Công thần lười biếng: Rắc rối của Nvidia khi giàu lên quá nhanh, khiến nhân viên kỳ cựu chẳng còn muốn làm việc và bài học của Elon Musk

    Băng Băng ,  

    Nhiều nhân viên của Nvidia tự cho mình là công thần, trở nên giàu có nhờ giá cổ phiếu thưởng tăng nên đã không còn muốn làm việc, khiến CEO Jensen Huang phải ngán ngẩm gọi họ là những kẻ "bán nghỉ hưu".

    Công thần lười biếng: Rắc rối của Nvidia khi giàu lên quá nhanh, khiến nhân viên kỳ cựu chẳng còn muốn làm việc và bài học của Elon Musk- Ảnh 1.

    Tờ Business Insider cho hay đà tăng giá cổ phiếu mạnh của Nvidia cùng công việc kinh doanh bùng nổ khiến tập đoàn này đang phải đối mặt với vấn đề dở khóc dở cười: Một số nhân viên lâu năm với số cổ phiếu thưởng đầy giá trị của mình đã không còn làm việc tích cực như trước.

    Thậm chí, vấn đề này đã bị nhà sáng lập và CEO Jensen Huang của Nvidia gọi thẳng là tình trạng "bán nghỉ hưu" (Semi Retirement) trong cuộc họp vào tháng 11/2023. Vị giám đốc này kêu gọi nhân viên trong công ty nên tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm trong bối cảnh nhiều lao động lâu năm bất chợt giàu lên và mất ý chí chiến đấu.

    Theo BI, rất nhiều nhân viên Nvidia đã giàu nhanh chỉ sau vài năm khi giá cổ phiếu hãng này tăng đến 1.200% chỉ trong 5 năm. Tình hình kinh doanh bùng nổ khiến thu nhập, lương thưởng của nhân viên trong công ty trở tăng lên.

    Ước tính của BI cho thấy một quản lý tầm trung của Nvidia cũng dễ dàng kiếm được 1 triệu USD/năm nhờ các gói cổ phiếu thưởng, vốn đã tăng giá đến 230% trong năm vừa qua. Thông thường Nvidia sẽ thưởng cổ phiếu thêm cho nhân viên như một sự ghi nhận, cổ vũ cho những cống hiến của họ.

    Sau khi BI phỏng vấn với 13 nhân viên và 2 chuyên gia trong mảng hành chính nhân sự biết đến vấn đề này, tình trạng "bán nghỉ hưu" được CEO Jensen Huang nhắc đến là hoàn toàn có thật khi đây là hệ quả đi kèm khi công ty giàu lên quá nhanh.

    Công thần lười biếng: Rắc rối của Nvidia khi giàu lên quá nhanh, khiến nhân viên kỳ cựu chẳng còn muốn làm việc và bài học của Elon Musk- Ảnh 2.

    Đây là vấn đề mà thực tế Elon Musk đã tiên đoán trước khi vị tỷ phú này áp dụng chiến lược luôn sa thải 10% lao động nhằm giữ ý chí chiến đấu và sự cạnh tranh trong công việc nhằm duy trì hiệu quả làm việc.

    Công thần?

    Nvidia được Jensen Huang sáng lập vào năm 1993 và những nhân viên trong công ty hầu hết đều tin tưởng hết mình vào vị CEO này.

    Thế nhưng hiện nay, ngày càng nhiều nhân viên trong công ty cảm thấy bất bình về phong cách quản lý quá coi trọng con người đến mức "nuông chiều" của công ty.

    Đó là chưa kể đến việc CEO Jensen có kiểu điều hành phó mặc (Hands-off Management), nghĩa là tin tưởng hoàn toàn để các nhóm làm việc của mình mà không can thiệp hay giám sát, thay vào đó là chỉ bận tâm đến chiến lược tổng thể dài hạn.

    Hậu quả của cách làm này khi ngành chip bán dẫn cho trí thông minh nhân tạo (AI) bùng nổ cùng cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung là rất nhiều nhân viên lâu năm tự cho mình là "công thần", bất chợt giàu nhanh nhờ lượng cổ phiếu thưởng tăng giá mạnh, đã không còn ý chí làm việc như xưa.

