Con người tiết ra bao nhiêu lít nước bọt trong toàn bộ cuộc đời của mình: Đáp án sẽ khiến ai cũng cảm thấy bất ngờ

    Anh Việt, Thể Thao Văn Hóa 

    Bạn đã bao giờ tự hỏi mình tiết ra bao nhiêu nước bọt trong một giờ, một ngày, một năm hoặc trong cả cuộc đời? Đáp án cho câu hỏi trên chắc chắn sẽ khiến bạn phải cảm thấy ngạc nhiên.

    Vào một ngày bình thường, một người bình thường tiết ra từ 0,5 đến 1,5 lít nước bọt – một con số thực sự gây ngạc nhiên, khi lượng nước nhiều người uống mỗi ngày còn ít hơn nước bọt tiết ra.

    Nếu lấy mức trung bình thấp là 0,7 lít mỗi ngày, con số này tương đương với khoảng 255,5 lít nước bọt một năm. Trong vòng đời trung bình khoảng 80 năm, con số đó lên tới khoảng 20.440 lít. Điều đó tương đương với một bể bơi nhỏ chứa đầy nước bọt.

    Sau khi biết được con số, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại tiết ra nhiều nước bọt đến vậy?

    Con người tiết ra bao nhiêu lít nước bọt trong toàn bộ cuộc đời của mình: Đáp án sẽ khiến ai cũng cảm thấy bất ngờ - Ảnh 1.

    Trong suốt cuộc đời của mình, một người có thể tiết ra lượng nước bọt đủ chứa đầy một bể bơi nhỏ. Ảnh: internet

    Theo đó, nước bọt được sản xuất bởi cơ thể chúng ta vì những lý do chính đáng. Nước bọt là một chất lỏng sinh học phức tạp đóng nhiều vai trò quan trọng trong miệng của bạn. Ví dụ, nó chứa enzyme amylase phân hủy tinh bột, cung cấp canxi và phốt phát giúp tái khoáng hóa men răng và là người gác cổng quan trọng trong việc bảo vệ và chống lại các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bạn qua khoang miệng.

    Nước bọt chủ yếu bao gồm nước (99%) và hỗn hợp protein, chất điện giải và men tiêu hóa (1%).

    Nó được sản xuất bởi nhiều tuyến khác nhau , ba tuyến chính và nhiều tuyến phụ, nằm trong miệng của bạn. Ba tuyến chính - tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi - đóng góp 90% tổng lượng nước bọt được sản xuất, trong khi 10% còn lại được tiết ra bởi những tuyến phụ.

    Ở trạng thái không bị kích thích (trạng thái nghỉ ngơi khi bạn không ăn), khoảng 2/3 tổng lượng nước bọt được sản xuất bởi các tuyến dưới hàm. Tuyến mang tai phát huy tác dụng khi được kích thích (thường là do nhai, hay còn gọi là kích thích vị giác) và chịu trách nhiệm cho khoảng 50% lượng nước bọt trong miệng ở trạng thái này. Tuy nhiên, các tuyến dưới lưỡi đóng góp một tỷ lệ nhỏ nước bọt ở cả trạng thái không bị kích thích và kích thích.

    Nước bọt đã được người xưa sử dụng trên khắp thế giới trong hơn 2.000 năm, với niềm tin nước bọt có thể chữa bệnh. Các nhà y học cổ truyền Trung Quốc cổ đại tin rằng nước bọt và máu là "anh em", vì cả hai đều đến từ cùng một nguồn trong cơ thể.

    Các nhà tư tưởng nổi tiếng, chẳng hạn như Pliny the Elder (sống trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) và Albert Đại đế (1193-1280) đều ca ngợi lợi ích của nước bọt vì khả năng xua đuổi rắn và những điều xui xẻo, cũng như thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Thậm chí vào cuối thế kỷ 19, các đặc tính chữa bệnh được cho là của nước bọt vẫn được một số bác sĩ tôn vinh.

    Ở thời điểm hiện tại, con người không còn tin vào nước bọt như một chất chữa bệnh, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có tác dụng trong y học hiện đại. Ngày nay, nó đóng một vai trò quan trọng như một công cụ chẩn đoán, vì nó có thể cung cấp những hiểu biết quan trọng về tình trạng sức khỏe tổng thể của cơ thể. Vì được tạo thành từ rất nhiều thành phần, nước bọt có thể chứa nhiều dấu ấn sinh học báo hiệu bệnh tật, hữu ích cho việc xác định bệnh cũng như theo dõi và dự đoán tiến triển của bệnh.

    Hơn nữa, chất này luôn sẵn có và không giống như máu, nó có thể được lấy mẫu bằng các phương pháp không xâm lấn, giúp dễ dàng phân tích. Các kỹ thuật thậm chí còn được phát triển để sử dụng nước bọt như một chỉ báo về bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

    Tham khảo IFL Science

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