Đánh giá Drone DJI Phantom 4 Pro: Độc cô cầu bại trong thế giới của các "phi công"

    Minh Lết,  

    Dù chẳng còn đối thủ trong thị trường máy bay Drone, nhưng DJI vẫn không ngừng nới rộng thêm khoảng cách với các thương hiệu chẳng ai biết tới khác.

    Trong công nghiệp công nghệ cao, lười đổi mới có lẽ là bệnh dễ gây sạt nghiệp nhất. Nokia chết vì chậm đổi mới, BlackBerry phải bán thân trả nợ vì ngủ quên trên chiến thắng, Windows Phone cũng dặt dẹo chung quy chỉ tại 1 chữ lười. Có lẽ rút ra bài học từ đó, DJI, hãng sản xuất drone đến từ Trung Quốc không ngừng tung ra thị trường sản phẩm mới với tốc độ... bàn thờ. Chỉ riêng trong 4 tháng cuối 2016, hãng tung ra 1 lúc 3 sản phẩm ở phân khúc drone cho người tiêu dùng, riêng dòng Phantom chủ lực được nâng cấp hẳn 2 lần trong năm 2016. Phantom 4 còn chưa tắm hào quang trong danh hiệu "Flycam tốt nhất 2016" bao lâu thì Mavic Pro rồi Phantom 4 Pro ra mắt lần lượt "sóng sau xô sóng trước".

    Đánh giá DJI Phantom 4 Pro.

    Được vũ trang thêm 3 bộ cảm biến chống va chạm, camera mới tốt hơn với hàng loạt chế độ bay thông minh mới, Phantom 4 Pro liệu có đạp ngã được người đàn anh Phantom 4 chưa đầy 1 tuổi? Đặc biệt là khi mà giờ đây giá bán của Phantom 4 tại thị trường Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều (máy mới chỉ khoảng 22,5 triệu so với 32,5 triệu giá mua mới của Phantom 4 Pro).

    Thiết kế

    Thuổng lại gần như y nguyên thiết kế của Phantom 4, không có nhiều điều để nhận xét về mặt hình thức của Phantom 4 Pro. Nói cho cùng, thiết kế của Phantom 4 đã khá hoàn thiện và ra mắt cũng chưa đầy 1 năm nên việc thay đổi về thiết kế là hoàn toàn không cần thiết.

    Cũng giống như đàn anh, kích thước tiếp tục là một vấn đề nhức nhối của Phantom 4 Pro. Nếu như mục đích chính của bạn là mua 1 chiếc flycam để quay lại những chuyến đi phượt bằng xe máy của mình thì hãy cân nhắc thật kỹ. Việc mang vác theo cả 1 chiếc hộp to đùng suốt chặng hành trình đồng thời phải nâng niu, chăm chút không được quăng quật đòi hỏi rất nhiều... nghị lực và phải đam mê thực sự. Tôi từng biết nhiều người chơi drone để máy phủ bụi cả năm chỉ vì không đủ sức mang vác đặc biệt với dân du lịch bụi bằng xe máy vốn phải tính toán vật dụng mang theo với đơn vị lạng. Nếu bạn cần 1 chiếc flycam gọn gàng, phục vụ nhu cầu tự sướng và lưu giữ khoảnh khắc khi đi du lịch thì Mavic Pro là sự lựa chọn hợp lý hơn rất rất nhiều.

    Dù trọng lượng không quá nặng nhưng kích thước cồng kềnh và đòi hỏi nâng niu khiến việc xách theo Phantom 4 Pro khi đi du lịch trở thành 1 gánh nặng.
    Dù trọng lượng không quá nặng nhưng kích thước cồng kềnh và đòi hỏi nâng niu khiến việc xách theo Phantom 4 Pro khi đi du lịch trở thành 1 gánh nặng.

    Hiệu năng bay và thời lượng pin

    Sử dụng chung hệ thống nâng và điện tử với Phantom 4, Phantom 4 Pro có hiệu năng bay hoàn toàn tương tự với người tiền nhiệm. Các thao tác trên tay điều khiển được tái tạo lại rất tốt trên máy bay, đây là một trong những yếu tố từ lâu làm nên tên tuổi của DJI. Chỉ cần một chút luyện tập là người bay đã có thể luồn lách khá tốt ngay cả trong không gian hẹp. Các chế độ hỗ trợ treo (hover), hỗ trợ cân bằng hoạt động không có gì phải phàn nàn đảm bảo sự ổn định và tin cậy cho chiếc flycam trong cả tình huống trong nhà và ngoài trời.

