Đánh giá ASUS GTX 1050Ti EXPEDITION: Hiệu năng khá, giá hơi cao
Với giá thành khá cao cho một phiên bản GTX 1050Ti không biết điều gì đang ẩn chứa phía sau một chiếc card đồ họa.
Trong thời gian gần đây GTX 1050Ti bỗng nhận được sự quan tâm bởi các bạn trẻ yêu công nghệ bởi một giải pháp hiệu năng cao nhưng giá thành lại khá là tốt đặc biệt với những người có nhu cầu chơi game yêu cầu khả năng xử lý cao nhưng túi tiền lại hạn hẹp. Chiếm được cảm tình của đông đảo người yêu công nghệ tại Việt Nam, Asus có trong mình một lượng fan vô cùng hùng hậu và tất nhiên GTX 1050Ti của hãng này cũng không nằm ngoài những sản phẩm được trông đợi.
Mở hộp sản phẩm
GTX 1050Ti EXPEDITION là phiên bản đầu tiên được Asus đưa ra thị trường card đồ họa chứ không phải Strix hay ROG – những cái tên đã trở thành thương hiệu của hãng. Phần vỏ hộp được thiết kế khá nhỏ, tương đương với một quyển sách khổ A4 dày vài trăm trang. Chính vì thế nên toàn bộ bề mặt của chiếc vỏ hộp được tận dụng để “khoe” những tính năng cũng như những đặc điểm nổi bật của sản phẩm.
Có vẻ như chính bản thân hãng cũng đã định hướng GTX 1050Ti ở phân khúc thấp, nên phần hộp được làm khá đơn giản. Chiếc card đồ họa được cố định bên trong lớp khung được làm bằng bìa giấy cứng. Đi kèm với nhân vật chính luôn luôn là một quyển sách hướng dẫn, một đĩa cài đặt và đặc biệt là một code nâng cấp tài khoản cho các fan của trò World of Warships.
Đánh giá thiết kế
GTX 1050Ti EXPEDITION được tạo khối chữ nhật đơn giản, kín đáo che đi hầu hết các mặt của chiếc card đồ họa. Chất liệu ở đây là nhựa nhám nên nhìn chiếc card có phần tối hơn so với những hãng khác cũng sử dụng màu đen làm tông màu chủ đạo. Họa tiết ở mặt trên được làm đơn giản và lệch 45 độ đồng nhất, tông màu đỏ đen được phối trên chiếc card cũng không còn lạ lẫm gì với các fan của Asus.
Thoạt tiên, khi nhìn vào chiếc card cộng với hình minh họa ở phần vỏ hộp, hình dáng này khiến tôi liên tưởng đến một khẩu súng trong phim khoa học viễn tưởng hơn là một linh kiện máy tính. Một điểm đặc biệt nữa mà tôi vừa nhận ra khi nhìn quanh chiếc card đó là có rất nhiều logo Asus được gắn khắp nơi. Ở phần nắp nhựa, trên 2 trục của quạt, lẫy cạnh chân cắm PCI-E và mặt sau của mạch PCB.
Ngõ ra và tính tương thích
GTX 1050Ti EXPEDITION được trang bị một cổng Display Port 1.4, một cổng HDMI và một cổng Dual-link DVI có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu phổ thông hiện nay.
Hệ thống bo mạch
Mạch PCB khi nhìn từ phía sau trông khá đẹp nhưng sẽ tốt hơn nếu chiếc card này được trang bị thêm tấm backplate vừa có tác dụng bảo vệ mạch vừa hỗ trợ khả năng tản nhiệt cao hơn.
Mạch PCB của card trông khá gọn gàng và hợp lý, tuy nhiên đây có vẻ như là bản rút gọn của một phiên bản ép xung nào đó của Asus. Có khá nhiều những vị trí còn trống và có lỗ chờ được hàn kín lại.
GPU với mã GP107 được xây dựng trên nền tảng 14nm FinFET. Chip nhớ GDDR5 cao cấp của Samsung.
GTX 1050Ti EXPEDITION có 3 1 phase nguồn, mỗi phase được điều khiển bằng 2 mosfet trở kháng thấp.
Hệ thống tản nhiệt và khả năng ép xung
Hệ thống tản nhiệt của GTX 1050Ti EXPEDITION vô cùng đơn giản. Một phiến tản bằng nhôm được thiết kế với số lượng rãnh thấp sẽ đảm nhiệm toàn bộ vấn đề này. Toàn bộ nhiệt được đẩy ra ngoài thông qua hệ thống 2 quạt 80mm. Đây là một sự hứa hẹn về việc tiết kiệm năng lượng cũng như tiềm năng ép xung. Không hề có sự tồn tại của heatpipe trong giải pháp tản nhiệt này.
