Đánh giá Realme 3 Pro: trong tầm giá 7 triệu, có nên nâng cấp không?
Mua smartphone giá bình dân không có nghĩa ta không có quyền đòi hỏi thêm những điều còn thiếu sót!
Mặc dù được may mắn dùng thử những chiếc smartphone cao cấp như OPPO Reno 10x hay Samsung Galaxy S10e, là một sinh viên mình không muốn tiêu sài quá phung phí nên thường nhắm đến các dòng smartphone tầm trung mà thôi.
Đầu năm nay, mình quyết định đầu chiếc Realme 2 Pro với 5 tiêu chí chủ chốt: vi xử lý Snapdragon 660 đủ dùng, màn hình 'giọt nước' nhìn hiện đại, cổng micro SD (lưu trữ nhạc), cổng 3.5mm (để...nghe nhạc) và tất nhiên là mức giá tầm trung 'dễ nuốt'.
Mới đây, Realme đã ra mắt sản phẩm mới nhất là chiếc Realme 3 Pro, chính là phiên bản kế nhiệm trực tiếp của chiếc smartphone mình đang dùng. Vậy sau hơn 1 tuần trải nghiệm, mình có những cảm nhận gì về chiếc Realme 3 Pro (ngoại trừ tiếc nuối vì sản phẩm mình đang dùng đã không còn là mới nhất nữa)?
Thiết kế sặc sỡ hơn
Ngay từ khi lấy máy ra khỏi hộp, ta biết được ngay đây là một chiếc máy mới vì có thiết kế khác biệt hoàn toàn với sản phẩm tiền nhiệm. Realme 3 Pro có mặt lưng màu radient, chuyển dần từ tím sang xanh đậm lại có một chút 'óng ánh' khi ra nắng, đối lập hoàn toàn với mặt lưng màu xám đơn giản của Realme 2 Pro.
Nói một cách thật lòng, thì mình lại thích cách phối màu sắc đơn giản hơn, nhưng không phủ nhận nhiều bạn lại thích vẻ ngoài bắt mắt, sặc sỡ như Realme 3 Pro để 'thể hiện cá tính'.
Tại mặt lưng ta vẫn có camera kép (sẽ nói rõ hơn ở phần sau) cùng cảm biến vân tay. Một số dòng máy cao cấp hiện đã chuyển cảm biến vân tay xuống dưới màn hình, nhưng với những dòng máy tầm trung thì đặt chúng ở mặt lưng cũng được, loại này vẫn cho tốc độ đọc nhanh hơn cảm biến vân tay dưới màn hình áp dụng ở Galaxy A50.
Nắp lưng vẫn được làm bằng nhựa chứ không phải kính, nên tất nhiên khi trên tay cho cảm giác của những dòng máy tầm trung, điều này ta phải chấp nhận mà thôi.
Điểm cộng là máy được làm mỏng hơn so với Realme 2 Pro, kèm theo đó là các cạnh viền đã được vát cong nhẹ nên không còn bị cấn khi cầm trong thời gian dài.
Máy vẫn giữ cổng sạc micro USB chứ chưa chuyển sang USB Type-C, ngược lại thì có điểm cộng là đã được trang bị chuẩn sạc VOOC 3.0 mới nhất; kèm theo đó ta vẫn có cổng 3.5mm.
Không dừng lại ở đó, Realme 3 Pro vẫn giữ 2 khe SIM riêng biệt kèm theo một khe thẻ nhớ micro SD. Mặc dù chỉ sản xuất các dòng máy tầm thấp và trung, nhưng Realme vẫn cung cấp cho người dùng những thứ mà các dòng máy cao cấp đã dần bỏ, cho cảm giác sử dụng rất 'đầy đủ'!
Màn hình giống nhau trên giấy, thực tế khác biệt
Như đã nói ở trên, một trong những lý do lớn để mình chọn Realme 2 Pro là màn hình 6.3 inch FullHD có 'giọt nước', vừa đủ độ phân giải vừa nhìn khá hiện đại. Nhưng sau khi sử dụng thực tế thì các điểm yếu của màn hình này mới lộ ra:
- Cân bằng trắng sai, ngả về màu xanh dương rất rõ rệt. Máy cho phép chỉnh lại về màu cam, nhưng dù có điều chỉnh mấy thì màu trắng cũng không bao giờ đúng được.
