Đánh giá ASUS F571G: Đa dụng, vừa học vừa chơi đều được, tiếc rằng ngoại hình chưa thật sự nổi bật
Có lẽ đối tượng khách hàng tiềm năng của ASUS F571G chính là các sinh viên chuẩn bị nhập học cần sắm một chiếc laptop để phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau.
Trong khi giới công nghệ đang sôi sục với những GeForce RTX 3090 với hiệu năng siêu khủng và giá bán cực đắt đỏ thì vẫn có nhiều model laptop được trình làng trước thềm năm học mới. ASUS F571G là được định hình cho phân khúc laptop đa dụng, phục vụ cả nhu cầu làm việc lẫn giải trí. Với kích thước màn hình 15,6 inch cùng bàn phím full size, cấu hình tương đối mạnh nhưng cân nặng chỉ 2kg chưa tính cục sạc, F571G vẫn đủ nhẹ nhàng để người dùng có thể mang trong ba lô đi học, đi làm dễ dàng.
Về thiết kế tổng thể, do không hoàn toàn được định hình là laptop chơi game, ngoại hình của F571G không quá hầm hố. Nếu chỉ nhìn lướt qua, khó có thể biết được đây là một chiếc laptop có cấu hình khá và card đồ họa rời. Các cạnh của chiếc laptop này được thiết kế vuông vắn, góc cạnh, gần như là mẫu số chung của những chiếc laptop ASUS có kích thước màn hình lớn. Màu xanh navy của chiếc máy cũng giúp chiếc máy trông "khiêm tốn" hơn.
Mặt trên của máy không có gì nổi bật với chỉ logo ASUS. Trong khi đó, mặt dưới của máy là hàng loạt khe thoát nhiệt để đảm bảo làm mát được những chiếc card đồ họa rời như NVIDIA GeForce GTX 1650 Max-Q. Vẫn có những đường cắt vát ở 2 bên để tăng khoảng tản nhiệt nhưng những chi tiết này chưa đủ hầm hố để ảnh hưởng đến tổng thể khá đơn giản. Chỉ đến khi quay ra phía sau, các khe thoát nhiệt mới được điểm xuyết đôi chút.
Nhờ kích thước lớn, F571G được trang bị khá đầy đủ các cổng kết nối. Phía bên cạnh trái lần lượt là cổng sạc, cổng ethernet, HDMI, USB 3.0, USB 3.1 Type-C và jack combo tai nghe/mic. Cạnh phải máy được trang bị khe cắm thẻ nhớ SD, 2 cổng USB 2.0 và lỗ khóa Kensington.
Bản lề màn hình của máy là một chi tiết khá thú vị, giống như rất nhiều dòng laptop gaming đắt tiền của ASUS. Khoảng 2 năm trở lại đây, hãng có xu hướng thiết kế bản lề màn hình có khả năng nâng máy lên 1 góc khoảng 11 độ, vừa tạo được cảm giác gõ máy thoải mái cho người dùng lại vừa tăng cường khả năng đối lưu không khí nóng lạnh của máy.
Màn hình viền mỏng cũng là một chi tiết nổi trội của F571G. Đây là chiếc laptop hiếm hoi trong phân khúc dưới 20 triệu đồng được trang bị màn hình 1080p với tần số quét 120Hz, rất thích hợp để chơi các game FPS như CS: GO, Call of Duty Warzone hay Valorant. Lớp phủ chống chói của F571G cũng tương đối ổn khi người dùng vẫn có thể nhìn được nội dung trên màn hình cả dưới trời nắng to. Điểm trừ đáng tiếc của chiếc màn hình này là độ phủ màu chỉ đạt mức 45% NTSC, chỉ đạt khoảng 72% sRGB. Vì vậy, khả năng hiển thị màu sắc của F571G là khá hạn chế.
