Đánh giá Lenovo Yoga 3 Pro - Con đường mới, cuộc chiến mới
Lenovo Yoga 3 Pro đã mở ra một con đường rất mới , một cuộc chiến nhằm thẳng vào Apple nói chung và Macbook Air nói riêng.
Là một trong những hãng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ Broadwell tiên tiến nhất của Intel, Lenovo Yoga 3 Pro vốn đã mang trong mình nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi trở thành người dò đường nhằm tìm ra một hướng phát triển mới cho dòng sản phẩm máy tính xách tay chạy Windows trong tương lai, đồng thời cũng là tìm ra con đường đánh bại Macbook Air bất khả chiến bại của Apple.
Trước hết phải định vị lại đối tượng cho những sản phẩm thuộc thể loại này theo mức giá trên 30 triệu, đó không phải sản phẩm hướng tới nhu cầu phục vụ tốt cho một game thủ cần chơi mượt mà tất cả các thể loại game với hình ảnh ở mức thiết lập cao nhất. Đây cũng không phải sản phẩm chỉ để một chỗ trên mặt bàn và làm những việc như gõ văn bản. Mà đây là sản phẩm hướng tới đối tượng là những doanh nhân, máy tính cần đảm bảo nhu cầu xử lý tác vụ cơ bản cực nhanh, nhỏ gọn dễ di động và ít phải quan tâm đến Pin.
Benchmark sức mạch của Yoga 3 Pro
Để thử nghiệm sức mạnh của dòng CPU Broadwell mới nhất của Intel, chúng tôi vẫn áp dụng những bài test tốc độ phổ biến để độc giả có thể so sánh được tốc độ xử lý mà chip 5Y70 (hiệu năng cao nhất trong dòng Broadwell hiện tại) mang lại so với những dòng vi xử lý thế hệ trước.
CPU
Nhìn vào kết quả, có thể thấy điểm số này gần bằng so với một chip Core i5 3xxxU (Chip Ivy Bridge dòng dành cho Ultrabook tiết kiệm điện năng). Hoặc nếu so với một sản phẩm loại thông thường trên máy bàn thì Broadwell 5Y70 bằng khoảng 2/3 hiệu năng của một chip Pentium Dual Core dòng Haswell mới nhất.
Tuy nhiên cái mà chúng ta phải chú ý ở Core m đó chính là mức điện năng tiêu thụ tối đa của CPU, nếu nhìn vào dòng Ultrabook của các chip Core i thế hệ trước thì mức TDP dù đã đạt tới mức khoảng 12W nhưng so với Core m vẫn chưa là gì. Intel Core m được gia công trên dây chuyển 14 nm nên hạ thấp điện năng tiêu thụ của CPU xuống chỉ còn 4,5W tức là gần bằng 1/3 so với dòng chip Core i cho Ultrabook.
Với một mức tiêu thụ thấp bằng 1/3 mà cho hiệu năng gần tương đương thì rõ ràng đây là một bước nhảy vọt của Intel khiến các sản phẩm CPU x86 của hãng này ngày một đe dọa thị phần của ARM mà đối thủ trước mắt là Qualcomm.
GPU
Hiệu năng GPU tích hợp của Intel trên các con chip thế hệ mới có hiệu năng tốt hơn nhiều so với các dòng GPU tích hợp trên mainboard trước đây tuy nhiên nếu đem so với tốc độ hiện tại của đồ họa máy tính thì rõ ràng đây không phải 1 con chip tốt để xử lý các hình ảnh 3D.
Như vậy là nhìn vào kết quả benchmark của CPU và GPU qua những phép thử phổ thông nhất hiện nay thì rõ ràng sức mạnh của Core m 5Y70 chỉ gần tương đương với chip Core i5 đời 3xxxU (dòng dành cho Ultrabook) Còn về đồ họa thì Intel HD Graphic 5300 rõ ràng Intel không hướng cho sản phẩm GPU tích hợp của mình khả năng chiến game khủng mà chỉ trang bị cho nó những kĩ năng xử lý phim, hình ảnh đơn thuần tương thích với các loại màn hình phân giải siêu cao ví dụ như màn hình 4K của chiếc Yoga 3 Pro. Đặc biệt là khi cần xử lý những bộ phim phân giải cực cao như 2K hay 4K thì yếu tố gây thắt cổ chai lại nằm ở ổ cứng và Yoga 3 Pro đã xử lý được điểm này.
RAM
bộ nhớ RAM dung lượng 8GB có tốc độ sau khi bench cũng ở mức rất cao, nhìn vào kết quả có thể thấy kit RAM trên Lenovo Yoga 3 Pro đạt tốc độ tương đương với những kit chạy ở mức Bus 1600 của máy bàn.
SSD
Với 256 GB SSD và tốc độ sau phép thử cũng cho thấy một kết quả tương đối sáng lạn, mặc dù không thể bằng những SSD cao cấp có tiếng như Plextor nhưng nếu xét trên mặt bằng chung của tốc độ SSD hiện nay thì SSD sử dụng trên Yoga 3 Pro sẽ ở mức khá tương đương khoảng 8/10 điểm.
Chẳng phải tự nhiên mà Lenovo trang bị cho Yoga 3 Pro những thứ mà nếu như ở nhà chúng ta build case chơi game thì nó là xa sỉ, những thành phần như RAM và SSD tốc độ cao không mang lại trải nghiệm tốt cho game và các phần mềm "nặng tựa Thái Sơn" nhưng nó lại chính là thành phần mấu chốt khiến cho tốc độ khởi động từ trạng thái Poweroff chỉ dưới 10 giây và tốc độ khởi động từ trạng thái sleep chỉ mất 3 giây. Đây là điều bắt buộc của một chiếc máy tính dành cho doanh nhân vì những khó chịu như việc phải chờ máy khởi động sẽ làm ngắt quãng những ý tưởng thoáng qua có thể mang về cho doanh nghiệp cả 1 núi tiền.
Màn hình 4K tốt nhưng lại thành điểm trừ
Một thành phần nữa được Lenovo đầu tư rất tốt đó là màn hình IGZO cực cao cấp với độ mỏng khó tưởng tượng nổi và phân giải cao tới mức Macbook Air phải ghen tỵ, thậm chí màu sắc của màn IGZO cũng chân thật không thua gì màu trên các màn hình máy Mac, nơi mà người ta vẫn lấy làm chuẩn mực của màu sắc màn hình.
Thế nhưng những điểm khó chịu của màn hình 4K lại bị một bên chẳng liên quan gây ra và đó là Microsoft.
Đáng buồn là Microsoft chưa có cơ chế hỗ trợ màn hình phân giải cao tốt như của Apple vì thế mà phần lớn những phần mềm chuyên dụng khi hiển thị trên màn hình 4K sẽ thể hiện đúng tỉ lệ như mọi loại màn hình khác nên là các biểu tượng các thanh công cụ và cả chữ nghĩa trong cửa sổ phần mềm sẽ bé ly ti đến mức phải cầm khính lúp mà soi xét thì mới đọc nổi.
Thật may những vấn đề này đã được khắc phục trong những bản cập nhật sau này của phần mềm.
Các kết nối ngoại vi
Phần còn lại của các loại kết nối ngoại vi, rõ ràng Lenovo sẽ phải trang bị cho Yoga 3 Pro những công nghệ tân tiến bậc nhất để có thể thỏa mãn 1 doanh nhân vì vậy mà máy sẽ trang bị kết nối Bluetooth 4.01 siêu tiết kiệm năng lượng và Wifi thì support tới chuẩn AC mà thậm chí có lẽ bản thân Yoga 3 Pro còn hỗ trợ dualband (2,4 Ghz và 1 band 5 Ghz) để phục vụ phát lại hotspot từ Wifi sang Wifi, điều mà các laptop khác chịu thua.
Bàn phím tốt
Bàn phím trên Yoga 3 Pro nói chung đáp ứng tốt nhu cầu gõ văn bản so với các loại bàn phím laptop nói chung, một loại bàn phím có hành trình dài và lực gõ rất đều từ trên xuống dưới không tạo cảm giác phải dùng sức, có lẽ lenovo đã tìm được phần nào giải pháp bàn phím cho doanh nhân khi thu nhận được mảng sản xuất Thinkpad 1 thời của IBM và áp dụng nó trên hầu hết các sản phẩm của mình.
Đồng thời mặt chữ trên phím được gia công tách biệt với phần keycap nên thời gian dài sử dụng sẽ chỉ khiến mặt phím bóng lên chứ không bao giờ có hiện tượng mờ chữ. Đồng thời việc tích hợp đèn nền phím cũng rất hiệu quả nếu như cần làm việc trong bóng tối, ánh sáng tỏa ra từ bàn phím đủ để nhìn rõ trong đêm mà lại không gây chói khi mà đồng tử mắt đã giãn hết cỡ vì làm việc tối.
Điểm gây khó chịu duy nhất của bàn phím Lenovo Yoga 3 Pro đó là việc bề mặt vốn ở dạng sơn mờ nhưng bị mài bóng quá nhanh bởi mồ hôi và ma sát trong khi gõ vì vậy mà nó tạo cho người dùng một cảm giác không thân thiện và sạch sẽ.
Quay lại nói về thiết kế chung
Nếu ngay lúc này, đặt 1 chiếc Yoga 3 Pro bên cạnh 1 chiếc Macbook Air thì có đến 7/10 người sẽ nhặt ngay chiếc Macbook Air. Cũng không thể cho rằng người ta chọn Macbook Air vì nó đẹp hơn nhiều Yoga 3 Pro mà chỉ vì Macbook Air có thương hiệu tốt hơn nhưng rõ ràng không thể phủ nhận rằng Lenovo đã dám đối mặt với 1 tượng đài chứ không tránh né.
Tất cả các thông số kĩ thuật của Lenovo đều mang Macbook Air ra để so sánh và làm tốt hơn Apple ví dụ như về độ mỏng và về trọng lượng Yoga 3 Pro đều vượt trội hơn. Thế nhưng cũng phải công nhận rằng Lenovo vẫn thiếu 1 cái gì đó giống như sự tinh tế trong thiết kế. Mặc dù toàn thân máy được làm bằng nhôm nhưng để giảm trọng lượng họ đã phải giảm độ dày của các tấm nhôm và lót nhựa xuống dưới 1 là để cách điện giữa các linh kiện với vỏ và lý do thứ 2 là để nó có thể nhẹ hơn Macbook Air. Chính những cố gắng này đã khiến cho Lenovo Yoga 3 Pro mỏng manh hơn.
Lenovo cũng không phải kẻ chỉ biết chạy theo sau macbook Air và họ cũng đã sáng tạo ra 1 thiết kế bản lề gập chưa từng có, nó biến bản lề cổ điển dạng lá trở thành bản lề dạng 4 trục quay và tự hãm bằng cơ cấu bánh răng tạo nên từ các lá thép mỏng xếp xít lại với nhau. Chính vì thiết kế này mà Lenovo Yoga 3 Pro có thể gập ngược cả ra sau tới 360 độ nhưng vẫn không cần dùng bản lề lá kép như các máy tính lai tablet thông thường khác.
Việc hỗ trợ các kiểu sử dụng gập máy 360 độ cũng chưa thể hiện hết được tài tăng của mình trong thời điểm hiện tại bởi bản thân Windows 8.1 cũng chưa support thực sự tốt với màn hình cảm ứng, bởi thực sự họ mới chỉ đầu tư cho các trải nghiệm dùng bút trên Surface trong khi Lenovo Yoga 3 Pro lại không có bút
Thời lượng Pin, cái kết của mọi bài đánh giá
Như các bạn đã biết, công nghệ ngày nay phát triển như vũ bão nhưng chỉ duy nhất công nghệ Pin vẫn là cản trở duy nhất khiến cho thế giới công nghệ không thể tiến sang một kỷ nguyên mới.
Tất nhiên Pin trên Lenovo Yoga 3 Pro vẫn chỉ là Lithium - Polymer vẫn đang được sử dụng trên một số smartphone, về thông số pin thì không có thông tin gì được in trên mặt đáy của máy nhưng theo những thông tin dò tìm được thì máy có dung lượng 44,8 Wh không phải một con số to tát bởi bản thân thiết kế siêu mỏng của nó không hề cho phép.
Nhưng trên trải nghiệm thực tế, máy có thể hoạt động khoảng 4 giờ đồng hồ liên tục trong bài test lướt web. Đây là con số rất tốt và đáng mơ ước của các loại laptop khác nhưng lại chưa phải đối thủ của Macbook Air điều mà Lenovo và những hãng muốn sản xuất Macbook Killer khác phải xem xét tới.
Kết lại thì cũng phải nói, mức giá hơn 30 triệu đồng của Yoga 3 Pro thực sự vẫn hơi cao so với những gì mà chúng ta thu lại được, nhưng sớm muộn gì con số này sẽ ngày càng giảm xuống trên các thiết bị phiên bản tiếp theo của Lenovo khi mà dòng chip Broadwell đã trở thành mặt hàng phổ thông.
Cũng trong CES 2015 vừa qua, chúng ta cũng đã nhìn thấy sự xuất hiện của 2 sản phẩm khác có cùng mục tiêu như Lenovo Yoga 3 Pro đến từ Samsung và Asus là lật đổ vị trí độc tôn của Macbook Air. Điều này rõ ràng có thể nhìn thấy một cuộc chiến mới mẻ sẽ lại nổ ra ở 1 thị trường đã ổn định từ lâu. Hãy cùng chờ xem tương lai công nghệ thế giới sẽ thay đổi ra sao dưới bàn tay của các ông lớn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?