Cứ startup đi! Sợ gì: Samsung xưa kia khởi nghiệp từ mì tôm, Nokia làm giấy, còn Toyota đi làm mộc cơ
Đằng sau sự thành công của những ông lớn trong làng công nghệ như Samsung, Nokia hay Toyota là cả một quá trình khởi nghiệp đầy thú vị mà không phải ai cũng biết.
BMW
Chúng ta đều biết BMW là một hãng xe hạng sang từ Đức. Thế nhưng, ít ai biết được rằng lúc khởi nghiệp BMW là một hãng chế tạo động cơ máy bay.
Khi chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, BMW đã phải dừng sản xuất động cơ máy bay theo Hòa ước Versailles. Do đó, hãng phải tìm ra hướng đi mới là sản xuất mô tô và ô tô. Cũng từ đây, các nhà máy của BMW bắt đầu mọc lên dày đạc khắp nước Đức.
Toyota
Còn với hãng xe hơi Toyota , công ty lớn thứ 13 trên thế giới cũng có một câu chuyện khởi nghiệp thú vị không kém. Theo đó, người sáng lập là ông Sakichi Toyoda, có xuất thân từ gia đình với truyền thống làm mộc, vốn chẳng liên quan gì đến xe hơi.
Thuở ban đầu, ông cùng với con trai phát triển ra sản phẩm đầu tay là máy dệt. Sau này, nhận thấy ngành công nghiệp ô tô mới là miếng bánh béo bở, từ đó mới bắt đầu dấn thân sang và thành lập nên hãng Toyota. Để rồi từ đó phát triển lên thành một trong những công ty có doanh số bán xe cao chót vót như hiện nay.
IBM
Máy tính là thứ đưa tên tuổi của IBM trở nên nổi tiếng và bước lên một tầm cao. Tuy nhiên, lúc khởi nghiệp, họ chỉ sản xuất máy lập bảng (tabulator), máy thái pho mát và cân thực phẩm.
IKEA
IKEA, một trong những tập đoàn bán lẻ nội thất lớn thế giới lại có câu chuyện khởi nghiệp cũng "không liên quan". Theo đó, IKEA được thành lập năm 1943 bởi một thanh niên 17 tuổi người Thụy Điển có tên Ingvar Kamprad. Thời điểm đó, mặt hàng mà công ty này bày bán chỉ là những bao diêm và các đồ gia dụng giá rẻ.
IKEA từng đi bán diêm và các đồ gia dụng giá rẻ.
Nintendo
Nhiều người sẽ "ngã ngửa" khi biết hãng game lâu đời như Nintendo lại khởi nghiệp là một công ty sản xuất bài hanafuda, một trò chơi bài từ Nhật.
Sau khi không thành công với một số ngành kinh doanh về vận tải và khách sạn, hãng được đầu tư vào đồ chơi và trở thành công ty có ảnh hưởng lớn nhất về video game ở thập niên 70.
Ngoài ra, Nintendo hiện là một trong những công ty nắm giữ cổ phần thương hiệu Pokemon nổi tiếng toàn cầu, cùng với tựa game Pokemon Go ăn khách gần đây.
Nokia
Quá trình khởi nghiệp của Nokia rất thú vị. Từ một nhà máy chế biến gỗ giấy công nghiệp và sản xuất cả điện, kết hợp với công ty cáp và một công ty sản xuất cao su Phần Lan, Nokia đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia.
Và khi thời kì viễn thông lên ngôi, Nokia đã chuyển sang sản xuất các thiết bị điện tử, thiết bị mạng và điện thoại.
Samsung
Trước kia, Samsung khởi nghiệp từ mặt hàng là mì sợi, rau củ và trái cây Hàn Quốc. Sau đó, công ty này ngày càng đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh, như xây dựng, điện tử và trở thành một ông lớn về điện tử trên toàn cầu hiện nay.
Sharp
Sản phẩm đầu tiên mà Sharp tung ra thị trường trong những ngày đầu khởi nghiệp lại là một chiếc bút máy. Qua nhiều khó khăn, Sharp đã vươn lên trở thành một công ty điện tử hàng đầu thế giới.
Sony có thời phải đi bán cả nồi cơm điện.
Sony
Sau thế chiến thứ hai, Masaru Ibuka cùng Akio Morita đã bắt tay nhau để thành lập nên Viện nghiên cứu viễn thông Tokyo. Nhưng nồi cơm điện lại là sản phẩm đầu tay của hãng này.
Cho đến năm 1958, công ty này đổi tên thành Sony và bắt đầu thâm nhập vào ngành công nghiệp điện tử ở Nhật. Trong đó, các sản xuất chủ chốt của hãng gồm có máy ghi âm, radio, TV và sau này là máy ảnh, máy quay và máy tính.
LG Electronics
Tiền thân của tập đoàn công nghệ LG là một nhà máy hóa học, với các sản phẩm như chất tẩy rửa, xà phòng, kem đánh răng… Cái tên LG được đặt theo tên 2 công ty đã sáp nhập với nhau: Lucky & Goldstar. Sau đó được viết tắt lại là LG với hàm ý "Life’s Good".
Virgin Group
Tập đoàn sở hữu hãng hàng không nổi tiếng thế giới - Virgin America được thành lập bởi một biên tập viên báo chí, Richard Branson. Ngoài mảng kinh doanh hàng không, Virgin Group còn khá nổi tiếng trên thị trường tài chính, vận tải, dịch vụ y tế, Internet…
Unilever
Khởi nghiệp từ một nhà máy sản xuất bơ thực vật, giờ đây Unilever trở thành một trong những tập đoàn đa quốc gia già cỗi nhất thế giới. Hiện Unilever đã có mặt trên hơn 190 quốc gia với hơn 400 nhãn hàng nổi tiếng.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?