Bàn phím của chiếc F571G là dạng chiclet tiêu chuẩn của ASUS với khoảng cách phím và độ nảy vừa đủ nhưng không có gì ấn tượng. Nhờ kích thước 15,6 inch, chiếc laptop này được trang bị bàn phím full size để phục vụ tốt hơn cho việc nhập liệu. Trackpad cũng cho phản hồi ở mức trung bình. Điểm cộng cho chiếc laptop này là cảm biến vân tay, giúp việc đăng nhập bằng máy tính tiện lợi hơn rất nhiều.Webcam của F571G chỉ có độ phân giải 720p với chất lượng hình ảnh ở mức trung bình.
Dù phần ngoại vi của F571G chưa thực sự thuyết phục, bộ lòng của chiếc laptop này là khá ổn so với giá tiền với cấu hình:
CPU: Intel Core i5-9300H
RAM: SK Hynix DDR4 8GB 2666MHz
GPU: NVIDIA GeForce GTX 1650 Max-Q 4GB
iGPU: Intel UHD Graphics 630
SSD: Intel NVMe 512GB
Pin: 3-Cell 42Wh
Với cấu hình tầm trung, hiệu năng của F571G ở mức chấp nhận được. Hiệu năng đơn nhân của i5-9300H thậm chí còn gần tiệm cận i7-7700K trên desktop. Các bài thử phổ biến như Cinebench R20, CPU-Z, Geekbench, Superposition,… đều cho kết quả ở mức trung bình khá. Với mức giá chưa đến 20 triệu đồng, sẽ khó lòng để yêu cầu nhiều hơn ở chiếc laptop này.
Khả năng chơi game của F571G cũng tương đối ổn nhờ được trang bị card đồ họa rời GTX 1650 bản Max-Q, vốn là GPU cho desktop nhưng được tối ưu hóa hiệu năng và nhiệt độ, nhờ vậy mà nó có hiệu năng cao hơn GTX 1650 bản mobile khoảng 25%.
Ở hầu hết các tựa game được thử nghiệm, F571G vẫn có thể đạt được mức tối thiểu 60 FPS với mức thiết lập High. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được tần số quét 120Hz của màn hình, người dùng sẽ phải chấp nhận chơi game ở mức thiết lập từ Medium đến Low ở độ phân giải 1080p để có thể đạt được mức FPS trên 120.
Trong quá trình sử dụng, ở điều kiện nhiệt độ phòng điều hòa 25 độ C, nhiệt độ của CPU có thể đạt mức khá cao, lên tới gần 100 độ C khi chạy các bài thử sử dụng các tập lệnh AVX. Với các tác vụ thông thường, CPU thường nóng khoảng 70 – 80 độ C.
Trong khi đó, GPU chỉ nóng nhất ở mức 80 độ C. Nếu có ý định sở hữu chiếc laptop này, bạn nên sử dụng nó ở trên mặt bàn phẳng, tránh đặt trên các loại chăn gối hoặc chặn các khe tản nhiệt ở mặt dưới và hai cạnh bên máy để đảm bảo khả năng tản nhiệt tốt nhất. Rất may, nhờ công nghệ ASUS IceCool, bề mặt kê tay và bàn phím của máy được làm mát tốt, chỉ đạt khoảng 35 độ C khi máy hoạt động hết công suất, giúp trải nghiệm khi chơi game hoặc làm các tác vụ nặng trên máy trở nên thoải mái hơn.
Cục sạc đi kèm máy có công suất lên tới 150W, đảm bảo đủ cấp điện cho 2 linh kiện tốn điện nhất là CPU và GPU. Đây sẽ là vật bất ly thân của bạn khi sở hữu F571G bởi pin 42Wh của chiếc máy này sẽ chỉ mang lại thời lượng pin trung bình khoảng 2-3 giờ với mức sử dụng vừa phải. Đáng tiếc, trọng lượng khoảng 600g sẽ tạo thành trở ngại cho việc mang F571G tới những nơi không có ổ cắm điện.
Tựu chung lại, ASUS F571G là một chiếc laptop đa dụng nhưng chưa thực sự nổi trội ở bất cứ lĩnh vực nào. Trải nghiệm nói chung của chiếc máy này ở khoảng 7.5/10 điểm. Với mức giá gần 20 triệu đồng, đây sẽ là một chiếc laptop phù hợp để trang bị cho các bạn tân sinh viên với hầu bao vừa phải.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín