Đại bàng Haast: Loài đại bàng lớn nhất được biết đến với khả năng săn con mồi lớn gấp 15 lần kích thước của nó

    Đức Khương,  

    Từng là loài đại bàng lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất, đại bàng Haast không chỉ khiến các nhà khoa học kinh ngạc bởi kích thước khổng lồ, mà còn bởi khả năng săn mồi vượt trội khi có thể hạ gục những con mồi to gấp 15 lần trọng lượng cơ thể.

    Kẻ săn mồi đỉnh cao của thời kỳ chưa có người

    Trước khi người Polynesia, tổ tiên của người Māori đặt chân đến bờ biển New Zealand khoảng 750 năm trước, quốc đảo này từng là nơi cư trú của một trong những loài chim săn mồi đáng sợ nhất từng bay lượn: đại bàng Haast (tên khoa học: Hieraaetus moorei ).

    Với trọng lượng lên tới 18 kg và sải cánh dài gần 3 mét, đại bàng Haast là loài đại bàng lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Tuy nhiên, điều khiến nó trở nên đáng sợ hơn cả không chỉ là kích thước, mà là khả năng săn mồi vượt trội. Con mồi chủ yếu của nó là moa – một loài chim không biết bay có thể cao hơn một vận động viên bóng rổ và nặng tới 200 kg.

    Dù chỉ nặng bằng một phần nhỏ so với con mồi, đại bàng Haast thường sử dụng chiến thuật phục kích, lao xuống từ trên cao với tốc độ khủng khiếp và cắm móng vuốt sắc nhọn dài gần 8 cm vào lưng con moa.

    Sau đó, nó sẽ dùng chiếc mỏ cong để kết liễu nạn nhân bằng một cú đánh chí mạng vào hộp sọ hoặc cổ. Các nhà nghiên cứu cho rằng sau khi hạ sát, nó sẽ mổ bụng con mồi để ăn các cơ quan nội tạng – hành vi giống loài kền kền.

    Đại bàng Haast: Loài đại bàng lớn nhất được biết đến với khả năng săn con mồi lớn gấp 15 lần kích thước của nó- Ảnh 1.

    Một thế giới không có thú ăn thịt, chỉ có chim

    New Zealand trước thời kỳ có người là một “viên nang sinh học” biệt lập. Không có thú ăn thịt như sư tử, hổ, cáo hay sói, quần đảo này hoàn toàn do các loài chim cai trị. Hơn 200 loài chim bản địa sinh sống, trong đó nhiều loài không biết bay và đã tiến hóa để chiếm lĩnh mọi ngách sinh thái – từ côn trùng đến loài ăn cỏ lớn.

    Trong thế giới không có động vật có vú ăn thịt này, đại bàng Haast trở thành kẻ săn mồi đỉnh cao, giữ vai trò cân bằng hệ sinh thái. Xương của nó lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1860 khi người dân khai hoang đào đất ở các đầm lầy.

    Được đặt theo tên của nhà thám hiểm người Đức Julius von Haast, loài chim khổng lồ này nhanh chóng trở thành biểu tượng sinh học bí ẩn với hình dạng đầu giống kền kền, nhưng chân lại giống móng vuốt hổ.

    Trong nhiều thập kỷ, giới khoa học không chắc liệu đại bàng Haast có thể bay hay không. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã xác nhận rằng nó không chỉ có thể bay, mà còn là một kẻ đi săn vô cùng hiệu quả.

    “Đó luôn là một bí ẩn”, tiến sĩ Joanne Cooper, chuyên gia bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết. “Phần đầu như kền kền, phần chân như đại bàng – sự lai tạo đáng kinh ngạc này là một thích nghi hoàn hảo với môi trường nơi nó sống”.

    Đại bàng Haast: Loài đại bàng lớn nhất được biết đến với khả năng săn con mồi lớn gấp 15 lần kích thước của nó- Ảnh 2.

    Phép màu tiến hóa chỉ trong 2 triệu năm

    Một nghiên cứu di truyền công bố năm 2005 trên tạp chí PLOS Biology đã khiến cộng đồng khoa học sửng sốt: họ hàng gần nhất còn sống của đại bàng Haast là các loài đại bàng nhỏ bé ở Úc, nặng chưa đầy 1 kg. Trong khi đó, đại bàng Haast nặng tới 18 kg – gấp 15 lần.

    Tuy nhiên, sự phân tách tiến hóa giữa chúng chỉ diễn ra cách đây khoảng 2,2 triệu năm – một khoảng thời gian cực kỳ ngắn trong tiến trình tiến hóa.

    “Đó là tốc độ thay đổi đáng kinh ngạc”. tiến sĩ Michael Knapp, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Otago, nhận định. “Tôi chưa từng thấy một trường hợp nào mà chọn lọc tự nhiên lại dẫn đến sự thay đổi khổng lồ như vậy chỉ trong một thời gian ngắn”.

    Hiện tượng này được gọi là “đảo khổng lồ”, khi các loài nhỏ bị cô lập trên đảo tiến hóa thành kích thước lớn bất thường để lấp đầy khoảng trống sinh thái. Trong trường hợp của đại bàng Haast, sự khổng lồ hóa nhanh chóng có thể là phản ứng trực tiếp với sự hiện diện của moa – một nguồn thức ăn phong phú, không có thiên địch.

    Đại bàng Haast: Loài đại bàng lớn nhất được biết đến với khả năng săn con mồi lớn gấp 15 lần kích thước của nó- Ảnh 3.

    Kẻ săn moa, nạn nhân của sự tuyệt chủng dây chuyền

    Tuy là loài thống trị bầu trời trong hàng trăm nghìn năm, số phận của đại bàng Haast gắn liền chặt chẽ với moa. Khi người Polynesia đến New Zealand vào khoảng năm 1250, họ nhanh chóng săn bắt moa để làm nguồn thực phẩm.

    Chỉ trong vòng hai thế kỷ, moa hoàn toàn tuyệt chủng và sự biến mất của nguồn thức ăn chính đã kéo theo sự sụp đổ của loài đại bàng khổng lồ này.

    Mặc dù không có nhiều bằng chứng khảo cổ học về xung đột trực tiếp giữa con người và đại bàng Haast, nhưng các truyền thuyết của người Māori vẫn lưu giữ ký ức về một loài chim săn mồi khổng lồ tên pouākai , được cho là từng bắt cóc cả trẻ em.

    Một số bức tranh hang động cổ cũng khắc họa hình ảnh những con chim khổng lồ có đầu không lông, một đặc điểm giống với loài kền kền, giúp chúng ăn xác thối hiệu quả hơn.

    “Thật khó tin rằng một con chim có thể đảm nhận vai trò đó,” tiến sĩ Cooper chia sẻ. “Nhưng nếu nó có thể hạ gục một con moa nặng 200 kg, thì một con người nặng 80 kg rõ ràng cũng không phải là thử thách quá lớn”.

    Đại bàng Haast: Loài đại bàng lớn nhất được biết đến với khả năng săn con mồi lớn gấp 15 lần kích thước của nó- Ảnh 4.

    Sự sụp đổ của một huyền thoại có cánh

    Sự tuyệt chủng của đại bàng Haast diễn ra chóng vánh. Không còn nguồn thức ăn chính, lại chịu áp lực từ môi trường sống bị đốt phá để canh tác, loài chim khổng lồ này không còn cơ hội tồn tại. Đến khi người châu Âu đặt chân đến New Zealand, đại bàng Haast đã biến mất. Một số câu chuyện cho rằng vài cá thể sống sót đến thế kỷ 19, nhưng không có bằng chứng khoa học xác thực.

    Hiện nay, đại bàng Haast được xem là một trong những biểu tượng sinh học độc đáo nhất từng tồn tại. “Không có gì giống như nó còn tồn tại trên thế giới,” tiến sĩ Cooper nói. Sự biến mất của nó để lại một khoảng trống không thể thay thế trong hệ sinh thái và là lời nhắc nhở sâu sắc về tác động của con người đối với thiên nhiên.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày