Đánh giá khả năng stream của cặp đôi hot nhất hiện nay: GTX 1080 Ti se duyên cùng R7 1700X

    Master Dùi,  

    Khi giấc mơ chỉ cách hiện thực hơn 2 tấn gạo.

    Nvidia GeForce GTX 1080 Ti ra đời mang trên mình sứ mệnh trở thành chiếc card đồ hoạ phổ thông mạnh mẽ nhất của người khổng lồ xanh tới từ Đài Loan. Với số nhân CUDA bằng với Titan X Pascal siêu cấp, GTX 1080 Ti mang trong mình sức mạnh khủng khiếp mà khó tựa game nào có thể gây khó khăn được, đặc biệt ở các độ phân giải dưới 4K.

    Cùng ra mắt trong tháng Ba là bộ ba Ryzen của AMD được săn đón không kém. Từ R7 1700 đến R7 1800X đều nhận được những lời khen tốt đẹp từ các reviewer trên khắp thế giới, bao gồm tôi. Với hiệu năng quá ấn tượng cùng mức giá vô cùng hợp lý, Ryzen trở thành một lựa chọn hoàn hảo để thay thế hầu hết các CPU i7 cao cấp của Intel từ i7-6900K trở xuống. Dù hiệu năng game còn thua thiệt chút đỉnh so với i7-7700K, các CPU R7 vẫn quá hấp dẫn để chối từ. Không những thế, với những bản cập nhật thường xuyên cho hệ điều hành và BIOS, hiệu năng của Ryzen đang được cải thiện từng ngày.

    Cầm trên tay bộ đôi hàng nóng này, trong tôi liền nổi lên thôi thúc bắt tay ngay vào review. Nhưng vấn đề là review về hiệu năng chơi game từng thành phần của bộ đôi này đã tràn đầy trên mạng, tôi bỗng nảy ra ý tưởng tại sao không đưa bộ đôi này vào một trong những tác vụ đang được ưa chuộng hiện nay, stream.

    Sử dụng những linh kiện mạnh mẽ nhất trong tay, tôi liền dựng ngay cấu hình stream mà tôi tin rằng không chỉ riêng tôi hay các streamer mà bất cứ ai cũng sẽ phải thèm thuồng.

    Do số lượng tản nhiệt tương thích với các CPU socket AM4 còn khá hạn chế, chưa kể việc tìm mua được một chiếc bo mạch chủ có 2 lỗ bắt vít theo chuẩn AM3 lẫn AM4 như ASUS Crosshair VI Hero là khá khó khăn và đắt đỏ nên tôi tận dụng luôn tản nhiệt AIO cũ của cấu hình trước. Dây thít cân cả thế giới!

    Cấu hình chi tiết:

    -CPU AMD R7 1700X

    -Bo mạch chủ MSI X370 Pro Gaming Carbon

    -RAM G.SKill Trident Z RGB 16GB @2667MHz 14-14-14-34

    -VGA Nvidia GeForce GTX 1080 Ti Founders Edtition

    -NVMe Samsung SM961 256GB

    -SSD SanDisk Ultra II 500GB

    -Nguồn CoolerMaster Silent Pro M1000

    -Vỏ Phanteks P400 Tempered Glass

    -Tản nhiệt AIO Thermaltake Water 3.0 Performer

    Tất cả các games đều được cài đặt trên SSD để đảm bảo tốc độ và hiệu năng tốt nhất. Phần mềm stream được sử dụng là OBS và các phần mềm đọc thông số phụ trợ như MSI AfterBurner, HWinfo. Các thông số đầu ra của OBS được thiết lập như dưới đây để đảm bảo chất lượng hình ảnh cao cho stream cũng như vắt kiệt sức mạnh của R7 1700X.

    Các tựa game đều được thiết lập ở mức cao nhất để GTX 1080 Ti có thể phô diễn sức mạnh. Độ phân giải được lựa chọn là 1080p để có nhiều khung hình dư thừa, giúp R7 1700X có việc để làm. Các tựa game được lựa chọn thường xuyên được stream trên các website nổi tiếng như Twitch.

    Mở màn với Ghost Recon Wildlands, một trong 2 tựa game AAA của Ubisoft được ra mắt vào tháng Ba. Có thể thấy, GTX 1080 Ti và R7 1700X gần như không gặp chút khó khăn nào khi stream. Các chỉ số về FPS cũng chỉ kém 2-3 FPS so với khi không stream. Điều này cũng dễ hiểu khi chúng ta thấy CPU load chỉ từ 22 đến 47%, vẫn còn quá nhiều sức mạnh dư thừa từ R7 1700X mà các streamer có thể tận dụng.

    Tiếp theo là For Honor, tựa game hành động chặt chém đối kháng với cách chơi hoàn toàn mới. Song hành với Wildlands, tựa game này giúp kéo tâm điểm chú ý của tháng Ba dồn vào Ubisoft. FPS luôn được giữ ở mức cao rất cao nên việc đảm bảo được 60 khung hình mỗi giây cho stream là một việc dễ như ăn kẹo.

    Bài thử tiếp theo là DotA 2, tựa game ARTS lừng danh với hàng chục giải đấu tiền tấn hàng năm. Tựa game của IceFrog cũng luôn giữ top 5 game có số lượng người xem stream trên Twitch trong phần lớn thời gian. Trong bất kì hoàn cảnh nào, từ farm rừng, farm lane đến combat, FPS của hệ thống vẫn luôn đạt mức cao, khoảng từ 120 đến 140, không có sự chênh lệch về FPS giữa máy đang stream và không tream. CPU luôn chỉ chạy ở mức khoảng 30% cho thấy sức mạnh encode của R7 1700X khủng khiếp đến nhường nào.

    Trong khi đó, với CS:GO, tựa game bắn súng eSport mạnh nhất thế giới luôn cho FPS ở mức cao khoảng từ 144 FPS trở lên, đảm bảo khả năng tận dụng được tần số quét 144 Hz của các màn hình chơi game. Với những game thủ thích thiết lập chất lượng hình ảnh trong game thấp để có FPS cao giúp giảm input lag, khả năng của bộ đôi này vẫn còn rất thừa thãi.

    Overwatch, đứa con lai của FPS và MOBA cũng được sử dụng để thử thách bộ đôi của chúng ta. Tựa game tới từ Blizzard cho thấy khả năng tận dụng phần cứng khá tốt khi đẩy CPU usage của R7 1700X lên khoảng 50% khi stream, điều khá hiếm hoi trong thời điểm hiện tại. Sức mạnh khủng khiếp của GTX 1080 Ti giúp FPS của game luôn ở tầm 180 trong phần lớn thời gian chơi game dù mọi thiết lập đều được đặt ở mức cao nhất.

    Cuối cùng là Battlfield 1, tựa game bắn súng lấy chủ đề chiến trường của EA. Nhờ tận dụng được thư viện DirectX 12, BF1 có thể tận dụng gần như phần lớn sức mạnh của R7 1700X lẫn GTX 1080 Ti. Nhờ song kiếm hợp bích với OBS, tựa game này đã có thể đẩy CPU usage lên tới hơn 70% trong khi GPU usage có thể đạt gần 100%. Tuy nhiên, dù ở mức thiết lập cao nhất, FPS của game vẫn trung bình ở mức 150.

    Các thông số ghi nhận được từ HWiNFO64 giúp chúng ta có thể quan sát được nhiệt độ, mức tiêu thụ điện và % sử dụng của GTX 1080 Ti cũng như R7 1700X. Một điểm lưu ý là do thiết lập của AMD, cảm biến nhiệt độ của CPU R7 1700X và 1800X sẽ có hệ số an toàn là 20 độ C. Bởi vậy, nhiệt độ khi chơi game và stream của R7 1700X cao nhất cũng chỉ khoảng 53 độ. Đây là điều cũng dễ hiểu bởi vừa game vừa stream vẫn chưa thể vắt kiệt được sức mạnh của R7 1700X.

    Quay trở lại với nhân vật chính, GTX 1080 Ti. Con quái vật của làng card đồ hoạ này cho thấy sức mạnh của mình khủng khiếp tới nhường nào khi cân tất cả các game ở thiết lập cao nhất với FPS khoảng 100 hoặc hơn. Không những thế, lượng nhân CUDA ngang Titan X Pascal giúp GTX 1080 Ti không chỉ chơi giỏi mà còn làm hay khi hiệu năng trên After Effect hay Premier Pro ngang phân với đàn anh. Điểm hạn chế duy nhất của chiếc card này có lẽ là thiết kế tản nhiệt lồng sóc khiến nhiệt độ khá cao nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.

    Quả thật, với GTX 1080 Ti trong cấu hình của mình, chủ nhân của nó chắc chắn sẽ có thể thoải mái cày ải bất cứ tác vụ liên quan tới GPU nào mà không cần phải suy nghĩ. Tiềm năng của GP102 cũng như thiết kế bo mạch đẳng cấp của Nvidia là quá lớn để có thể kết luận được một điểm dừng trong hiệu năng của GTX 1080 Ti Founders Edition này. Nếu bạn chưa biết thì chiếc card này đã được chuyên gia ép xung KingPin đến từ EVGA đẩy xung nhịp lên 3,0 GHz bằng tản nhiệt ni-tơ lỏng LN2. Có một điều duy nhất đến giờ tôi có thể khẳng định được là nếu được kết hợp với một dàn tản nhiệt nước đẳng cấp, việc đẩy xung nhịp của GTX 1080 Ti FE lên trên 2,0 GHz sẽ chỉ bị cản trở bởi vài cú click chuột.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