- Tầm nền có độ trễ nhất định, nên nếu kéo nhanh sẽ xảy ra hiện tượng bóng mờ (ghosting), khiến cho các yếu tố trên màn hình không còn 'sắc nét' như thông thường. Hiện tượng này không quá nghiêm trọng, nhưng vẫn đủ để nhận ra.
Với Realme 3 Pro, hãng vẫn giữ nguyên cấu hình màn hình y hệt phiên bản cũ, cùng độ lớn, hình dáng và cả độ phân giải luôn. Nếu nhìn cấu hình trên giấy, ta có thể tưởng nhầm rằng hãng vẫn sử dụng chung một tấm nền, không có nâng cấp gì cả. Song điều đó sai hoàn toàn, vì màn hình Realme 3 Pro có chất lượng cao hơn hẳn, giải quyết được triệt để 2 vấn đề trên, giúp cho trải nghiệm thực tế tốt hơn rất nhiều.
Giao diện có cải thiện, nhưng vẫn không thực sự tốt
Điểm mà mình đã chuẩn bị tâm thế để 'chấp nhận' khi mua Realme 2 Pro đó là giao diện ColorOS. Giống như Huawei, thì OPPO (và Realme là công ty 'chị em') sử dụng phiên bản Android có nhiều bloatware khi mới mở lần đầu, giao diện không hề đẹp và thậm chí có nhiều chi tiết khá là 'khó hiểu'.
Giao diện ColorOS 6 trên Realme 3 Pro
ColorOS 6 trên Realme 3 Pro cũng đã có sự cải thiện so với Realme 2 Pro, trong đó lớn nhất là việc cập nhật đồ họa chuyển cảnh và các giao diện ứng dụng mặc định. Nhưng mình vẫn không đánh giá đây là bộ giao diện đẹp khi vẫn có bloatware, các icon trên màn hình chính mỗi cái một hình dáng và sử dụng quá nhiều màu sắc gấy rối mắt.
Chế độ nhà phát triển (Developer Mode) gây bực mình trên các máy OPPO / Realme
Một điều nữa làm mình rất bực mình khi sử dụng các dòng máy của OPPO và Realme đó là có vẻ như 2 hãng này không muốn người dùng sử dụng chế độ nhà phát triển (Developer Mode). Mình sử dụng tính năng này để giảm thời gian đồ họa (Animation) giúp cho máy có cảm giác sử dụng nhanh hơn (từ 1x xuống 0.5x).
Với Realme 2 Pro, sau khi chỉnh 1 ngày thì tất cả các lựa chọn đó lại...nhảy về trạng thái cũ. Realme 3 Pro thì không còn xảy ra hiện tượng này, nhưng vẫn tạo ra một dòng thông báo khuyến khích người dùng tắt chế độ này đi. Đây là một điều rất khó hiểu và khó chịu!
Nâng cấp cấu hình đủ lớn
Sự khác biệt về cấu hình của 2 dòng máy có thể tóm gọn bằng việc thay đổi vi xử lý: từ Snapdragon 660 lên Snapdragon 710. Cả 2 đều là vi xử lý tầm trung của Qualcomm, nhưng chắc chắn ai cũng biết rằng phiên bản 710 mới, xây dựng trên tiến trình nhỏ hơn nên tất nhiên sẽ mạnh mẽ hơn.
Đánh giá hiệu năng Realme 3 Pro
Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất là ở GPU, khi Snapdragon 710 có điểm hiệu năng cao cấp 1.5 lần so với 660, nên sẽ là một nâng cấp lớn dành cho những 'game thủ mobile'. Trong các tác vụ hàng ngày, Realme 3 Pro cũng có phần mượt hơn, không rõ là do vi xử lý mới hay tối ưu hóa về phần mềm nhưng tất nhiên vẫn là một điều đáng khen.
Khả năng chụp hình thay đổi từ phần cứng tới phần mềm
Hệ thống chụp hình của Realme 3 Pro gồm có một camera selfie 25MP f/2.0, camera kép ở mặt sau gồm camera chính 16MP f/1.7 và cảm biến đo chiều sâu 5MP. Cả camera selfie và cảm biến đo chiều sâu đều tăng độ phân giải so với Realme 2 Pro, nhưng tại sao hãng vẫn giữ nguyên độ phân giải ở camera chính?
Đây tiếp tục là một chi tiết 'giống trên giấy, khác ngoài đời' như màn hình, vì cảm biến 16MP được sử dụng trên Realme 3 Pro là Sony IMX519 mới hơn so với phiên bản cũ, và cũng là loại đã được sử dụng trên dòng máy OnePlus 6T có giá bán cao hơn rất nhiều.