    Hệ thống nâng và điều khiển cân bằng bay được bê nguyên từ Phantom 4 sang cho hiệu năng xuất sắc. Phantom 4 Pro phản hồi thao tác của người dùng rất nhạy và chính xác.
    Hệ thống nâng và điều khiển cân bằng bay được bê nguyên từ Phantom 4 sang cho hiệu năng xuất sắc. Phantom 4 Pro phản hồi thao tác của người dùng rất nhạy và chính xác.

    Nhìn chung nếu bạn là người mới tập bay, việc lựa chọn các thiết bị đóng mác DJI thực ra lại là sự lựa chọn hợp lý hơn rất nhiều so với việc bỏ ra vài triệu đồng mua 1 chiếc drone loại đồ chơi bay được vài bữa là vứt xó vì các thiết bị của DJI đều rất dễ bay và dễ tập.

    Thời lượng pin của Phantom 4 Pro cũng được cải thiện nhiều so với người tiền nhiệm. Sự cải thiện về thời lượng pin chủ yếu đến từ việc DJI tăng dung lượng pin của Phantom 4 Pro thêm khoảng 10% so với Phantom 4 (5870mah so với 5350mah). Thời lượng bay theo công bố của DJI đạt 30 phút nhưng theo thử nghiệm thực tế của chúng tôi có lẽ gần mức 25-26 phút hơn. So với Phantom 4 (công bố 28 phút, bay thực tế đạt 23-24 phút) thì sự cải thiện về thời lượng bay thực sự không đáng kể. Rất may là dù tăng dung lượng pin nhưng kích thước và mạch điều khiển của pin Phantom 4 Pro vẫn giống hệt Phantom 4 cho phép người dùng có thể mua pin của Phantom 4 để dùng cho Phantom 4 Pro vì giá pin, phụ kiện của Phantom 4 hiện tại đang mềm hơn đàn em khá nhiều.

    Viên pin mới tăng 10% dung lượng dù giữ nguyên kích thước. Rất may là Phantom 4 Pro có thể dùng chéo được pin với Phantom 4.
    Viên pin mới tăng 10% dung lượng dù giữ nguyên kích thước. Rất may là Phantom 4 Pro có thể dùng chéo được pin với Phantom 4.

    Tránh vật cản và chế độ bay thông minh mới

    Một trong những thay đổi được DJI nhấn mạnh ở Phantom 4 Pro là việc hãng bổ sung thêm 2 bộ cảm biến hồng ngoại ở 2 bên sườn và 1 cặp camera kép ở phía sau để tăng cường cho tính năng tránh vật cản. Nếu như ở Phantom 4 cặp camera kép phía trước chỉ giúp máy bay nhận diện và tự "phanh" khi vật cản ở phía trước thì giờ đây Phantom 4 Pro có khả năng cảm nhận vật cả ở 5 hướng (trước, sau, trái, phải và phía dưới).

    Phantom 4 Pro được bổ sung cảm biến phía sau giúp tránh vật cản khi bay lùi. Cảm biến phía sau và phía trước hoạt động khá hiệu quả trong điều kiện đủ sáng và vật cản lớn. Cần lưu ý là với các vật cản nhỏ như dây điện, lưới, cành cây nhỏ cảm biến hoạt động không hiệu quả.
    Phantom 4 Pro được bổ sung cảm biến phía sau giúp tránh vật cản khi bay lùi. Cảm biến phía sau và phía trước hoạt động khá hiệu quả trong điều kiện đủ sáng và vật cản lớn. Cần lưu ý là với các vật cản nhỏ như dây điện, lưới, cành cây nhỏ cảm biến hoạt động không hiệu quả.

    Tuy nhiên điều đáng tiếc là trong thực tế sử dụng lại không được như lý thuyết. Điển hình là việc 2 cảm biến hồng ngoại bên sườn của Phantom 4 Pro chỉ hoạt động trong 2 chế độ là Beginner Mode (không bay xa quá 30m) và Tripod Mode (Bị giới hạn tốc độ rùa bò dưới 6Km/h). Cảm biến trước, sau của Phantom 4 Pro hoạt động hiệu quả nhưng chỉ hữu dụng trong điều kiện đủ sáng. Trong thử nghiệm điều kiện trời chạng vạng khoảng 5-6h chiều, Phantom 4 Pro gặp khó khăn trong việc xác định khoảng cách đến vật cản vì vậy người bay cần hết sức chú ý.