Khả năng gồng gánh những game yêu cầu xử lý đồ họa cao là tương đối tốt, lượng điện năng tiêu thụ trên GTX 1050Ti EXPEDITION luôn ở mức thấp đến ngỡ ngàng. Chính vì điều này, mặc dù không được trang bị cổng 6 pin như các hãng khác, GTX 1050Ti EXPEDITION vẫn có khả năng đẩy mức xung của mình lên cao hơn mặc định mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Nhiệt độ phòng 17oC
Nhiệt độ card khi quạt không quay ở chế độ idle đang là 35 độ C, một mức nhiệt khá ổn với một chiếc card có hệ thống tản nhiệt đơn giản như thế này.
Chúng tôi sử dụng phần mềm Furmark 1.18.1.0, sử dụng tính năng GPU stress test để ép hiệu năng của card lên mức full load để kiểm tra mức nhiệt độ ở chế độ fan tự động. Nhiệt độ của card đạt mức 71 độ C với tốc độ quạt chỉ ở mức 35%. Xung nhịp đạt mức 1366 MHz.
Thử nghiệm 1 lần nữa ở chế độ quạt chạy 100% tốc độ, card đạt mức nhiệt độ thấp nhất là 25 độ C và full load với xung nhịp tối đa ở mức 1404 MHz thì lại chỉ có 55 độ C mà thôi.
Chúng tôi thử ép xung lên thêm khoảng 100 MHz thì card vẫn giữ nguyên nhiệt độ 55 độ C khi full load và đạt mức 1504 MHz.
Do lo ngại những vẫn đề về khả năng tải của khe PCI-E khi Asus GTX 1050Ti EXPEDITION không được trang bị nguồn phụ 6 pin nên chúng tôi không ép thêm nữa nhưng một sự khẳng định chắc chắn rằng, tiềm năng ép xung của chiếc card đồ họa này không chỉ dừng lại ở đó.
Test hiệu năng
Sản phẩm tiếp tục được thử nghiệm với cấu hình:
Main: Asrock Z170 Extreme 4
CPU: Intel Core i5-6600K
RAM: Avexir Core Series 16Gb (4Gb x 4) bus 2400Mhz
OS: Windows 10 64bit
Driver: 375.70 phát hành ngày 28/10/2016
VGA: Asus GTX 1050Ti EXPEDITION
Soft: GPU Tweaker II
Assassin’s Creed Unity
Ashes of the Singularity
Crysis 3
The Division
Far Cry Primal
Hitman, Ultra
Rise of the Tomb Raider
The Witcher 3
Do đã quá rõ về hiệu năng của GTX 1050Ti nói chung, chúng ta đã được biết rằng đây sẽ là người kế nhiệm vị trí của GTX 960 do có cùng hiệu năng nhưng tiêu tốn ít năng lượng hơn và được bổ sung thêm những tính năng mới chỉ có trên dòng 10 series. Ở bài này hãy xem xét GTX 1050Ti ở khía cạnh khác, đó là khả năng gánh những lớp đồ họa phức tạp trên các tựa game khủng cùng Asus GTX 1050Ti EXPEDITION
Asus GTX 1050Ti EXPEDITION tỏ ra lấn lướt trước dòng card đối thủ trực tiếp của hãng sản xuất vi xử lý đồ họa AMD.
Không chỉ đem lại hiệu năng vượt trội, GTX 1050Ti EXPEDITION còn khá tiết kiệm điện với 165W đo được trên toàn hệ thống. Thấp hơn cả GTX 950 lẫn RX 460 đều cùng có 2 quạt.
Tổng kết:
Với mức giá khá cao, khoảng 5.400.000 VND cho một chiếc VGA thì Asus GTX 1050Ti EXPEDITION còn thua kém một chút so với các sản phẩm trong cùng tầm giá, như một số phiên bản Radeon RX470 hay cả GTX 1060 3GB VRAM. Tuy nhiên người sử dụng vẫn có thể cân nhắc sản phẩm này ở những điểm sau đây:
Ưu:
Thương hiệu mạnh, đáng tin cậy.
Thiết kế tốt, vận hành êm ái.
Không cần nguồn phụ.
Nhược:
Không có backplate.
Giá khá cao
Xung nhịp hơi thấp so với các sản phẩm khác trên thị trường
Điểm cần nhấn mạnh ở đây là, nếu bạn không phải một trong số người người thuộc nhóm chuyên ép xung thì một chút chênh lệch về hiệu năng không thực sự ảnh hưởng đến trải nghiệm hình ảnh trong game của bạn. Đặc biệt nếu bạn là fan của Asus thì đây là cơ hội trải nghiệm game ở độ phân giải full HD chỉ với một khoản đầu tư không quá nhiều.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android