Ảnh từ Realme 2 Pro (trái) và Realme 3 Pro (phải)
Ảnh zoom 100%
Sự khác biệt trên ảnh không hẳn là 'một trời một vực', song cũng đủ để thấy được. Các bức hình từ Realme 3 Pro có độ nét cao hơn một chút, các hạt nhiễu cũng không có màu (nhiễu của Realme 2 Pro thường biến sắc thành màu tím) nên cho cảm giác sạch sẽ hơn.
Chế độ Ultra HD, được quảng cáo là tạo ảnh 64MP!
Điểm khác biệt của 2 dòng máy cũng nằm ở phần mềm, khi Realme 3 Pro có thêm những chế độ phụ trợ cho việc chụp hình. Trong số đó, tính năng 'bắt mắt' nhất là chế độ chụp Ultra HD, theo quảng cáo là có thể ghép 4 hình ảnh 16MP lại thành một ảnh độ phân giải lên tới 64MP.
Quả thực khi dùng chế độ này, máy cho ra những tấm hình có kích thước 6912 x 9216 diểm ảnh, to hơn cả ảnh từ chiếc máy ảnh medium format Fujifilm GFX50R có giá bán trên 100 triệu đồng! Nhưng khi zoom lên để 'soi' chi tiết, thì ảnh 64MP lại...không cao hơn so với ảnh 16MP thông thường. Ở chế độ này máy cũng hoạt động chậm hơn khá nhiều so với chụp thường, nên mình cho là lợi bất cập hại!
So sánh ảnh 16MP (trái) và 64MP (phải) theo đúng kích thước thực
Hình crop từ ảnh 16MP (trái) và 64MP (phải)
Các tính năng khác hữu dụng hơn, và có thể sử dụng được hàng ngày bao gồm: chụp xóa phông cả người lẫn đồ vật, chế độ chụp gần (macro), chụp đêm (Night Mode) và quay phim siêu chậm 960fps để tạo ra các ảnh GIF lạ mắt như dưới đây:
Một vài ảnh chụp thử từ Realme 3 Pro:
Pin sạc cải thiện một cách nhảy vọt
Tất cả những nâng cấp nói trên đều làm cho trải nghiệm của Realme 3 Pro tốt hơn so với Realme 2 Pro, nhưng với mình điểm khác biệt lớn nhất, tạo ra khác biệt nhiều nhất đó là vấn đề về pin sạc.
Máy có viên pin 4045mAh (lớn hơn 545mAh), kết hợp với cấu hình tầm trung thì có thể sử dụng được trong vòng 2 ngày một cách thoải mái nếu không chơi game nặng trong thời gian dài. Kèm theo đó, chuẩn sạc VOOC 3.0 giúp cho Realme 3 Pro đầy pin từ 0% trong vòng 80 phút, trong khi đó Realme 2 Pro với viên pin nhỏ hơn lại cần tới gần 2 tiếng để đầy pin!
Vậy Realme 3 Pro có đáng mua hay không?
Là một người sử dụng Realme 2 Pro, mình phải thừa nhận Realme 3 Pro là một phiên bản nâng cấp lớn, lại gồm toàn những chi tiết 'sửa sai' thiết yếu cho phiên bản trước, nên trở thành một chiếc smartphone hoàn thiện và đáng mua. Đây cũng trở thành câu trả lời thích đáng hơn của Realme với chiếc Note 7 Pro đến từ Xiaomi.
Nhưng như thường lệ, ta vẫn phải liệt kê những điểm yếu của máy để hãng tiếp tục sửa chữa trong những phiên bản tiếp theo, bao gồm vỏ ngoài hoàn thiện bằng nhựa, cổng sạc micro USB loại cũ và trên hết là giao diện còn quá nhiều thứ cần phải cải thiện.
Ưu điểm
- Vỏ ngoài được thiết kế lại
- Tấm nền màn hình chất lượng cao hơn rõ rệt
- Có sự nâng cấp về cấu hình
- Giữ lại khe microSD, cổng 3.5mm
- Hệ thống camera có nhiều tính năng mới
- Pin dùng lâu, sạc siêu nhanh VOOC 3.0
- Giá bán tầm trung hợp lý
Nhược điểm
- Màu sắc mặt lưng có thể không hợp với một số khách hàng
- Vẫn hoàn thiện bằng nhựa
- Chưa chuyển sang USB Type-C
- Giao diện còn nhiều khiếm khuyết
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"