    Theo BI, những bất cập trong vấn đề quản lý con người tại Nvidia có thể là một rủi ro tiềm tàng trong bối cảnh hãng đang đối mặt cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ như AMD, Intel hay thậm chí là Amazon hay Microsoft cũng đã tham gia cuộc chơi.

    "CEO Jensen đang đưa ra quan điểm rất rõ ràng, đó là: ‘Hãy hoàn thành công việc chết tiệt của bạn đi’", một nhân viên của Nvidia tham gia cuộc họp tháng trước nói với BI.

    Văn hóa nuông chiều nhân viên

    Trên thực tế vấn đề "bán nghỉ hưu" xuất hiện ở hầu như mọi hãng công nghệ khi các nhân viên kỳ cựu đã quen tất cả đường đi nước bước của doanh nghiệp và bắt đầu lười biếng, giảm ý chí lao động so với trước.

    Chính Thung lũng Silicon cũng có một thuật ngữ riêng cho những "công thần" này với tên gọi "Rest and Vest" (Ngồi nghỉ ngơi mặc vest), nghĩa là những lao động lâu năm không còn làm nhiều việc như trước nữa mà chỉ mặc vest ngồi đó đợi cổ phiếu thưởng tăng giá.

    Tuy nhiên tại Nvidia, văn hóa "chiều chuộng" nhân viên cùng với đà tăng giá cổ phiếu đã làm trầm trọng hơn vấn nạn này.

    Công thần lười biếng: Rắc rối của Nvidia khi giàu lên quá nhanh, khiến nhân viên kỳ cựu chẳng còn muốn làm việc và bài học của Elon Musk- Ảnh 3.

    Ví dụ tiêu biểu là Nvidia có lịch sử tránh sa thải nhân viên trong các thời kỳ khó khăn. Suốt quãng thời gian đại dịch Covid-19 năm 2020 và đà lao dốc của tiền điện tử năm 2022 khiến máy đào Bitcoin dùng chip Nvidia mất giá, tập đoàn này không sa thải quá nhiều nhân viên như những hãng công nghệ khác.

    Thậm chí đích thân CEO Jensen Huang đã liên tục cam kết và trấn an nhân viên rằng sẽ không xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt dù giá cổ phiếu của Nvidia đang giảm mạnh.

    Lần cắt giảm nhân sự hàng loạt cuối cùng của Nvidia diễn ra cách đây 15 năm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

    Ngay cả tại thời điểm đó, các giám đốc điều hành cấp cao của Nvidia cũng đã tự cắt giảm lương thưởng để hạn chế việc sa thải lao động xuống mức thấp nhất.

    Thậm chí một số nhân viên còn thừa nhận với BI rằng họ đã nhận thêm cổ phiếu thưởng năm 2022 vì công ty bồi thường cho khoản giảm giá cổ phiếu trước đó.

    Ngoài ra, Nvidia cũng chấp nhận văn hóa làm việc từ xa toàn thời gian, đồng thời thông qua những kỳ nghỉ dưỡng dài ngày vô thời hạn cho nhân viên. Không những vậy, tập đoàn còn tài trợ cho các chuyến du ngoạn như nhảy dù, leo núi... của nhân viên miễn phí để họ thoải mái làm việc tự do.

    Hậu quả của việc "nuông chiều" này là Nvidia hiếm khi đưa ra được những kế hoạch cải thiện, nâng cao hiệu suất làm việc, khác nhiều so với các tập đoàn công nghệ như Amazon hay Tesla, nơi nhân viên dễ bị sa thải nhiều hơn.

    Nguồn tin của BI cho hay khi một nhân viên làm việc kém hiệu quả thì thay vì sa thải hay tái đào tạo, Nvidia lại cố gắng thuyên chuyển họ sang nhóm mới.

    Chính bản thân nhà sáng lập Jensen cũng thường xuyên nói với mọi người rằng ông không muốn sa thải bất kỳ ai.