    Cảm biến bên sườn chỉ được kích hoạt trong Beginner Mode và Tripod Mode nên gần như là vô dụng trong sử dụng hàng ngày.

    Khoảng cách cảm biến vật cản trước sau của Phantom 4 Pro cũng được cải thiện, lên đến 20m giúp nâng tốc độ bay ở chế độ tránh va chạm lên 50km/h (so với 35km/h của Phantom 4), đây là 1 sự nâng cấp thực sự đáng giá vì 35km/h là quá chậm ở nhiều cảnh đuổi bắt, bám chủ thể di chuyển.

    Cảm biến tránh va chạm phía dưới bụng của Phantom 4 Pro cũng học thêm được kỹ năng mới. Nếu như trước đây Phantom 4 khi mất sóng sẽ vô tư hạ cánh trên mặt nước, bề mặt gồ ghề dẫn tới kết cục đau thương thì Phantom 4 Pro đã khôn hơn, máy sẽ tự đánh giá bề mặt và điều kiện hạ cánh phía dưới, nếu phía dưới là mặt nước, nơi gồ ghề, cành cây thì máy sẽ tự treo trên không đợi chỉ thị của người điều khiển.

    2 camera mặt dưới bụng ngoài nhiệm vụ định vị, giúp máy bay treo 1 chỗ khi mất sóng giờ đây còn có khả năng đánh giá địa hình phía dưới máy bay để tránh tình huống tự hạ cánh xuống nước.
    2 camera mặt dưới bụng ngoài nhiệm vụ định vị, giúp máy bay treo 1 chỗ khi mất sóng giờ đây còn có khả năng đánh giá địa hình phía dưới máy bay để tránh tình huống tự hạ cánh xuống nước.

    Nhìn chung sự bổ sung của các cảm biến tránh vật cản đem lại sự an tâm phần nào cho người bay nhưng không có nghĩa là Phantom 4 Pro "bất tử". Vẫn cần rất nhiều thận trọng và kinh nghiệm để mỗi chuyến bay đều có kết cục êm đẹp.

    Phantom 4 Pro cũng được bổ sung một loạt chế độ bay thông minh mới. Các tính năng này có lẽ quá dài dòng để trình bày trong khuôn khổ 1 bài đánh giá. Chúng tôi sẽ gửi tới các bạn bài đánh giá về chúng trong1 bài viết khác 1 ngày gần đây.

    Camera

    Camera với nhiều sự thay đổi quan trọng và là nâng cấp đáng tiền nhất trên Phantom 4 Pro. Rất tiếc vẫn còn những hạt sạt không đáng có, điển hình là việc màn trập cơ làm rung camera.
    Camera với nhiều sự thay đổi quan trọng và là nâng cấp đáng tiền nhất trên Phantom 4 Pro. Rất tiếc vẫn còn những hạt sạt không đáng có, điển hình là việc màn trập cơ làm rung camera.

    Có lẽ thay đổi quan trọng nhất, đáng tiền nhất của Phantom 4 Pro so với người tiền nhiệm là camera. Sở hữu cảm biến 1 Inch EXMOR-R của Sony với diện tích gấp 4 lần so với cảm biến 1/2.3 inch sử dụng trên Phantom 4 và Mavic Pro, Phantom 4 Pro hứa hẹn chất lượng ảnh tốt hơn, ít nhiễu và nhiều chi tiết hơn. Bên cạnh đó DJI cũng nâng cấp sức mạnh cho bộ mã hoá video giúp tăng bitrate của Phantom 4 Pro lên 100Mbps (so với 60Mbps trên Phantom 4). Bitrate tăng cao về lý thuyết sẽ giúp video xử lý các khung cảnh phức tạp, nhiều chi tiết tốt hơn, giảm bớt nhiễu khối vuông.

    Thực tế thử nghiệm cho thấy camera của Phantom 4 Pro vượt trên mọi sự kỳ vọng của tôi.

