Đánh giá tai nghe không dây Huawei Freebuds 3: rất nhiều tính năng thông minh nhưng cần thêm sự khác biệt
Một cặp 'Apple AirPods' dành cho Thế giới smartphone Android?
Apple không phải lúc nào cũng dẫn đầu, nhưng Apple luôn có khả năng tạo xu thế - dù bạn có là iFan hay không thì cũng phải công nhận điều này. Nhờ cặp tai nghe AirPods mà giờ thị trường đã có nhiều hơn những cặp tai nghe không dây hoàn toàn (True-wireless). Nhưng có lẽ chưa sản phẩm nào có thể có được khả năng kết nối 'kỳ diệu' của cặp tai nghe này, nhờ vào hệ thống chip và phần mềm rất tối ưu từ 'Táo'.
Nhưng điều này rất có thể sẽ thay đổi khi Huawei mới đây đã công bố FreeBuds 3, hứa hẹn với người dùng sự thông minh của AirPods và thậm chí còn hơn thế nữa. Lời khẳng định này có bị 'thổi phồng' hay không?
Hộp của sản phẩm này cũng khá đơn giản, được làm bằng bìa cứng cáp. Phiên bản mình có ở đây có màu trắng và ta có thể thấy ngay ở hình ảnh bên ngoài.
Hộp mở bằng cách kéo ra như thế này, ta có thể thấy ngay được logo Huawei màu vàng rất nổi bật.
Ngoài hộp sạc chắc chắn sẽ phải có, thì ta chỉ có thêm một sợi dây sạc USB Type-C mà thôi. Trái ngược hoàn toàn với Apple, phiên bản FreeBuds 3 (cao cấp hơn) lại là earbud (đeo hờ ở bên ngoài, không đi sâu vào tai người dùng) còn bản FreeBuds Lite có giá bán thấp hơn lại là Inear. Chính vì vậy trong hộp sản phẩm chúng ta đánh giá ngày hôm nay không có thêm các bộ đệm tai cao su.
Đây là hộp sạc của FreeBuds 3, cực kỳ tròn trịa, khác biệt với tất cả những hộp sạc tai nghe TWS mình được thử từ trước đến nay. Đã có người so sánh hộp này với một hộp đựng chỉ nha khoa, cũng khá đúng! Tai nghe có thời lượng sử dụng khoảng 4 tiếng, có thể dùng chung với hộp để nâng lên 20 tiếng.
Cổng sạc USB Type-C được đặt ở dưới đáy cùng một đèn để báo hiệu tình trạng pin. Để kết nối với smartphone thì ta sẽ bật Bluetooth bằng cách sử dụng với một nút nhấn ở bên hông.
Với những smartphone Huawei, ta cũng có một bảng thông báo kết nối nhanh với FreeBuds khá giống với những cặp Apple AirPods. Nhưng quá trình này sử dụng trên thực tế không 'kỳ diệu' như những gì Apple làm: vẫn phải nhấn nút kích hoạt trên hộp, bật Bluetooth trên smartphone chứ không đặt-cạnh-nhau-là-nhận.
Điểm hay của hộp sạc này đó là được tích hợp sạc không dây chuẩn Qi. Loại sạc này khá là chậm, chỉ 2W so với 6W của sạc có dây nên thời gian sạc sẽ lâu hơn khá nhiều. Nhưng mình sử dụng nó chỉ cho những lúc cần kíp ngoài đường, không tìm thấy ổ cắm thôi chứ về nhà thì vẫn sử dụng dây.
Và đây là FreeBuds 3, Huawei nói rằng họ lấy cảm hứng từ khoang thanh âm của cá heo để tạo nên hình dáng như thế này: một cặp tai nghe Earbud đeo dạng hở, có một phần 'đuôi' rất dài đặt dọc thân tai người nghe.
Nhìn từ xa có lẽ nhiều người sẽ tưởng bạn đeo tai nghe của hãng A
Huawei rất thông minh khi sao chép một điều Apple đã làm rất tốt: tích hợp một chip xử lý do mình tự làm mang tên Kirin A1. Nhờ có chip này mà FreeBuds 3 kết nối chắc chắn với smartphone, sử dụng được độc lập mỗi bên (và kết nối lại cực kỳ nhanh khi lấy bên kia ra khỏi hộp), độ trễ thấp nên xem được phim và tự động ngắt nhạc khi lấy ra khỏi tai. Ta cũng có thêm microphone dạng 'rung động xương' được đặt ở bên trong tai nghe để tránh tiếng ồn, một công nghệ khá hay nhưng lại ít được sử dụng.
Chip này cũng được sử dụng để thêm chống ồn chủ động (ANC) cho FreeBuds 3, nhưng khó coi đây là một ưu điểm. Chống ồn chủ động chỉ hoạt động một cách hoàn hảo khi bản thân cặp tai nghe đã có thể chống ồn thụ động ở mức tốt, chính vì vậy các hãng chỉ áp dụng nó vào 2 thiết kế là Inear (như WF-1000xm3 và AirPods Pro) và trùm đầu Over-ear.