    Mặc dù cách quản lý và văn hóa làm việc như trên khiến nhân viên cực kỳ tin tưởng cũng như trung thành với Nvidia nhưng chúng cũng tạo ra các mặt trái như thái độ "bán nghỉ hưu".

    "Tại Nvidia, việc bị sa thải còn khó hơn là được tuyển dụng", một nhân viên giấu tên của Nvidia nói với BI.

    Tất nhiên, sự nuông chiều nhân viên này cũng có cái lợi khi tỷ lệ ủng hộ CEO Jensen Huang lên tới 98% tại Nvidia, cao hơn nhiều so với những người đồng cấp ở Alphabet (Google-81%), Amazon (69%) hay Meta (Facebook-54%).

    Công thần lười biếng: Rắc rối của Nvidia khi giàu lên quá nhanh, khiến nhân viên kỳ cựu chẳng còn muốn làm việc và bài học của Elon Musk- Ảnh 4.

    Thành công quá dễ

    Tờ BI cho hay sự bùng nổ nhu cầu dùng chip của Nvidia hiện nay đã khiến nhiều nhân viên của hãng trở nên tự mãn (Complacency). Hiện sản phẩm GPU của Nvidia đang là một trong những mặt hàng "hot" của ngành công nghệ, đóng vai trò chủ chốt cho việc phát triển AI như ChatGPT.

    Yếu tố này làm tăng doanh thu cho Nvidia nhưng cũng khiến việc kinh doanh của nhân viên trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

    Nguồn tin của BI cho hay Nvidia đang được chào đón hơn bao giờ hết nhờ nhu cầu sử dụng chip của hãng tăng cao. Các khách hàng lẫn nhà cung ứng đều sẵn sàng trả lời cuộc gọi ngay lập tức, đồng thời chấp nhận giải ngân nhanh chóng cho Nvidia, điều chưa từng diễn ra trước đây.

    Báo cáo tài chính quý III/2023 của hãng cho thấy Nvidia đạt doanh thu 18,1 tỷ USD, tăng 207% so với mức kỷ lục cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng hãng chỉ tăng thêm 15% chi phí cho hoạt động bán hàng, nghiên cứu và marketing, qua đó cho thấy đà tăng trưởng doanh thu đến chủ yếu từ nhu cầu bên ngoài chứ không phải do sự cải tiến trong nội bộ doanh nghiệp.

    Thậm chí trả lời BI, nhiều nhân viên của Nvidia cho hay họ chưa cảm thấy áp lực cạnh tranh lắm dù nhiều đối thủ bắt đầu cho ra mắt các dòng chip mới tự sản xuất của riêng mình.

    Ví dụ Amazon hay Microsoft đã ra mắt các dòng sản phẩm chip mới tự thiết kế nhằm cạnh tranh với Nvidia. Tuy nhiên các nhân viên dưới quyền CEO Jensen lại coi thường những sản phẩm này vì chúng không tốt bằng chip của Nvidia và sẽ khó lòng được khách hàng lựa chọn.

    "Chúng tôi hiện không có đối thủ xứng tầm nhưng bộ máy công ty thì đang ngày một cồng kềnh hơn. Có rất nhiều người chẳng làm gì cả", một nhân viên giấu tên nói với BI.

    Công thần lười biếng: Rắc rối của Nvidia khi giàu lên quá nhanh, khiến nhân viên kỳ cựu chẳng còn muốn làm việc và bài học của Elon Musk- Ảnh 5.

    Hiện CEO Jensen đang khá lo lắng khi nói trong cuộc họp gần đây rằng kỳ vọng của các nhà đầu tư rất cao và nếu kết quả không như mong muốn thì giá cổ phiếu sẽ giảm, qua đó ảnh hưởng ngược lại chính các nhân viên công ty.

    "Mỗi sáng thức dậy tôi không tự hào về những gì mình làm được, thay vào đó tôi luôn lo lắng về những thách thức phía trước", CEO Jensen Huang của Nvidia nói.

    *Nguồn: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