    Ảnh chụp từ Phantom 4 Pro (trái) cho độ nét và độ nhiễu thấp hơn hẳn so với ảnh chụp từ Phantom 4.
    Ảnh chụp từ Phantom 4 Pro (trái) cho độ nét và độ nhiễu thấp hơn hẳn so với ảnh chụp từ Phantom 4.
    Nâng nguồn sáng lên 1 chút vẫn dễ thấy Phantom 4 Pro đè bẹp Phantom 4 cả về màu sắc, độ nét lẫn độ nhiễu.
    Nâng nguồn sáng lên 1 chút vẫn dễ thấy Phantom 4 Pro đè bẹp Phantom 4 cả về màu sắc, độ nét lẫn độ nhiễu.
    Để dễ so sánh, Phantom 4 Pro (Trái) cũng cho Galaxy S7 Edge (phải) ngửi khói về khả năng khử nhiễu dù S7 Edge nhanh hơn 1.5 stop.
    Để dễ so sánh, Phantom 4 Pro (Trái) cũng cho Galaxy S7 Edge (phải) ngửi khói về khả năng khử nhiễu dù S7 Edge nhanh hơn 1.5 stop.
     Nghịch 1 chút, so sánh Phantom 4 Pro với Canon 7D sẽ thấy chân lý rằng trong nhiếp ảnh không có gì thay thế được kích thước cảm biến.

    Nghịch 1 chút, so sánh Phantom 4 Pro với Canon 7D sẽ thấy chân lý rằng trong nhiếp ảnh không có gì thay thế được kích thước cảm biến.

    Việc bổ sung khả năng điều chỉnh khẩu độ cũng giúp Phantom 4 Pro linh hoạt hơn khi ghi hình trong điều kiện ngoài trời thừa sáng mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào ND Filter như các sản phẩm tiền nhiệm. Tuy nhiên thử nghiệm thực tế cho thấy ngay cả ở khẩu độ f/11 Phantom 4 Pro vẫn không "dìm" được thời gian phơi sáng xuống mức 1/120 hoặc 1/60 vốn rất thiết yếu khi quay phim. Giá như DJI đi xa hơn 1 bước bổ sung mức khép khẩu tới 1/22 thì sẽ hữu dụng hơn rất nhiều.

    Xem ảnh full.

    Xem ảnh full.

    2 bức ảnh chụp từ Phantom 4 Pro (đã hậu kỳ)

    Clip quay từ Phantom 4 Pro (đã hậu kỳ).

    Màn trập cơ cũng là 1 trong những tính năng được DJI nói đến nhiều, tuy nhiên tính năng này lại hết sức vô dụng vì khi sử dụng màn trập cơ, camera của Phantom 4 Pro bị rung dẫn tới việc rung nhoè hình đặc biệt là khi đang phơi sáng. Rất may DJI cũng nhận ra sai lầm này và bổ sung 1 tuỳ chọn trên App DJI Go để tắt màn trập cơ, dùng hoàn toàn màn trập điện tử.

    Kết luận

    Với Phantom 4 Pro, DJI lại 1 lần nữa đào sâu thêm khoảng cách vốn đã mênh mông giữa hãng với các đối thủ cạnh tranh. Thực tế là đến thời điểm hiện tại, không một hãng sản xuất drone nào có được 1 sản phẩm thực sự xứng tầm đối chọi với Phantom 4 chứ chưa nói tới Phantom 4 Pro.

    Nhìn lại vẫn có những thứ đáng ra Phantom 4 Pro có thể làm tốt hơn như việc cải thiện cảm biến vật cản bên sườn, cải thiện ứng dụng điều khiển trên điện thoại, màn trập cơ bị lỗi... Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nếu bạn cần 1 chiếc drone cho chất lượng hình ảnh xuất sắc, dễ bay dễ điều khiển và giá tiền không đến nỗi phải tính đường bán máu bán thận thì Phantom 4 Pro là sự lựa chọn số 1. 32 triệu cho 1 chiếc flycam luôn tiềm ẩn nguy cơ thành đống phế thải chỉ từ 1 giây mất tập trung rõ ràng không dành cho đại đa số người chơi ở Việt Nam. Nhưng nếu bạn đam mê nhiếp ảnh trên không và đặt nặng yêu cầu về chất lượng hình ảnh đồng thời không ngại làm cửu vạn thì bạn sẽ không tìm được sự lựa chọn nào hợp lý hơn Phantom 4 Pro.

    Tôi chỉ còn biết hi vọng rằng DJI sẽ tiếp tục "một mình một ngựa" tiên phong trong việc nâng chuẩn của cả ngành công nghiệp Drone. Vì như 1 cao thủ võ lâm nào đó từng nói "trên đỉnh cao cô đơn lạnh lẽo và dễ ngủ quên lắm".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