Đây là lý do tại sao chống ồn chủ động trên FreeBuds 3 với cách đeo hở trở nên yếu hơn hẳn so với các đối thủ. Khi được kích hoạt (bằng cách nhấn vào mặt cảm ứng bên ngoài tai), ANC của FreeBuds 3 có thể 'làm dịu' được một số âm thanh chói gắt như còi xe nhưng gần như không có tác dụng với người nói khi mình vẫn có thể nói chuyện với người khác khi đeo tai nghe, bật nhạc. Để không bị xao nhãng và có chất lượng âm thanh tốt nhất, mình chỉ sử dụng FreeBuds 3 trong nhà hoặc những nơi yên tĩnh.
Kiểu dáng Earbud cũng thường có một số nhược điểm nhất định về chất lượng âm thanh, đặc biệt là trong việc tái tạo âm trầm (thường bị 'hụt hơi' trước khi tới được tai người nghe). Với FreeBuds 3, Huawei cũng đã hiểu được điều này nên tăng lượng trầm ở ngay màng loa, và theo quảng cáo thì còn có "thêm một đường tiếng riêng cho dải trầm".
Nhờ những thay đổi này mà FreeBuds 3 có lượng trống dày hơn những Earbud mình được thử qua, trong đó có AirPods. Mặc dù có lượng trầm không thể 'chạm' được tới những cặp tai nghe Inear chất lượng cao như WF-1000xm3 hay Noble Falcon, nhưng vẫn đủ để làm chất âm tổng thể trở nên đậm đà, dày dặn hơn những sản phẩm của Apple.
Mọi thứ có vẻ đi xuống bắt đầu từ dải trung. Giống hệt với AirPods (và thậm chí là AirPods Pro), FreeBuds 3 đặt giọng ca sĩ lùi về phía sau, kèm theo đó là hơi loãng về 2 bên tai thứ không tập chung hẳn tại một điểm giữa đầu của người nghe.
Nhờ nhận được hơi ấm từ dải trầm nên giọng ca sĩ của FreeBuds 3 cũng có đôi phần dày hơn (mặc dù chỉ đôi chút) so với những cặp Earbud khác, song vẫn không bù được vào sự 'mông lung' của dải âm này. Giọng Diana Krall trongIf I take you home tonight thiếu sự chính xác về vị trí, nhiều âm giọng hơn hẳn so với âm hơi nên cũng khá là cứng, mất đi sự tự nhiên.
Âm cao của FreeBuds 3 cũng không khả quan hơn, bị giảm âm lượng (roll-off) từ khá sớm nên tỏ ra 'yếu vế' so với 2 dải âm còn lại. Những âm hi-hat của bài Herman's Habit lùi hẳn về phía sau, yếu hơn hẳn khi đặt cạnh các nhạc cụ khác. Nếu đánh giá một cách khắt khe, mình thậm chí còn nói rằng cặp tai nghe này không có âm cao, mà chỉ dừng lại ở đoạn trung cao (high-mid) với một đoạn tăng âm lượng (peak) nhỏ mà thôi!
Cần thêm sự khác biệt
Huawei không phải là một hãng lười thiết kế, khi những sản phẩm của hãng mình được thử trong thời gian gần đây là Mate 30 Pro, bộ đôi đồng hồ Watch GT 2 đều có những điểm nổi bật về vẻ ngoài.
Điều này lại không đúng với cặp FreeBuds 3 chúng ta có ngày hôm nay, mặc dù được tích hợp nhiều tính năng, có cơ hội để trở thành một cặp tai nghe đáng mua nhưng có vẻ đã 'tự dẫm vào chân mình' khi sử dụng thiết kế Earbud đã cũ để giống với AirPods. Hãng đã có thể làm ra một cặp tai nghe khác biệt hoàn toàn, một sản phẩm của Huawei, một sản phẩm có chất riêng!
Nếu như tìm một cặp tai nghe 'thông minh', một cặp 'AirPods của Thế giới Android' thì chắc chắn FreeBuds 3 sẽ là ứng cử viên đứng đầu với danh sách rất dài những tính năng phụ trợ. Song mình không đánh giá cao cặp tai nghe này về thiết kế, chống ồn (cả thụ động lẫn chủ động) và chất lượng tái tạo âm thanh.
Ưu điểm
- Hộp sạc nhỏ gọn, có sạc không dây chuẩn Qi
- Kết nối chắc chắn với smartphone, độ trễ thấp, sử dụng được độc lập
- Chống nước chuẩn IPX4
- Có điều khiển nhạc bằng cảm ứng
- Lượng trầm nhiều với thiết kế Earbud
Nhược điểm
- Thiết kế mượn từ 'Táo'
- Chống ồn thụ động và chủ động chỉ hiệu quả trong điều kiện độ ồn vừa phải, không thích hợp khi nghe trên đường phố đông đúc.
- Kết nối nhanh chỉ sử dụng được với smartphone Huawei
- Chất lượng âm thanh bình thường
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming