Công ty mẹ quyền lực 'chống lưng' cho TikTok: Startup trị giá 250 tỷ USD, tiền mặt chất cao như núi, nhà sáng lập tiềm năng vượt mặt Mark Zuckerberg

    Vân Đàm, Theo Nhịp sống Kinh tế 

    (Tổ Quốc) - TikTok được một startup bí ẩn trị giá 250 tỷ USD chống lưng.

    Bytedance – startup giá trị nhất thế giới thời điểm này – đơn vị sở hữu nền tảng video nổi tiếng TikTok chứng kiến cổ phiếu được giao dịch với mức định giá công ty lên tới hơn 250 tỷ USD trên thị trường thứ cấp.

    Theo Bloomberg, mức định giá của công ty có trụ sở ở Bắc Kinh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do nhà đầu tư đặt niềm tin vào TikTok và nhà sáng lập Zhang Yiming đang cân nhắc những lựa chọn để tiến hành IPO. Trong vòng gọi vốn trước đó, ByteDance được định giá 140 tỷ USD. Và mới đây nhất, con số này là gần 200 tỷ USD.

    Zhang, người lập nên ByteDance năm 2012, đã chứng tỏ khả năng hiếm có khó tìm của mình trong việc liên tục tạo ra những sản phẩm thành công vang dội bất chấp phải cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Tencent và Alibaba. Thành công đầu tiên của Zhang là Toutiao, ứng dụng tin tức gây sốt nhưng giờ cũng đã bị TikTok vượt mặt. Năm 2020, doanh thu của ByteDance tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 35 tỷ USD.

    Công ty mẹ quyền lực 'chống lưng' cho TikTok: Startup trị giá 250 tỷ USD, tiền mặt chất cao như núi, nhà sáng lập tiềm năng vượt mặt Mark Zuckerberg - Ảnh 1.

    Năm 2019, ByteDance ghi nhận lợi nhuận ròng cao kỷ lục lên tới hơn 3 tỷ USD, doanh thu tăng gấp đôi lên trên 17 tỷ USD từ mức 7,4 tỷ USD vào năm 2018. Nhiều nguồn tin nói rằng công ty hiện nắm trong tay trên 6 tỷ USD tiền mặt.

    Ngoài TikTok và phiên bản Trung Quốc Douyin, ByteDance cũng điều hành những ứng dụng khác gồm cổng đọc báo Toutiao và app nhắn tin doanh nghiệp Feishu. Tổng cộng ByteDance đã thu hút khoảng 1,5 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng cho tất cả các ứng dụng của mình.

    Tính tới tháng 11/2019, công ty có trên 60.000 nhân viên và phục vụ trên 150 thị trường. Họ có văn phòng ở 126 thành phố trên toàn cầu, gồm cả Thượng Hải, New York, London, Paris, Mubai, Singapore, Jakarta, Seoul, Tokyo…

    Được thành lập bởi một thanh niên 35 tuổi có tên Zhang Yiming, Bytedance khởi đầu như một đơn vị phát triển những ứng dụng chia sẻ mẩu truyện cười ngắn trước khi tạo ra dịch vụ Toutiao. Họ đã dành ra nhiều năm để xây dựng lượng cơ sở người dùng và cải thiện hệ thống tương tác.

    Công ty sau đó bắt đầu tham gia vào việc mở rộng Tik Tok và một số nền tảng khác có mọi thứ từ những tin đồn đến chuyện bên lề của người nổi tiếng.

    Riêng TikTok hiện trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho ByteDance. Ứng dụng quay video dạng ngắn này cùng với Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) từng ghi nhận số tiền hơn 78 triệu USD chi tiêu từ người dùng trong tháng 4/2019. Số tiền này giúp TikTok vượt lên trên cả Youtube và trở thành ứng dụng phi trò chơi kiếm tiền cao nhất trên thế giới.

    Ứng dụng chia sẻ video TikTok hoạt động đơn giản giúp người dùng có thể xem cũng như tạo các video ngắn với âm nhạc, nhãn dán và hoạt hình dưới dạng hiệu ứng đặc biệt. Nó luôn nằm trong top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới kể từ khi ByteDance ra mắt vào năm 2016.

    Công ty mẹ quyền lực 'chống lưng' cho TikTok: Startup trị giá 250 tỷ USD, tiền mặt chất cao như núi, nhà sáng lập tiềm năng vượt mặt Mark Zuckerberg - Ảnh 2.


    KHIẾN FACEBOOK, YOUTUBE, INSTAGRAM LO SỢ

    Theo hãng nghiên cứu thị trường ứng dụng di động Sensor Tower, trong năm 2019, TikTok đã có hơn 700 triệu lượt tải (trên cả 2 kho ứng dụng dành cho nền tảng Android và iOS), trở thành ứng dụng di động có số lượt tải lớn thứ 2 thế giới. Số lượt tải của TikTok đã vượt qua các "đối thủ nặng ký" như Facebook, Messenger, Instagram hay Youtube…

    Cuối năm 2021, TikTok đã tiết lộ rằng họ có 1 tỷ người dùng hoạt động trên toàn cầu mỗi tháng. Con số này cho thấy rõ sự tăng trưởng ổn định của ứng dụng video dạng ngắn này.

    Cụ thể, ứng dụng này đã báo cáo lượng người dùng tăng đột biến trong vài năm qua. Đáng chú ý, trong số đó có một lượng lớn người dùng Mỹ tham gia giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.

    TikTok cho biết họ có khoảng 55 triệu người dùng toàn cầu vào tháng 1 năm 2018. Con số đó đã tăng lên hơn 271 triệu vào tháng 12/2018 và 507 triệu vào tháng 12/2019. Công ty đã báo cáo gần 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào mùa hè năm 2020.

    Để so sánh, Facebook cho biết trong quý thứ hai của năm 2021, họ có 3,51 tỷ người dùng hàng tháng trên tất cả các ứng dụng của mình, tăng từ 3,45 tỷ trong quý đầu tiên.

    Dù là đơn vị đi đầu, tung ra một trong những ứng dụng video dạng ngắn thành công nhất, nhưng hiện nhiều đối thủ là các công ty công nghệ lớn đang chạy đua để tạo ra các phiên bản ứng dụng video ngắn giống TikTok.

    Facebook đã tung ra bản sao TikTok của mình, Instagram Reels cũng thịnh hành rộng rãi vào tháng 8 năm ngoái. Snap đã công bố một tính năng tương tự được gọi là Spotlight vào năm ngoái.

    YouTube của Google đã ra mắt đối thủ cạnh tranh với TikTok là YouTube Shorts, vào tháng 9 năm ngoái. Đây là công cụ tạo video dạng ngắn mới của Youtube, cho phép người dùng trải nghiệm và sáng tạo các video ngắn bằng điện thoại di động. Lần đầu tiên công bố vào tháng 9/2020, Youtube đang dần mở rộng công cụ Shorts tới 100 quốc gia khắp thế giới - những nơi mà Youtube có mặt.

    "Đây là lần đầu tiên người dùng trên khắp thế giới sẽ có thể truy cập vào các công cụ sáng tạo của Shorts, bao gồm cả việc sử dụng camera quay nhiều phân khúc để kết nối nhiều đoạn video với nhau, khả năng quay video cùng với nhạc, điều khiển cài đặt tốc độ và nhiều hơn nữa", YouTube cho biết.

    Trong lĩnh vực giải trí video, rõ ràng TikTok đang nắm vị trí bá chủ, là ứng dụng phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới với số lượng người dùng không ngừng tăng. Và dĩ nhiên YouTube không muốn bỏ qua lĩnh vực "béo bở" này, khi bản thân đã có lợi thế với 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

    VƯỢT BẬC VỀ CÔNG NGHỆ

    TikTok đã cho thấy rằng công ty này có thể cạnh tranh với những nhà quảng cáo lớn nhất. Để làm được điều đó, họ đã liên tục đổi mới hệ thống marketing. Theo Financial Times, chiến dịch marketing của TikTok "bao gồm khả năng nhắm đến mục tiêu tinh chỉnh quảng cáo, tự động hóa hiệu quả hơn quy trình mua quảng cáo và xây dựng sự giám sát và xác minh đối với bên thứ 3 về số liệu quảng cáo của mình." Thực hiện những bước đi này, TikTok "đang xây dựng công nghệ quảng cáo để đạt đến tầm cỡ ngang bằng với hoạt động quảng cáo với mô hình nhị quyền của Google và Facebook".

    Công ty mẹ quyền lực 'chống lưng' cho TikTok: Startup trị giá 250 tỷ USD, tiền mặt chất cao như núi, nhà sáng lập tiềm năng vượt mặt Mark Zuckerberg - Ảnh 3.

    Các công ty thường tìm kiếm sự thành công sau khi thực hiện một chiến lược marketing nhất định và sau đó "ngủ quên trên chiến thắng". Tuy nhiên, TikTok cho thấy rằng họ sẵn sàng thử nghiệm những công nghệ mới. Blake Chandlee – đứng đầu bộ phận giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok, từng chia sẻ hồi tháng 12: "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể xây dựng nền tảng quảng cáo của mình theo cách phù hợp với nơi mà thế giới đang hướng tới chứ không phải là điều mà thế giới đang có".

    Chiến lược lâu dài này là điều mà bất kỳ nhóm marketing nào cũng có thể thực hiện. Thay vì nhìn vào hiện tại, hãy nhìn vào tương lai mà bạn muốn hướng đến trong 1, 2 hoặc 5 năm và đặt câu hỏi tương lai sẽ dẫn bạn đi đến đâu? Cũng như cấu trúc marketing của TikTok đã cho chúng ta thấy, việc trả lời những câu hỏi đó là rất quan trọng để tìm kiếm thành công.

    Nguồn: Bloomberg, CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