lây nhiễm - và có khả năng gây chết người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Trong năm 2016, có 89.780 ca tử vong do sởi trên toàn cầu, phần lớn trong số đó là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Và nếu không tiêm chủng đầy đủ, chúng ta có thể phải trở lại thập kỷ trước năm 1963, khi vắc-xin MMR chưa ra đời. Khi đó, có khoảng 300 đến 700 ca tử vong vì sởi được báo cáo hàng năm chỉ tính riêng ở Mỹ.
"Mọi người không nhìn thấy sởi nữa cho nên họ không nghĩ hoặc quên mất rằng sởi còn tồn tại", giáo sư y học Jeffrey D. Klausner tại Đại học California cho biết. "Họ không nhận ra rằng con cái của mình có nguy cơ mắc bệnh viêm não, viêm màng não do sởi và có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn".
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?